- Việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong sẽ đảo ngược quá trình kiến tạo và sẽ khiến ĐBSCL biến mất khỏi bản đồ chỉ trong 100 năm nữa.
Đầu tháng 9 vừa qua, Quốc hội Lào đã chính thức phê chuẩn kế hoạch xây dựng thủy điện Don Sahong. Sau Xayaburi được khởi công vào năm 2012, Don Sahong là công trình thủy điện thứ 2 của Lào được phê duyệt trên sông Mekong.
Đồng bằng châu thổ trù phú nhất Việt Nam có thể sẽ biến mất trong vòng 100 năm tới. |
Với Don Sahong, lo lắng của các chuyên gia về việc đập Xayaburi sẽ mở màn cho việc xây dựng hàng loạt các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong đang trở thành hiện thực. Có tới 11 công trình thủy điện khác dự kiến sẽ được xây dựng trên sông Mekong trong khoảng 10 năm tới.
Điều này sẽ là một hiểm họa thực sự đối với cộng đồng cư dân cũng như hệ sinh thái ở khu vực hạ lưu con sông này, theo các nhà khoa học.
Theo Báo cáo Đánh giá chiến lược của thủy điện dòng chính sông Mekong do Trung tâm quốc tế Quản lý môi trường (ICEM) công bố cuối năm 2010, việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong sẽ thay đổi dòng chảy, phá vỡ tính nhất thể của hệ sinh thái, gây thiệt hại cho nghề cá và ảnh hưởng tiêu cực đến các cộng đồng ở hạ lưu.
“Các dự án dòng chính dễ có khả năng gây hủy hoại môi trường nghiêm trọng và không thể phục hồi, những tổn thất về sức khỏe và năng suất dài hạn của các hệ tự nhiên và các tổn thất về đa dạng sinh vật và tính nhất thể sinh thái”, báo cáo viết.
Những con số được báo cáo đưa ra là rất “đáng quan ngại”:
Với tất cả 12 con đập dòng chính hạ lưu Sông Mekong, thì tải lượng trầm tích sẽ lại giảm một nửa – tức là tại Kratie, tải lượng trầm tích chỉ còn 25% tải lượng dòng (~42 triệu tấn/năm).
20% các diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng sẽ mất đi vĩnh viễn do ngập nước hoặc phát quang. Tuy việc sử dụng và năng suất của 80% còn lại của các công trình thủy lợi sẽ chịu tác động của mức độ phức tạp gia tăng trong quản lý và hiệu quả thực hiện hệ thống.
Nếu 11 con đập dòng chính được xây dựng, thì tổng tổn thất nguồn lợi thủy sản sẽ là 550 – 880 ngàn tấn hay 26–42% so với đường cơ bản năm 2000.
106.942 người sẽ phải chịu tác động trực tiếp từ 12 dự án dòng chính hạ lưu sông Mekong vì mất nhà cửa, đất đai và buộc phải tái định cư ở nơi khác. Hơn 2 triệu người ở 47 huyện sống trong các vùng hồ chứa và các địa điểm xây đập được đề xuất và sống ngay phía hạ lưu của 11 dự án dòng chính hạ lưu sông Mekong, sẽ chịu rủi ro lớn nhất của các tác động gián tiếp từ các dự án dòng chính hạ lưu sông Mekong.
Tuy nhiên, nguy cơ từ 12 con đập thủy điện đối với khu vực hạ lưu sông Mekong không chỉ có vậy. Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, nếu như tất cả các con đập được xây dựng thì “trăm năm nữa là ĐBSCL sẽ biến mất khỏi bản đồ”.
“ĐBSCL được kiến tạo bởi phù sa sông Mekong và hãy còn rất trẻ. Các con đập thủy điện nếu được xây dựng sẽ giữ lại lượng phù sa bồi đắp nên đồng bằng khiến quá trình kiến tạo này bị đảo ngược và ĐBSCL sẽ tan rã”, ông Thiện nói. "Đó là chưa tính tới tác động của biến đổi khí hậu"
Hiểm cảnh của ĐBSCL
Nếu tác động của 12 con đập thủy điện vẫn ở thì tương lai thì nguy cơ sạt lở bờ sông, ven biển cũng như tình trạng xâm nhập mặn trên thực tế đang đẩy ĐBSCL vào “hiểm cảnh”.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái ĐBSCL. Ảnh: Lê Văn. |
Lưu lượng dòng chảy các con sông giảm do các đập thủy điện đã xây dựng, mực nước biển dâng cao đang khiến “giặc mặn” tấn công và làm đảo lộn cuộc sống của người dân ĐBSCL. Tại nhiều nơi như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long đang bị xâm nhập mặn vào nội địa trên 70km, và có chiều hướng tăng nhanh. Người dân đang phải “chạy mặn từng bữa”.
Theo một nghiên cứu của Cục Quản lý Tài nguyên nước, trong 50 năm tới, diện tích đất bị xâm nhập mặn lớn hơn 4‰ có thể chiếm tới 47% diện tích toàn ĐBSCL. Diện tích chịu ảnh hưởng của độ mặn lớn hơn 1‰ chiếm 64% tích tự nhiên của đồng bằng này.
Cùng với đó, việc mất đất do sạt lở bờ sông, ven biển đang diễn ra với tốc độ và quy mô chưa từng có. Theo một báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) thì có đến 256 điểm sạt lở nghiêm trọng dọc ven biển các tỉnh ĐBSCL đã được ghi nhận. Biển ngoạm vào bờ vài chục mét trên tổng chiều dài 450 km, nuốt đi hàng ngàn hecta đất mỗi năm. Riêng Cà Mau đã mất đến khoảng 927 ha/năm do sạt lở ven biển.
Trong khi đó, việc khai thác cát và trầm tích vẫn diễn ra một cách quá mức, vượt quá khả năng tự phục hồi của hệ sinh thái.
“Các mỏ cát hiện khai thác từ 28 triệu m3 đến 35 triệu m3 mỗi năm. Dự báo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có thể cần đến 1 tỷ m3 cát để phục vụ nhu cầu xây dựng, phát triển đến năm 2020”, báo cáo viết.
Chúng ta đang khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Có ngắn, cắn dài, cắn cả vào ngón tay mình chẳng phải là chuyện lạ ngày nay. Tuy nhiên, cắn vào đất, cát trong trường hợp này có thể đem lại hậu quả không thể khắc phục được và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của không dưới 1 triệu người, TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm tư vấn Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích ứng biến đổi khí hậu, nói.
Với 18 triệu dân, chiếm tới 90% sản lượng lúa gạo, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu, những nguy cơ mà ĐBSCL đang đối mặt có thể ảnh hưởng an ninh lương thực cũng như kinh tế - xã hội của Việt Nam. “Hãy thử hình dung một bản đồ Việt Nam không có ĐBSCL sẽ như thế nào?”, ông Thiện đặt câu hỏi.
Lê Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét