Chuyện bản dịch
bài thơ Nam Quốc Sơn Hà
(Tùy bút của Hoàng Đằng)
Thời gian này, ở nước ta, trên các phương tiện thông
tin đại chúng, dư luận ồn ào về việc thay đổi bản dịch bài thơ Nam Quốc Sơn Hà
– tương truyền là của Lý Thường Kiệt - trong sách Giáo Khoa Ngữ Văn lớp 7.
Người viết bài này đọc báo, xem TV tìm hiểu xem sự
thật như thế nào; bây giờ xin chia xẻ với bạn đọc những gì mình biết.
Bài thơ Nam quốc Sơn Hà bằng âm Hán Việt như sau:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư.
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Dịch
nghĩa: Sông núi nước Nam vua Nam ở; trong
sách của Trời, phần chia đã dứt khoát rõ
ràng không thay đổi được. Bọn khốn nạn ngang ngược đến xâm phạm là cớ sao? Bọn
bây sẽ nhận lấy thất bại tan tành cho mà
coi.
Xưa nay, bản dịch sau đây của cụ Trần Trọng Kim (1883
– 1953) được dùng và quen với độc giả:
Sông núi nước Nam vua Nam ở.
Rành rành định phận ở sách Trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Bây giờ, Ban Biên Soạn Sách Giáo Khoa Ngữ Văn lớp 7
đưa vào, để học sinh học, bản dịch của cụ Lê Thước (1891 – 1975) và cụ Nam Trân
(1907 – 1967):
Sông núi nước Nam vua Nam ở.
Vằng vặc sách trời chia xứ sở.
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.
Dư luận xôn xao, thắc mắc. Tổng chủ biên sách Giáo Khoa Ngữ Văn lớp 7 lý giải về
việc chọn bản dịch của hai cụ Lê Thước và Nam Trân như sau:
"Cho đến
giờ, không có bản dịch nào toàn bích. Trong sách giáo khoa, ngoài bản của
Lê Thước - Nam Trân, còn đưa thêm hai bản (?): một bản dịch kèm nguyên bản ở
bức sơn mài trong Viện Bảo tàng Lịch sử (?), một bản của dịch giả Ngô Linh Ngọc
(1922 – 2004) để học sinh có sự tham khảo, so sánh. Chia ra bản chính và bản
đọc thêm, nhưng vai trò thì không khác nhau. Trong giảng dạy, giáo viên có thể
linh động để tùy chọn …
Trong dịch thuật, tín,
đạt, nhã là ba yếu tố quan trọng. Nhất là tín, nghĩa là phải giữ lại tinh thần nguyên bản của bài thơ.
Trong bản
chữ Hán bài thơ Nam quốc sơn hà có một chữ rất "gay
cấn" người dịch phải cực kỳ cân nhắc, đó là chữ định phận. Định
phận ở đây là phân định ranh giới, là địa phận quốc gia. Nếu dùng theo
bản dịch phổ biến thì rất dễ hiểu nhầm thành số phận đã định. Như
vậy không hay. Bản dịch của Lê Thước + Nam Trân: "Vằng vặc sách trời chia
xứ sở" là hoàn toàn phù hợp với định phận trong bản chữ Hán.
Ngoài ra, trong nguyên tác còn có chữ đế mà nhiều dịch giả
chuyển thành vua (vương) thì không hay. Bản dịch của Lê Thước + Nam
Trân trong sách giáo khoa cũng là vua Nam, nên Hội Đồng Biên
Soạn đã thêm bản của Ngô Linh Ngọc vào ở phần đọc thêm. Bản dịch của Ngô Linh
Ngọc giữ lại được chữ đế trong câu đầu tiên: “Đất nước
Đại Nam, Nam đế ngự”.
"Giữ
được chữ đế là khẳng định nước ta có chủ quyền, một nước độc
lập, sánh ngang hàng với những nước khác. Thành thử, lâu nay những bản dịch
chữ đế thành vua (vương) đều chưa chuẩn"
Nhiều người băn khoăn bản dịch của Lê Thước - Nam Trân toàn vần
trắc, khiến khó nghe, khó đọc. Xưa nay, nhiều người học quen với sự êm ái của
vần bằng; nhưng những nhà dịch thuật dùng vần trắc cũng phải có lý do. Trong
dịch thơ, dịch ra vần bằng bao giờ cũng dễ hơn ra vần trắc. Hai cụ Lê
Thước + Nam Trân là những dịch giả văn học rất giỏi, dùng toàn vần trắc, khi
dịch, hẳn phải suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều. Bởi vì khi nào cần đến sự quyết tâm,
sự đấu tranh thì nên dùng vần trắc; như thế biểu đạt tình cảm hiệu quả hơn, phù
hợp hơn". Bản dịch của Lê Thước + Nam Trân in trong Thơ văn Lý -
Trần (trang 322, Tập 1, xuất bản năm 1977) thì câu đầu tiên là “Núi sông Nam
Việt, vua Nam ở”. Khi đưa vào trong sách giáo khoa được Hội Đồng Biên Soạn
nhất trí sửa thành “Sông núi nước Nam, vua Nam ở”, bởi
"nước ta chưa bao giờ có quốc hiệu Nam Việt". "Nguyên tắc biên soạn sách giáo khoa ở nước
ta cũng như nước ngoài, cho phép người biên soạn có quyền sửa chữa cho phù hợp
nội dung. Vì có sự sửa chữa nên mới có một chữ “theo” dưới
phần nguồn gốc bản dịch thơ là “Theo
Lê Thước - Nam Trân dịch trong Thơ văn Lý Trần, Tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà
Nội 1977”. Điều này được cả Hội Đồng Biên Soạn thông qua". Giáo sư Nguyễn
Khắc Phi cho rằng "nếu dùng bản cũ phổ biến, phải sửa lại từ định
phận và chữ vua thành chữ đế thì mới tốt.
Điều này thuộc về nguyên tắc".
Trong
những lý giải của GS Nguyễn Khắc Phi, phần nguyên tắc tôn trọng văn bản khi sử
dụng, đã được Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn,
Viện Nghiên Cứu Hán - Nôm “sửa lưng”. Theo TS Phạm Văn Tuấn, sách giáo khoa
trích dẫn câu đầu tiên khác với nguyên bản dịch thơ của Lê Thước + Nam Trân
trong cuốn Thơ văn Lý Trần,
thì Hội Đồng Biên Soạn nên dùng từ Dựa vào bản Thơ văn Lý Trần... và
có chỉnh sửa hoặc ghi rõ Chỉnh sửa theo bản..., còn nếu ghi là Theo Lê Thước - Nam
Trân dịch trong Thơ văn Lý - Trần, Tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1977,
như thế mặc định đã trích dẫn nguyên bản của phần dịch ấy. "Nhóm làm
sách đã làm sai, làm không đúng thao tác"
Nhà giáo Huỳnh Trung Vũ cũng đưa ra ý kiến phản bác
lý giải của GS Nguyễn Khắc Phi về một số điểm như sau :
- Giáo sư Nguyễn
Khắc Phi, Tổng chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn 7, Tập 1, cho rằng từ “định phận” không hay, rất dễ hiểu
nhầm thành số phận đã định; trong khi “Rành
rành định phận tại sách trời” là một câu thơ rất rõ, nghiêm túc, khẳng định
một thực tế là nước ta đã được cắm mốc xác định lãnh thổ, không tham lam
của người và cũng không chấp nhận ngoại bang xâm chiếm; điều này là hiển nhiên,
đã được “Trời”- bậc cao nhất cai quản cả thiên đình và địa giới theo cách nghĩ
của người xưa “cấp sổ đỏ”!
- Giáo sư
(Nguyễn Khắc Phi) biện minh rằng chữ “vằng
vặc” là chính xác,.. Xin bàn về nghĩa của từ này: trong tiếng Việt, người
ta nói “ánh trăng vằng vặc”, là ánh trăng sáng, soi rõ mọi vật; còn nói “sách
trời vằng vặc” là không phải tiếng Việt. Nếu chấp nhận cách hiểu “vằng vặc” là
một tính từ bình thường có nghĩa là “rành rành” “rất rõ ràng”, “không thể chối
cãi” thì, từ nay trở đi, sẽ không ai ngạc nhiên khi đọc, trong bài phát biểu
của một chính khách, “chủ quyền biển đảo của chúng ta là một thực tế vằng vặc”
hay cái “ý đồ của các thế lực thù địch quá vằng vặc!”; thầy cô sẽ ghi sổ liên
lạc cho học sinh: “Tiến bộ vằng vặc”; hay chủ nợ viết cho con nợ: “Nợ vằng vặc
có giấy tờ hẳn hoi nhá…”!
- Từ “tơi bời”, ở cuối bản dịch (cũ) quá đủ
nghĩa rồi: Chúng bây xâm phạm đất đai tổ tiên của ta thì ta đánh cho “tơi bời”
không kịp cuốn cờ, không còn manh giáp. Sao lại phải đổi thành “tan vỡ”! Ngữ
cảnh này sử dụng “tan vỡ” không phù hợp. Từ này hàm chút “tiếc nuối” một cái gì
đó đã không còn nguyên vẹn, do một sự cố nào đó: cuộc tình “tan vỡ”, chiếc cốc
rơi xuống đất, “tan vỡ”… Chứ đâu ai nói “bọn trộm chó đã bị dân làng đánh tan
vỡ”!
- Bây giờ
nói đến dịch, giáo sư Nguyễn Khắc Phi cho rằng phải đảm bảo “đạt, nhã, tín” trong dịch thuật. “Tín” là phải tôn trọng văn bản gốc, thế
mà giáo sư cho rằng phải dùng vần trắc (trong khi bản gốc dùng vần bằng), vì
“khi nào cần đến sự quyết tâm, sự đấu tranh thì nên dùng vần trắc; như thế biểu
đạt tình cảm hiệu quả hơn, phù hợp hơn”.
-“Đạt” là mạch lạc, dễ hiểu, “nhã” là êm tai, có tính thẩm mỹ. Nhưng,
như đã phân tích ở trên, tiếng Việt trong bản dịch mới là “lạ”, vần thơ lại
“trúc trắc” khó đọc, kiểu hơi khiên cưỡng; như vậy, 2 tiêu chí này cũng khó đạt
tới.
Ngoài những ý kiến phản bác của TS Phạm Văn Tuấn và nhà giáo
Huỳnh Trung Vũ, người viết bài này xin có ý kiến thêm. GS Nguyễn Khắc Phi cho
rằng sách giáo khoa xếp bản chính và bản đọc thêm, nhưng vai trò không khác
nhau; đó là cách nói “lấy được”; dùng từ “vua”
để dịch từ “đế” không nói hết nghĩa.
Đúng là từ “đế” cao hơn từ “vương”, nhưng các từ điển Hán – Việt đều
dịch “đế” và “vương” ra tiếng Việt là “vua”
(Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu); bản dịch
dùng từ “vua” để dịch từ “đế” là hợp tình hợp lý thôi vì trong
tiếng Việt không có từ nào tương đương với từ đế! Dùng từ vua lại còn dễ
hiểu hơn bê nguyên xi từ “đế” vào; hơn nữa, nếu viết “Sông núi nước Nam, ĐẾ Nam
ở” thì sai luật bằng trắc của câu thơ; từ “định
phận” (“định”: sắp xếp dứt khoát, “phận” là phần – phần đất) là phần đất đã
được sắp xếp chia dứt khoát rồi, từ “định phận” đã Việt hóa, không có chi khó
hiểu! Còn sử dụng vần trắc để mạnh ý bài thơ thì nguyên bản Hán văn sử dụng vần
bằng: “cư”, “thư”, “hư” mà vẫn mạnh mẽ, hào hùng, thì sao?
Trong đợt thăm dò dư luận do Vnexpress tổ chức, tính
đến ngày 14/11/2015, có 1335 phiếu cho ý kiến thì trong đó, 1,306 phiếu thích
bản dịch của cụ Trần Trọng Kim (chiếm 98%), chỉ có 29 phiếu thích bản dịch của
cụ Lê Thước + cụ Nam Trân (chiếm 2%).
Những vị trong ban biên soạn sách giáo khoa có thừa
kiến thức để biết, giữa bản dịch của cụ Trần Trọng Kim và bản dịch của cụ Lê
Thước + cụ Nam Trân, bản dịch nào “đạt” hơn. Tuy nhiên, họ ngụy biện rồi chọn
bản dịch của cụ Lê Thước + cụ Nam Trân, cớ sao?
Có thể họ bị ám ảnh bởi bệnh “đổi mới” thời thượng,
mà, vì bận tâm đến nhiều chuyện khác, quên mất “đổi mới” là phải chọn cái tốt
hơn, điều tốt hơn để thay cho cái cũ, điều cũ đang dùng. “Mới” hơn “cũ” thì
thay thế, còn “mới” thua “cũ”, xin hãy dùng tạm “cũ” để chờ có sáng kiến, phát
minh.
Chưa thỏa mãn, người viết bài này muốn tìm thêm nguyên
cớ .
Cụ Trần Trọng Kim từng làm
thủ tướng chính phủ thân Nhật dưới triều vua Bảo Đại. Sau khi Việt Minh giành được chính quyền, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ lưu vong ra nước ngoài ở Quảng Châu và Hồng Kông (Trung Quốc); ngày 6 tháng 2 năm 1947, cụ trở về Sài Gòn. Năm 1948, cụ qua Phnom Penh sống. Sau đó, cụ trở về Việt Nam sống thầm lặng và mất
tại Đà Lạt vào ngày 02 tháng 12 năm 1953, thọ 71 tuổi. Như vậy, xét về nhân thân, cụ Trần Trọng
Kim không phải là người của “phe ta”.
Còn cụ Lê Thước, sau Cách mạng tháng Tám (1945), tham gia Hội Đồng
Cố Vấn Giáo Dục. Tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến
toàn quốc bùng nổ, cụ được cử làm Chủ Tịch Uỷ Ban Tăng Gia Sản Xuất tỉnh Thanh Hóa.
Trong năm đó, con trai cả của cụ là Lê Thiệu Huy hy sinh ở Thakkhet (Lào). Năm 1950, cụ được bầu vào Ủy
Ban Trung Ương Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam. Tháng 3 năm 1951, cụ được bầu vào Ban
Chấp Hành Uỷ Ban Mặt Trận Liên-Việt toàn quốc. Sau năm 1954, cụ làm cán bộ phiên
dịch, hiệu đính, chú thích, giới thiệu các tác phẩm Hán-Nôm chọn lọc ở bậc
trung học và đại học tại Nha Giáo Dục Phổ Thông, sau chuyển sang Ban Tu Thư
thuộc Bộ Giáo dục (Hà Nội). Tháng 2 năm 1957, cụ sang làm trong
Ban Phụ Trách Ngành Bảo Tồn Bảo Tàng thuộc Bộ Văn Hóa, góp phần quan trọng
trong việc phát hiện, sưu tầm hiện vật, và xây dựng Thư viện Hán - Nôm. Đến tháng 6 năm 1963, cụ về nghỉ hưu ở
tuổi 72 tuổi.
Đồng dịch giả bản được chọn trong sách
giáo khoa Ngữ Văn lớp 7 là cụ Nguyễn Học Sỹ, bút hiệu là Nam Trân, sau Cách mạng tháng Tám, tham gia kháng chiến, công
tác ở Ủy Ban Kháng
Chiến - Hành Chính huyện
Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), Ủy Ban Kháng Chiến - Hành Chính tỉnh Quảng Nam, rồi
làm chánh văn phòng Ủy Ban Kháng Chiến - Hành Chánh liên khu V. Năm 1954, cụ
tập kết ra Bắc, công tác ở Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn Việt Nam. Cụ là hội viên sáng
lập Hội Nhà Văn Việt Nam. Năm 1959, cụ công tác tại Viện Văn Học, chuyên về dịch thuật. Cụ cũng là một
trong những cán bộ giảng dạy lớp đại học Hán - Nôm đầu tiên ở miền Bắc, do Ủy ban Khoa
học xã hội Việt Nam tổ
chức.
Như vậy, hai cụ Lê Thước và Nam Trân là người của “phe
ta”.
Thành thử, việc chọn bản dịch của hai cụ là việc đương
nhiên.
“Ta về, ta tắm ao ta,
Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn.”
Điều này thể hiện rõ hơn khi bản dịch của cụ Trần
Trọng Kim thậm chí còn không được sử dụng ở phần đọc thêm mà ở phần đọc thêm chỉ
sử dụng bản dịch của cụ Ngô Linh Ngọc:
Đất nước Đại Nam, Nam đế cư.
Sách Trời định phận rõ non sông.
Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm.
Bây hãy chờ coi, chuốc bại vong.
Việc chọn lựa chắc do sáng kiến và quyết định “biết
điều” của ban Biên Soạn Sách Giáo Khoa Ngữ Văn, chứ không phải do lệnh của cấp
trên. Chứng cớ là ngày 16/11/2015, tại nghị trường Quốc Hội, đại biểu Lê Văn
Lai (Quảng Nam) nêu chất vấn về việc tại sao thay bản dịch cũ bài “Nam quốc sơn
hà” (được coi là tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc) bằng bản dịch mới
trong khi bản dịch cũ “đã tồn tại bao đời nay, có chỗ đứng vững chắc trong lòng
nhân dân”, bộ trưởng Giáo Dục & Đào
Tạo Phạm Vũ Luận cho biết quan điểm cá nhân của ông là nếu không cần thiết và
không có hiệu quả cao thì không thay thế bản dịch.
Kết thúc bài, người viết xin gởi đi niềm mong ước là
ban biên soạn sách giáo khoa cũng như các vị thẩm quyền biết nghe tâm tư nguyện
vọng của dân, đứng trước một vấn đề chưa hợp lòng dân, đừng ngụy biện “lấy
được”, biết nhìn nhận sự thật, bỏ tính hẹp hòi và biết trân quý cái gì hay, cái
gì đẹp của toàn dân bất kể chính kiến, tôn giáo, sắc tộc, địa phương, cảm tính
… để khỏi lãng phí nguồn lực quốc gia./.
21/11/2015
(10/10/Ất Mùi).
(havu.blogspot.com)
(havu.blogspot.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét