SKĐS - Sợ bóng tối là một hiện tượng tâm lý
xuất hiện ở cả trẻ em lẫn người lớn. Chứng sợ bóng tối được gọi tên bằng
nhiều thuật ngữ khác nhau, nhưng thông dụng nhất vẫn là “Nyctophobia”,
được ghép từ hai từ “Nyctus” và “Phobos” trong tiếng Hy Lạp: “Nyctus”
nghĩa là bóng tối hoặc bóng đêm, còn “Phobos” nghĩa là nỗi sợ.
Trẻ nhỏ thường sợ bóng tối mà không rõ lý do, bởi bộ
não non nớt của các bé có xu hướng tưởng tượng ra những hình ảnh đáng sợ
nhằm giải thích cho việc điều gì có thể xảy đến một khi người lớn tắt
đèn và mọi thứ đều tối om. Tuy vậy, nỗi sợ bóng tối cũng phổ biến ở
người lớn. Ở mức độ nghiêm trọng, chứng sợ bóng tối có thể gây ảnh hưởng
tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của chủ thể, khiến cho người này
thường xuyên sống trong tình trạng lo âu, trầm cảm hoặc căng thẳng suốt
phần lớn thời gian trong ngày. Những người sợ bóng tối thường ngại ra
đường khi trời tối và không thích ngủ một mình, gây ảnh hưởng lên cả
sinh hoạt hàng ngày của những thành viên khác trong gia đình.Nguyên nhân của chứng sợ bóng tối
Theo các lý thuyết về tiến hóa, sợ bóng tối đã từng là một chiến thuật cần thiết giúp con người tồn tại trong tự nhiên vào thời xa xưa. Tổ tiên của loài người luôn phải sống trong tình trạng có thể bị tấn công bất kỳ lúc nào bởi các loài động vật săn mồi sống về đêm, nên từ đó con người hình thành một sự nhạy cảm đặc biệt đối với bóng tối.
Ở khía cạnh tích cực, nỗi sợ bóng tối giúp trẻ em được an toàn vào ban đêm, làm cho các bé có ý thức không đi ra ngoài vào những khoảng thời gian trời tối tăm. Tuy vậy, trẻ sẽ mất nhiều năm để nhận ra rằng bóng tối tuy nguy hiểm nhưng nó không nhất thiết đáng sợ.
Vào thời hiện đại, các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng chứng sợ bóng tối của con người thường bắt nguồn từ những trải nghiệm không vui hoặc có tính chất gây chấn thương tâm lý trong quá khứ của họ. Điển hình là nhiều đứa trẻ thường bị người lớn phạt quỳ gối trong bóng tối mỗi khi phạm lỗi. Ngay cả những trò đùa quái ác của anh chị em trong nhà hoặc bạn bè của trẻ liên quan đến hành vi bỏ mặc trẻ xoay xở trong đêm tối cũng có thể khiến đứa bé đó hình thành nỗi sợ bóng tối.
Những bộ phim chứa nhiều hình ảnh hoặc yếu tố bạo lực, kinh dị, ma quỷ, nhiều phân cảnh máu me chặt chém và các hiện tượng siêu nhiên thường xuất hiện ở những nơi tối tăm cũng có tác dụng tiêm nhiễm nỗi sợ bóng tối vào tâm trí của người xem phim, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Những trẻ em từng chứng kiến hoặc là nạn nhân của bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục, tai nạn giao thông và nhiều sự việc đáng sợ khác cũng có thể trở nên dễ bối rối, lo lắng hoặc sợ hãi ở những nơi có sự hiện diện của bóng tối, và nỗi sợ này có thể kéo dài suốt cuộc đời các em. Những người lớn sợ bóng tối vì những sự kiện kinh hoàng trong quá khứ thường có xu hướng hồi tưởng những ký ức đó mỗi khi ở một mình trong bóng đêm hoặc những nơi tối tăm.
Biểu hiện của chứng sợ bóng tối
Trẻ nhỏ dưới tuổi đến trường thường có biểu hiện mút ngón tay hoặc tè dầm mỗi khi đi ngủ vào ban đêm. Các bé này sợ ngủ một mình, thường dính chặt với người lớn và chỉ đi ngủ khi đèn mở. Chứng sợ bóng tối cũng có thể ảnh hưởng đến cả thói quen ăn uống và ngủ nghỉ hàng ngày của trẻ, khiến các em có những biểu hiện như:
- Thở gấp.
- Tim đập nhanh.
- Run rẩy, hay lo sợ.
- Đau ngực, thường xuyên cảm thấy ngạt thở.
- Buồn nôn kèm nhiều triệu chứng bất ổn khác liên quan đến bao tử và ruột.
- La khóc không rõ lý do.
- Khó ăn, kén ăn hoặc ăn quá nhiều.
Bên cạnh những triệu chứng về mặt thể chất như trên, trẻ em sợ bóng tối còn có thể có những biểu hiện bất ổn về mặt tâm lý như:
- Suy nghĩ nhiều về cái chết.
- Có những nỗi sợ vô căn cứ như sợ “ma,” sợ “ông kẹ,” “ông ba bị” hoặc “quái vật trong tủ quần áo” - những nhân vật không có thật mà người lớn thường nêu ra để dọa trẻ và buộc trẻ vâng lời.
- Thường xuyên kiểm tra gầm giường hoặc các ngăn tủ để biết chắc rằng không có “quái vật” hay “ông kẹ” nào trong đó.
- Không dám ngủ một mình, không chịu ra ngoài đường khi trời tối.
- Thích thức khuya, ngủ không ngon giấc.
- Từ chối hoặc trốn tránh những công việc buộc trẻ phải bước vào những không gian tối tăm hoặc thiếu ánh sáng.
Chứng sợ bóng tối có thể tác động nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ, dẫn đến căng thẳng thần kinh. Người lớn thiếu ngủ do sợ bóng tối thường mất tập trung trong công việc, dẫn đến hiệu quả làm việc kém. Những người sợ bóng tối thường mắc phải những triệu chứng tâm lý khác như trầm cảm và lo sợ cả nhiều điều khác, gây giảm sút chất lượng cuộc sống.
Khắc phục chứng sợ bóng tối
Hầu hết người lớn mắc phải chứng sợ bóng tối đều biết rằng nỗi sợ của mình là vô căn cứ, nhưng lại không biết làm thế nào để vượt qua nó. Trong trường hợp này, các chuyên gia tâm lý sẽ ứng dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để giúp bạn xác định được chính xác nguyên nhân hoặc nguồn cơn của nỗi sợ bóng tối, chẳng hạn như thôi miên trị liệu và các kỹ thuật tự lực hoặc tự giúp bản thân (self-help techniques). Với các kỹ thuật tự giúp, người sợ bóng tối được yêu cầu đối diện với chính điều mình đang sợ hãi, viết lại những suy nghĩ hoặc những sự suy diễn vô căn cứ xuất hiện trong đầu mình lúc đó, rồi lần lượt giải thích chúng, chuyển hóa chúng thành những phản ứng lý trí. Thiền định và tư duy tích cực cũng là vài kỹ thuật tự giúp có khả năng giúp chúng ta khắc phục dần chứng sợ bóng tối.
Lập trình ngôn ngữ tư duy (Neuro-linguistic programming – NLP) và các liệu pháp nhận thức hành vi (cognitive behavioral therapy) cũng là vài kỹ thuật khác có hiệu quả trong việc vượt qua nỗi sợ bóng tối. Những kỹ thuật này có tác dụng giúp người sợ bóng tối quản lý các phản ứng của bản thân mỗi khi đối diện với các tác nhân kích thích nỗi sợ, cụ thể trong trường hợp này chính là những không gian tối tăm và thiếu ánh sáng. Chứng sợ bóng tối cũng có thể được gia giảm bằng cách dùng các loại thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần phải có chỉ định của bác sĩ để phòng tránh tác dụng phụ, và đây cũng không phải là giải pháp lâu dài giúp khắc phục chứng sợ bóng tối.
Việc trẻ nhỏ sợ bóng tối ở một độ tuổi nhất định là một hiện tượng bình thường trong quá trình học hỏi và phát triển của trẻ. Nhưng nếu nỗi sợ này kéo dài cho đến khi trưởng thành và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn, cách tốt nhất vẫn là tìm đến sự tham vấn của bác sĩ và chuyên gia tâm lý để có được những giải pháp hiệu quả và lành mạnh nhất nhằm khắc phục nỗi sợ của mình.
PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
((Tổng hợp từ Internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét