Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Khoe nghiên cứu mới: Béo phì ở bệnh nhân thoái hoá khớp

Từ blog GS.Nguyễn văn Tuấn

Định không viết gì về cái nghiên cứu mới công bố, nhưng thấy tập san báo là bài báo được nhiều người đọc, nên tôi muốn có vài dòng "khoe". Số là nhóm chúng tôi ở VN mới công bố một nghiên cứu về béo phì và thoái hoá khớp gối trên Calcified Tissue International (1). Đây cũng là một ví dụ tiêu biểu về cách đặt câu hỏi nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn.


Đối với nhiều bạn mới vào nghiên cứu, tìm được câu hỏi nghiên cứu là rất khó. Tôi từng nói về tiêu chuẩn FINER trước đây, và công trình này là một ví dụ tương đối tiêu biểu. "Câu chuyện" bắt đầu từ quan sát đơn giản: Bệnh nhân bị thoá hoá khớp gối thường có trọng lượng (hoặc tỉ trọng cơ thể -- body mass index) cao hơn người không mắc bệnh đó, hay nói nôm na là "mập" hơn. Đối với người ngoài cuộc hay suy nghĩ đơn giản thì sự việc chỉ dừng ở đó, nhưng đối với người có tư duy nghiên cứu thì có nhiều câu hỏi đặt ra.
Một trong những câu hỏi đó là thành phần nào của trọng lượng làm cho bệnh nhân thoái hoá khớp nặng kí hơn? Nên nhớ rằng trọng lượng của cơ thể chúng ta chủ yếu là do lượng cơ hay nạc (lean mass) và lượng mỡ (fat mass). Dĩ nhiên, còn có gân, xương nữa, nhưng số này không bao nhiêu so với 2 thành phần cơ và mỡ. Do đó, câu hỏi cụ thể hơn là: yếu tố nào, lean hay fat, làm cho bệnh nhân thoái hoá khớp nặng kí hơn người bình thường?
Câu hỏi này nó đáp ứng các tiêu chuẩn FINER (2). Thứ nhất là nó mang tính khả thi, vì chúng tôi có công nghệ đo lường và có thể phân tích lượng mỡ và cơ của một cá nhân rất nhanh. Thứ hai, nó là câu hỏi thú vị, vì trả lời câu hỏi này giúp chúng ta biết nhiều hơn về cơ chế phát sinh bệnh. Thứ ba là nó mới, vì trước đây hầu như chẳng có ai trả lời câu hỏi này, có lẽ lúc đó chưa có công nghệ. Thứ tư, câu hỏi này đáp ứng tiêu chuẩn y đức, vì chúng tôi không làm gì mang tính xâm phạm (do công nghệ mới rất an toàn). Và sau cùng là câu hỏi mang tính liên đới, bởi vì nếu chúng tôi phát hiện bệnh nhân béo phì, có thể khuyên họ có chương trình cá nhân để giảm cân, và nó giúp cho bệnh nhân nên tập trung vào việc can thiệp yếu tố nào để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Thế là chúng tôi đo lượng cơ và mỡ của hơn 600 người, nam và nữ, tuổi trung bình là 55. Chúng tôi dùng công nghệ DXA hiện đại nhất hiện nay. Đồng thời chúng tôi chụp X quang khớp khối, và dùng tiêu chuẩn Kellgren-Lawrence để chẩn đoán thoái hoá khớp gối. Tính chung, có khoảng 1/3 cá nhân bị thoái hoá khớp gối! Nhưng họ không biết vì không có biểu hiện triệu chứng cụ thể. Đúng như kì vọng, bệnh nhân bị thoá hoá khớp gối có cân nặng cao hơn người không bị thoái hoá khớp gối. Nhưng khi phân tích trên DXA scan, chúng tôi phát hiện sự khác biệt trên chủ yếu là do mỡ, chứ không phải lượng cơ. Như vậy, lượng mỡ mới chính là thủ phạm làm cho bệnh nhân thoái hoá khớp gối nặng kí hơn người thường.


Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hoá khớp 


DXA scan để chẩn đoán béo phì 

Trước đây, có nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng bệnh nhân thoái hoá khớp có mật độ xương (BMD) cao hơn người thường. Nhưng trong nghiên cứu này chúng tôi sau khi hiệu chỉnh cho độ tuổi và lượng mỡ thì hai nhóm có mật độ xương như nhau. Như vậy, kết quả này bác bỏ các kết quả trước, và nó khẳng định rằng sự khác biệt về BMD mà mấy nhóm trước đây quan sát chủ yếu là do khác biệt về lượng mỡ mà thôi.
Tôi nghĩ có lẽ do dữ liệu quí và hiếm như thế, nên bài báo được nhiều người quan tâm. Đã có nhiều người từ Âu châu, Mĩ và Á châu gửi email qua ResearchGate xin bản pdf của bài báo. Trên ResearchGate đã có 24 người đọc, dù bài báo chỉ mới công bố 1 tuần gì đó thôi. Số người đọc còn cao hơn những bài mà chúng tôi công bố trước đây ở Úc. Điều này nói lên rằng những công trình "made in Vietnam" nếu được làm tốt từ câu hỏi nghiên cứu đến phương pháp thì sẽ được chào đón nồng nhiệt. (Công trình này xuất phát từ ý tưởng của Bs Lan, người trực tiếp khám bệnh thoái hoá khớp hàng ngày ở 115, nên mới thắc mắc và đặt câu hỏi.) Thật ra, phải nói là những công trình liên quan đến béo phì và mỡ của chúng tôi đều được quan tâm và trích dẫn rất tốt.
Công trình này thực ra là đã 4 tuổi rồi, nhưng dữ liệu thì vẫn còn khai thác. Rất nhiều dữ liệu về lipid, bone markers, và gen vẫn chưa khai thác hết, vì đang chờ câu hỏi tốt. Chúng tôi phải nhân đây nói lời cám ơn tất cả các tình nguyện viên đã tham gia vào công trình nghiên cứu. Không có các tình nguyện viên thì chúng tôi không thể nào làm được nghiên cứu này, và không thể nào có bài báo để lên đây mà "khoe" cùng các bạn. Nói như thế để thành tâm ghi nhận đóng góp về thời gian và thông tin của các tình nguyện viên. Chúng tôi, một lần nữa, chân thành cảm tạ các bạn đã tham gia. Cũng có thể xem đây là thành quả, là "sản phẩm" do chính các tình nguyện viên làm nên, chúng tôi chỉ là những người "rao bán" ý tưởng cho các tập san y khoa quốc tế mà thôi.
Năm nay sắp kết thúc, và chúng tôi có dịp tính sổ đời. Năm nay, tính ra nhóm nghiên cứu đã công bố được 4 bài trên các tập san quốc tế. Riêng tôi thì năm nay đã "ăn ké" được 20 bài, và thế là mấy người quản lí trong Viện Garvan và trường đại học có lí do để mỉm cười. Nhưng quan trọng hơn là nhóm chúng tôi đã khởi động chương trình nghiên cứu VOS mà tôi đã đề cập hôm trước (3). Công trình này còn đang trong giai đoạn thu thập dữ liệu, có lẽ phải 1 năm nữa mới xong. VOS sẽ là công trình lớn nhất trong chuyên ngành ở VN mà chúng tôi muốn để đời. Đối với vài trăm người tham gia VOS thì họ sẽ có toàn bộ hệ gen sẽ được giải mã -- hoàn toàn miễn phí. Tôi xem đó là món quà chúng tôi tặng các bạn ấy. Toàn bộ dữ liệu, sau khi được phép của cơ quan chức năng, sẽ được công bố trên mạng để tất cả các nhà nghiên cứu VN ở bất cứ nơi nào đều có thể sử dụng cho các mục tiêu của họ. Chúng tôi quyết chí làm thực hiện VOS, và lấy đó làm ví dụ về giá trị y khoa và tính minh bạch trong khoa học ở VN.
Nguyễn văn Tuấn
====

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...