Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Sự Cô Đơn Tác Động Lên Não Bộ Như Thế Nào

Sự cô đơn tác động lên não bộ như thế nào
Cuộc sống cô đơn, thiếu vắng giao tiếp để lại những thay đổi trên não bộ, khiến con người trở nên cảnh giác hơn trước những mối đe dọa từ xã hội, cho dù chúng không thực sự hiện diện.
Trống trải và cảm thấy đơn độc giữa cuộc đời, vợ chồng cụ già 95 tuổi người Anh buộc phải gọi tới số khẩn cấp 999 mong tìm được người trò chuyện. Cách đây vài tuần, một cụ ông góa vợ về hưu nối máy tới kênh radio của BBC để trải lòng về nỗi nhớ nhung người vợ quá cố cùng ai đó.
Cụ ông trong hình là nhân vật "người đàn ông trên Mặt Trăng", sống cô đơn và cách biệt hoàn toàn với thế giới loài người, hạnh phúc khi bất ngờ nhận được món quà từ một bé gái ở Trái Đất sau chuỗi ngày quẩn quanh một mình, trong đoạn quảng cáo Giáng sinh của John Lewis chạm tới trái tim nhiều người. Ảnh: Independent 
Những câu chuyện có thật cùng thống kê của tổ chức từ thiện Age UK về hàng triệu người cao tuổi đang trải qua nhiều tháng ròng cô độc, không có ai bầu bạn, khiến vấn đề về nỗi cô đơn càng trở nên nhức nhối. Ảnh: Independent
  
Không chỉ đánh bại con người về cảm xúc, sự cô đơn, theo các nhà khoa học, còn là nguyên nhân gây ra những thay đổi vật lý trong não bộ. Ảnh: Fitlive
Kết luận trên được rút ra từ nghiên cứu công bố hồi tháng 9 trên Tập san Cortex, do vợ chồng Stephanie và John Cacioppo của đại học Chicago, Mỹ, những chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học và khoa học thần kinh về nỗi cô đơn, làm chủ nhiệm. Họ phát hiện não bộ của những người sống tách biệt biểu hiện những khác biệt so với nhóm có giao lưu cộng đồng, Medical Daily cho hay. 
  
Thực tế, người cô đơn thường có xu hướng cảnh giác hơn trước các mối đe dọa và nguy hiểm có thể xảy ra, bắt nguồn từ người không quen biết. Nguyên nhân là não bộ của những đối tượng này trở nên linh động hơn hẳn khi đặt trong các tình huống có giao tiếp xã hội.
Theo Psychology Today, khi cảm thấy bị cô lập với cộng đồng, hệ thần kinh sẽ tự động chuyển sang chế độ "tự vệ", khiến con người dần thu mình, mài mòn cảm xúc, cư xử theo hướng thô lỗ và phòng thủ, ngay cả khi không có mối đe dọa thực sự nào xung quanh. Ảnh: Silver Talkies
  
Các nhà nghiên cứu đi tới kết luận trên bằng cách phân phát những bảng hỏi về cô đơn cho một nhóm 38 người "rất cô đơn" và nhóm còn lại gồm 32 người khác không bị cảm giác đáng sợ này xâm chiếm. Trong nghiên cứu, cô đơn được định nghĩa là cảm giác chủ quan của con người nhận thấy mình bị biệt lập với xung quanh, chứ không phụ thuộc vào số lượng bạn bè và bà con thân thiết của mỗi người.
Người tham gia được gắn các điện cực trên đầu để đo sóng não. Bên cạnh đó, các nhà khoa học tiến hành kiểm tra có tên Stroop Test, sử dụng những từ ngữ như "belong" (thuộc về), "party" (tiệc tùng), "alone" (một mình), "solitary" (cô độc, không bạn bè), "joy" (niềm vui), "sad" (buồn), gắn nhãn theo từng chủ đề "xã hội/tích cực", "xã hội/tiêu cực", "không thuộc xã hội/tích cực" và "không thuộc xã hội/tiêu cực" để kiểm tra phản ứng khác nhau của hai nhóm tham gia nghiên cứu.
Họ nhận thấy những người cô độc có xu hướng cảnh giác cao với những từ diễn tả sự "tiêu cực mang tính xã hội", trong khi nhóm phản biện thể hiện hoàn toàn giống nhau khi bắt gặp từ ngữ mang nghĩa tiêu cực thuộc xã hội và không phải xã hội. Ảnh: Irish Times
  
Dựa vào kết quả thu được, nhóm nghiên cứu phỏng đoán não bộ của những người cô đơn được rèn luyện phản xạ điều chỉnh trước những mối đe dọa đến từ xã hội nhanh hơn hẳn nhóm được xem là "bình thường". Sự cảnh giác cao độ này, theo các nhà nghiên cứu, có thể bắt nguồn từ trong tiềm thức.
"Mô hình tiến hóa về ảnh hưởng của nhận thức bị tách biệt khỏi cộng đồng (chính là cô đơn) cùng số lượng ngày càng tăng những nghiên cứu về hành vi con người cho thấy, cảm giác cô đơn thúc đẩy quá trình 'tự vệ ngắn hạn', bao gồm cả sự cảnh giác tuyệt đối với những đe dọa tới từ xã hội, trái với với những nguy hiểm không thuộc phạm trù xã hội", các chuyên gia nhận định trong nghiên cứu. Ảnh: Medical Daily
  Dù kiểm tra trong khuôn khổ nghiên cứu được thiết kế theo quy cách nhanh và tức thời, chỉ cho đối tượng một khoảng thời gian ngắn để đưa ra câu trả lời, các nhà nghiên cứu phát hiện ra một điểm đáng chú ý khác.
Đó là nhóm người cô đơn có xu hướng phát hiện những từ biểu đạt sự đe dọa xã hội như "thù địch", và những từ tiêu cực không thuộc về xã hội như "nôn mửa" nhanh hơn hẳn. Bằng chứng này gợi ý rằng họ thường bị cảm giác bất an đeo đuổi, khiến tiềm thức luôn mách bảo phải canh chừng những điều tiêu cực không mong muốn. Ảnh:Animalnewyork
Theo Thu Hiền
vnexpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...