Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

BẢN NGÃ LÀ GÌ?



       Bản ngã, còn gọi là cái TA hay cái Tôi, một tánh nết thật đáng ghét của con người, một tác lực cực mạnh dễ xô ngã con người vào bao khổ đau, tội lỗi và sa vào nghiệp chướng. Cái đau khổ nhất của một người xuất phát không đâu khác mà ngay chính trong Tâm chúng ta. Có những nổi đau về xác thịt không thể bằng được những vết thương lòng phải không nào? Chỉ có điều, ta có đủ can đảm để vượt qua chính bản thân mình để mà đi tới hạnh phúc hay không. Có lẽ để có được hạnh phúc cũng cần phải có sự dũng cảm. Mà chắc chắn là như vậy! Nếu không đủ dũng cảm để vượt qua bản ngã, hay cái Tôi của chính mình, thì ta làm sao có được hạnh phúc.
       Cái TA, hay còn gọi là Bản ngã, rốt cuộc là cái gì chứ? Một cái tượng đài to tướng luôn cho mình là cao nhất, là trung tâm của vũ trụ. Một mớ bầy nhầy những tham ái, dục vọng, kiêu mạn, ích kỷ, nhỏ nhen mà vẫn cho rằng mình thật đẹp đẽ, mỹ miều và cần được vun đắp bằng chính những nhân tố trong nó. Chính vì vậy, bản ngã chi phối toàn bộ suy nghĩ của chính hình hài chứa đựng nó, tức là phần thể xác chúng ta. Khi bạn nhìn vào một cái áo, bạn cảm thấy nó đẹp thì nó là đẹp, bạn thấy nó xấu thì nó là xấu. Vẫn là cái áo đó, bạn thì thấy nó đẹp, song người khác lại thấy nó xấu, bạn yêu quý nhưng người khác lại ghét bỏ nó. Vốn cái áo chỉ là cái áo, còn đẹp hay xấu lại là do mình và mọi người áp đặt lên nó bằng những bản ngã khác nhau. Hợp với ta thì ta thấy yêu thích, không hợp với ta thì ta chán ghét. Vậy nên từ Bản ngã mới nảy sinh sự yêu và ghét, quý trọng và khinh bỉ, thần tượng và ghê tởm… Nhiều người cho đó chính là sự tương đối của mọi vật.
        Ngay cả bản thân bạn cũng vậy thôi. Nhiều lúc bạn đứng trước một người hơn mình về trí tuệ hay sắc đẹp, bạn cảm thấy mình thật nhỏ bé, mình chẳng là gì so với họ. Nhưng khi bạn tiếp xúc với những người mà bạn cho rằng ở mặt nào đó thì họ chẳng bằng mình nên bạn tự cho cái Tôi của mình cao lên. Rồi có những người thì yêu quý bạn, có những người lại không thích bạn. Thế nhưng, bạn vẫn là bạn đó thôi. Dù bạn có hơn kém so với ai, có được mọi người yêu hay ghét thì bản chất thật của bạn vẫn là bạn. Tuy nhiên, vì va chạm vào những hoàn cảnh khác nhau nên ý thức về cái Tôi hay nhận thức của bạn về một sự vật, sự việc nào đó sẽ khác nhau tùy theo bạn đưa cái Tôi của mình lên cao hay thấp, mà đa phần là cao và cho rằng chẳng có gì có thể được phép hạ thấp nó cả. Ngay cả một người ăn mày còn có lòng tự trọng của mình, nói chi đến người được sống đàng hoàng và có tri thức như chúng ta.
        Ai cũng cho rằng cái Tôi của mình càng cao, càng được trọng vọng thì mình càng cảm thấy mãn nguyện, hạnh phúc. Song thực tế, chính những cái bám chấp vào cái Tôi khó gở này là nguyên nhân sâu xa gây nên mọi đau khổ trong cuộc sống. Bạn không ngừng cho rằng cái này là của tôi, cái kia là của tôi, tôi phải được thế này, tôi phải được thế nọ, không ai được phép làm như vậy với tôi. Bạn muốn có thật nhiều tiền để được ăn đồ ngon, mặc áo đẹp, tô vẽ, bồi bổ cho cái thân này và để mọi người nhìn mình với con mắt ngưỡng mộ, tức là khi đó mình hay cái ngã của mình được cao hơn người khác. Bạn muốn có người phải yêu mình hết mực, không cho phép người đó được nghĩ đến một ai khác, cả trái tim và tâm hồn họ phải thuộc về mình. Như vậy là do cái bản ngã quá cao của bạn muốn nó phải được yêu chiều, phải là đặc biệt, độc nhất. Hay trong một cuộc tranh luận, bạn tìm mọi cách để mình dành được chiến thắng với người kia. Sự thắng thế khiến bạn hả hê và cái Tôi kiêu mạn lại được nâng lên một bậc nữa, cao thêm và cao mãi để trở thành cao ngạo….không tài nào sửa đổi, giảm thấp xuống được, ngay đối với người đang trên đường tìm vào cửa TU. Đã vào cửa tu hành mà cũng không ít người dễ gục té vì cái Bản ngã kia. Thật đáng ghê sợ thay!
        Ai cũng từng nghe nói về cái Tôi, cũng như rất ghét ai thể hiện cái Tôi trước mặt mình. Nhưng lại thật là kỳ lạ, con người ghét cái Tôi của người khác mà lại luôn cho phép mình tự do thể hiện cái Tôi của mình trước mặt mọi người. Kỳ lạ thật !
       Như La Rochefoucould nói: “Sở dĩ Cái Tôi (kiêu xấc) của kẻ khác làm cho ta khó chịu là vì nó làm thương tổn đến Cái Tôi (kiêu xấc) của ta”. Có lẽ đây là vấn đề mâu thuẫn và rắc rối nhất của con người.
       Trong triết học, cái Tôi hay Bản ngã là phạm trù phản ánh cái riêng có được của trung tâm tinh thần một con người. Được hiểu là cái tôi ý thức, hay đơn giản là Tôi, bao hàm trong đó những đặc tính để phân biệt tôi với những cá nhân khác.
       Con người ai cũng có bản ngã, từ đó hình thành nên cái tôi. Nó mang tính chất cá nhân, vì vậy mỗi con người là một thế giới. Cái Tôi cũng có hai mặt giống như một tấm huy chương, con người liên đới và sống với nhau cũng thể hiện theo khuynh hướng hai mặt trái và phải. Nên chúng ta phải chịu trách nhiệm về suy nghĩ và hành vi của mình, hay dở, tốt xấu, chứ không phải là chuyện ngẫu nhiên mà có.
       Ngày nay cái Tôi được giải thoát khỏi nhiều ràng buộc do đà tiến của nhân loại, nhất là khuynh hướng tự do về mọi phương diện, cá nhân có điều kiện phát huy đến mức hình thành nên một “chủ nghĩa cá nhân”. Chủ nghĩa này lấy chính mình làm cơ sở, làm gốc để bắt mọi sự tùy thuộc theo như khuôn mẫu của mình, luôn biểu lộ ý chí để chứng tỏ mình, xây dựng quan điểm và kế hoạch của chính mình, chứ không muốn lệ thuộc vào sự suy nghĩ của người khác, kể cả những chân lý nền tảng.
       Nhưng dù thời nào, con người vẫn phải canh chừng cái Tôi, để uốn nắn, điều chỉnh, hướng dẫn nó khỏi đi chệch đường, xây dựng và phát triển một nhân cách trưởng thành. Như quan điểm của Phân Tâm Học, cái Tôi có vai trò trung gian hòa giải giữa những ham muốn vô thức và những tiêu chuẩn nhân cách và xã hội. Dù vậy cái Tôi dễ theo khuynh hướng tự do của bản năng, thích nổi loạn, bất tuân quy luật trật tự của trời đất, tác hại lên đời sống tinh thần, nên con người thường coi cái Tôi là một cái xấu phải tiêu diệt, theo nghĩa của đạo đức con người, chứ không phải nghĩa “bản thể” của triết học.
         Đối với Đông phương, triết học về Bản Ngã, về Cái Tôi của con người hướng tới sự giải thoát bản thân khỏi những ràng buộc của cái Tôi, hoặc chuyển hóa cái Tôi để hạ nó trở thành cái Tôi cao đẹp, đáng quý.
        Trong Ky Tô Giáo, cái Tôi mang nặng tính kiêu ngạo, là gốc của mọi tội lỗi, bất tuân lề luật Thiên Chúa, muốn thống trị người khác, nên nó là một thứ nguy hiểm nhất cho con người. Còn như triết lý nhà Phật, coi cái Tôi là một cái “Ngã” phải tiêu trừ để giải thoát thành “Vô Ngã”, nên “kẻ thù nguy hiểm nhất là chính mình” (kinh Phật). Còn như Khổng giáo thì tập trung vào việc tu thân, hãm dẹp cái Tôi luôn muốn phóng túng, nên phải: “phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (không phải lễ thì đừng nhìn; không phải lễ thì đừng nghe; không phải lễ thì đừng nói; không phải lễ thì đừng làm) – Luận Ngữ. Chữ Lễ của Khổng Tử có nghĩa là sự an hòa trong cái trật tự của quy luật trời đất và giữa con người với nhau.
        Còn trong giáo dục nhân bản, lòng tự trọng và sự tôn trọng người khác, cũng như tôn trọng những quy luật trong đời sống là then chốt của mọi vấn đề, tạo nên nhân phẩm, nhân cách của con người. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn nữa là do chính cái Tôi quá lớn của mỗi người không muốn phục tùng, nên mới nảy sinh nhiều xáo trộn, làm đảo lộn trật tự cuộc sống cho chính họ và với mọi người. Lòng tự trọng được thay bằng tự ái, còn sự tôn trọng biến mất trở thành ngông cuồng, phản kháng và chống đối.
        Trong việc đối nhân xử thế, để thuận hợp và được lòng người (đắc nhân tâm), yếu tố quan trọng hàng đầu là phải dẹp bỏ hoặc hạ bệ cái Tôi của mình xuống thật thấp thì mới có thể hòa hợp được với người khác, mới biết lắng nghe và chấp nhận người khác và học hỏi để tiến bộ cho tốt. Nếu để cái Tôi làm chủ, sẽ sinh ra chuyện mỉa mai, cợt nhả, chỉ trích, cướp lời, tranh khôn, lý sự, đề cao mình, chê bai, thiếu lễ độ, than vãn, trách cứ, bắt bẻ… Đó là những điều tối kỵ trong giao tiếp (thất nhân tâm).
        Nhiều người thất bại trong đời sống, từ giáo dục, lãnh đạo, làm ăn, tổ chức… phần lớn do cái Tôi của người đó làm hại chính họ. Khi cái Tôi làm chủ sẽ  bị người khác bất mãn, bất hợp tác, xa lánh, không ai có thiện chí giúp đỡ, không ai cảm thông, không ai tin tưởng. Những thất bại nối tiếp nhau ở đời nằm trong vấn đề mấu chốt này, trở thành số phận cho một con người. Nếu họ hạ bệ được cái Tôi vĩ đại này, đừng tự xem mình như cái RỐN của vũ trụ thì số phận họ sẽ thay đổi ngay. Một người luôn nói về mình,  đề cao mình, coi thường người khác, chắc chắn người đó sẽ bị ghét bỏ và họ chẳng học điều gì khôn cả. Vì ai dám góp ý cho người đã thấy họ đã quá đầy đủ rồi (tự mãn).
       Vì vậy người ta có thể đo lường sự nhận thức và tu dưỡng của một người qua sự giao tiếp, bằng cách xem người đó thể hiện cái Tôi như thế nào. Nếu người đó luôn nói về mình, luôn phô trương, đề cao mình, luôn quy chiếu về mình, như vậy chứng tỏ người đó rất kém về trình độ tu dưỡng, kém đức, không thể lãnh đạo hay làm việc phục vụ lý tưởng, đạo đức được, và người này chắc chắn có nhiều thất bại trong cuộc sống. Người ta gọi điều này là  « tâm tướng » – thích gì thì nói về cái đó – nên Khổng Tử rất chú trọng đến việc  «Tu ngôn». Nếu quan sát những vị tu hành, rất hiếm khi thấy họ thể hiện cái Tôi.
        Cái Tôi của con người rất phức tạp, nó ao ước nhiều thứ.  Ao uớc được người ta khen ngợi, được đề cao, được danh dự, được trọng dụng. Họ ước muốn những gì thoải mái, dễ dãi, và không muốn ai động chạm đến những gì của riêng họ, dù là vật chất hay tinh thần. Cái Tôi luôn chê bai người hơn, coi thường người kém họ. Cái Tôi luôn ao ước được một tiếng khen, tìm cách để được khen, nhưng rất sợ hãi và nổi khùng lên vì tiếng chê. Chính những tiếng khen hay tiếng chê sẽ làm cho người ta nhận ngay ra được cái Tôi của một người ở mức độ nào. Một ý tưởng, một năng khiếu thông thường, một chút tài vặt, nhưng cái Tôi có thể thổi lớn lên thành cái vĩ đại, tài ba lỗi lạc hơn người, thậm chí thành thiên tài. Và ảo tưởng này đeo bám vào cái Tôi suốt đời, nếu không biết tu dưỡng.
        Cái Tôi không dám nhận hoặc không nhìn ra bộ mặt thật của mình mà mang một bộ mặt giả dối, bởi vì con người thật của họ có nhiều yếu kém, nết xấu, không muốn cho ai biết. Do đó, chỉ khoe bộ mặt con người ảo chứ không phải con người thật. Để che đậy, sợ cái Tôi bị bóc trần, nhiều khi quá bỉ ổi đến đốn hèn, người ta thường tạo nên những cái Tôi giả tạo, ảo tưởng, vô tội và đáng kính: tôi không như ai, tôi không thế này, tôi không thế nọ, tôi đã làm được cái này cái nọ… thật là tuyệt vời, là tài năng hơn người. Nên Chocarne mới nói: “Chỉ tin tưởng mình, chỉ nghe lời mình. Đó là nguồn sai lầm khốn nạn nhất”. Cái Tôi không dám thẳng thắn nhận những khuyết điểm, những dốt nát, yếu kém của mình chỉ vì tự ái, sợ bị lột trần. Cái Tôi tìm cách đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh, cho xui xẻo chứ không chịu lỗi nơi mình.
       Cái Tôi rất kiên cường, dai dẳng và nổi bật về hai điểm là vị kỷ (quy về mình) và kiêu hãnh, như Blaise Pascal nói: «Cái tôi đáng ghét». Đó là nói về cái Tôi của người khác. Và ông nhấn mạnh thêm: "Mỗi cái Tôi là thù địch và muốn làm bạo chúa trên các cái Tôi khác"  
         Graham Greene, đại văn hào Anh, đã viết: «Khi tôi viết về ngôi thứ nhất, tôi phải đeo chiếc mặt nạ». Có lẽ vì thế mà Oscar Wilde đã nói: «Kẻ can đảm nhất trong chúng ta cũng sợ cái Tôi của mình»
        Thalès de Milet bảo rằng: “Công việc khó khăn nhất là nhận biết chính mình”. Chính những cái gần ta nhất lại là cái khó thấy nhất, như lông mày, lông mi ở trước mắt ta… Cái Tôi có quá nhiều lớp vỏ bao bọc: lớp vỏ của xã hội, nghề nghiệp, chức quyền, tiền tài, của cải, nhất là ảo tưởng về chính mình… Nó được nuôi dưỡng bằng tự ái, tự mãn, mặc cảm…Ta rất thường nghe nhiều người nổ về cái TA giữ đám đông: «Con tôi học giỏi nhất». Hay: «Vợ chồng tôi sống hạnh phúc nhất, không bao giờ giận hờn hay cải lộn nhau»……Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Như vậy Nổ về TA để làm gì? Trong cửa Đạo, những cuộc tranh luận gay gắt giữa ý anh, ý tôi ; ý của các anh và của chúng tôi về Đạo đã lộ rõ cái Tôi vô cùng to lớn, có khi tranh chấp còn ác liệt hơn cả ngoài đời, vô tình đã bôi đen bẩn hết nét Đạo. Thật là uỗng, cũng do cái Ngã mà ra.
       Đại hiền triết Socrate một đời chỉ truyền dạy “Hãy tự biết mình”, nghĩa là đừng ảo tưởng về mình, đừng tô bóng, phóng đại mình lên mà hãy chân thật để nhận biết về mình, biết thân phận hạn chế, yếu kém, dốt nát của mỗi con người trước thiên hạ và trời đất. Cách khác là hãy thành thật nhìn vào bên trong của mình, nhận ra cái Tôi của mình để làm chủ lấy nó, lúc đó mới gặp được đạo – đạo sống làm người. Cũng như Lão tử nói: “Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri” (nói thì không biết, biết thì không nói – ham nói về mình, biểu dương sự hiểu biết).
        Nhưng người nói “tôi chắng là gì cả”,  chưa chắc đã là người thành thật với chính mình, mà phải xem lời nói và việc làm có đi đôi với nhau không, cũng như xem họ có bảo vệ, quy chiếu về mình không. Đức Giêsu đã sống và dạy: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt. 11, 29). Lúc đó cái Tôi sẽ bị triệt tiêu.
       Tài năng, tốt xấu, hay dở, đáng khen, đáng chê … tự người khác biết và đánh giá, chứ không cần phô diễn hay bào chữa. Nhưng khi cái Tôi làm chủ thì không như thế, nó cầu tiếng khen và sợ tiếng chê, nên phải thị oai quảng cáo, hoặc bào chữa để củng cố và bảo vệ cái Tôi vĩ đại này. Thực tế cho thấy, càng tô vẻ, thổi phồng cái Tôi thì càng làm người nghe thêm khinh bỉ mình, chẳng có lợi chi. Cố xây tòa nhà cao ngất trên bãi cát bủn thì chỉ khiến cho tòa nhà sớm sụp đổ tan nát mà thôi! Tham cao mà chi!
(Theo Hàn Cư Sĩ)
                        Làm sao diệt trừ được tính cống cao ngã mạn? 
        Theo Phật giáo, ngã mạn là một trong sáu món căn bản phiền não, nên tập nhân gốc rễ của nó rất sâu dầy, không phải ai cũng có thể dễ dàng diệt trừ nó được. Kinh nói, sự mê lầm này phải đến địa vị tu đạo mới dứt trừ được. Tập khí này nó có từ vô thỉ. Có mặt ta là đã có nó. Vì thế, nó còn có tên gọi khác là “Câu sinh hoặc”. 
        Muốn đoạn trừ nó, chỉ có cách là chúng ta phải gắng sức gia công nỗ lực tu trì, mới có thể lần hồi trừ được. Điều quan yếu nhứt là chúng ta phải hằng tỉnh giác, quán chiếu sâu vào bản chất của nó, để thấy rằng tự tánh của nó là không. Chỉ khi nào đối cảnh xúc duyên, trái ý nghịch lòng, thì nó mới phát khởi. Tuy vậy, nhưng nó vẫn luôn luôn ngấm ngầm tiềm tàng sâu kín và hằng chi phối sai khiến chúng ta một cách mãnh liệt.
        Nếu chúng ta không đề cao cảnh giác, cứ làm nô lệ cho nó sai khiến, thì hậu quả xảy ra cũng rất là tai hại. Do đó, chúng ta cần phải có chánh niệm, chánh quán.
        Có chính niệm, thì chúng ta mới nhận diện nó một cách rõ ràng. Như thế, thì nó không thể nào gây tác hại cho chúng ta được. Đó là do ý chí phấn đấu nỗ lực vận dụng công phu tu hành của mỗi người mà sự diệt trừ nó có nhanh, chậm khác nhau mà thôi.
       Hàng ngày, ta thấy có nhiều làm công quả giúp cho Chùa, Thất, mà lòng họ còn quá nóng nảy sân hận. Họ hay la rầy người này, trách móc người kia, đầy tính ngạo mạn. Như vậy, có phải họ ỷ có công lao với Chùa, Thất mà sinh tâm ngã mạn, khinh thường người khác hay không? Làm sao hạn chế và diệt trừ được tánh cống cao ngã mạn nầy?
        Trả lời câu hỏi trên, nếu phân tích thì nó gồm có các vấn đề cần biết.
        Hai chữ công quả, thường có nhiều người hiểu lệch lạc phiến diện về ý nghĩa của nó. Họ cho rằng, chỉ có những ai tới chùa làm công kia việc nọ, giúp cho chùa, thì mới gọi là làm công quả. Ngoài ra, làm những việc khác hay ở những nơi khác, thì không phải là làm công quả. Hiểu thế, tuy không phải là sai hẳn, nhưng thực ra thì chưa thật sự đúng trọn ý nghĩa của hai chữ công quả.
        Vậy quan niệm công quả nghĩa là gì?
        Công: nguyên là chữ Hán, nghĩa đen của nó là thợ. Là người bỏ công sức ra chuyên làm một ngành nghề nào đó, thì gọi đó là công. Như nói công nhân hay công phu. Công nhân là người dùng sức lao động của mình mà làm một công việc nặng nhọc nào đó, hoặc bằng chân tay hay trí óc. Còn công phu là người (phu) vận dụng năng lực làm một công việc, mang tính tinh thần siêu thoát nhiều hơn. Như nói công phu tham thiền, công phu lễ bái, công phu niệm Phật v.v… 
       Còn chữ “quả” cũng là chữ Hán, nghĩa đen là cái trái (fruit). Nghĩa bóng là thành quả hay kết quả của một việc làm hay lời nói. Như vậy, hai chữ công quả, có nghĩa là khi chúng ta dùng sức làm một công việc nào đó, tùy theo chỗ dụng công tốt hay xấu mà nó sẽ đưa đến cái kết quả, cũng có tốt xấu khác nhau. Nói gọn cho dễ hiểu, công là nhân mà quả là kết quả. Hiểu như thế, thì đâu phải chỉ có tới chùa làm việc giúp cho chùa mới là công quả, còn làm những việc khác, như tụng kinh, lạy Phật, niệm Phật, dịch kinh viết sách, hay sang băng đĩa kinh sách ở nhà v.v… để giúp ích cho việc truyền Đạo thì không phải làm công quả hay sao?  Hiểu thế, thì chúng ta mới thấy nghĩa của hai chữ công quả rất sâu rộng. Chúng ta có thể áp dụng hai chữ nầy vào bất cứ công việc nào và bất cứ ở đâu. Không nhứt thiết chỉ có tới chùa chiền là làm công quả. Đó chẳng qua chỉ là một tập quán thông thường mà lâu nay người ta quen gọi như thế. Hiểu như vậy là chỉ hiểu một cách hạn hẹp và phiến diện. 
        Điều quan trọng, người có tâm tu cần phải nhớ là khi làm bất cứ việc gì và ở đâu, thì chúng ta cũng phải cẩn thận ở nơi ba nghiệp. Nếu chúng ta làm với tâm loạn tưởng, si mê, sân hận nóng nảy… thì kết quả chẳng những không có phước đức mà còn mang thêm trọng tội nữa. Cái nhân (công) không tốt, thì thử hỏi cái quả làm sao tốt đẹp cho được?
        Khi bỏ công sức ra làm bất cứ điều gì, ta phải cẩn trọng khéo gìn giữ ở nơi ba nghiệp: thân, miệng, ý cho được nghiêm túc trong sạch. Nhất là ý nghiệp. Nếu chúng ta không khéo gìn giữ trong khi hành động hoặc nói năng, thì kết quả có khi sẽ trái ngược lại. Như một người ra sức trồng cây mà không quan tâm chăm sóc kỹ lưỡng, thì kết quả, cái cây kia sẽ không thể nào đơm hoa kết trái tốt đẹp như ý muốn được. Muốn biết được một người có ngộ Đạo hay chưa thì ngoài việc nhìn công việc phục vụ lo lắng cho Đạo của họ, phải nhìn xem tác phong, ngôn ngữ, hành động của họ, cách cư xử của họ đối với người trên kẻ dưới chung quanh họ thì mới đánh giá đúng mức được. Cái TA là vật cãn trở nhứt trên đường tu học, nó đánh gục vô số người chưa diệt được ba nghiệp: Thân, miệng, ý hay Thân nghiệp, Khẩu nghiệp và Ý nghiệp đó vậy.
(Sưu tầm từ PGVN và Trung Tuan Tran).


Hồ Xưa sưu tầm thêm và bố cục lại______________________________________
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

QUAN SÁT CƠ THỂ (Pinterest )