Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Kẻ Sỉ - Thanh Thương Hoàng

  
  Thế là nhà văn Trọng Nhân về hưu đã được hơn một năm. Chức vụ sau chót của ông khi về hưu là đại tá. Làm “quan văn” khỏi phải đi B đánh nhau mà được lên tới chức đại tá, tuy chưa đạt như ý muốn ông cũng hài lòng rồi. Nhưng những ngày tháng nhàn rỗi sống nơi Thủ đô đầy ồn ào náo nhiệt bức bối khiến ông cảm thấy mệt mỏi hơn khi còn làm việc. Phải chăng lúc trước vì mê mải ngụp lặn trong vòng bon chen danh lợi nên ông không có thì giờ nhìn thẳng, nhìn sâu vào cõi nhân gian? Hay ông chỉ nhìn đời qua tưởng tượng với sự tô son vẽ phấn mầu hồng phụng sựïï cho đám cung đình? Đồng thời cộng với những eo sèo mè nheo đời thường của vợ con đã làm ông bức bối khó chịu. Ông chỉ muốn quên đi tất cả để được sống yên thân. 

 Để khuây khỏa và nhất là để giết thời giờ - cái thời giờ trống rỗng vô vị của kẻ không biết làm gì mỗi buổi sáng thức dậy, nhà văn Trọng Nhân đáp xe đò lên miệt núi rừng vùng cao chơi với gia đình người bạn thân một thời gian thư giãn tâm thần. Ông cũng muốn nhân dịp này viết một cuốn tiểu thuyết mà ông đã “thai nghén” hàng chục năm. Ông bạn của ông nhà văn làm nghề dạy học và cũng đã về hưu. Ông không viết văn, viết báo hay làm thơ nhưng ông là người sính văn chương và quý trọng văn nghệ sĩ. Trong nhà ông có rất nhiều tác phẩm giá trị từ cổ chí kim, từ đông sang tây như một thư viện nhỏ. 

 Ngày ngày chủ khách quanh ấm trà đàm đạo chuyện đời, chuyện thế sự thăng trầm, chuyện bãi biển nương dâu, chuyện kiếp người mong manh ngắn ngủi. Thỉnh thoảng họ dẫn nhau vào rừng sâu nghe ngàn thông reo vi vút nhớ tới câu thơ của cụ Nguyễn Công Trứ: “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Ông nhà giáo cười nói: “Bây giờ muốn làm cây thông đứng giữa trời mà reo cũng không được đâu ông bạn ạ. Bọn “tiều phu thời đại” hễ cứ thấy cây nào hơi lớn là đốn liền đem xuất khẩu lấy đô la”. Ông nhà văn chỉ giòng suối nước trong vắt có những tảng mây trắng lững lờ trôi dưới đáy, nói:” Vậy thì kiếp sau ta làm con suối kia vậy. Quanh năm êm đềm hòa tấu khúc nhạc tươi vui muôn thủa cùng trời đất chẳng còn sợ kẻ nào hại”. Ông nhà giáo lắc đầu:” Ông lại chủ quan nữa rồi. Nhìn giòng suối kia thấy nó trong xanh như vậy nhưng chứa biết bao độc tố, biết bao hiểm nguy, nhất là thuốc khai quang mấy chục năm nay chắc gì đã trôi sạch!”. Nhà văn Trọng Nhân buồn rầu thở dài không nói gì thêm. Đêm đó thao thức không ngủ được, ông sang phòng khách kiếm cuốn sách đọc giết thời giờ. Ông tình cờ cầm một cuốn sách cũ bìa đã ngả mầu vàng. Đó là cuốn sử thời chiến quốc bên Trung Hoa. Nhà văn Trọng Nhân đã đọc luôn một mạch tới sáng... 

     Tề Trang vương thời chiến quốc nổi tiếng một ông vua háo sắc đa dâm. Gặp bất cứ người đẹp nào ông cũng tìm cách chiếm đoạt, bất kểø vợ con ai, nhất là với các quan trong triều đình. Ai có vợ đẹp con xinh đều không thoát khỏi vòng tay dâm dục của Tề Trang vương. Các quan trong triều đình muốn thăng quan tiến chức phải đem vợ hiến cho dâm chúa. Tề Trang vương được bọn gia nô bẩm báo là quan Tể tướng Thôi Trữ có người vợ đẹp tuyệt trần. Nàng tên Khương thị. Tề Trang vương tìm cách chiếm đoạt. Hai người thông dâm một thời gian thì Thôi Trữ biết. Thôi Trữ nặng lời trách mắng vợ dâm loàn. Khương thị chẳng những không nhận lỗi còn trách lại chồng:”Chàng làm quan đại thần đầy quyền uy trong triều mà còn không dám can ngăn vua một tiếng, huống chi thiếp là thường dân sao dám trái lệnh vua?”. Nghe vợ nói thế Thôi Trữ giận lắm âm mưu tính kế trừ khử vua. Một hôm Thôi Trữ bầy đại tiệc tại tư thất rước vua chủ tọa. Tề Trang vương trong lúc ngà ngà say nổi máu dâm bắt Khương thị vào phòng ngủ “hầu chăn gối”. Thôi Trữ chỉ đợi có thế ra hiệu cho phục binh giết Tề Trang vương liền. Giết vua xong bước ra đại sảnh, trước mặt văn võ bá quan, Thôi Trữ tuyên bố Tề Trang vương bất thần bị bạo bệnh qua đời và ủy cho Thôi Trữ kế vị ngai vàng. Trước sự kiện kẻ bề tôi giết vua cướp ngôi như vậy mà các quan lớn nhỏ trong triều đều khiếp sợ đến độ hèn hạ cúi đầu răm rắp nghe theo, không một lời phản đối. 

 Nhằm khuất phục nhân tâm Thôi Trữ áp dụng chính sách tàn bạo đểø trị người. Kẻ nào ho he bất tuân lệnh vua giết liền. Cả nước hoang mang sống trong lo âu sợ hãi. Chỉ có một người không sợ, đó là Thái sử Bá, một quan chức trong triều không quyền thế không vây cánh chỉ chuyên làm công việc viết sử triều đình. 

      Thái sử Bá viết vào pho quốc sử rằng ngày đó, tháng đó, năm đó Tề Trang vương gian dâm với vợ Thôi Trữ bị Thôi Trữ giết và đoạt ngôi vua. Thôi Trữ cho triệu Thái sử Bá vào cung hỏi:” Ta có phải là vua không?”. “Hiện nay là như vậy nhưng ngài vẫn là kẻ tiếm vị”. “Ta ra lệnh ngươi có tuân không?”. “Phải thì tuân, trái thì không”. Thôi Trữ ngưng chút nói: “Vì Tề Trang vương là hôn quân nên ta phải trừ khử. Nay ta ra lệnh cho ngươi phải viết lại trang quốc sử như thế này: Tề Trang vương bị bạo bệnh đột ngột từ trần, các quan văn võ trong triều thấy tể tướng Thôi Trữ là người tài đức bèn suy tôn làm vua”. Thôi Trữ cho Thái sử Bá một tuần lễ suy nghĩ rồi viết lại sử trình cho vua. Thôi Trữ cũng không quên hứa hẹn sẽ thăng quan tiến chức cho Thái sử Bá, đồng thời cũng kèm theo lời đe dọa trừng phạt nếu làm trái ý vua. Một tuần sau Thái sử Bá đem trình Thôi Trữ bản văn viết sử như cũ và có thêm một đoạn như sau: “Việc viết sử là việc trọng đại của quốc gia truyền lại cho các đời sau. Vì vậy người viết sử phải tôn trọng sự thật, dù có sấm sét búa rìu đánh xuống đầu cũng không thể đổi trắng thay đen, cũng không thể viết xấu thành tốt, trái thành phải. Đầu ta có thể chặt nhưng chữ của ta không thể sửa”. Trước sự cương quyết của Thái sử Bá, Thôi Trữ giận lắm truyền đem trói lại chặt tay trái nhà viết sử để khi nào đổi ý sẽ tha. Mặc cho máu chảy ròng và đau đớn tột cùng Thái sử Bá vẫn nghiến răng chịu đựng, không một tiếng rên la kêu xin. Mấy ngày sau thấy thái độ Thái sử Bá vẫn không đổi, Thôi Trữ truyền chặt tiếp bàn tay phải. Thái sử Bá vẫn nghiến răng chịu đựng. Trước khi nhắm mắt lìa đời Thái sử Bá nói: ” Bạo chúa chỉ giết chết được thân xác ta thôi, còn chữ của ta vẫn tồn tại mãi với non sông”. 

 Thái sử Bá chết, Thôi Trữ cho người em Thái sử Bá là Trọng lên thay và ra lệnh viết lại sử. Hạn trong một tháng phải viết xong. Nếu không chịu tuân theo ý vua sẽ đầu rơi máu chảy, chết thê thảm như người anh. Thái sử Trọng không hề nao núng sợ hãi vẫn viết như người anh và còn “phụ chú” thêm: ”Người viết sử phải tôn trọng sự thật, phải viết lên sự thật, không sẽ bị các thế hệ mai sau chê cười khinh bỉ, lưu xú ngàn năm! Con người ta chỉ có một lần chết nhưng không thể để cái tên mình bị chết mãi trong sử sách! Ta có thể làm ma không đầu chứ không thể sống mang cái đầu trên thân thể hèn hạ nói sằng viết bậy nịnh hót kẻ cường quyền!”. Thái sử Trọng bị cắt lưỡi khoét hai mắt trước khi bị chặt đầu bêu giữa chợ. Tới lượt người em thứ ba của Thái sử Bá là Quý được phong chức và bắt phải viết lại sử theo ý của Thôi Trữ. Bà mẹ Thái sử Quý thấy hai người con lớn của mình đã bị giết nên quá sợ hãi hết lời khuyên can con đổi ý thay lòng viết theo lệnh vua để bảo tồn sự sốngï. Vợ của Thái sử Quý cũng khóc lóc van lơn chồng. Một số quan đã đến tận nhà khuyên răn Thái sử Quý. Tới ngày hẹn Thái sử Quý vào triều đưa lên vua bản viết sử. Tất cả các quan trong triều lo âu hồi hộp sợ cho mạng sống của Thái sử Quý. Họ thầm mong lần này Thái sử Quý sẽ đổi dọng ca ngợi vua. Nhưng Thái sử Quý vẫn viết y hệt hai người anh mình và thêm:”Viết sử phải viết đúng sự thật không được xuyên tạc lịch sử. Công tội, phải quấy của người làm lịch sử phải được ghi chép rõ ràng, không thể vì chút bã danh lợi mà đổi trắng thay đen, nhắm mắt viết theo lệnh kẻ bạo quyền. Tay ta có thể bị chặt, hai mắt ta có thể bị khoét, lưỡi ta có thể bị cắt, đầu ta có thể bị lià khỏi cổ nhưng chữ của ta sẽ tồn tại mãi cùng thời gian. Bây giờ ta đã sẵn sàng chờ cái chết, hãy đem ta ra pháp trường!”. Thôi Trữ lần này bỗng rùng mình khi đọc xong những giòng chữ đầy chính khí, đầy hùng khí “uy vũ bất năng khuất” của người viết sử trước cái chết vẫn hiên ngang vẫn oanh liệt ngửng cao đầu không hề sợ hãi. Lão nhìn Thái sử Quý một lúc lâu, trong khi cả triều đình run rẩy sợ hãi, rồi sau cái thở dài, đưa trả lại pho quốc sử và nói:”Thôi, ta tha cho ngươi. Ngươi hãy cầm pho quốc sử này trở về nhà đi. Từ nay sự thể tốt xấu ra sao ngươi cứ việc viết cho đúng sự thật. Oâi, nếu ta cứ tiếp tục chém giết mãi thì đến bao giờ mới hết. Hễ cái đầu này rụng xuống lại có cái đầu khác mọc lên. Máu liên tiếp chẩy nơi pháp trường đã làm lưỡi gươm ta chùn lại! Sĩ khí ngút trời của bọn ngươi đã làm trái tim ta run rẩy sắt se buốt nhói. Đàn áp tàn bạo rõ ràng là phi chánh nghĩa, không thành công!”                                                                    

    Sau đó Thôi Trữ truyền lệnh cho Quý tiếp tục giữ chức quan viết sử của triều đình và phục hồi danh dự địa vị cho hai người anh. Cả triều đình - một lũ quan lại thuộc phường giá áo túi cơm tham sống sợ chết - bấy giờ mới dám thở phào nhẹ nhõm. 

 Thái sử Quý ôm tập quốc sử hân hoan phơi phới ra về. Chân lý sáng ngời đã thắng! Giữa đường gặp người bạn chí thiết là Nam sử Thị, hỏi đi đâu? Nam sử Thị đáp:” Tôi đem sẵn giấy bút mực theo đây. Nếu anh bị giết thì tôi tình nguyện nối tiếp theo anh làm công việc viết sử”. “Anh không sợ chết sao trong khi còn mẹ già con thơ?”. Nam sử Thị hỏi lại:” Thế còn anh không sợ chết sao? Ôi, kẻ sĩ phu trong lúc nước loạn nhân dân đau khổ lầm than mà lại tiếp tay với kẻ cường quyền dùng cây bút tâng bốc nịnh bợ bọn chúng và xuyên tạc lịch sử hòng kiếm chút danh vị lợi lộc thì đâu còn xứng đáng sống trên đời!”. Hai người ôm chầm lấy nhau cất tiếng cười ha hả vang cả trời đất.

    Nhà văn Trọng Nhân đọc xong những trang sử viết về anh em Thái sử Bá thời chiến quốc thì gà rừng đã cất tiếng gáy rộn rã chào bình minh từ trong rừng vọng ra. Ông thở dài. Bất ngờ những giọt nước mắt hiếm hoi – cả đời ông chưa hề xẩy ra - tuôn trên khuôn mặt héo hắt già nua. Cả một đời người ông đã bịt mắt bịt tai, đã cúi đầu chạy theo kẻ cường quyền kiếm chác chút bã cung đình để có danh vọng địa vị, cơm no áo ấm. Ông dùng cây bút của mình đổi trắng thay đen tấn tuồng lịch sử. Tệ hại nhất là ông đã nịnh hót, tâng bốc, ca tụng những kẻ tội đồ của dân tộc thành anh hùng cứu nước vĩ đại! Ông đã đánh mất sĩ khí của kẻ sĩ từ lâu và sống một cuộc đời hèn hạ, tệ hại. Bây giờ thì ông già rồi, tất cả mọi việc đều muộn đều lỡ mất rồi. Ông nghĩ tới cuốn tiểu thuyết ôm ấp bao năm trời chưa viết. Ông quyết chống lại cái già. Ông quyết giành lại thời gian đã mất. Lần này ông sẽ thay đổi hết từ tâm trạng nhân vật tới hoàn cảnh đất nước, nhất là sự khốn cùng của đại đa số tầng lớp nhân dân nghèo khổ, sự sa đọa của tầng lớp lãnh đạo và sự thoái hóa tụt hậu của đất nước. Ông sẽ nhìn thẳng nhìn sâu vào cõi nhân gian và viết ra tất cả sự thật. Đời ông bây giờ còn gì để mất nữa đâu. Nhìn tấm gương sĩ khí của người xưa ông thấy ngượng ngùng nhức nhối. Ông thực sự đau khổ, thực sự hối hận. Ông đang bị con người thực của ông dày vò. Ông chợt nghĩ tới những kẻ mệnh danh là kẻ sĩ thời nay. Bị đầy đọa cưỡng chế tù đầy nhục nhã khốn khổ hết cả đời người, thế mà khi được kẻ cầm quyền vuốt ve bố thí cho chút ân huệ cuối mùa cũng cúi đầu răm rắp nhận lãnh! Rồi còn những kẻ làm tới tướng quốc thề thốt không đội trời chung với bọn thù, cuối đời vì chút danh chút lợi đã hèn hạ cúi đầu xin làm tôi mọi. Còn biết bao kẻ nữa đã tự đánh mất mình. Hay là thời đại này đám sĩ phu không còn sĩ khí? Hoặc bọn họ đã ăn tươi nuốt sống vào bụng và đi tiêu chảy từ lâu cái sĩ khí? Vừa lúc đó ông bạn nhà giáo gõ cửa phòng mời ra uống trà buổi sáng.      

      Thấy bạn, nhà văn Trọng Nhân hỏi ngay:” Ông nhìn mặt tôi xem có gì thay đổi không?”. Ông nhà giáo còn đang ngỡ ngàng chưa biết trả lời sao thì ông nhà văn nói tiếp:” Phải, ông thấy mặt tôi khác hẳn và sáng ra phải không? Vâng, đúng như vậy. Trên mặt tôi giờ đây đang xuất hiện bộ mặt thật của một con người”. 

Thanh Thương Hoàng 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ThaiLy: ĐỘ (T.Vấn và Bạn Hửu )

                                             Trước Cơn Giông – Tranh (sơn dầu): MAI TÂM Đó là tên nhân vật của truyện! Tên một thằng bé...