Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Khẩu nghiệp là nghiệp nặng nhất của đời người.


        Chúng ta thường nghe nói: Trời sinh ra cho con người một cái miệng để nói để ăn, hai tai để nghe, hai mắt để nhìn. Có nghĩa là Trời đã căn dặn con người: Ăn, nói phải cẩn thận, định tâm lắng nghe, trông thấy cho thật rõ ràng rồi mới nói. Nhưng con người lạm dụng ơn Trời ban cho, làm ngược lại nên đã chịu khổ. Kết quả thực tế là:
       Nhìn không rõ, nghe không chính xác, đưa ra nhận định lếu láo.
       Nói quá nhiều, nói sai lệch và nói lời quái ác.
       Ăn quá nhiều không kềm chế sanh ra bịnh hoạn. Nói quá nhiều gây oán hờn, tạo ra khẩu nghiệp phải trả sau khi chết. Có khi phải trả nhãn tiền tại thế  nữa.
        Cố kinh vân có ghi: Phù sĩ xử thế, phủ tại khẩu trung, sở dĩ trạm thân, do kỳ ác ngôn, nghĩa là: Xét người ở đời, búa để trong miệng, sở dĩ giết người, do lời nói ác. 
Cổ nhân cũng có dạy: Bệnh tùng khẩu nhập, hoạ tùng khẩu xuất; nghĩa là: Bệnh từ cái miệng do ăn uống mà đem vào, họa cũng từ cái miệng do nói chuyện thị phi mà tạo ra.
      Do đó, hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây ra thị phi vì vô ý thức, cũng
đừng nên vì một ai đó đã gây ra lỗi lầm trong quá khứ mà dùng lời lẽ nặng nề để hành hạ gục họ. Còn người có đạo, càng ghi nhớ những lời cấm gian xão phát ra từ cửa miệng.
       Oscar Wilde có nói: - Every saint has a past, every sinner has a future.
     (Vị Thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai).
      
Đức Phật đã dạy: - Khẩu nghiệp là nghiệp nặng nhất của đời người. Hoạ từ miệng mà ra. (Bệnh tùng khẩu nhập, Họa tùng khẩu xuất).

       Một lần, Đức Phật đi giáo hóa vùng Bà La Môn, các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Đức Phật chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau chửi. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại và hỏi:
– Ngài có điếc không?
– Ta không điếc.
– Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
– Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ, họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
– Quà ấy về tôi chứ ai.
– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.
        Người kêu tên Phật chửi mà Ngài không nhận. Còn chúng ta, những lời nói bóng, nói gió ở đâu đâu cũng lắng tai nghe, để buồn để giận. Như vậy mới thấy những lời cuồng dại của chúng sanh, và Ngài không chấp không buồn. Còn chúng ta do si mê, chỉ một lời nói nặng nói hơn, ôm ấp mãi trong lòng, vì vậy mà khổ đau triền miên.
       Trong kinh, Phật ví dụ người ác mắng chửi người thiện. Người thiện không nhận lời mắng chửi đó thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Chưa gây bẩn cho người thì đã làm cho thân mình bị ô uế trước. Thế nên có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, còn không thọ nhận thì an vui hạnh phúc.
       Từ đây về sau mọi người có nghe ai nói gì về mình, dù tốt hay xấu, chớ nên thọ nhận thì sẽ được an vui, hạnh phúc, bình chân như vại.
       Do vậy, xin hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây ra thị phi vì vô ý thức, cũng đừng nên vì một ai đó đã gây ra lỗi lầm trong quá khứ mà dùng lời lẽ nặng nề để hành hạ họ, như Oscar Wilde có nói: Every saint has a past, every sinner has a future. Nghĩa là: Vị Thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai.
       Hậu quả của khẩu nghiệp cũng vô cùng kinh khiếp. Không dương thì âm, sớm
hay muộn thì cũng đều có báo ứng.
       Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành, còn vết thương gây ra do lời nói thì chẳng biết khi nào mới lành lặn được.
       Chửi bới và nói xấu hay đi rêu rao về người khác mà người ta không phản ứng, hay không biết thì như kẻ tự ngửa cổ lên trời phun nước bọt rồi chỉ rơi trúng mặt mình.
       Hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu. (Ngậm máu phun người dơ miệng mình trước.
      Nên nhớ cho rằng:
– Khẩu nghiệp: là nghiệp lực khó khắc phục nhất cho việc tu hành.
– Khẩu nghiệp: là lực cản trở lớn nhất cho việc tu hành chứng đạo.
– Khẩu nghiệp: là sức mạnh sát hại sinh mạng lớn nhất cho việc tu hành.
– Khẩu nghiệp: là nghiệp lực chính yếu đưa ta đọa xuống ác đạo.
– Khẩu nghiệp: là sức mạnh ngăn trở lớn nhất cho việc vãng sanh.
– Khẩu nghiệp: Khiến cho đạo tràng không được thanh tịnh, thị phi không ngừng.
– Khẩu nghiệp: Khiến cho tăng đoàn không hòa hợp, đạo pháp không hưng thịnh.
– Khẩu nghiệp: Khiến chúng sanh thoái mất đạo tâm, đoạn mất thiện căn làm người.
        Đa số chúng ta có cái tật nghe người nói không tốt về mình qua miệng người thứ hai, thứ ba, thì tìm phăng cho ra manh mối để thọ nhận rồi nổi sân si phiền não, đó là là điều không hay.
       Lẽ dĩ nhiên không phải lời thị phi nào cũng dễ bỏ ngoài tai. Có những lời sỉ nhục nhân cách, tác động không chỉ tới riêng ta mà còn tạo làn sóng dư luận đến tâm lý những người quanh ta, họ có thể từ chỗ lời thị phi mà nhìn nhận không đúng về ta.
       Cứ bình tĩnh. Bởi lẽ, những lời thị phi sẽ chỉ ảnh hưởng được những ai hời hợt qua loa đánh giá vấn đề từ cửa miệng; những người sâu sắc, thâm trầm, có tri thức thì biết nhìn sâu nhìn rộng và chỉ có nhận xét khi đã thẩm định kỹ càng. Thế nên, nếu ta đúng thì hãy giữ vững sự kiên định của tâm thức, bởi chẳng khó khăn gì khi ta vượt qua những lời ong tiếng ve không sự thật, vô căn cứ.
        Theo Phật giáo, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành, còn vết thương gây ra do lời nói thì chẳng biết khi nào mới lành lặn được.
        Đức Phật đã dạy: Khẩu nghiệp là nghiệp nặng nhất của đời người.
                                     Họa từ miệng mà ra.
Tội nặng về khẩu nghiệp:
– Ăn không nói có.

– Nói lời hung ác.
– Nói lưỡi đôi chiều.
– Nói lời thêu dệt, ít xoáy ra nhiều.
Tội nhẹ từ cái miệng:
– Ăn uống cầu kỳ (cứ con gì cũng ăn cho ngon cho no đi)

– Phê bình khen chê.
– Rêu rao tứ chúng, nói tốt về mình, xiễm dèm người khác.
       Vậy tốt nhất không nên đi nói xấu ai khắp mọi nơi, dù họ có làm điều không tốt thật mà không gây hại đến bản thân mình và cộng đồng, nhất là nói xấu người cùng Đạo thì tội càng lớn lao. Anh em không thương nhau thì còn thương ai khác nữa. Lúc này càng nói đến thương mà hành động không thương thì càng lộ rõ sự dối trá.
                      Làm thế nào để tự giải thoát khỏi khẩu nghiệp?
        Trong các nghiệp, khó sửa nhất là khẩu nghiệp, nhất là trong những trường hợp nóng giận, phản ứng bất ngờ nhất thời. Đó là do thói quen rất khó sửa vì nó tạo ra từ chủng tử di truyền (gene), từ môi trường, nếp sống, học hỏi từ những người gần nhất như cha mẹ, ông bà, anh em, giai tầng xã hội, giới tính và văn hóa.  
        Lời nói, ngôn ngữ con người còn tiềm ẩn sâu xa như một sự phản kháng từ nội tâm sâu kín nên rất khó thanh lọc để tiêu trừ khẩu nghiệp.  
        Có những lúc biết sai, biết sẽ gặp phản ứng xấu nhưng vẫn cứ nói, một là để hả lòng, hai là để tự bảo vệ, ba là để phản kháng những lực mà mình cho là tấn công từ bên ngoài.
Lời nói phát ra thường là do phản ứng từ nghe và thấy. Nếu ta có khả năng định tâm quán chiếu khi nhìn và nghe hai chiều thì dần dần khẩu nghiệp thường xuyên là do phản ứng sẽ giảm.  
        Nếu ta nhìn người và đồng thời biết được người nhìn ta và nghe người đồng thời hiểu được người nói, thì khi nói ta cũng phải nói hai chiều để không tạo mâu thuẫn, giận hờn, bực tức. 
        Sống trong định, tức là sống trong ba thời kỳ quá khứ, hiện tại và tương lai cùng một lúc, thì ta sẽ hiểu rõ nguyên nhân của lời nói và hậu quả khi lời nói phát ra cùng lúc.  
Có định, có sáng suốt, có trí tuệ ta sẽ biết rõ những gì ta sắp nói, và cái ảnh hường dây chuyền của lời nói đó “nếu nó phát ra”.  
        Sống trong định, cái biết sẽ đi nhanh hơn tốc độ của ánh sáng nên ta biết rõ lời nói và luôn hành động phát ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng gì, tạo phản ứng gì, và gây bất lợi gì cho ta trong hoàn cảnh, môi trường và người đối diện.  
       Ta cũng thường tạo nghiệp do chủ quan trong nhất thời vì chính phản ứng của thói quen đã nắm vai trò chủ động trong lời nói.  
        Khi ta sống vững vàng thường xuyên trong định với lòng từ bi chiếm hữu tâm-thân-trí, ta sẽ không còn bị thói quen của phản ứng sân si tạo tác ra lời nói và hành động.  
Sống trong Định với Tâm Từ Bi ta giải trừ khẩu nghiệp.
        Trong Kinh Sám Hối của Đạo Cao Đài có dặn các tín đồ giữ lòng:
      Gìn lòng ngay thẳng thật thà,
        Nói năng minh chánh lời ra phải nhìn.
        Chớ quyệt ngữ mà khinh kẻ dại,
        Đừng gian mưu hãm hại người hiền”.
        Lời căn dặn thật quý báu thay cho kiếp tu hành, tránh để sa vào khẩu nghiệp!
                               Làm lành, xem phải, nói ngay,
                                Giữ ba điều ấy thiệt rày phước duyên”.
(Tài liệu sưu tầm tổng hợp)

                                                           ***
Hồ Xưa và Phạm Mỹ Lệ sưu tầm tài liệu, bổ túc thêm và chuyển tãi______________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...