Những cuối năm, buổi chiều mình cứ hay la cà ngoài đường, khi bằng xe gắn máy khi bằng xe đạp. Không tha cái này về cũng tha cái khác về. Nhiều năm trước thì hay "tha" củ kiệu, cải xanh về cho ngoại mấy nhỏ làm dưa chua. Củ kiệu nguyên bó, có cả lá, mang về cắt lá muối chua với lá cải xanh, giá sống, ăn lai rai trước. Vài năm sau đó thì tự tay mình làm ba món tết nhất đó, dù ở Sài Gòn, cũng khoái tẳn mẳn làm dưa làm củ cải làm mứt này mứt khác rồi tới tết "vác" về nhà. Đơn giản là những ngày cuối năm, giãn việc, lương thì chưa có nên có muốn về nhà sớm cũng không được. Thế là bày ra làm, rủ cô bé nhà cạnh bên, vốn là dân miền Trung vô SG làm công nhân, cùng làm cho vui. Thế là có vài năm, mẹ cô bé thấy con gái mình sao đảm đang quá mạng, từ Sài gòn mà quảy về tận... Quảng Nam nào là dưa muối nào là dưa tai heo củ kiệu tôm khô... tá lả. Đâu có biết là những ngày cuối năm, tiền thì ít, phố xá thì quá chừng mời gọi, nếu ra đường thì biết bao nhiêu tiền tiêu cho đủ! Trong con mắt của những đứa con gái nghèo xa quê, dành dụm mãi đến cuối năm, hễ có đồng nào là cứ muốn mua sắm hết mang về nhà. Nhưng nếu vậy coi chừng không còn tiền vào lại. Thôi ở nhà lặt kiệu coi tivi mà chờ ngày lên tàu, lại được tiếng con ngoan.
Nhưng có những hôm chỉ xách xe đi rong mà không tha về nhà gì cả. Nếu ở thành phố, những ngày này đi ngang con đường NKKN, trước dinh Thống Nhất, hay một vài con đường có cây sao cây dầu hay thậm chí nhiều cây cối một chút, đã nghe trong gió có cái mùi-cuối-năm, mùi-Tết. Cái mùi nó lạ lắm. Đó là mùi lá non, mùi bông xoài bông mận, mùi nhựa cây, hòa quyện với cái khô hanh của gió, trộn với những thứ mùi bánh mứt ngọt ngào đâu đó chợt đưa qua, cứ xợt ngang qua là thấy ruột gan đánh lô tô, có khi một hai hàng nước mắt lén lén bò ra thật nhanh không kịp cản, chẳng vì lẽ gì. Còn nếu ở quê nhà, cứ đạp xe tà tà ra thị xã, chạy dọc theo hai bờ kè rạch Tây Ninh mà coi họ sửa soạn chợ hoa và rộn ràng người đi thưởng hoa.
Nói chợ hoa, lại nhớ, năm nào mình với M.L cũng xuống đó, chơi đã xong đợi tới chiều 29 tết hay thậm chí 30 tết mới mua mấy cành mai cắt vội chiều đó, đã được thui cành kỹ lưỡng, về chưng độc bình. Chắc chắn hoa sẽ nở đúng giao thừa, vì ngó nụ rồi mới mua. Với lại, đi chợ hoa chiều ba mươi cũng có cái thú riêng. Cái thứ nhất là mua được... hoa rẻ, vì ai cũng muốn bán cho xong đặng dẹp về lo cúng giao thừa. Những chậu hoa đã xộc xệch, có khi mua một được tặng hai ba, nhưng mớ tiền vét cuối năm có khi an ủi chủ hoa nhiều lắm.
Những người bán cành mai cũng vậy. Có thấy những em bé, những chị những bà chiều tối ba mươi mà còn ôm những cành hoa xơ xác, mắt níu chân những người đi đường với những hy vọng người sẽ rước hoa, để may ra có thêm tiền để mua cho con cháu ở nhà gói kẹo... cái ánh mắt day dứt quá chừng quá đỗi, mới thấy xót lòng trước một cành hoa-ba-mươi! Có những năm, biết trong nhà đã tạm ổn hết mọi thứ, mà vẫn cứ thích đi chợ hoa. Mấy chậu hoa mai nở sớm của Đá, cũng từ những buổi chợ vét mót này... Thấy người ta bắt đầu xếp hàng chở chúng về mà tội nghiệp!
Sau 8 giờ tối ngày 30 tết, chợ hoa đã tan tác. Những chậu hoa tàn nằm ven sông nghẹn ngào đón giao thừa trong sương lạnh, ngoài bãi rác, trong khi những đồng bạn của mình vì may mắn được rước đi trước đó, đang khoe sắc trong tiếng nhạc, ánh đèn, trong hương trầm của một ngôi nhà sang, hèn nào đó! Thôi cũng là một kiếp hoa! Ngẫm lại đời người, thấy cũng không khác chi mấy!
Buổi chiều nay, ngồi cà phê với ML ở một quán ven thị xã, tần ngần nhớ một người, tự nhiên buồn và tự nhiên trống trải...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)
Tạp Ghi và Phiếm Luận : Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ Ăn x ổi ở th ì,...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét