Hành tinh này có một bề mặt rắn, có thể chứa nước dạng lỏng và tiềm năng nuôi dưỡng sự sống.
Mới đây các nhà thiên văn học người Úc đã phát hiện ra một hành tinh có tiềm năng rất lớn để trở thành một "Trái đất thứ 3". Hành tinh mang tên: Wolf 1061c.
Hành tinh này có khối lượng gấp 4 lần Trái đất, và là một trong 3 hành tinh có quỹ đạo xoay xung quanh sao lùn Wolf 1061 - ngôi sao có nhiệt độ thấp và khối lượng nhỏ hơn Mặt trời rất nhiều lần. Điểm đặc biệt là hệ thống sao - hành tinh này chỉ cách chúng ta 14 năm ánh sáng - tức là gần hơn rất nhiều so với "Trái đất thứ 2" Kepler 452b.
Theo tiến sĩ Duncan Wright tại ĐH New South Wales (Úc): "Phát hiện này thực sự ấn tượng, vì cả 3 hành tinh đều có khối lượng thấp vừa đủ để có một bề mặt rắn. Hành tinh ở giữa - Wolf 1061c - còn nằm trong vùng Goldilocks - cho thấy có khả năng hành tinh này chứa nước dạng lỏng, và thậm chí có sự sống nữa".
Quỹ đạo của Wolf 1061c (giữa) nằm trong vùng Goldilocks - khu vực ở được (màu xanh lá cây)
Bộ 3 hành tinh Wolf 1061 b, c, d có quỹ đạo xoay quanh sao chủ lần lượt là 5, 18 và 67 ngày. Trong đó, Wolf 1061 b và d ở khoảng cách quá gần hoặc quá xa nên không thể hỗ trợ sự sống.
Tiến sĩ Wright chia sẻ thêm: "Do khoảng cách khá gần với sao chủ Wolf 1061, chúng ta sẽ có thể tìm hiểu được bầu khí quyển của những hành tinh này trong tương lai, và xác định xem chúng có thể nuôi dưỡng sự sống hay không".
Wolf 1061c có thể là hi vọng mới cho loài người
Theo một số chuyên gia, các hành tinh có bề mặt rắn có rất nhiều trong vũ trụ nhưng hầu hết đều cách chúng ta hàng ngàn năm ánh sáng - đồng nghĩa với công nghệ hiện tại, việc di chuyển đến đó là bất khả thi. Do đó, Wolf 1061c có thể đang là niềm hi vọng số 1 của nhân loại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét