Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

TRI KỶ


Ngày xưa có một phú ông rất thích uống trà. Khi có người đến nhà dùng trà, dù là người nghèo hay giàu ông đều sẽ sai gia nhân chiêu đãi.

Một hôm, có một lão ăn mày rách rưới đứng trước cửa, không xin cơm, chỉ xin bát trà. Gia nhân cho ông ta vào nhà, đun trà mời. Lão ăn mày nhìn nhìn rồi nói: “Trà không ngon”. Gia nhân nhìn hắn lấy làm lạ, rồi cũng đổi một bát trà khác ngon hơn.
Lão ăn mày ngửi ngửi, nói: “Trà này ngon, nhưng nước vẫn chưa được, phải dùng nước suối trong.” Gia nhân ngạc nhiên nhìn hắn, liền vội đi lấy nước suối cất trữ từ sáng sớm ra để pha trà.
Lão ăn mày nhấp thử một ngụm, nói: “Nước rất tốt, nhưng củi sao trà không được, củi phải dùng củi sau danh sơn. Bởi vì củi phía đón nắng của núi chất củi xốp, còn sau danh sơn kia chất củi chắc cứng.”
Gia nhân thấy người này không phải tầm thường, rất tinh thông trà đạo, liền dùng loại củi tốt đun nước pha lại trà, rồi mời lão gia ra tiếp.
Sau khi trà được mang lên, phú ông và lão đối ẩm một bát. Lão ăn mày nói: “Ừm, bát trà lần này, nước, củi, lửa đều tốt, chỉ có ấm pha trà không ổn”. Phú ông nói: “Đây là chiếc ấm tốt nhất của ta”.
Lão ăn mày cẩn thận lấy từ trong tay áo ra một ấm trà bằng đất tử sa đen bóng cao trà, đưa gia nhân pha lại trà. Phú ông vừa nhấp thử, kinh ngạc trước mùi vị ngào ngạt, mê hoặc của trà, lập tức chắp tay thi lễ: “Kính nể, ta xin mua lại chiếc ấm này. Lão cho giá đi, bao nhiêu cũng được”.
Lão ăn mày lắc đầu không bán. Kiếu từ.
Phú ông ngăn lại, nói: “Ta đổi một nửa gia sản để lấy chiếc ấm của ngươi” Lão ăn mày vẫn lắc đầu.
Phú ông sốt ruột: “Như vầy đi, ấm là của ngươi, ngươi hãy ở lại nhà ta, ta ăn gì ngươi ăn đó, nhưng có một điều kiện, chính là ngày nào ta cũng uống trà bằng chiếc ấm nầy.
 Giật mình trước lời đề nghị, lão ăn mày đồng ý.
Ngày qua ngày lão ăn mày cùng phú ông nâng niu chiếc ấm trà, chia sẻ với nhau tâm tư, thưởng trà, ẩm rượu vô cùng ăn ý. Phú ông khám phá rằng lão ăn mày là người biết nhiều, hiểu rộng. Cứ thế hơn mười năm qua đi, hai người trở thành hai lão già tri kỷ.
Thời gian trôi mau, phú ông và lão ăn mày ngày càng già đi. Một hôm phú ông nói: “Ông già hơn tôi, không có con cháu nối dõi, không có ai thừa kế chiếc ấm trà, chi bằng một mai, khi ông khuất núi, để chiếc ấm trà tôi bảo quản, ông thấy thế nào?” Lão ăn mày rưng rưng đồng ý.

Không lâu sau, lão ăn mày qua đời. Phú ông thỏa ao ước có được chiếc ấm tử sa. Lúc đầu, ông chìm trong cảm giác vui sướng, cho đến một ngày, lúc phú ông đang ngắm nghía chiếc ấm, đột nhiên cảm thấy như thiếu thứ gì đó, cảm thấy lẻ loi. Lúc này trước mắt ông hiện lên hình ảnh ngày trước cùng lão ăn mày vui vẻ thưởng trà, trò chuyện. Chợt hiểu, Phú ông lạnh lùng ném mạnh chiếc ấm xuống đất.

Vật  chất sẽ thay đổi theo thời gian, năm tháng. Tình thân của phú ông và lão ăn mày đã vượt qua cái giá trị của ấm trà vật chất đó, nó đã trở thành phi vật chất. Nếu trà ngon, bình trà quý mà không có bạn tâm đắc cùng thưởng thức thì cũng thiếu ý nghĩa. 
Trong cuộc sống có được một người bạn tri kỷ là rất quý.Tình tri kỷ, như một thứ ấm áp không lời, một sự đồng hành vô hình.
Tri kỷ thật sự, là hiểu, là thân thiết, là đồng điệu. Giống như một chén trà xanh, hương vị thấm vào tận trong tim. Có những khi chỉ cần một cái ôm, một cái bắt tay, một ánh mắt, một sự im lặng ngồi bên nhau trước ấm trà, trước ly cà-phê mà không cần dùng đến lời nói. Có những khi chỉ cần một cú điện thoại, một đoạn tin nhắn là có thể cảm động mãi sau này.
Tri kỷ, không cần che đậy, cũng không cần giải thích, tự nó đã hiểu, tự nó cảm nhận, không cần vẻ vời, màu mè, tự nó sẽ đem đến niềm vui, tự nó sẽ như ý thơ, như lời nhạc vang vọng trong tâm hồn.*
(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...