Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Hoa Kỳ tháo dỡ 900 con đập, sinh thái phục hồi kinh ngạc: Dưới nước toàn là cá






Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã tháo dỡ các con đập từng xây dựng trước đây. Kể từ sau khi loại bỏ những con đập này, khả năng tự phục hồi của tự nhiên thật đáng kinh ngạc.
Năm 2014, nhà sinh vật học người Mỹ Nate Grey nói trên trang web “Christian Science Monitor”: “Hãy nhìn các dòng sông, rất nhiều cá đang sinh sống trở lại”. Hàng ngàn con cá hồi, cá alewife v.v.. đã trở lại thoắt ẩn thoắt hiện trong nước.

Nhưng 6 năm trước, nơi đây không hề có một con cá alewife nào. Ông Grey ước tính vào mùa hè này, số lượng cá này ở đây có thể tăng vọt đến 3 triệu con. Trước khi hai con đập được gỡ bỏ ở vùng hạ lưu, những con cá muốn đến đây phải xếp hàng bơi vào một chiếc thang thuỷ lực trị giá 1 triệu đôla bắc qua con đập thuỷ điện có chiều cao 27 feet (khoảng 8m). Ông Gray nói: “Những gì bạn thấy là những gì con người dùng sự giàu có của mình tạo ra. Chúng ta cần phải thay đổi trong quan niệm.”

Có nhiều con đập từng được xem là kỳ công của kỹ thuật hiện đại nhưng ngày nay đều đang được gỡ bỏ. Một số đập bị gỡ bỏ vì lý do an ninh, một số vì các chi phí bảo dưỡng quá cao. Nhưng phần lớn, loại bỏ các đập là để khôi phục lại hình dạng ban đầu của dòng sông.

Trong 25 năm qua, có gần 900 con đập ở Mỹ được gỡ bỏ. Ban đầu chúng được xây dựng để cung cấp điện, lưu trữ nước, tưới tiêu hoặc sử dụng năng lượng thủy điện. Giờ đây, mỗi năm có khoảng 50-60 con đập được dỡ bỏ. Trong đó có nhiều con đập đã sớm bị lãng quên từ lâu. Các nhà môi trường nói rằng gỡ bỏ các con đập đã giúp khôi phục lại tự nhiên nhanh chóng.

Một người đàn ông vốn làm công tác bảo vệ các con sông ở Maine suốt 16 năm cho biết: “Chúng ta đã bắt đầu nhận ra những giá trị mà chúng ta đã từ bỏ trước đây. Con người cho rằng, loại bỏ các con đập chỉ vì loài cá. Nhưng sau đó họ sẽ nói: Ah, nhiều cá xuất hiện trở lại quá! Ah nước trong hơn nhiều! Ah tôi thực sự thích dòng sông được chảy một cách tự nhiên như thế này!”

Mike là một trong những người cảm thấy rất bất ngờ. Ông làm việc tại một trạm thuỷ điện và chịu trách nhiệm bảo trì thang cá. Cứ 8 phút, những con cá alewife lại được đưa vào một cái hộp, sau đó đưa từ phía hạ lưu lên thượng lưu. Những con cá sau khi nhập vào dòng sông phía trên lại tiếp tục cuộc hành trình di cư của chúng. Ông đứng bên cạnh các thiết bị, kiểm tra và ghi nhật kí. Ngày hôm trước, ông đã giúp tổng cộng 95.200 con cá vượt qua con đập.

Ông nói: “Bây giờ, tôi hoàn toàn thay đổi quan niệm của mình về loài cá alewife, sự tồn tại của chúng đối với môi trường là rất quan trọng.”

Trong năm 2011, các công nhân xây dựng đã phá hủy con đập được cho là một trong những đập lớn nhất tại Hoa Kỳ cho đến hiện nay.
Trong năm 2011, các công nhân xây dựng đã phá hủy con đập  lớn nhất tại Hoa Kỳ.

Hai con đập Elwha và Glines Canyon trên sông Elwha bị tháo dỡ thuộc dự án phục hồi hệ sinh thái lớn nhất của Mỹ. Bộ Nội vụ nước này đã được chính phủ trao quyền mua các con đập với giá 29,5 triệu USD để thực hiện dự án phục hồi sông Elwha – một trong những dòng sông dồi dào nguồn cá hồi ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương. Tổng chi phí dỡ bỏ 2 đập này lên tới 350 triệu USD.

Sông Elwha từng là kho tài nguyên giàu có của khu vực tây bắc nước Mỹ, nhưng những con đập ngăn dòng đã nhanh chóng phá hủy các hệ sinh thái tự nhiên của dòng sông… Các con đập đẩy những giống cá hồi bản địa, trong đó có cá hồi vua, cá hồi lưng gù và cá hồi chó, vào nguy cơ tuyệt chủng.

Ngay khi dòng chảy của sông Elwha trở nên thông thoáng hơn, những đàn cá hồi đã bắt đầu quay về đẻ trứng tại nơi cư trú của tổ tiên chúng cách đây hơn 1 thế kỷ. Còn cây cỏ đã mọc đầy những vỉa đất cao hình thành sau khi hồ Mills và Aldwell xả hết nước…

Vậy điều gì đã khiến chính quyền dỡ bỏ?

Việc dỡ bỏ đập không phải chỉ vì lợi ích của loài cá, mà đôi khi còn liên quan đến lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia. Trong hầu hết các trường hợp, việc dỡ bỏ các đập là do những tác hại đáng kể mà các đập gây ra với các dòng sông. Chúng thường làm cạn kiệt thủy sản, suy thoái hệ sinh thái và làm giảm khả năng đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân trên sông.

Cụ thể, theo Hiệp hội sông ngòi Mỹ, các đập gây ra các tác hại chính cho các dòng sông như làm giảm mực nước, chặn hoặc làm chậm dòng chảy, thay đổi nhiệt độ nước và thời gian dòng chảy, thay đổi mực nước hồ chứa và giảm lượng oxy trong nước.

Dùng nước làm thủy điện, nên con đập loại bỏ lượng nước cần thiết cho hệ sinh thái lành mạnh. Điều này làm giảm lượng nước ở lưu vực phía dưới. Đập ngăn chặn dòng chảy của thực vật và các chất dinh dưỡng, làm cản trở sự di cư của cá và động vật hoang dã khác, và ngăn chặn con người vui chơi trên dòng sông.

Rất nhiều loài cá như cá hồi, phụ thuộc vào dòng chảy ổn định để  di chuyển về khu vực hạ lưu và ngược dòng trở lại để đẻ trứng. Hồ chứa nước tù đọng làm mất phương hướng di cư của cá và làm tăng đáng kể thời gian di chuyển của chúng.

Do dòng chảy chậm lại, đa số các đập làm nhiệt độ nước tăng lên. Cá và các loài khác rất nhạy cảm với những bất thường nhiệt độ, khiến chúng có nguy cơ bị  tuyệt chủng.

Hoạt động tích trữ và xả nước khiến khu vực hạ lưu của sông đối mặt với tình trạng không có nước hoặc ngập cao, gây xói mòn đất và thực vật, và lũ lụt.

Do dòng chảy chậm lại, các con đập tích tụ phù sa ở đáy sông và vùi lấp môi trường sinh sản cá. Phù sa bị mắc kẹt trên đập tích lũy kim loại nặng và các chất ô nhiễm khác. Sỏi, gỗ và các mảnh vụn khác cũng bị mắc kẹt bởi các con đập, khiến chúng không di chuyển được về hạ lưu sông để đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho khu vực này.

Vì vậy có thể nói việc tháo dỡ các con đập đã thật sự làm cho dòng sông được phục hồi và thay đổi đến mức tối đa. Hy vọng nỗ lực của chính phủ đem mọi thứ trở về với tự nhiên sẽ giúp khôi phục lại trạng thái vốn có của các dòng sông, giúp chúng có thể tự bảo dưỡng và duy trì trạng thái tốt nhất của mình.

Bạch Mỹ.
(daikynguyen.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GHÉT : Thơ Sông Thu Và Bài Họa Của Các Thi Hửu

GHÉT Em ghét anh nhiều, có biết không ? Người sao vô ý đến đau lòng Hôn nhau, mãi ước làn môi mọng Ngó mặt, hoài mơ ánh mắt nồng Lại bảo bồ ...