Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

Suzanna Arundhati Roy, một khuôn mặt độc đáo của văn chương Ấn Ðộ

Trần Doãn Nho/Người Việt

Nữ nhà văn Suzanna Arundhati Roy. (Hình: famousauthors.org)
Người phụ nữ Ấn Độ này, bà Suzanna Arundhati Roy, từng được tạp chí People (Hoa Kỳ) chọn làm một trong 50 người đẹp nhất hành tinh của năm 1998. Tuy nhiên, bà trở nên nổi tiếng nhiều năm trước đó không phải bằng sắc đẹp mà bằng một yếu tố khác: văn chương.
Tác phẩm đầu tiên của bà, “The God of Small Things” (Thượng Đế của Những Điều Vụn Vặt) đã đưa tên tuổi bà vào thế giới.
Sinh năm 1961 tại Bengal, Ấn Ðộ, và lớn lên tại tiểu bang Kerala, chưa đến tuổi trưởng thành, Roy đã trải qua một cuộc sống vất vả. Bà sống tự lập lúc mới 16 tuổi.
Như phần nhiều những nhà văn Ấn Độ khác, Roy viết “The God of Small Things” thẳng bằng tiếng Anh. Câu chuyện được dựng ở một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Kerala, Ấn Ðộ, đề cập đến cuộc sống điển hình của một gia đình Ấn Độ dưới cái nhìn của một cô bé lên 7 tuổi tên là Rahel.
Đúng ra, đó là một chuỗi hồi tưởng về quá khứ hai mươi ba năm trước của một Rahel, lúc này đã là người lớn, đi xa và trở về chỉ để tìm thấy cái gia đình thuở thiếu thời sum họp đó bây giờ đã trở nên ly tán.
Hồi đó, cô và người anh song sinh tên là Estha, sống với mẹ là bà Ammu. Ammu lấy chồng rồi ly dị. Cả gia đình sống chung trong nhà bà ngoại với cậu, dì. Ngoài những sinh hoạt linh tinh, cốt lõi của câu chuyện là mối tình giữa Ammu, mẹ của Rahel và Estha, và một người thợ mộc của gia đình tên là Velutha. Ðó là một mối tình lén lút, đam mê và bệnh hoạn. Vì Velutha là một người thuộc giai cấp cùng đinh, tức là người có nguồn gốc hạ tiện.
Ở Ấn, những người như Velutha được gọi là “untouchable” tức là những kẻ không được đụng đến. Ấy thế mà anh ta được cả hai đứa bé và người mẹ Ammu yêu mến. Không những thế, Velutha còn được xem như là một thứ Thượng Đế (God) vì anh là người quán xuyến tất cả mọi việc trong nhà và tốt với tất cả mọi người trong lúc những người khác thì ích kỷ, hẹp hòi, cố chấp. Mối tình xuyên giai cấp đó chấm dứt một cách thê thiết: Velutha chết, một cái chết tàn nhẫn, bí ẩn khi bị bắt đến đồn cảnh sát. Người tình chết, bà mẹ Ammu cũng chết luôn.
Giống như hầu hết những truyện đầu tay, “The God of Small Things” mang nhiều tính tự truyện. Nhân vật Rahel không khác mấy với cuộc đời của Roy. Truyện là một tổng hợp giữa tình yêu, sự điên loạn, nỗi đau khổ và niềm hy vọng.
Bằng một lối viết duyên dáng, Roy thể nhập vào tuổi thơ, nhìn cái nhìn của tuổi thơ, phán đoán cái phán đoán của tuổi thơ, yêu và ghét theo cách riêng của tuổi thơ, xây dựng một câu chuyện có tác động mạnh mẽ và gợi cảm, tìm thấy những gốc rễ lịch sử và đam mê đã thúc đẩy mỗi một thành viên trong gia đình hình thành số mệnh theo cách riêng của mỗi người.
Qua nhãn quan ngây thơ và trong sáng, hai đứa trẻ Rahel và Estha vẽ lại cuộc sống của chúng trong bóng dáng sự đổ nát của những người yêu mến trong gia đình từ mẹ, bà ngoại đến cậu, dì rồi Velutha.
Sức mạnh của tác phẩm nằm ở chỗ nó phác họa sâu sắc và sống động hình ảnh của cuộc xung đột bi thảm trong một gia đình và từ đó, đẩy xa hơn đến mối xung đột rộng lớn về giai cấp, luật pháp, xã hội, văn hóa và lịch sử của Ấn Ðộ, một Ấn Ðộ chênh vênh giữa hiện đại và truyền thống. Ðặc biệt lịch sử là một áp lực: nó là một gánh nặng đè mãi trong cuộc sống của mỗi một người.
Tất cả những cái có vẻ lớn lao đó, thực ra, xuất phát từ những chi tiết vô cùng nhỏ bé, vụn vặt trong cuộc sống hàng ngày mà Roy mang vào trong truyện. Đặc biệt, Roy xây dựng nhân vật Velutha có cá tính và nhân cách hoàn hảo (như God) đến nỗi nhà báo Ruth Vanita (tạp chí Macushi Journal, số 103/1998), trong một bài điểm sách dài, cho rằng đó là điểm yếu nhất trong tác phẩm hay ho này.
Theo Saglain Imam, “Văn của bà là một loại văn trữ tình. Nó không phải là thứ tiếng Anh bình thường như những nhà văn Anh viết. Roy là một nhà văn dám phá vỡ quy luật, chuyển dịch nhịp điệu và tạo ra một thứ ngôn ngữ mới, chưa hề có trước đó. Các con chữ có khi tách, chẻ ra lại có khi dính lại. Chẳng hạn ‘later’ thành ‘Lay.Ter;’ ‘An owl’ thành ‘A Nowl;’ ‘Sour metal smell’ thành ‘sourmetal smell…’ Roy cho biết, bà “thích lập lại, dùng lại các con chữ vì cái đó giúp tôi cảm thấy an toàn. Những chữ và câu lập lại gây cho ta cảm giác được ru, được đong đưa, y như được nghe câu hát ru em.”
Tác phẩm hoàn tất vào Tháng Năm, 1996. Đến Tháng Mười, 1996, sau khi xuất bản, gần 400,000 ấn bản bán sạch trên toàn cầu và liên tiếp đứng đầu danh sách “bestsellers” tại nhiều nơi trên thế giới.
Trên tờ New York Times, nhà văn John Updike so sánh ảnh hưởng của sự xuất hiện tác phẩm với thành tích thần kỳ của tay chơi golf trẻ Tiger Woods, Hoa Kỳ, thực hiện tại cuộc thi đấu “Grand Masters,” Atlanta, bang Georgia. Ông còn cho rằng tác phẩm là âm vọng của William Faulkner, Vladimir Nabokov (Hoa Kỳ) và James Joyce (Anh).
Ở Anh, tác phẩm nằm ở đầu danh sách “bestsellers” của tờ The Sunday Times trong bốn tuần liên tiếp. Sách bìa cứng bán trên toàn thế giới đạt đến con số 100,000. Ở Ấn, sách liên tục tái bản mà vẫn không theo kịp được nhu cầu tiêu thụ, mặc dầu giá một cuốn là 400 đồng rúp-pi Ấn, tương đương với lương trung bình ba ngày của một công nhân.
Tại sao có hiện tượng đó?
Vì nó hay, dĩ nhiên. Nhưng mặt khác, sách bán chạy cũng vì tác phẩm đã gây ra một cuộc tranh cãi trên các diễn đàn văn chương cũng như xã hội tại cả Anh lẫn Ấn. Ở Anh, các nhà phê bình văn học tranh cãi dữ dội về tác phẩm, nhất là khi tác phẩm nộp tranh giải Booker 1997.
Họ chia làm hai phe bút chiến với nhau bằng những bài viết sôi nổi. Trong lúc đó, ở Ấn, không khí lại càng ồn ào hơn nữa. Nhất là tại nơi sinh trưởng của tác giả. Lý do: “The God of Small Things” có nhiều đoạn mô tả cảnh ân ái. Các đoạn mô tả này, tuy không lộ liễu lắm, nằm rải rác ở nhiều chương khác nhau trong suốt tác phẩm.
Chẳng hạn, Roy diễn tả cảnh một chú bé bị bắt buộc phải thủ dâm với một người lạ mặt trong rạp chiếu bóng. Ấn tượng nhất là ở chương cuối: Roy mô tả cảnh làm tình giữa bà Ammu và Velutha. Ở Ấn Độ, viết văn như thế là tục tĩu và mang xu hướng đầu độc đầu óc của độc giả, làm bại hoại luân lý. Lại càng là một điều cấm kỵ và tội lỗi hơn khi quan hệ đó lại dính dáng đến một kẻ thuộc giai cấp cùng đinh.
Nhưng nói chung, báo chí ủng hộ Roy hết mình. Và ngoài sự mong đợi, tác phẩm đoạt giải Booker năm 1997. Ngoài giải Booker, bà đoạt nhiều giải thưởng khác, trong đó, có giải Norman Mailer Prize (Hoa Kỳ) vào Tháng Mười Một, 2011, vì là một cây bút ngoại hạng. Năm 2014, bà được tuần báo Time liệt kê là một trong số 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trên toàn thế giới.
Với danh tiếng có được từ lãnh vực văn chương, bà dấn thân vào một lãnh vực khác với một sự hăng say đặc biệt: tranh đấu cho hòa bình. Sự xác tín và lòng nhiệt thành dường như đã đẩy Roy đi quá xa trong nhiều lập luận, tiến đến chỗ cực đoan, gây những tranh cãi khá gay gắt trong giới trí thức, nhà văn, sử gia, chính trị gia, nhà báo ở Ấn Ðộ cũng như ở nhiều nước trên thế giới. Hoạt động này đã cản trở sự nghiệp văn chương của Roy.
Mãi đến 20 năm sau “The God of Small Things,” bà mới có được tác phẩm thứ hai “The Ministry of Utmost Happiness,” xuất bản vào Tháng Sáu năm nay (2017). Tác phẩm đề cập đến những giai đoạn vô cùng đen tối và bạo động trong lịch sử Ấn Độ vào cuối thế kỷ 20 qua đến đầu thế kỷ 21.

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...