Khen thay con tạo khéo khôn phàm
Một đố giương ra biết mấy ngàm
Triền đá cỏ leo sờ rậm rạp
Lạch khe nước rỉ mó lam nham
Một sư đầu trọc ngồi khua mõ
Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am
Đến nơi mới biết rằng Thánh Hoá
Chồn chân mỏi gối hãy còn ham
(Bản khắc 1922)
*
Khảo dị: bản Quốc văn tùng ký
Tựa đề: Vịnh hang Thánh Hóa - Chùa Thầy
Câu 3: Sườn đá cỏ leo sờ rậm rạp
Câu 4: Lạch khe nước chảy mó lam nham
Nguồn: Kiều Thu Hoạch, Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Nxb Văn học, 2008
*
Văn bản chữ Nôm
柴 山
𠸦 咍 𡥵 皁 窖 坤 凡
殳 螙 張 別 含
壥 𥒥 𦹯 蹽 𣻄 甚 笠
溪 渃 洟 𢱖 婪 岩
殳 師 頭 濁 𢫈 楳
篠 𨉞 論 𨅸 㑏 埯
𦤾 坭 别 云 聖 化
𨀛 蹎 痗 唉 群 𢣇
*
Chú giải
Phàm: 凡 ,bao gồm tất cả
Đố: 螙, thanh tre hay gỗ đóng ở vách hoặc cửa để tăng độ cứng.
Ngàm: 含 mượn âm “hàm” từ Hán Việt, chỗ có khấc ở đầu thanh gỗ hay sắt, để đặt khớp với đầu thanh gỗ hay sắt khác, cho chặt vào, không di động được.
Triền: 纏 , dải đất thoai thoải ở hai bên bờ sông hoặc hai bên sườn núi.
Triền đá: 纏 𥒥 , dải đất thoai thoải dọc theo hai bên sườn núi.
Rậm rạp: 甚 笠 , cỏ dại và dây leo mọc lộn xộn, khít vào nhau, dày đặc.
Lạch: (thủy + lịch), dòng nước nhỏ chảy thông ra con rạch, con sông
Khe: 溪 (âm HV khê), rạch nước ở trong núi chảy ra.
Rỉ: 洟 (thủy + di), rò ra, tuôn ra từng chút một
Mó: 𢱖(thủ + mỗ), đặt tay sờ vào vật gì.
Lam nham: 婪岩,không được sạch, không phẳng phiu.
Hang Thánh hoá:Theo lời truyền tụng, là nơi hiền Sư Từ Đạo Hạnh thoát xác để đầu thai làm vua Lý Thần Tông.
*
(1-2): Khen cho Đấng Tạo Hóa đầy quyền năng:
Đấng Sáng Tạo ra tất cả vạn vật bao trùm cả, rất tuyệt vời,
như một cội cây sinh ra rất nhiều nhánh.
(3-4-5-6): Cận cảnh và người :
Triền đá hoang vắng, tiêu sơ, cỏ dại và dây leo mọc đầy, rậm rạp,
Có dòng nước nhỏ trong khe núi rỉ ra yếu ớt, lạch khe nước rỉ,
khi đặt tay vào thì có cảm giác nhám tay vì nơi đó không phẳng phiu, mó lam nham.
(7-8): Cảm tưởng của tác giả.
Phải đi đến nơi mới biết.(Muốn biết Hang Thánh Hóa, Chùa Thầy Sài Sơn là phải đến nơi).
Cho dẫu đường lên chùa rất khó đi, đi rất bải hoải, vô cùng mệt mỏi, chồn chân mỏi gối, nhưng người hành hương rất thích thú, hầu như lúc nào cũng mong mau đến cảnh Chùa, ham.
*
Ngân Triều cảm tác:
Khen cho tạo hóa đầy quyền năng,
Một gốc sanh ra những nhánh tầng.
Triền đá hoang sơ đầy cỏ dại,
Đá khe nước giọt mó lam nham.
Một nhà sư nọ, ngồi khua mõ.
Hai tiểu mập tròn, đứng giữ am.
Ra sức mới lên trên đỉnh đó,
Rã rời chân mỏi vẫn còn ham.
*
Bổ sung về Chùa Sài Sơn (1):
Chùa Sài Sơn, Chùa Thầy.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chùa Thầy là một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây nam, đi theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy. Chùa được xây dựng từ thời nhà Đinh. Đây từng là nơi tu hành củaThiền sư Từ Đạo Hạnh, lúc này núi Thầy còn gọi là núi Phật Tích.
Hệ thống chùa trên núi
Qua cầu Nguyệt Tiên nối với con đường lên núi. Trên núi có chùa Cao, vốn là Hiển Thụy am, còn có tên là Đỉnh Sơn Tự, là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên. Trên vách chùa còn khắc những bài thơ tức cảnh của Nguyễn Trực và Nguyễn Thượng Hiền. Tương truyền rằng động Phật Tích ở sau chùa là nơi Ngài Từ Đạo Hạnh thoát xác để đầu thai làm vua Lý Thần Tông, nên còn gọi là hang Thánh Hóa.
Tượng Từ Đạo Hạnh, ảnh Google
*
Phía trên chùa Cao, trên đỉnh núi có một mặt bằng gọi là chợ Trời với nhiều tảng đá hình bàn ghế, kệ bày hàng, ly rượu,... trong đó có một phiến đá nhẵn lì được gọi là bàn cờ tiên. Có lẽ nơi đây ngày xưa các bậc trích tiên vẫn ngồi chơi cờ, uống rượu, thưởng trăng và ngâm thơ.
Từ chùa Cao, đi vòng ra phía sau là hang Cắc Cớ, là nơi tình tự của trai gái ngày xưa trong những ngày hội hè, như ca dao đã ghi lại:
Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ,
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy.
Đi ngược lên trên là đến đền Thượng. Gần đền Thượng có hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá được thời gian bào mòn trông như tượng Phật. Tiếp đó là hang Bò với lối vào âm u. Cách một đoạn là đến hang Gió với những ngọn gió thổi thông thốc cả hai đầu.
Ở chân núi phía Tây còn có chùa Bối Am, còn gọi là chùa Một Mái, chùa có tên như vậy là vì chùa chỉ có một mái ngói, mặt sau chùa dựa vào vách núi. Truyền thuyết ở khu vực chùa Bối Am, thuộc phạm vi căn cứ Đỗ Động Giang xưa cho biết: Trước kia có một toán quân của Lã Đường tự Lã Tá Công, một trong Thập nhị sứ quân, bị vây hãm trong hang núi và bị chết đói hết cả.[1] Điều này chứng tỏ đã có một cuộc tấn công của sứ quân Lữ Đường tới lãnh địa sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, chiếm đóng tại đây.
Như vậy, quanh núi Thầy, ngoài chùa Thầy còn có cả một cụm kiến trúc Phật giáo được xây dựng trong những khoảng thời gian khác nhau.
Trong một bài ký ghi trên vách núi, Chúa Trịnh Căn đã phác họa cảnh chùa Thầy:
"Như viên ngọc nổi lên giữa đám sỏi đá,
Rạng vẻ xuân tươi khắp cả bốn mùa.
Động trên hệt như cõi thanh hư,
Bên vách còn in mây ráng.
Ao rồng thông sang bến siêu độ,
Cầu tiên Nhật Nguyệt đôi vầng.
Hình tựa bình phong,
sông như dải lụa".
*
Ngân Triều cảm đề:
Viên ngọc mọc lên trên sỏi đá,
Bốn mùa luôn rạng vẻ xuân yêu.
Chùa Thầy như động thanh hư tuyệt,
Bên vách còn vương bóng ráng điều,
Thông nẻo Ao rồng sang Bến giác,
Cầu Tiên Nhật Nguyệt nối đường siêu.
Hữu tình non nước dường tranh vẽ,
Dải lụa kìa sông ánh nắng chiều.
Ngân Triều
*
Tham khảo(2)
Vịnh Chùa Thầy (Sài Sơn, Sơn Tây)
Nguyễn Trực (1417-1474)
*
Đột ngột vân gian tự,
Nhân sinh kỷ độ qua.
U nham tàng Phật tích
Tiếu bích ỷ tăng gia.
Địa viễn phi trần thiểu,
Sơn cao đắc nguyệt đa.
Thượng nhân lưu khách túc,
Ôi vu hựu phanh trà.
*
Bản chữ Hán, Ngân Triều soạn:
宊 兀 雲 間 寺
人 生 幾 度 過
幽 岩 藏 佛 跡
峭 壁 倚 僧 家
地 遠 飛 塵 少
山 高 得 月 多
上 人 留 客 宿
煨 芋 又 烹 茶
*
Nguồn:Thơ vịnh chùa Thầy (Sài Sơn Sơn Tây), Sách Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Dương Quảng Hàm, trang 265-266, NXB Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục,in lần thứ 10-1968.
*
Chú thích:
Trạng Nguyên Nguyễn Trực (1417-1473)
Trạng nguyên Nguyễn Trực (1417-1474),tự là Công Dĩnh, hiệu là Hu Liêu, nguyên quán ở xã Bối Khê huyện Thanh Oai, sau rời đến xã Nghĩa Bang, phủ Quốc Oai (nay là xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Nguyễn Trực sinh ngày 16 tháng 5 năm Đinh Dậu (1417) tại Am Long Đẩu, núi Phật Tích, trong một gia đình danh gia vọng tộc, nối đời khoa bảng. Cụ nội của Nguyễn Trực là Nguyễn Hữu từng giữ chức Hàn lâm viện Thị giảng kiêm Thẩm hình viện sự dưới triều Trần. Ông nội là Nguyễn Bính - một người nổi tiếng tài ba đức độ, từng giữ chức Huấn đạo phủ Ứng Thiên. Thân sinh ra Nguyễn Trực là Nguyễn Thì Trung là người Nho học, đạo đức trong sáng, nghiêm cẩn. Khi giặc Minh sang xâm lược nước ta, Nguyễn Thì Trung nhận thấy mảnh đất Nghĩa Bang, phủ Quốc Oai là nơi “Long hội quần anh”, nên đã ôm sách chạy về đây và kết duyên với bà Đỗ Thị Trừng, vốn là cháu xa của Phụng Thánh phu nhân triều Trần, sinh ra Nguyễn Trực.
Nguyễn Trực tuy xuất thân từ một gia đình công thần, nhưng nhà nghèo. Thuở nhỏ chăn trâu giúp bố mẹ, ông thường ngồi trên mình trâu mà đọc sách. Nguyễn Trực từ bé đã nổi tiếng khắp vùng là thần đồng. Mười hai tuổi, Nguyễn Trực đã giỏi văn thơ,mười tám tuổi đỗ đầu thi Hương. Trong kỳ thi, cả ba trường, nhất, nhì, ba ông đều đỗ xuất sắc. Năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo 3 (1442), ông cùng 450 cống sĩ dự kỳ thi Hội, là một trong 33 người trúng cách, vào dự thì Đình. Hoàng thượng ban cho Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên. Khi đó ông mới 26 tuổi.
Nguyễn Trực là vị Trạng nguyên khai khoa của triều Lê. Sau khi thi đỗ Trạng nguyên Nguyễn Trực đã kinh qua các chức vụ quan trọng của triều đình như: Chiêu nghị Đại phu, Hàn lâm viện Trực học sĩ kiêm Vũ kỵ đô uý, An phủ sứ Nam Sách, rồi được nhậm chức Hàn lâm viện Thị giảng, Thiếu trung Đại phu. Nguyễn Trực đã từng giữ chức Trung thư Thị lang, Ngự tiền học sinh Nhị cục. Ông nhận lệnh vua Lê Nhân Tông làm Chánh sứ cùng Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường làm Phó sứ sang nhà Minh. Tương truyền khi ấy, vương triều phương Bắc có mở khoa thi, với tài ứng đối kiệt xuất và kiến thức uyên bác, Nguyễn Trực đã dự thi và đỗ Trạng nguyên, Trịnh Thiết Trường đỗ Bảng nhãn. Vua Minh ban cho các ông cẩm bào và vinh quy về nước, hoàn thành sứ mệnh bang giao và trở thành vị Lưỡng quốc Trạng nguyên thời Hậu Lê ở nước ta. Năm 1457, Nguyễn Trực được cử tiếp sứ nhà Minh sang nước ta. Sứ thần Hoàng Gián hỏi vặn mọi điều, ông giảng giải phân minh lưu loát, khiến vị sứ thần nhà Minh vô cùng thán phục. Cùng năm ông được vua ban Trung trinh Đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ. Sau đó, vua còn giao cho ông chỉ đạo việc xây chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích và giám sát việc xây lầu Chấn Khê. Vua Lê Nhân Tông trọng nể, cho thợ vẽ truyền thần ông đặt bên cạnh nhà vua để tỏ lòng yêu dấu.
Dưới thời vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Trực lại càng được trọng dụng. Năm 1460, nhà vua phong Nguyễn Trực làm Đại phu Trung thư sảnh, Trung thư sảnh Tri quan tam sự kiêm Nhập thị học sĩ Thượng khinh xa uý Thái liêu ban. Năm 1466, ông bị bệnh, xin miễn chức và mong được dưỡng bệnh dưới chân núi Đại Lại, xã Bạch Thạch, huyện Mỹ Lương, phủ Quốc Oai. Vua mời ông ở lại Kinh đô dưỡng bệnh. Năm 1473, vua Lê Thánh Tông triệu ông vào điện và phong cho ông là Gia hạnh Đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu. Tài năng và đức độ của Nguyễn Trực luôn được vua Lê Thánh Tông coi trọng và đánh giá cao. Do vậy, các thơ văn của nhà vua phần nhiều đưa cho Nguyễn Trực nhận xét, bình luận trước. Nhà vua còn sai văn thần đem bộ sách “Thiên Nam dư hạ” đến tận nhà để Nguyễn Trực điểm bình.
Ngày 28 tháng 12 năm 1473, Nguyễn Trực lâm bệnh và qua đời, hưởng thọ 57 tuổi giữa lúc tài năng đang còn rực rỡ. Khi ông mất, vua Lê Thánh Tông có lời điếu rằng:"Đời dõi Nho tông phát ấp bang; Trong đạo đức, có từ chương; Nối dòng thi lễ nhà truyền báu; Tranh giải khôi nguyên bảng chói vàng; Nam - Bắc hai triều danh vang; Phong lưu một cửa họ sang; Từ đường ở đấy niềm tây lạnh; Dấu cũ càng thơm xạ có hương". Thi hài của ông được an táng tại thôn Khê Thượng, xã Nghĩa Bang, phủ Quốc Oai. Sau lại cải táng dưới chân núi Thịnh Mỹ, xã Nghĩa Bang, phủ Quốc Oai.
Sinh thời ông là người trung trinh mẫn cán, thông kinh sử, giỏi việc bang giao. Tác phẩm có Bối Khê thi tập (Hu Liêu tập), và hiện còn 6 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục. Dù làm ở cương vị nào, Nguyễn Trực luôn giữ được phẩm cách tôn quý của nhà Nho hết lòng vì dân vì nước.
Nguồn: Wikipedia
*
Chú giải:
Đột ngột: 宊 兀 cao ngân ngất, chót vót, cao ngất.
vân gian tự: 雲 間 寺 chùa như ở trong mây, chùa cao lẫn trong mây.
Già yếu xa xôi bấy đến nay,
Làng chơi loáng thoáng lại buồn thay!
Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá.
Sư cụ nằm chung với khói mây
Dặm thế ngõ đâu tầng trúc ấy,
Thuyền ai khách đợi bến đâu đây?
Chuông trưa vẳng tiếng người không biết,
Trâu thả sườn non ngủ gốc cây.
Nhớ cảnh chùa Đọi,(1), Nguyễn Khuyến.
*
Chùa Đọi (1), tên Hán Việt là Diên Linh tự, được xây dựng trên núi Long Đọi thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, cách quê hương Nguyễn Khuyến là huyện Bình Lục, tình Hà Nam chừng 10 cây số.
*
nhân sinh: 人 生 đời người.
kỷ độ qua: 幾 度 過 mấy lúc, có cơ hội nào mà được đến đây, đến viếng chùa.
U nham: 幽 岩 núi tĩnh lặng và vắng vẻ, núi sâu.
tàng Phật tích: 藏 佛 跡 lưu giữ dấu vết của Đức Phật.
Tiếu bích: 峭 壁 sườn núi đá lởm chởm, như bức tường, tạm dịch là tường đá.
ỷ tăng gia: 倚 僧 家 tựa (dựa) lưng vào nhà tăng (chùa)
Địa viễn: 地 遠 xa mặt đất.
phi trần thiểu: 飛 塵 少 , ít bụi bặm bay đến.
Sơn cao: 山 高 ở trên núi cao.
đắc nguyệt đa: 得 月 多 thưởng thức được nhiều ánh trăng.
Thượng nhân: 上 人 tiếng tôn trọng, xưng hô với các vị cao tăng.
lưu khách túc: 留 客 宿, cầm, giữ khách ở lại thêm một thời gian.
Ôi vu: 煨 芋, lùi khoai lang vào bếp cho chín.
hựu phanh trà: 又 烹 茶 rồi lại nấu nước sôi, pha trà.
*
Dịch thơ của Nguyễn Quảng Xương
Chùa kia chót vót lẫn tầng mây,
Mấy lúc đời người dễ tới đây.
Kẽm đá còn in chân Đức Phật,
Sườn non vẫn tựa mái Sư Thầy.
Đất xa gió bốc hơi trần ít,
Đỉnh ngất trăng lên ánh sáng đầy.
Giữ khách đường xa đêm nghỉ lại,
Sư vào pha nước với lùi khoai.
*
Bản dịch của Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Gửi bởi LADALAT ngày 24/10/2011 17:35
Trong mây chót vót chùa cao
Đời người đâu dễ dịp nào viếng thăm
Hang sâu dấu Phật còn hằn
Sườn non chơm chởm nhà tăng dựa kề
Đất xa bụi ít bay về
Trăng thanh núi thẳm bốn bề sáng soi
Sư ông lưu khách lại rồi
Pha trà mời mọc lại lùi thêm khoai.
*
Bản dịch của Nguyễn Văn Dũng Vicar
Gửi bởi PH@ ngày 12/04/2017 22:04
Chùa trội cao trong mây
Mấy người từng lên đây
Dấu Phật ẩn hang thẳm
Nhà tăng dựa núi Thầy
Đất xa ít vương bụi
Non cao đầy trăng ngà
Sư ông đêm lưu khách
Nướng khoai lại pha trà.
*
Bản dịch của Nhất Nguyên
Gửi bởi Nhất Nguyên ngày 13/04/2017 13:00
Chùa vươn chót vót vượt tầng mây
Mấy lúc đời người được tới đây
Thăm thẳm hang sâu in dấu Phật
Vách non sừng sững tựa am thầy
Nơi xa cát bụi bay về ít
Chốn vắng trăng sao toả sáng đầy
Sư cụ giữ mời đêm nghỉ lại
Khoai vùi hoà quyện khói trà bay.
*
Ngân Triều họa bài thơ của Nguyễn Quảng Xương:
Mái chùa ngân ngất lẫn tầng mây,
Mấy thuở đời người đến được đây.
Quạnh quẽ còn lưu bao dấu Phật,
Cheo leo vách đá ủ (a) chùa Thầy.
Lao xao gió bụi bay không tới,
Thanh thản trăng thâu chiếu sáng đầy.
Hòa Thượng hảo tâm mời khách lại,
Liền vô nấu nước với lùi khoai
*
(a) ủ: phủ kín, như làm cho ấm áp lên
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa