Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

PHIẾM VỀ : NHÀN,VÔ,BẤT,KHÔNG (Truong Nguyen và Đỗ Chiêu Đức )


 Câu hỏi của Trương Nguyen

Xin thình ý quí Anh,
Trong Hán Việt, có nhiều chữ ‘nhàn’.
Thiều Chửu:
1. Chữ nữ bên trái, chữ môn bên mặt, trong chữ môn có chữ nhật.  ‘Nghĩa: Nhàn nhã, tập cái gì quen thuần thục rồi đều gọi là nhàn’
2. Chữ môn chúc chữ mộc.  Bao lơn, cái ngăn để hạn chế lối ra vào; thí dụ: phòng nhàn, mã nhàn. Nhàn hạ, cùng nghĩa với chữ nhàn: chữ môn bên trong có chữ nguyệt.
3.  Một loại chim
Đào Duy Anh:
1. Chữ môn bên trong có chữ nguyệt: Thong thả, nhàn rỗi vô sự.  Không có chữ nữ bên trái.
2.  Chữ môn bên trong có chữ mộc: Bao lơn. Nhàn tà là phòng ngừa cái bụng tà của mình; đề phòng người tà ác.
Lạc Thiện Tăng Văn Hỷ:
1. Chữ môn bên trong có chữ nhật là chữ ‘gian’: Khoảng giữa.  Một âm là gián: chia rẻ; thí dụ: ly gián,  phản gián. Thiều Chữu đọc là
nhàn2. Chữ nữ bên trái, chữ môn bên mặt, trong chữ môn có chữ nguyệt, đọc là nhà. Nghĩa là nhàn rỗi.

Cụ Nguyễn Công Trứ, trong bài ‘Chữ Nhàn’

Thị tại môn tiền náo
Nguyệt lai môn hạ nhàn

Rõ ràng lắm:

Chữ ‘thị’ mà trong chữ ‘môn’ thì là chữ ‘náo’ .  Cho nên, chợ trước cửa nhà: Ồn ào, náo nhiệt.
Chữ ‘nguyệt’ mà trong chữ ‘môn’ thì là chữ : ‘nhàn’. Bóng trăng đến cửa, chợ tan, tịch mịch: Nhàn.

Tôi phục lăn cái tài chơi chữ của Cụ.  Thế rồi tôi khẳng định ‘nhàn’, Hán Việt, chỉ có thể là ‘nguyệt lai môn hạ’

Câu hỏi thứ nhất: ‘NHÀN’ có chữ ‘MỘC’ bên trong, và ‘Nhàn’ có chữ Nguyệt bên trong, có đồng nghĩa là nhàn rỗi hay không?
Câu hỏi thứ hai:
Trong thuật ngữ Phật Giáo Đại Thừa, các từ Hán Việt ‘vô’, ‘bất’, ‘không’ là phổ biến và là chủ chốt.. Cả ba đều có nghĩa là không. Sự khác biệt giữa các từ nầy là như thế nào? Mong được quí Anh soi sáng cho?
Câu hỏi chót:
Có nên chăng điều trước hết phải làm là xuất xứ bài giảng?  Xuất xứ không những là nói trên đây là tám câu đầu trong Chứng Đạo Ca, của Ngài Huyền Giác.  Cũng không chỉ nhắc lại Tiểu Sử của Ngài.  Nếu được, nên tìm nói thêm trong bối cảnh nào Ngài viết Chứng Đạo Ca.  Thêm vào đó phải nói mình xem ở đâu, chép ở đâu.
Có bao nhiêu bản mà ta được biết. Sự khác nhau của các bản. Tính khả tín của bản mà ta xử dụng. Rồi cũng phải so sánh những bài giảng mà ta đọc được.  Xong mới đến sự lãnh hội của ta,…Câu hỏi thứ ba: Vô thường là khái niệm cơ sở của Phật Giáo.  Ngôn ngữ thay đổi khá nhanh. Hán văn, thế kỷ thứ 7, và Hán văn ngày nay có khác. Hán Việt ắt càng khác hơn. Xưa văn thơ không có dấu phết (,), dấu  chấm(.), dấu chấm-phết (;), hay dấu hỏi (?).  Nói chung, xưa không có văn phạm.  Văn phạm đến sau ngôn ngữ.
Tôi còn nhớ một thí dụ của thầy Nguyện Văn Kiệt:
Người yêu tôi khóc. Có nghĩa là người,  mà tôi yêu, khóc.
Người yêu, tôi khóc. Nghĩa: người ta yêu, mà tôi phải khóc.
Giờ thì khi âm ra tiếng Việt, thường thường ta tự do thêm dấu.  Thí dụ: Một số bản ‘Bát Nhã Tâm Kinh.’ Trong trường hợp nầy có nên chăng, giải thích cách chấm câu, bỏ dấu của ta?
Nói chung có nên chăng luận bàn một ít về ngôn ngữ?  Có quá đáng chăng buộc người giảng phải biết ít nhiều vế ngôn ngữ học.?
Tóm lại, có quá đáng chăng khi buộc một ông thầy tu , muốn giảng đạo, phải vừa tu hành, vừa là một nhà sử học, vừa là một nhà ngôn ngữ học?

Mong được quí Anh giúp cho, để chuyện phiếm—chuyện trên trời, chuyện vô bổ trở thành chuyện có ích cho con người, ít nhất là hữu ích cho tôi.
Chân thành cám ơn quí Anh.
Thân,
Trường
 Bài trả lời của Đỗ Chiêu Đức
Kính Thầy,
          Thưa Thầy,
                 Thư trả lời nầy của em cũng là một phiếm luận. Phiếm vì bàn đến những điều mình chỉ hiểu lơ mơ. Hồi nào tới giờ em chỉ biết và có khái niệm về Phật Giáo qua văn học mà thôi. Đại khái như : Qua Truyện Kiều với các câu :
                          Cho hay giọt nước cành dương,
                          Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên.
          Hay như :
                          Phật tiền thảm lấp sầu vùi,
                          Ngày pho thủ tự, đêm nồi tâm hương
          Hoặc :
                          Sự đời đã tắt lửa lòng,
                          Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi ?
          Hoặc như trong Thơ Mới của Jean Leiba :

                           Phù thế còn nhiều duyên nghiệp quá ,
                           Lệ lòng mong cạn chốn am không.
                           Cửa Thiền một đóng duyên trần dứt,
                           Quên hết người quen chốn bụi hồng !

              Nhưng... trước khi phiếm, em xin được giải thích các từ mà Thầy đã nêu lên, theo sự hiểu biết của em, dĩ nhiên là có sự hỗ thợ của các Từ Điển Trung Việt, Hoa Việt, Từ Hội của Đài Loan...
             1. Về chữ NHÀN :
                        Ngoài chữ NHÀN 嫻 có bộ Nữ, có nghĩa là đẹp một cách văn nhã, hiền thục của phái nữ ra, 2 chữ NHÀN còn lại đều có nghĩa là NHÀN HẠ, RẢNH RANG, KHÔNG BẬN BỊU. Như Thầy đã nhắc :
              Nguyệt lai môn hạ NHÀN 閒. Đây là chữ NHÀN của ngày nay, chữ NHÀN của ngày xưa thì chữ NGUYỆT bên trong được viết xeo xéo nghiêng về phía bên phải. Tượng trưng cho Bóng trăng chênh chếch trước cửa Ban Đêm, càng gợi ý nhàn tản thảnh thơi hơn.
       Và...
               Mộc tại môn tiền dã thị NHÀN 閑 ( Cây ngay trước cửa cũng là NHÀN ). Phía trước cửa có một cây cho bóng mát và đón gió muôn phương. Ban Ngày ngồi dưới cây cũng nhàn nhã lắm chứ bộ.

               Một chữ NHÀN 閑 chỉ Ban Ngày, và một chữ NHÀN 閒 chỉ Ban Đêm.

            Thưa Thầy,
                    Trên đây, em chỉ giải thích 2 chữ NHÀN theo kiểu Phiếm. Thật sự thì trong tất cả các Từ Điển em đã nêu trên, đều giải thích 2 chữ NHÀN trên có nghĩa như nhau, và chúng ta có thể tự do chọn lựa mà xài.

            2. Về 3 từ VÔ, BẤT và KHÔNG :
               Em chỉ giải thích theo nghĩa thông thường thôi Thầy nhé, nhưng... chắc cũng không khác bao nhiêu so với ý nghĩa trong Kinh Phật đâu.
            * VÔ 無, là Không có, từ Giản thể của nó là 无. Trái với HỮU là Có. là Trợ từ khi đứng trước Danh từ như Vô Ngã, Vô Thường, Vô Biên.... Là Phó từ khi đứng trước Động từ, có nghĩa là Đừng, như Vô Tác Nghiệp, Vô Vi, Vô Luận....

            * BẤT 不 là Không, Phó Từ chỉ sự Phủ Định, theo sau nó thường là một Động từ. Ví dụ : Bất lai Bất khứ, Bất tận Bất tuyệt... Khi đi với chữ THỊ 是 thành BẤT THỊ : Có nghĩa là Không Phải, như : Sắc BẤT THỊ không, Không BẤT THỊ sắc ....

           * KHÔNG 空 là Trống không,Hình Dung Từ (  Tính Từ ) khi đứng trước Danh Từ như : Không Tâm ( Lòng trống ), Không phòng ( Phòng trống ), Không Môn là cửa Không là Cửa nhà Phật, Không Không là trống lỏng không có gì hết ! Khi đứng trước Động Từ thì nó trở thành Phó Từ ( Trạng Từ ). Ví dụ : Không Ngôn là Lời nói suông ( Ngôn là Động từ ), Không Ngôn là Không nói lời nào ( Ngôn là Danh từ ). Không Tưởng là nghĩ đến những điều không có thật.

          Ta thấy, ba chữ VÔ, BẤT và KHÔNG nếu đứng trước Động từ đều trở thành PHÓ TỪ ( Trạng Từ ) và NGHĨA của nó sẽ thay đổi tùy theo Động Từ mà nó bổ nghĩa, cái khó của nó là ở chỗ nầy.... Chỉ có nước là sử dụng thường xuyên mới phân biệt được Nghĩa Lý của nó một cách chính xác mà thôi ! nên....

           3. Theo em : Một nhà sư muốn thuyết giảng Phật pháp cho tinh tường, không nhất thiết phải là một nhà Ngôn Ngữ học, nhưng, nếu Kinh Phật bằng chữ Hán cổ, thì ít ra trình độ Hán Văn của nhà sư cũng phải như em Trở Lên, thì mới mong nắm bắt và " ngộ " được những tinh hoa của Phật pháp, và... Không cần phải là một Nhà Sử Học, nhưng cũng phải am tường về Lịch sử. Ví dụ : Nói về Lịch sử TQ thì phải biết sơ về các đời Tần Hán Đường Tống Nguyên Minh Thanh... Về Lịch sử VN thì phải biết qua các đời Ngô, Đinh, Lê ( Tiền ), Lý, Trần, Lê ( Hậu ), Nguyễn....
                Đòi hỏi cao quá không ai với tới được, còn thấp quá, trình độ hiểu biết kém quá thì... lấy gì mà giảng ?

          4. Bây giờ thì em sẽ " phiếm " về câu mà ông bạn của Thầy đã nhắc nhé : " Vô minh thực tánh tức Phật tánh ". Theo em thì....

            VÔ MINH : là KHÔNG SÁNG, tức CHƯA ĐƯỢC SOI SÁNG.
            THỰC TÁNH : là Cái Tánh thực sự, nghĩa là cái tánh vốn có của con người khi được sinh ra. Giống như câu " Nhân chi sơ, Tánh bản thiện " của Nho Giáo vậy. Nên câu trên có nghĩa :
            Cái tánh thuần nhất vốn có của con người, khi chưa được giáo hóa hay ảnh hưởng ngoại vi gì, cái tánh THUẦN KHIẾT, TRONG SÁNG đó, tức là PHẬT TÁNH đó. Con người ta lớn lên trong gia đình xã hội nhiễm đủ thứ lục dục thất tình, tham sân si... nên phải TU làm sao cho trở về được với cái tánh Thuần Khiết Trong Sáng của lúc ban đầu thì là Nhập NIẾT BÀN, là thành PHẬT đó !
             " Vô minh thực tánh tức Phật tánh " hiểu theo nghĩa của từng mặt chữ là như thế đó, còn nếu có gì huyền vi ở trong đó nữa thì Đỗ Chiêu Đức chịu thua !
              Kính Thầy,
                        Tạm trả lời thơ cho Thầy như thế, sợ Thầy trông, nên gởi liền đây. Còn có gì khác, Thầy trò mình sẽ " Phiếm " tiếp tục Thầy nhé  !.
                              

                                              Nay Kính,
                              
                                            Đỗ Chiêu Đức

1 nhận xét:

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...