Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

FM974:Nam Sudan: Đói Không Phải Do Trời Mà Do Người



     Radio FM974
Chuyện Thế Giới Trong Tuần

Thứ Hai 03/07/2017



     Tin dân làng truyền miệng nhau đến rất nhanh và đúng như họ nói, bọn càn quét sẽ tới, hai hàng dài người, cả trăm, võ trang súng ống rần rần tiến đến khu chợ nhỏ của làng Pibor, một cái làng nghèo hẻo lánh ở phía đông Nam Sudan. Nghe tin này, Simon Logocho, chủ của một sạp bán hàng, cho biết, người ở đây nhất định sẽ chống lại, sẽ cầm súng bảo vệ cho mình.

     Mấy lần đánh nhau trước, cứ hết lượt này tới lượt kia, tấn công, rút lui, giữa các bộ lạc thù nghịch, đã làm cho cả trăm người chết, chợ búa nhà cửa cháy rụi, đổ nát khắp nơi, thị trấn nhỏ Likuangole, cách xa làng này chừng 60 cây số đã hư hại hoàn toàn vào đầu năm nay. Vụ càn quét như đã nói, còn mấy ngày nữa mới xảy ra nhưng người ta hy vọng bọn võ trang sẽ tính lại xem, chợ làng Pibor có lớn lắm không hay có quá nhỏ lắm không để trở thành mục tiêu tấn công. Chẳng còn gì nhiều gì ở Pibor để thâu tóm, chừng vài trăm cái chòi dựng bằng cây, che bằng mấy tấm ni – lông lác đác, lưa thưa giữa con sông và cái phi đạo hoang cũ, cũng chẳng có con bò con dê gì còn sót lại, và vỏn vẹn một người bán vài cái túi gạo thế thôi. Dù võ trang thiếu thốn và thiếu kỹ luật, đám quân mà chính quyền Nam Sudan phái từ thủ đô Juba tới để ngăn chận loạn quân cũng đói khát như dân, cha mẹ lùa con vào sa mạc nóng cháy tìm trái cây rừng, dâu hay lá cây để có miếng ăn mà sống thay vì đưa con đến trường học. Nadia Mayigu, người giáo viên tiểu học 32 tuổi, than trời, không có thức ăn, tất cả đều đói, dân làng không còn gì cả.

   Đám người nổi loạn võ trang cũng không khá gì hơn, cũng đói meo, tuần rồi, LHQ nói rằng, Nam Sudan, quốc gia mới độc lập, sau khi tách rời khỏi Sudan năm 2011 đang đứng trước nguy cơ thiếu thốn thực phẩm đáng ngại và trầm trọng nhất, khoảng 7.5 triệu người, gần hết hai phần ba đang cần được trợ giúp. Tại nhiều vùng, phân nửa dân số thiếu dinh dưởng, sự kêu gọi cứu trợ của LHQ không có kết quả như ý muốn, chỉ nhận được ít hơn phân nửa con số 1 tỷ 64 triệu mà LHQ nhắm tới cho năm 2017. Cũng giống như phần lớn các nơi khác ở Phi châu, nạn đói luôn đe dọa người dân, sự khủng hoảng thực phẩm tại Nam Sudan do chiến tranh gây ra, không phải do thiên nhiên khí hậu khắc nghiệt. Nam Sudan, môt quốc gia non trẻ, có số lượng dự trữ dầu hỏa đáng kể và đất đai phì nhiêu nhưng tình trạng tham nhũng, hối lộ và quản trị kém hiệu năng đã đưa đến sự sụp đổ kinh tế gần như hoàn toàn, bạo động, cướp giựt lan tràn khắp nơi, làm cho đồng không mông quạnh, trâu bò đổi chủ và dân chúng phải bỏ ruộng đồng đi lánh nạn, phương tiện giao thông bế tắc.

    Làng Pibor, tùy thuộc vào quốc lộ tới Juba để có nhu yếu phẩm nhưng con đường này đã không lưu thông được hơn cả nhiều tháng nay, chi phí cho việc tiếp tế bằng đường hàng không quá cao, trong mùa mưa, chỉ còn vài quốc lộ xài được, các đường khác không đi qua được vì bùn lầy cao tới nửa người, với một trong các cố gắng tiếp cứu lớn nhất trên thế giới, tình trạng ở Nam Sudan chưa có gì khả quan, chỉ giúp không hơn phân nửa số người cần giúp. Vã lại, làng này lại nằm quá xa cách chỗ đóng 200 quân LHQ để họ có thể bảo vệ được, một nhân viên hành chánh xã bị mất việc, Benjamin Korem, 21 tuổi, ngao ngán thở dài “theo anh, quân LHQ sẽ án binh bất động ở căn cứ của họ nếu các toán người võ trang tới làng tấn công. Anh quốc cũng cho phái tới một nhóm kỹ sư công binh quân đội tham gia đoàn quân LHQ, nhưng vẫn không làm sao ngăn chận bớt làn sóng người dân Nam Sudan chạy tỵ nạn qua các nước láng giềng, hoặc tại những tạm cư do LHQ bảo trợ.

    Tại chợ làng Pibor, anh Juma Gocho, 25 tuổi, bày bán một bình dầu ăn và mấy túi muối từ cả hơn tháng trước nhưng chỉ bán được chút ít, trong nhiều tuần, anh ta chỉ kiếm vô được số tiền vừa đủ để mua một lon bột mì mỗi ngày, lon bột mì cho cả gia đình ăn, ngần này đủ làm cho họ bớt đói đi, vừa giúp họ quên mà ngủ, nếu đường xá cứ tắc nghẽn như thế này, con cái của anh sẽ không còn sống sót. Đã có mưa xuống, làm cho đất ẩm ướt nhưng cũng phải bao nhiêu tuần lễ trước khi người ta có thể thu hoạch được mớ đậu mớ rau trên miếng đất nhỏ quanh nhà. Tình trạng bạo động ở Nam Sudan là một tình trạng phức tạp, một bên là quân đội trung thành với Salva Kiir, tổng thống nước này từ khi mới độc lập, chống lại bên kia, loạn quân theo các nhóm đối lập. Một số khác là người của các bộ lạc sắc tộc thù nghịch nhau như Dinka, Nuer, Shilluk và nhóm bộ lạc Murle, ở quanh vùng làng Pibor, nhóm khác nổi loạn đơn thuần là cướp giựt trâu bò hay thực phẩm thức ăn, nhưng tất cả các phe đều bị thế giới lên án tội thảm sát thường dân, bao gồm việc bắt cóc trẻ con, tàn sát tập thể và hiếp dâm hội đồng. Nhân viên cứu trợ ngoại quốc cũng là nạn nhân, đã có 6 người bị giết trên đoạn đường giữa Pibor đi Juba trong tháng rồi, đồng thời nhóm lãnh đạo  Nam Sudan bị cáo buộc là đang thi hành chiến thuật làm dân chúng đói.

    Chi phí cho quân LHQ giữ hòa bình ở Nam Sudan tốn khoảng 1 tỷ Mỹ kim một năm, nhưng vẫn thất bại trong việc làm giảm mức độ tội phạm hình sự như trên, kể từ khi ký kết hòa bình giữa tổng thống Nam Sudan và phe đối lập hủy bỏ năm ngoái, khoảng 12 ngàn quân LHQ đã phân phát một số lượng thực phẩm quốc tế cứu trợ to lớn, hầu hết qua các phi vụ không vận. Pibor là cái làng đang chịu đói tận cùng, nhưng nhiều nơi khác giống như vậy được thấy trên khắp cả nước, và người dân như cô Mary Kadai, 33 tuổi, vợ của một người lính, sống nhờ vào đồ cho không từ láng giềng và thân nhân, những người vốn chính họ cũng không có gì để cho. Kadai nói rằng “cô có vài thứ, vài con dê, áo quần nhưng mọi thứ không còn nữa” nhưng ít ra, Kadai cũng còn may hơn những người dân khác đang sống cô độc tại các cái làng xa xôi hoặc những người bỏ nhà cửa, tay không chạy lánh nạn vì các phe đang tiếp tục đánh nhau.

    Tại một trung tâm cứu đói do LHQ lập nên ở Pibor, hổ trợ bởi cơ quan UNICEF và do tố chức NGO điều hành, mỗi buổi sáng, có khoảng hàng chục người đàn bà bồng con đến xin ăn, trong tháng hai, trung tâm đã ghi danh khoảng 38 đứa nhỏ suy dinh dưỡng trầm trọng, tháng này, con số đó đã lên 256 đứa. Tất cả chỉ vì các phe các nhóm đánh nhau, trâu bò của dân bị giết, có lúc chồng con, anh em bị giết, phải bỏ chạy, bỏ lại mọi thứ họ có, trên đường tới đây, họ ngủ bờ ngủ bụi dưới cây rừng, ăn đại cỏ dại mà sống, người chết không biết bao nhiêu, trẻ con thường chết trên đường tới trại vì tới quá trễ. Con số thiệt hại nhân mạng vì chiến tranh hay vì thiếu dinh dưỡng ở Nam Sudan đầy đủ chưa rõ ràng, vì ở đây, đường xá giao thông bế tắt, hoặc do không còn phương tiện điện thoại sử dụng được liên tục, nên tin tức về các vụ tàn sát, cướp bóc, hiếp dâm, bệnh tật hay ngay cả con nít chết vì đói hàng tuần, hàng tháng không tới được thủ đô Juba và các tổ chức cứu trợ thế giới, chỉ riêng chết vì bệnh thổ tả năm rồi, đã có 250 người nhưng đó chỉ là ước tính.

    Một cái chết nữa, không tính vào con số nói trên là cái chết của em gái 3 tuổi, con của cô Mary Cholil, em chết một tháng trước đây, khi Mary ôm con đi tìm thức ăn và sống lây lất bên cạnh căn nhà của mình bị đốt cháy rụi, nơi cách làng Pibor chừng năm ngày đi bộ. Vì mấy phe đánh nhau, cả gia đình chạy tán lạng, không biết bây giờ ra sao, cô biết được tin có trung tâm cứu đói ở Pibor quá muộn, không kịp cứu sống con mình, cô chôn em bé đại dưới một bụi gai rậm đâu đó bên đường rừng thưa, trên đường tới Pibor. Chưa thấy dịp may nhỏ nhoi nào có thể cải thiện được tình trạng ở Nam Sudan tức thời, cộng đồng quốc tế hiện có khuynh hướng để mắt tới các xung đột ở những nơi khác, ngay cả các quốc gia có chút quyền lực trong vùng cũng không cho thấy nhiệt tình hóa giải hiện trạng xứ sở này.

    Bên ngoài làng Pibor, tại ngôi trường tiểu học cũ xưa, xiêu vẹo, một nhóm học sinh nhỏ đứng sát bên nhau trong khi nhân viên cứu trợ quốc tế giao tặng các con dê, làm quà cho gia đình của những đứa trẻ trước đây bị bắt làm lính, rồi sắp thành hàng dài, bắt đầu nhảy múa và hát vang một cách cẩn thận “không có sự vui mừng nữa cho đất nước ta, không có cùng nhau chung hướng đi nữa trên đất nước ta nhưng trong tay Chúa, chúng ta có hy vọng hơn bao giờ”.


 

Thuyên Huy

Mon 03.07.2017



   




1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...