Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

SỰ YÊU THƯƠNG LÀ GIỀNG MỐI ĐẠO

Đức Hộ Pháp (*) đã từng dạy các môn đệ:  
     
   “Trong kiếp sanh chúng ta rủi có kẻ thù oán ta, kẻ ấy là ma nghiệt, chúng ta không nên sợ. Nếu ta khôn ngoan thì ta lấy tình yêu ái đối lại, đặng cho họ diệt tận oán cừu đi, ấy là bí pháp mà Bần Đạo vừa hé màn bí mật cho con cái Chí Tôn nhìn thấy để tìm cơ giải thoát”.
        (Thuyết Đạo đêm 13-3 Kỷ sửu - 1949).
        Chúa Jésus cũng đã dạy hãy thương yêu kẻ thù của mình, bởi vì nếu chúng ta chỉ thương những người cùng xu hướng với mình, những người biết ca tụng, giúp đở mình, có ơn với mình, thì có hơn gì những người thường tình, thậm chí chẳng khác gì những người có tội nữa, vì họ cũng biết thương những người thích hợp với họ, ca tụng họ, tức là nâng đở cái bản ngã của họ vậy.  
       Trong cuốn “Gương Chúa Jésus” có đoạn nói rằng: 
      “Bạn cần được coi như những người đã chết, đối với những người thân; bạn càng đến gần Chúa thì phải rút khỏi sự an ủi, khen ngợi, ca tụng của người đời, vì tất cả sự an ủi, ca tụng, khuyến khích của thế gian, thì chỉ làm tăng cái bản ngã của bạn, mà bản ngã của bạn càng tăng, thì bạn càng xa Chúa nhiều hơn”. (Theo Wisdom Bliss and Common Sense / nguyên tác Darshani Deane / Bản dịch Nguyên Phong).
       Thật vậy, bất cứ ai cũng có thể thương yêu những người tốt lành, lương thiện, ngoan ngoãn, vì họ dễ giao thiệp, dễ yêu mến. Còn những người đã dấng thân trên đường Đạo thì phải chấp nhận mọi sự cừu hận, chống đối, coi như một sự thử thách đến từ kẻ thù, và phải biết cách vượt qua bằng chính lòng yêu thương, tha thứ của mình. Nói một cách khác là: những người đã chọn con đường tâm linh là phải có lòng bác ái, vị tha, mở rộng sự yêu thương tha thứ đến cả kẻ thù. Nên Đức Chí Tôn đã ân cần dạy các con của Ngài rằng: “Các con chẳng những cứu trợ kẻ ngoại đạo, mà lại phải cứu kẻ nghịch cùng mình nữa.(TNHT / Q2 / tr. 43).
        Trong đời sống hiện tại có hai lối sống khác nhau, một là sống cho bản ngã, hai là sống theo chân ngã, tức là sống theo chân tâm, thiện tánh của mình. Bởi vì phàm ngã hay chân ngã đều hiện hữu trong chính tự thể mỗi người, nếu chọn lối sống nào thì sẽ có ngay lối sống đó.  
        Sự thật hai lối sống trên cũng không có gì sai trái cả, nhưng những người đã chọn con đường tâm linh tức là đi theo con đường Đạo, thì phải tuân thủ lời khuyên của Chúa Jésus là hãy thương yêu kẻ thù.
        Đức Chí Tôn đã tha thiết dạy về yếu lý quan trọng của sự thương yêu rằng: 
       “Thầy thường nói với các con rằng, các con là cơ thể của sự thương yêu ... sự thương yêu là giềng bảo sanh của Càn khôn thế giới, có thương yêu nhơn loại mới có hoà bình, Càn khôn mới an tịnh. Đặng an tịnh mới không thù nghịch lẩn nhau, mới giữ bền cơ sanh hoá (TNHT/Q2/tr.69)
        Hay: 
      “Thầy chỉ có một lòng mơ ước cho các con biết thương yêu trong Thánh đức của Thầy...Thầy lại hằng gánh vác sự khó khăn, chỉ cậy các con là một lòng thương yêu sanh chúng...”(TNHT / QI /tr.30).
        Trong Phương luyện kỷ đặng vào con đường thứ ba Đại Đạo, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đã dạy rằng: 
          “Phải thương yêu vô tận. Ấy là chìa khoá mở cửa Bát Quái Đài tại thế nầy.”
        Các Tôn giáo cũng đều có dạy sự thương yêu, nhưng trên căn bản thực thi có khác nhau: như Đạo Nho lấy Nhơn Nghĩa làm căn bản, Đạo Lão lấy Công Chánh làm căn bản, Đạo Phật lấy Từ Bi Bác Ái làm nền căn bản. Tất cả cũng đều xuất phát từ cái TÂM yêu thương. Nhưng thế nào là “Sự thương yêu vô tận”? Theo Chơn truyền của Cao Đàì Giáo thì sự thương yêu vô tận tức là thương yêu không có phân biệt ranh giới, không có định hướng, tức là thương yêu cả kẻ thù.  
        Đức Hộ Pháp đã dạy rằng: 
 “Chỉ cần con để dạ một chữ THƯƠNG.
   Thương mình vậy thương ai cũng vậy.
   Lòng tình ái sao cho lừng lẫy,
   Cái khí thương động dậy Trời già.
   Chẳng phải thương chỉ trọng người ta,
   Dầu cầm thú cỏ hoa cũng đoái.
   Thương chẳng biết biệt phân phải trái
   Dầu khôn ngoan ngu dại cũng thương.
   Phàm tình thương chẳng có độ lường,
   Thương cho đến hơi sương giọt nước.
   Tình thương vốn ngoài vòng tội phước,
   Với kẻ thù thương được cũng nên thương.
   Tình thương kia ví đặng phi thường,   
   Hoà giọt luỵ đau thương lau thế sự.”                                                    
                               (Trích Phương Tu Đại Đạo)  
        Yêu thương vô tận là sự yêu thương lấy thiên lương nhân cách làm căn bản, vô điều kiện, không do động cơ vụ lợi thúc đẩy, không mặc cả, không thiên lệch, không trông mong ân huệ, ngay cả ân huệ của Thượng Đế.
         Đức Hộ Pháp đã dạy rằng: 
        “Sự thương yêu không thể cần cái này, bỏ cái kia, chê cái nọ, khen cái khác ... Thương yêu phải lấy công tâm mà định...” (Thuyết đạo đêm 1-8 Canh dần/1950).
         Theo tâm lý thường tình, thì người ta chỉ thương yêu những bạn bè ca ngợi mình, giúp đở mình. Sự kiện này không phải là sự thương yêu đúng nghĩa, mà là phản ứng của phàm ngã, chỉ trả giá cho kẻ nâng đở bản ngã của mình, chứ không phải là một sự thương yêu vô tận chân thật theo lẽ Đạo.
        Đúng nghĩa sự thương yêu, thì không bao giờ có sự phân biệt đối tượng, và định hướng. Sự thương yêu nầy còn phải lan tỏa ngay đến cả kẻ thù, bằng tất cả lương tâm của mình.
       Đối với sự thương yêu kẻ thù, một người cha đã dạy con rằng: 
       Con ơi! Một ngày kia con trở thành người lính, nếu xảy ra chiến đấu thì con hãy chiến đấu với tất cả lương tâm, vì đó là nghĩa vụ... Nhưng khi trận chiến chấm dứt, nếu kẻ thù của con bị thương, thì con hãy coi anh như là một người bạn khốn khổ. Bởi vì y cũng như con, họ cũng có gia đình, cha mẹ, vợ con để yêu thương, họ cũng nhớ nhung lo lắng... Nên con phải thương yêu y, săn sóc y, nâng đở và an ủi y...
       Con ơi! Đó là tình nhân loại. 
       Đây là trường hợp đối với kẻ thù chung của dân tộc, trong lúc mình là con dân đang thi hành nghĩa vụ với tổ quốc, nên mình phải hy sinh chiến đấu với tất cả lương tâm, nhưng khi chiến cuộc tàn phai, thì giữa kẻ thù và chúng ta chỉ còn là con người với con người, nên phải lấy lòng nhân đạo mà đối xử với họ, bằng tất cả sự thương yêu chân thật.
       Vì sự thương yêu chân thật phải xuất phát từ trái tim chứ không phải khối óc, hãy sử dụng trái tim để thương yêu, chứ không nên dùng khối óc để phân biệt, định hướng cho nó. Chúng ta hãy làm sao để mọi tư tưởng và hành động của chúng ta đều xuất phát từ trái tim đầy yêu thương. Như vậy chúng ta không thể ban phát tình thương, khi chúng ta không có một trái tim thật sự yêu thương, vì trái tim của chúng ta chính là điểm linh quang của Thượng Đế, là vạch nối liền giữa Ta và Ngài. Nên Đức Chí Tôn đã dạy rằng:
       “Các Con là Thầy, Thầy là các con” (TNHT / QI / tr.30).
       Như vậy Thượng Đế chính là sự yêu thương, nên trong lãnh vực tâm linh, khi người tu đã tiến bước trên đường đạo, thì phải tự biến mình thành con đường vận hà (canal) để chuyển tải tình yêu thương của Thượng Đế xuống trần gian, để hàn gắn những đau thương cho nhân thế, và đây là phương tu hành để thoát đoạ luân hồi, hội nhập vào cuộc sống vĩnh hằng nơi cỏi Thiêng liêng hằng sống, mà cũng là một “của lễ” hiến dâng lên Thượng  Đế, nên Đức Chí Tôn đã dạy rằng: 
      “Sự thương yêu là chìa khoá mở Tam thập lục Thiên, Tam Thiên thế giới và Bạch Ngọc Kinh. Kẻ nào ghét sự thương yêu thì chẳng hề qua khỏi cửa luân hồi.”  
      “Các con thương mến nhau, dìu dắt nhau, chia vui sớt nhọc với nhau ấy là các con hiến cho Thầy một sự vui vẻ đó” (TNHT/Q2/tr.43).
       Đức Hộ Pháp cũng đã dạy rằng:  
     “Ôi! kiếp sanh tại thế mang xác thịt hỏi sống được mấy lát ? Nội một giấc thức, một giấc ngủ, là thấy sự sống chết của kiếp con ngưòi, mang thi hài bóng giáng nầy là giả. Cảnh thiệt không phải ở đây, mà ở chỗ khác kia, sao không tìm cảnh thiệt là cảnh tồn tại, lại chạy theo bóng giáng ...
        Ước ao sao cả thảy biết điều trọng hệ bí mật đó mà thương yêu lẫn nhau, thương lún thương càng đi rồi ngày kia coi có lầm chăng... Bần Đạo mong ước cả thảy con cái Chí Tôn, đừng tưởng mang hình hài nầy mà  nam nữ phân biệt  đa nghe! Biết đâu trong đám nữ nầy có người đã làm anh làm cha của người nào đó trong tiền kiếp. Giả cuộc đừng coi trọng hệ, đừng mơ sự giả. Đó là điều ước ao của Bần Đạo hơn hết.
        (Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp đêm 1-2 Mậu-tý / 1948)”
        Để thực hiện được vấn đề “yêu thương vô tận” nầy, cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng, vì trong ta có sự tranh chấp rất quyết liệt giữa chân ngã và phàm ngã. Vậy mỗi khi ta gặp sự chống đối, tức là ta đang đối diện với kẻ thù, nó sẽ khơi dậy trong ta lòng cừu hận, thì chúng ta nên coi đây là một dịp thử thách, phải vui vẻ chấp nhận và phải biết cách vượt qua bằng chính lòng yêu thương của mình.  
        Đối với cỏi đời “tạm bợ” thì người ta khuyên con người hãy biến căm thù thành sức mạnh, để tiêu diệt đối phương. Nhưng đối với đạo “vĩnh hằng” thì khuyên con người nên lấy yêu thương để hoá giải hận thù, hầu có thể chung sống với nhau một cách hoà bình. Vì Đức Phật đã dạy rằng:
       “Lấy ân báo oán thì oán ấy tiêu tan. Lấy oán báo oán thì oán thù chồng chất” (Kinh Pháp cú). 
       Để hoá giải hận thù nảy sanh trong ta, thì chúng ta hãy dùng chân ngã để nhìn vào sự thật, và hãy tự nhũ rằng sự thù hận nầy không phải là ta, mà nó là phàm ngã, nó khơi dậy trong ta một sự oán cừu nữa đây... và hãy tự xác định rằng: “chính tôi là chân ngã, là sự yêu thương, tôi phải vượt lên trên sự cố chấp thù hận thường tình nầy”.
       Đây là một dịp đấu tranh tư tưởng quyết liệt giữa thiện tâm và ác ý, và một khi đã đánh bại được “phàm ngã”, chỉ còn cái “chân ngã” tức là tình yêu thương ngự trị trong lòng ta, thì sự thù hận sẽ tan biến, và chính nhờ vậy mà không những thân tâm ta trở nên thanh thoát yêu đời, mà còn là bí quyết tăng cường sức khoẻ và tuổi thọ.
       Trong đời sống thường nhật người tu nên tận dụng những dịp công phu thiền định, để phát triển lòng yêu thương. Một khi đã thấm nhuần sâu xa tư tưởng nầy, thì chúng ta sẽ thấy rằng trong cái thế giới vô thường, đầy bất toàn nầy, thì người mà hôm nay ta coi là bạn, ngày mai có thể là kẻ thù, và ngưòi mình không ưa hôm nay, biết đâu sẽ là người bạn thân thích sau này.
        Để trở thành người chân tu đầy lòng nhân ái, chúng ta không nên dùng hai chữ “thù” và “bạn”, vì sự thật chẳng có ai là thù hay bạn cả, mà theo nhân sinh quan Cao Đài giáo thì tất cả chúng sanh, chỉ toàn là anh em với nhau, cùng chung một Đấng Cha Lành Thượng Đế mà thôi. Còn người cùng Đạo thì sao? Tâm và Ý là một.
         THƯƠNG YÊU là cây thước đo cái TÂM của người tu. Nói nhiều mà KHÔNG THƯƠNG YÊUTÂM U. Không nói mà luôn thể hiện sự THƯƠNG YÊU là TÂM SÁNG, là đã đạt Đaạo rồi vậy.
Tài liệu sưu tầm__________

(*) Đức Hộ Pháp : Giáo chủ đạo Cao Đài )

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...