S. Alexievich
Lần đầu tiên tôi cảm thấy hoảng sợ là hôm buổi sáng phát hiện mấy con
chuột chũi nằm chết trong sân và trong vườn rau. Chúng chết vì nghẹt
thở. Cái gì khiến chúng bị nghẹt thở? Thường thì không bao giờ chuột
chũi bò lên mặt đất. Chắc phải có cái gì đó đuổi chúng chạy lên. Tôi thề
có trời đất chứng giám.
Từ Gomel, con trai tôi gọi hỏi: “Sâu tháng năm xuất hiện chưa mẹ?”
“Mẹ chẳng thấy con sâu nào hết. Không cả dòi bọ. Chúng còn đang lẩn trốn đâu đó.”
“Thế còn giun?”
“Nếu thấy giun trong lúc mưa thì mấy con gà của con sẽ thích lắm. Nhưng cũng không có con giun nào.”
“Đó là dấu hiệu sơ khởi đó mẹ. Tháng năm mà chưa thấy sâu bọ, cũng
không thấy giun, tức là không khí bị nhiễm độc phóng xạ nặng rồi mẹ ạ.”
“Con nói phóng xạ gì?”
“Mẹ, đó là thứ chất độc chết người. Mẹ với bà phải rời khỏi đó ngay lập tức và đến ở với chúng con.”.
“Nhưng mẹ chưa kịp gieo trồng gì ngoài vườn cả!”
Nếu ai cũng khôn ngoan, lanh lợi thì kẻ nào là đứa ngu đần? Nhà máy
nó phát hoả – vậy thì nó phát hoả. Một cơn hoả hoạn xẩy ra rồi bị dập
tắt, thì có gì mà phải sợ. Lúc ấy, chẳng ai biết gì về nguyên tử cả. Tôi
xin thề trên cây thập giá là như thế. Vậy mà chúng tôi sống ngay bên
cạnh nhà máy hạt nhân, chỉ cách nó 30 cây số đường chim bay và 40 cây số
nếu đi bằng đường bộ. Hồi ấy, chúng tôi sống khá dễ dàng. Bà chỉ cần
một cái vé xe là có thể đến đó, muốn gì cũng có, như ở Moscow vậy. Xúc
xích rẻ lắm. Còn cửa tiệm lúc nào cũng có thịt. Ai cần gì có nấy. Ôi cái
thuở vàng son ấy!
Thỉnh thoảng tôi mở máy phát thanh, chỉ để nghe họ lúc nào cũng doạ
chúng tôi với cái chất phóng xạ. Nhưng cuộc sống của chúng tôi lại trở
nên khá hơn từ ngày có chất phóng xạ. Tôi thề độc đấy! hãy xem : người
ta mang đến cam này, tới 3 loại xúc xích khác nhau này, muốn gì là được
ngay. Đem cho cả làng. Mấy đứa cháu tôi đi khắp nơi trên thế giới. Đứa
nhỏ nhất mới từ Pháp về, nơi mà Napoleon đã từng từ đó tiến đánh (nước
Nga). “Bà ơi, cháu đã thấy quả dứa!” Còn thằng anh nó thì được người ta
đưa đi chữa bệnh ở tận Berlin, nơi mà Hitler ngồi xe tăng khởi sự chiến
tranh. Quả là một thế giới mới mẻ. Mọi sự không còn như xưa nữa. Vậy đó
là do lỗi của phóng xạ? hay là cái gì?
Trông nó như thế nào, cái chất phóng xạ ấy? Có thể người ta đã chiếu
nó trong những phim ảnh? bà có nhìn thấy nó chưa? nó màu trắng, hay màu
gì? Màu gì vậy? Có người bảo nó không màu, không vị, kẻ khác lại bảo nó
màu đen. Như đất vậy. Nhưng nếu bảo nó không màu, tức là nó giống như
Thượng đế rồi. Thượng đế thì ở khắp mọi nơi, bà chỉ không trông thấy ông
ấy thôi. Họ làm cho chúng tôi sợ! Cây táo trong vườn vẫn ra trái, cây
vẫn ra lá, khoai vẫn ra củ ngoài đồng. Tôi không tin có cái vụ gọi là
Chernobyl, họ chỉ bịa chuyện lên thôi. Mấy người bịp bợm ấy mà. Em gái
tôi cùng với chồng nó đã bỏ đi. Chúng nó ở cách đây không xa lắm, chừng
20 ki lô mét. Sau đó khoảng 2 tháng, người hàng xóm cũ của nó chạy đến
bảo : “Con bò nhà chị nó lây chất phóng xạ cho con bò nhà tôi! Nó chết
rồi!” “Thế nó lây cho bò nhà chị bằng cách nào?” “Qua không khí chứ sao,
như là bụi ấy. Nó bay lơ lửng trên không.”.
Chỉ là những chuyện thần thoại. Hết chuyện này tới chuyện khác.
Nhưng đây là chuyện thực sự xẩy ra. Ông tôi nuôi ong, 5 ổ ong. Trong
hai ngày trời, chẳng có con nào bay ra khỏi tổ cả. Tất cả chúng đều ở
riệt trong tổ. Và chờ đợi. Ông tôi không biết gì về vụ nhà máy hạt nhân
vừa phát nổ, cứ chạy khắp vườn, lẩm bẩm: Thế này là thế nào? Chuyện gì
thế? Hẳn phải có chuyện gì xẩy ra với thiên nhiên. Người hàng xóm của
chúng tôi, một ông thầy giáo, bảo chúng tôi là lũ ong ấy chúng có hệ
thống đánh hơi rất nhậy, tốt hơn con người, chúng đã biết ngay có chuyện
gì vừa xẩy ra rồi. Đài, báo không nói một lời nào, nhưng lũ ong chúng
biết. Ngày thứ ba chúng bay ra khỏi tổ. Ở đầu hồi nhà chúng tôi cũng có
một tổ ong thợ, không một ai quấy rầy chúng cả. Buổi sáng hôm đó, không
còn con nào trong đó. Chúng không chết, cũng không còn sống. Chúng tôi
chỉ biết một điều là 6 năm sau thì chúng quay lại làm tổ nữa.
Chất phóng xạ: nó làm con người hoảng sợ, thú cũng sợ, chim cũng sợ.
Đến cây cối cũng sợ nhưng chúng câm lặng, không nói nửa lời. Một thảm
hoạ khủng khiếp cho hết thẩy mọi người, mọi loài. Chỉ có đám bọ cánh
cứng xuất xứ từ Colorado bên Mỹ là nhởn nhơ khắp chỗ, như chúng vốn thế,
ăn sạch đám khoai ngoài vườn, không chừa cả lá. Chúng quen với độc chất
rồi. Như chúng tôi thôi.
Nhưng, nếu tôi nghĩ về sự việc như thế này. Nhà nào cũng có người
chết. Ở khu phố đó, phía bên kia sông – tất cả chỉ còn đàn bà, không có
đàn ông, họ chết hết rồi. Ở khu phố tôi ở, chỉ còn mình ông tôi và một
người đàn ông nữa, là còn sống. Chúa đem mấy người đàn ông cất đi sớm.
Tại sao vậy? không ai có thể nói cho chúng tôi biết tại sao. Nếu chúng
ta thử nghĩ sự việc theo cách khác. Nếu tất cả cánh đàn ông sống sót,
không còn một người đàn bà nào, thì chắc cũng chẳng thể khá hơn tình
cảnh hiện nay. Chắc họ cũng lại say sưa suốt ngày vì sầu khổ. Phải
không? Bọn đàn bà chúng tôi cảm thấy trống huênh trống hoác. Cứ ba bà
lại có một bà bị hỏng đi cái “phần nữ” trên cơ thể. Già trẻ gì cũng bị
như thế cả. Không ai còn có thể kiểm soát được việc sinh sản của mình
đúng ngày đúng tháng nữa. Nếu như tôi nghĩ về sự việc theo cách này,
cách khác, thì nó cứ thoảng đi như thể chưa từng có gì xẩy ra.
Tôi sẽ nói được gì khác đây? Mình phải sống. Thế thôi!
Còn việc này nữa. Trước đây, chúng tôi tự chế biến lấy bơ, tự chế
biến phó mát sữa, phó mát thường. Chúng tôi nấu sữa thành bột. Ở trên
phố người ta có ăn những thứ đó không? Bà đổ nước vào bột, trộn đều lên,
rồi bỏ vào mấy mảnh vụn bột chua, xong cho vào nồi nước sôi nấu chín.
Chế thêm chút sữa. Mẹ tôi chỉ tôi cách nấu, bà bảo: “Này, học làm học ăn
đi con. Đây là món bà ngoại dậy mẹ đấy!”. Chúng tôi uống nước ép từ
cây. Chúng tôi hấp đậu trên lò. Chúng tôi làm mứt quất. Thời chiến tranh
chúng tôi phải đi gom cây cỏ gai, cây chân ngỗng. Chúng tôi đói triền
miên nhưng không ai chết. Trong rừng lúc nào cũng có mận dâu, nấm rơm.
Nhưng giờ thì chẳng còn gì. Tôi luôn nghĩ rằng, món ăn mình nấu trong
nồi thì chẳng bao giờ thay đổi. Nhưng không phải vậy. Bà không thể có
được sữa, đậu cũng không. Người ta không cho ăn mận dâu, không cho ăn
nấm. Họ bảo phải hầm thịt lâu 3 tiếng đồng hồ. Khi luộc khoai phải chắt
nước đổ đi 2 lần. Nào, mình không thể đánh nhau tay đôi với Chúa được.
Mình phải sống. Thậm chí người ta còn doạ nước ở đây không thể uống
được. Làm sao sống mà không có nước? Mỗi người đều có nước bên trong cơ
thể mình. Không ai là không có. Ngay đến đá cũng có nước nữa là. Vậy, có
thể nào, nước là vĩnh cửu? tất cả mọi sự sống đến từ nước. Bà hỏi ai
bây giờ đây? Chẳng ai nói một lời. Người ta cầu nguyện Chúa, nhưng người
ta không hỏi Chúa. Mình chỉ phải sống thôi!
Anna Petrovna Badaeva, dân tái định cư
*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt
ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith
Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024
Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
bài viết rất hay
Trả lờiXóa