Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Ở những nơi thịt chuột là ‘vua’ (Từ Dannews)


Chuột sậy ở Cameroon có thể nặng tới hơn 6kg một con (Hình: Grant Singleton, International Rice Research Institute)

Trước khi đi ngủ, ta thường dọn dẹp cẩn thận để vụn thức ăn không vương vãi trên bàn hay dưới sàn bếp, để chuột bọ khỏi mò tới.
Chuột thường khiến nhiều người thấy kinh sợ, thậm chí người ta còn gửi cả đơn khiếu kiện lên giới chức khi thấy có chuột trong nhà.
Chẳng hạn như gần đây New York đã phải nỗ lực xử lý cuộc ‘khủng hoảng chuột’ trong thành phố.
Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng hắt hủi các vị khách thuộc loài gặm nhấm đó.
Tại một số nơi trên thế giới, chuột được coi là món ngon thượng hạng.
Vào ngày 7 tháng Ba hàng năm, tại một ngôi làng hẻo lánh nằm trên các triền đồi đông bắc Ấn Độ, bộ lạc Adi ăn mừng lễ Unying-Aran, một lễ hội lạ thường mà tâm điểm là các món ăn chế biến từ chuột.
Một trong những món được đặc biệt tán thưởng là món hầm bule-bulak oying, được nấu từ dạ dày, ruột, gan, da, chuột bao tử, tất cả bỏ vào nồi nước nấu lên với đuôi và chân chuột, thêm chút muối, ớt, gừng.
Người dân nơi đây ăn tất cả các loại chuột, từ chuột nhà cho tới các loại chuột hoang sống trong rừng.
Đuôi và chân chuột được cho là tuyệt hảo bởi vị ngon, theo Victor Benno Meyer-Rochow từ Đại học Oulu, Phần Lan, người đã phỏng vấn một số người dân bộ lạc Adi trong một nghiên cứu gần đây về chuột và việc ăn chuột.

Tùy vào lượng bẫy được đặt, vào ngày may mắn một tay thợ săn có thể tóm được từ 30 đến 100 con chuột (Hình: Meyer-Rochow & Megu)
Câu trả lời mà ông nhận được đã cho thấy một cách nhìn khác về loài thú gặm nhấm này.
Những người được hỏi nói với Meyer-Rochow rằng thịt chuột “là thứ thịt ngon nhất họ có thể tượng tượng ra”.
“Họ nói với tôi là: Chẳng thể coi là tiệc tùng chè chén gì hết nếu không có thịt chuột. Để tôn vinh một vị khách quý, một người khách hay một người thân tới chơi, để ăn mừng một dịp đặc biệt, thực đơn dứt khoát phải có thịt chuột.”
Chuột được ưa chuộng tới mức chúng không chỉ là thứ không thể thiếu trong các buổi cỗ bàn.
“Quà thịt chuột, tất nhiên là chuột chết, là thứ quan trọng để làm vừa lòng nhà gái khi cô dâu xa cha mẹ về nhà chồng,” ông nói.
Trong buổi sáng đầu tiên của lễ hội Unying-Aran, được gọi là Aman Ro, trẻ con được cho hai con chuột chết làm quà, một phong tục giống như tặng quà cho trẻ nhỏ vào các buổi sáng Giáng Sinh.
Không mấy ai biết là người Adi thích ăn thịt chuột từ khi nào, vì sao, nhưng Meyer-Rochow tin chắc rằng đây là một truyền thống có từ lâu đời và không phải bắt nguồn từ việc thiếu thực phẩm.
Có nhiều loài động vật khác như hươu, dê và bò trong các khu rừng quanh làng. Những bộ lạc sống ở đây đơn giản là thích vị thịt chuột. “[Họ] nói với tôi là ‘không gì ngon bằng thịt chuột,’,” ông nói.
Ngay cả Meyer-Rochow, vốn là người ăn chay, rốt cuộc cũng đã nếm thử món thịt này, điều mà ông thấy khá giống với những thứ thịt khác ông từng thử trong đời, tuy mùi khác.
“Nó gợi nhớ lại ký ức của các buổi thực tập đầu tiên trong phòng thí nghiệm của các sinh viên ngành động vật học, khi họ mổ chuột ra để nghiên cứu về giải phẫu học ở động vật có xương sống,” ông nói.
Những chú chuột này được quay nguyên con, rưới chút nước sốt cay và ăn cả con cùng với món bột khoai mỳ (củ sắn) nấu chín (Hình: Prof S.R. Belmain, University of Greenwich)
Không chỉ ở một góc đâu đó ở Ấn Độ người ta mới ăn thịt chuột.
Stefan Gates, người dẫn chương trình truyền hình của Anh, đã tới nhiều nơi trên thế giới và gặp gỡ những người chuyên ăn những thứ thực phẩm gốc gác lạ thường.
Ở ngoại vi thành phố Yaounde của Cameroon, ông phát hiện thấy một trang trại nhỏ nuôi chuột sậy (cane rat), thứ động vật mà ông mô tả là “giống như con chó nhỏ, cáu kỉnh và dữ tợn”.
Dữ tợn, có thể, nhưng mà cũng rất ngon.
Gates nói rằng những con chuột này là thứ đặc biệt, đắt hơn gà và rau quả các loại.
Mùi vị thế nào? “Đó là thứ thịt ngon nhất tôi từng ăn trong đời,” ông nói.
Gates nhớ lại là ông đã ăn món thịt chuột hầm cà chua.
Ông tả, “hơi giống thịt lợn, nhưng rất mềm, giống như thịt lợn vai hầm nhừ vậy. Cực kỳ mềm, món hầm đó “rất ngon, không bị khô xác và có một lớp mỡ béo tinh tế tan chảy vị rất tuyệt”.
Tại bang Bihar của Ấn Độ, Gates đã có khoảng thời gian ở cùng người Dalit, một trong những tầng lớp nghèo nhất ở nước này.
Những người mà ông gặp, mà người địa phương gọi là ‘những kẻ ăn chuột’, nhận trông nom ruộng đồng cho các chủ đất giàu có ở các tầng lớp khác để đổi lấy việc được bắt chuột trong các cách đồng.
Theo Gates, thịt những con chuột nhỏ này rất mềm và ăn giống như thịt gà giò hoặc chim cút.
Điều khó chịu duy nhất là mùi lông cháy – để khỏi bị mất đi tí thịt nào từ con vật nhỏ xíu này, người ta nướng nguyên con cho cháy hết lớp lông bên ngoài, gây ra “cái mùi rất kinh khủng”, Gates nói, và “khiến lớp da bên ngoài con chuột trông nham nhở”.
Nhưng bên trong thì khỏi phải chê. “Thịt và da bên trong ngon tuyệt,” ông nói.
Một người bán hàng rong bán món chuột đồng nướng ở dọc đường cao tốc phía bắc Bangkok, Thái Lan (Hình: Grant Singleton)

Thịt chuột trên thế giới

Con người đã ăn thịt chuột từ nhiều thế kỷ trước.
Theo một bài viết mang tính học thuật của Đại học Nebraska-Lincoln, ở Trung Quốc người ta đã ăn thịt chuột từ thời nhà Đường (618-907 sau Công nguyên), và chuột được gọi là “hươu nhà”.
Một món đặc sản thời đó là chuột non mới đẻ nhồi mật ong, “vừa vặn một gắp đũa”, các tác giả viết.
Khoảng 200 năm trước, chuột nhắt kiore, giống chuột có họ hàng gần với chuột nhà, đã được người Polynesia sống ở Thái Bình Dương, ăn thịt. Trong số này gồm cả người Maori ở New Zealand.
“Thời trước khi người châu Âu tới nơi, đảo Nam của New Zealand là nơi có rất nhiều chuột nhắt, chúng được bảo quản và ăn dần, thường là vào đầu mùa đông,” Jim Williams, một nhà nghiên cứu từ Đại học Otago của New Zealand, nói.
Theo bộ Bách khoa Toàn thư New Zealand, chuột kiore được coi là món ngon dùng để đãi khách và thậm chí còn được dùng để trao đổi như tiền mặt, hay trong các buổi lễ trọng đại như lễ cưới.
Campuchia, Lào, Myanmar, một số vùng của Philippines và Indonesia, Thái Lan, Ghana, Trung Quốc và Việt Nam là những nơi ăn thịt chuột, theo Grant Singleton từ Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế ở Philippines.
Singleton nói ông đã ăn thịt chuột ít nhất là sáu lần ở vùng Đồng bằng Cửu Long của Việt Nam.

Mùi vị thế nào?

“Nếu là chuột đồng thì tôi thấy vị hơi giống như thịt chim nhưng mùi lại giống như thịt thỏ,” ông nói.
Singleton cũng nhớ lại lúc ăn thịt chuột ở vùng cao nguyên của Lào và vùng đồng bằng trũng ở Myanmar.
Tại Lào, ông nói, nông dân tại các tỉnh cao trên phía bắc chia ra ít nhất là năm loại chuột khác nhau, dựa vào mùi vị thịt của chúng.

Người đàn ông này chuẩn bị ăn một chú chuột vừa bắt được tại chỗ, ở Morrumbala, tỉnh Zambezia, Mozambique (Hìnht: Prof S.R. Belmain, University of Greenwich)
Tại châu Phi, một số cộng đồng có truyền thống ăn thịt chuột từ lâu đời.
Ví dụ như tại Nigeria, chuột khổng lồ châu Phi là thứ được mọi nhóm sắc tộc ưa chuộng, theo Mojosola Oyarekua từ Đại học Khoa học Kỹ thuật Ifaki-Ekiti (Usti) Nigeria.
“Nó được coi là đặc biệt ngon, đắt hơn so với thịt bò hay cá, tính theo giá mỗi kg. Thịt chuột có thể chế biến theo các cách nướng, sấy khô hoặc luộc,” ông nói.
Vậy tại sao con người ta lại ăn thịt chuột? Liệu đó có phải là do nhu cầu?
Sau khi nếm thử thịt chuột ở nhiều nước khác nhau, Gates nói rằng người ta ăn là do thích ăn chứ không phải do hoàn cảnh bắt buộc.
Rất có thể món thịt chuột hiện không trong thực đơn nhà hàng quen thuộc của bạn.
Nhưng nếu ta nhìn ra một thế giới đang ngày càng toàn cầu hoá với ngày càng nhiều các món ăn lạ lùng vươn ra các nơi, thì không có gì ghê gớm khi nghĩ đến một ngày thịt chuột sẽ trở thành món đặc sản, xuất hiện phổ biến hơn ở phương Tây.
Nếu có cơ hội, bạn nhớ ăn thử. Rất có thể bạn sẽ thấy thích thú đấy. Rốt cuộc thì với một số người, thịt chuột đã được xếp hạng là thứ thịt thơm ngon nhất họ từng nếm thử trong đời.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...