Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Trái Đất tràn ngập rác thải nhựa



mediaẢnh Ảnh chụp ngày 01/05/2017: Một chai nhựa nằm chìm dưới đáy biển tại công viên thiên nhiên Port-Cros, Pháp.Boris HORVAT / AFP

Hành tinh của chúng ta đang bị tràn ngập hàng tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ từ năm 1950 và tình hình này sẽ ngày càng tồi tệ hơn nếu thế giới không có một kế hoạch tái xử lý hiệu quả. Đó là báo động của một công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí Mỹ Science Advances ngày 19/07/2017. Đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu về việc sản xuất, sử dụng các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa trên toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu của hai đại học Georgia và California đã tính toán rằng trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến năm 2015, nhân loại đã sản xuất ra 8,3 tỷ tấn nhựa, mà trong đó có đến 6,3 tỷ tấn đã trở thành rác thải với mức độ tự phân hủy rất thấp.
Trên 6,3 tỷ tấn rác thải nhựa đó, chỉ có 9% là đã được tái xử lý, 12% được đốt hủy và có đến 79% tích tụ trong các bãi rác hoặc vẫn nằm trong môi trường thiên nhiên, đặc biệt là trong các đại dương, nơi mà mỗi năm vẫn « tiếp nhận » đến gần tám triệu tấn rác thải nhựa.
Công trình nghiên cứu nói trên cho thấy là sản xuất nhựa trên thế giới từ 2 triệu tấn năm 1950 đã tăng vọt lên thành 400 triệu tấn vào năm 2015, nhiều hơn phần lớn các vật liệu khác do con người tạo ra.
Các nhà nghiên cứu Mỹ báo động rằng nếu nhịp độ sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa cứ tiếp tục như hiện nay, từ đây cho đến năm 2050 sẽ có đến khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa trong các bãi rác và trong thiên nhiên, tức là tương đương gấp 35.000 lần tòa nhà Empire State Building của New York.
Một trong hai tác giả của công trình nghiên cứu, giáo sư Jenna Jambeck, Đại học Georgia, lưu ý rằng phần lớn các chất nhựa không thật sự tự phân hủy được, như vậy là chúng sẽ tiếp tục tồn tại trong thiên nhiên hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm nữa. Còn tác giả chính của công trình nghiên cứu, giáo sư Roland Geyer, Đại học California, Santa Barbara, cho biết là khoảng phân nửa các hàng nhựa trở thành rác thải chỉ sau bốn năm sử dụng hoặc ít hơn. Hầu như không có hàng nhựa phổ biến nào là thật sự tự phân hủy. Chính vì vậy mà rác thải nhựa cứ tích tụ thêm, chứ không bao giờ giảm đi.
Khi công bố công trình nói trên, các nhà nghiên cứu Mỹ nhấn mạnh rằng họ không chủ trương loại bỏ hoàn toàn chất nhựa trong nền kinh tế, mà chỉ tìm cách thúc đẩy mọi người suy nghĩ về cách thức sử dụng vật liệu này và cách thức tái xử lý chúng.
Về điểm này, nhà nghiên cứu Kara Lavendar Law, thuộc Sea Education Association (Hiệp hội Giáo dục Biển), một cơ quan nghiên cứu về đại dương, cho rằng chất nhựa vẫn cần thiết cho việc chế tạo những sản phẩm được thiết kế để sử dụng lâu dài. Nhưng theo bà, thế giới cần phải suy xét kỹ lưỡng về việc sử dụng tràn lan chất nhựa và phải thường xuyên tự hỏi là khi nào thì thật sự cần sử dụng vật liệu đó.
Các tác giả công trình nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng việc tái xử lý chỉ thật sự hữu ích nếu nó có tác dụng làm giảm việc sản xuất các sản phẩm nhựa mới. Họ đặc biệt cảnh báo là không nên đốt các rác thải nhựa, vì làm như thế sẽ gây tác hại cho môi trường và sức khỏe công cộng.
Rác thải nhựa trôi đến tận biển Bắc cực
Từ nhiều năm qua, giới khoa học vẫn liên tục báo động về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trong các đại dương. Nhưng có lẽ không ai ngờ rằng các bờ biển xa xôi hẻo lánh ở Bắc cực bị ô nhiễm rác thải nhựa trầm trọng hơn cả các bờ biển châu Âu. Đó là báo động của các nhà khoa học Hà Lan sau chuyến đi của họ vào tháng năm vừa đến hai đảo nằm ở khu vực giáp ranh Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương.
Khi đến đây, các nhà khoa học Hà Lan mới thấy rằng khu vực này đã trở thành những bãi khác do dòng nước biển Gulf Stream làm rác trôi dạc từ nơi khác đến đây. Dòng nước biển này xuất phát từ khu vực giữa bang Florida của Mỹ và quần đảo Bahamas, chảy ngang qua Đại Tây Dương đến tận Groenland. Hậu quả là các bờ biển quần đảo Svalbard và Jan Mayen, tuy dân số rất là ít, nhưng bị ô nhiểm rác thải nhựa nặng nề hơn cả các bờ biển châu Âu.
Tờ nhật báo The Guardian của Anh đã từng công bố một nghiên cứu trước đó cho thấy là rác nhựa thải ra biển gần các bờ biển nước Anh mất đến hai năm mới trôi dạt đến Bắc Băng Dương. Tờ báo này nhắc lại rằng, trong những thập niên qua, ít nhất một ngàn tỷ mảnh nhựa đã tích tụ dưới lớp băng của vùng Bắc Băng Dương. Như vậy vùng biển này đã trở thành bãi rác thải nhựa dày đặt còn hơn cả khối rác thải nhựa khổng lồ, được mệnh danh là lục địa thứ bảy, đang trôi dạt ngoài khơi Thái Bình Dương.
Nhưng ngay cả một đảo hoàn toàn không có người ở như đảo Henderson của Anh Quốc nằm giữa Thái Bình Dương cũng đã trở thành bãi rác thải nhựa lớn nhất thế giới, do những rác thải đó trôi dạt theo các dòng nước nước đến đây.
Rác thải nhựa đặc biệt nguy hiểm cho các loài sống dưới biển, vì chúng tưởng đó là thức ăn, nuốt vào và chết do bị ngạt hoặc bị nhiễm độc.
Nhựa tái chế : Pháp cố trở thành trò giỏi của châu Âu
Khi trình bày kế hoạch hành động của chính phủ trước Quốc Hội Pháp ngày 04/07 vừa qua, thủ tướng Edouard Philippe đã thông báo một mục tiêu đầy tham vọng : Từ đây đến 2025 sẽ tái xử lý toàn bộ các hàng nhựa trên toàn lãnh thổ Pháp.
Hiện giờ Pháp vẫn bị xếp hạng rất thấp trong các nước châu Âu về lĩnh vực này. Theo nghiên cứu của PlasticsEurope, hiệp hội các nhà sản xuất hàng nhựa, trong năm 2014, nước Pháp đã thải ra 3,3 triệu tấn rác nhựa và chỉ tái xử lý có một phần tư khối lượng đó. Một phần các rác thải nhựa này được chuyển thành nhiên liệu cho các nhà máy, như nhà máy xi măng, nhưng vẫn có hơn một phần ba khối lượng đó nằm ở các bãi rác.
Như vậy là Pháp vẫn còn thua xa những nước châu Âu khác như Đức, Na Uy, Thụy Sĩ, những nước đã đạt được mục tiêu tái sử dụng hơn 90% hàng nhựa, nhờ phối hợp việc tái xử lý với việc chuyển đổi thành nhiên liệu.
Đối với giám đốc đặc trách khu vực Tây Âu của hiệp hội PlasticsEurope, nước Pháp khó mà đạt được mục tiêu tái xử lý 100% hàng nhựa, nhưng hoàn toàn có thể đạt đến việc sử dụng lại toàn bộ, để không còn rác thải nhựa nào ở các bãi rác.
Hiện giờ các nhà sản xuất vật liệu nhựa của Pháp sử dụng ngày càng nhiều nhựa tái chế làm nguyên liệu, nhưng đa số vẫn chưa dùng nhựa tái chế làm nguồn nguyên liệu chính yếu, vì không có nguồn cung cấp ổn định. Hơn nữa, nhựa tái chế đắt hơn là nhựa mới, sản xuất từ dầu hỏa.
Nói chung, nguồn nguyên liệu nhựa tái chế vẫn còn quá ít so với nhu cầu về hàng nhựa ngày càng tăng ở Pháp, lên đến 4,9 triệu tấn vào năm ngoái, trong đó phân nữa là nhựa sử dụng trong bao bì. Như vậy, con đường hãy còn rất dài trước khi Pháp đạt được mục tiêu tái xử lý toàn bộ hàng nhựa từ đây đến năm 2050.
( Từ Dannews)

1 nhận xét:

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...