Lần đầu tiên tôi bắt gặp hình ảnh
đảo Spinalonga là bốn năm trước, từ một đỉnh đồi dốc nhìn xuống ngôi
làng Plaka trầm lắng ở về phía đông bắc đảo Crete.
Hòn đảo tí hon này với diện tích chỉ có 8,5 hectare ở vịnh Mirabello
hoàn toàn nằm trong bóng tối, tịch mịch và có cảm giác đáng sợ như thể
nó bị than nhuộm đen, trong khi bán đảo Spinalonga có màu cánh gián nằm
cuộn tròn xung quanh hòn đảo như chiếc đuôi của con mèo đang ngủ, phơi
mình trong ánh nắng vàng của buổi chiều tà.Những người mắc án tử
Nằm cách Plaka chỉ mấy bước chân, hòn đảo đá khô cằn này từng là một cứ điểm quân sự dưới thời Venetian (và sau đó là thời đế chế Ottoman); một tòa thành thời Trung Cổ vẫn còn tồn tại làm chứng nhân cho thời kỳ này trong lịch sử của hòn đảo.Vào năm 1904, sau khi người đảo Crete đuổi người Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi Spinalonga, hòn đảo này trở thành nơi ở cư trú của người bệnh phong. Năm 1913, sau khi Crete sáp nhập vào Hy Lạp, tất cả những ai mắc bệnh này đều bị đưa ra đảo. Vào thời đông đúc nhất, nơi đây có gần 400 cư dân.Bệnh phong cùi, vốn gây ra những vết biến dạng trên da và làm tổn hại hệ thần kinh khiến cơ thể suy nhược, từ lâu đã bị xã hội miệt thị.
Những ai mắc phong cùi đều bị gia đình, cộng đồng, thậm chí ngay cả các thầy thuốc chuyên nghiệp né tránh, khinh rẻ và phân biệt đối xử.
Thật ra, sự miệt thị này cực đoan đến mức từ thời cổ đại, bệnh phong cùi đã được gọi là “án tử trước khi chết”.
Một khi được chẩn đoán mắc bệnh phong cùi, các bệnh nhân này sẽ bị tịch thu tài sản và của cải, bị tước quyền công dân và danh tính bị xóa sạch.
Sau đó, họ sẽ bị trục xuất tới Spinalonga nơi họ sẽ không bao giờ được điều trị. Vị bác sỹ duy nhất được gửi đến đảo chỉ đi từ Plaka ra đảo nếu có ai đó mắc bệnh nào khác.
Không chỉ có vậy, ngay cả khi nhân loại đã tìm ra cách chữa bệnh phong cùi vào đầu những năm 1940, nhà nước Hy Lạp vẫn giữ nơi này làm nơi biệt lập các bệnh nhân phong cùi cho đến năm 1957.
Chỉ sau khi một chuyên gia người Anh đến thăm đảo và viết một bản báo cáo lên án vị bác sỹ của đảo và chính quyền Hy Lạp đã không chữa trị và cung cấp chỗ ở đàng hoàng cho các bệnh nhân trên đảo thì giới chức mới chính thức đóng cửa Spinalonga.
“Sự lừa dối”
Tôi không thể đến thăm đảo vào ngày đó bốn năm trước, nhưng kể từ khi đọc cuốn tiểu thuyết ăn khách có nhan đề “The Island” của Victoria Hislop – tiểu thuyết tâm lý xã hội kể về các bí mật gia đình, sự phản bội và tình yêu định mệnh đặt bối cảnh hòn đảo phong cùi – tôi đã trở lại để tìm hiểu những người bị đuổi ra đảo Spinaloga đã thật sự có cuộc sống như thế nào.Vào một buổi chiều mùa hè lộng gió, chúng tôi phóng tầm mắt xuyên qua vùng biển của Vịnh Mirabello trong lúc những chiếc tàu cao tốc chạy vụt qua. Đảo Spinalonga vẽ lên một bức tranh đẹp. Nhưng khi chiếc phà nhỏ của chúng tôi từ Plaka đến gần đảo thì tòa thành hiện ra ở phía trên như một đám mây đen.Đi cùng tôi là Maurice Born, nhà dân tộc học, đồng tác giả đồng thời là người dịch cuốn “Cuộc sống và cái chết của một bệnh nhân phong cùi trên đảo Crete” mà ông viết chung với Epaminondas Remoundakis, một bệnh nhân phong cùi sống sót và hiện đang vận động để cải thiện điều kiện sống cũng như đối xử công bằng đối với những người sống trên đảo Spinalonga.
“Bạn thấy đó,” Born nói khi chúng tôi đi xuyên qua một đường hầm có nhiều mái vòm trong những bức tường thành có tên là “Cổng của Dante”, “câu chuyện về Spinalonga hoàn toàn là sự lừa dối.”
Trong hàng chục năm từ sau trại phong này bị đóng cửa vào năm 1957, người ta biết rất ít về hòn đảo.
Chính phủ Hy Lạp, vốn mong muốn xóa sạch những dấu vết về sự tồn tại của trại phong này, đã đốt sạch toàn bộ các tài liệu trong khi các bệnh nhân sống sót thì không muốn kể về những gì đã xảy ra với họ.
Trong nhiều năm người ta đã hầu như coi rằng hòn đảo này không tồn tại.
“Tô hồng”
Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết của Hislop được xuất bản vào năm 2005, sau đó được chuyển thể thành một bộ phim truyền hình ăn khách và nó đã thay đổi tất cả.Đùng một cái ai cũng nói về hòn đảo và ai cũng trở thành chuyên gia. Chính quyền, vốn hứng thú với cách tác giả tô hồng trại phong, đã để cho mọi người tự do bàn bạc. Từ đó một câu chuyện lãng mạn nhưng sai lệch về cuộc sống của trại phong trên đảo đã ra đời.Chúng tôi bước ra một con đường làng tràn ánh nắng mà hai bên đường là những phế tích đổ nát của những ngôi nhà Venetian và Thổ Nhĩ Kỳ.
Born dừng lại để chỉ về phía một đống đổ nát bằng đá không có mặt tiền, không còn mái vốn từng là nơi có một quán rượu nhỏ do các bệnh nhân phong cùi quản lý.
“Chính quyền, vốn muốn xóa đi vết nhơ hằn lên danh tiếng của họ, đã tìm cách xóa hết bằng chứng của trại phong. Nhưng sau đó, vào những năm 1980, họ đã nhận ra rằng các du khách đến đảo có mục đích đến thăm trại phong,” ông giải thích.
Một mái vòm khác mở ra một con phố buôn bán, một con phố dài và hẹp trải bóng những cửa hiệu mà những người phong cùi chỉ được phép sở hữu kể từ những năm 1930 và một ngôi trường nhỏ.Một phía của con đường đã được khôi phục để phục vụ du khách với mặt trước các cửa hiệu giờ đây có những chấn song bằng gỗ đầy màu sắc.
Cách đó không xa là một công trình đá nằm trong hang nơi đặt lò hỏa thiêu từng được dùng để đốt quần áo của bệnh nhân nhiễm bệnh.
Hội Huynh đệ
Khi chúng tôi đi xuyên qua ngôi làng bỏ hoang, Born tiếp tục tiết lộ cuộc sống hồi trước trên đảo.Trước những năm 1930, dân trên đảo Spinalongia đã “sống một cuộc sống quay cuồng của sự ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến cách sống sót cho riêng mình,” ông giải thích. “Không ai chăm sóc lẫn nhau cả. Vị linh mục đã rất khó khăn để tìm được ai đó chôn cất người chết.”
Mãi cho đến khi Remoundakis đặt chân đến đảo và thành lập Hội huynh đệ các bệnh nhân đảo Spinalonga – một hội có tôn chỉ cải thiện điều kiện sống trên đảo – thì mọi thứ trên đảo mới bắt đầu được khá dần lên. Hội này đã vận động Chính phủ Hy Lạp cho phép người dân trên đảo có quyền kết hôn và mở doanh nghiệp.
“Trước khi có Hội Huynh đệ thì người dân trên đảo chỉ biết có thực phẩm, cờ bạc và rượu raki,” Born cho biết. Tuy nhiên hội đã nỗ lực để thiết lập trật tự và chất lượng cuộc sống tốt hơn trên đảo. Đôi khi những cư dân có tài năng âm nhạc cũng tổ chức những buổi biểu diễn. Một số người tài trợ máy hát đĩa, đặt tại một cửa hàng để người dân có thể thưởng thức âm nhạc.
Một trong những quy định quan trọng nhất của Hội Huynh đệ là cấm soi gương – không ai muốn nhìn thấy bộ dạng của mình trong gương cả. Nhưng họ không thể không nhìn thấy những tàn phá của bệnh tật trên cơ thể của các bệnh nhân khác.
Vào năm 1938, cư dân trên đảo được chính quyền cho phép nổ bom phá tung một phần của tòa pháo đài Trung Cổ và dọn một con đường xung quanh chu vi đảo mà ngay cả người dân bệnh tật gặp khó khăn trong việc đi lại cũng có thể sử dụng được.
Con đường mới này giúp cho những người bị nhốt trên đảo có cảm giác như được giải phóng.
Nơi yên nghỉ cuối cùng
Chúng tôi bước qua một đống đá sỏi còn lại của công trình bị phá. Cảm giác ngột ngạt mà tôi cảm nhận ở trong làng đã hoàn toàn biến mất khi chúng tôi đi dọc theo lối đi.Gió mạnh thổi từ biển Aegean và thổi qua lối đi giống như một tù nhân thoát khỏi gông cùm. Tôi phóng mắt ra nhìn quanh cảnh ngoạn mục của vịnh Mirabello và hít vào vị mặn của biển.
Chúng tôi đi qua nhà thờ St George nằm lẻ loi được người Venetian xây dựng nhiều thế kỷ trước và đến một nghĩa trang nhỏ. “Khi du khách bắt đầu đến thăm đảo vào những năm 1980, nhiều người đã có hành động bất kính đối với nghĩa trang,” Born cho biết. Vào năm 2013, xương cốt của người quá cố được bỏ vào hũ cốt đàng hoàng và được đậy nắp.
Hòn đảo yên ắng trừ tiếng gió quét trên cỏ lạo xạo và tiếng động cơ xuồng máy chạy ngang qua. Ở lối vào nghĩa trang, một tấm biển nhỏ kêu gọi mọi người tôn trọng những linh hồn tội nghiệp được chôn cất trên ngọn đồi đá nhìn ra biển và những ngọn núi của đảo Crete.
Phải mất mấy thập niên những câu chuyện này mới được kể nhưng có lẽ cuối cùng những người chưa bao giờ thoát khỏi đảo Spinalonga cũng được yên nghỉ.
Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Travel.
bài rất hay
Trả lờiXóa