Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

NĂM LỜI CẦU NGUYỆN HẰNG NGÀY

I- Ý NGHĨA VÀ NỘI DUNG 5 LỜI CẦU NGUYỆN:
        Ngoài những bổn phận về thế tục phải làm việc để trả nợ áo cơm đã nương dựa vào nhơn quần xã hội cho thân xác được tồn tại, hằng ngày người tín đồ Cao Đài chúng ta còn có bổn phận về tinh thần cho mình là phải cầu nguyện năm điều chung sau đây gọi là NGŨ NGUYỆN khi cúng Thầy, Mẹ.
Đó là: NAM MÔ:
1- Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai: Cầu nguyện cho Đạo Cao Đài được truyền bá sâu rộng khắp thế gian.
2- Nhì nguyện phổ độ chúng sanh: Cầu nguyện sẽ đi phổ độ giúp cho chúng sanh biết Đạo mà thức tỉnh, lo tu hành để được giải thoát. Nhưng trước nhứt người tín đồ phải thật sự thức tỉnh để nêu gương cho người ta theo, phải lo phổ độ cho chính mình, cho thân tộc mình, cho nội bộ trong tôn giáo mình rồi mới có tâm mà lo cho người khác.
3- Tam nguyện xá tội đệ tử: Cầu nguyện Ơn Trên, Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng ân xá, xóa hết oan nghiệt tội tình của mình, là đệ tử của Chí Tôn. Mà muốn được như vậy, chúng ta phải thật tâm ăn năn hối lỗi, tu hành chính chắn, làm việc thiện từ ngôn từ cho đến hành động. Muốn Chí Tôn ân xá cho tội lỗi của mình thì nên xem lại bổn thân coi mình có được tánh khiêm cung, từ bi, độ lượng trước người khác chưa? Xin Ơn Trên xá tội lỗi cho mình mà mình còn tánh ích kỷ, lòng dạ nhỏ nhen, hành động thích bươi móc, kết tội, nguyền rủa, nói xấu người khác thì liệu Ơn Trên có tha thứ cho mình không? Trước khi xin xá tội hãy xem lại mình, nhìn mình cho kỹ.
4- Tứ nguyện thiên hạ thái bình: Là cầu xin cho thế giới được sống trong hòa bình, an cư lạc nghiệp. Muốn được như vậy, người cầu nguyện phải tu tỉnh cho tâm mình được an bình, không xao động, không manh tâm, luôn làm việc tốt, giữ hạnh tốt, sống hài hòa với mọi người. Cầu cho thế giới hòa bình mà chính tâm mình còn ác, còn xao động, tổ chức, nội bộ Đạo còn rối ren, còn xung đột thì cầu xin chi cho người khác. Vô bổ!
5- Ngũ nguyện Thánh Thất an ninh: Cầu cho nơi thờ phượng Thượng Đế được an ninh. Đây là điều rất quan trọng. Tất cả tín đồ đều mong sao nơi thờ tự của tôn giáo mình như Thánh Thất, Điện Thờ Phật Mẫu, các Cơ quan Đạo được có sự an ninh trật tự cho đồng đạo có nơi yên ổn để tinh thần mình được tỉnh lặng mà tu hành, sáng kệ chiều kinh mà không bị ai quấy rối làm phiền. Nhiều nơi, lời cầu nguyện vang vang lanh lảnh xong, lại nghe tiếng cải vã mắng nhiếc, la lối ùm lên do những người mới cầu nguyện trong đàn cúng bước ra. Vậy có phải là nghịch lý không? Xin xem lại!      
       Năm lời cầu nguyện này được dâng lên Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và chư Thần Thánh Tiên Phật vào các thời cúng Tý Ngọ Mẹo Dậu (12 giờ khuya, 12 giờ trưa, 6 giờ sáng, 6 giờ chiều). Lời cầu nguyện được đặt sẵn, giống nhau thành lời Kinh Ngũ nguyện là phần chót của kinh cúng Tứ Thời. Những làn sóng tư tưởng phát xuất tự đáy lòng thành khẩn của người tín đồ Cao Đài ở khắp mặt địa cầu hiệp sức lại, cộng hưởng, tạo thành một sức mạnh tâm linh tác động trên tinh thần của nhơn loại theo chiều hướng Thánh thiện.
       Hiện tượng này cũng giống như chúng ta ghép nhiều cục pin nhỏ lại để có được một dòng điện mạnh đủ thấp sáng bóng đèn.
       Các Đấng Thiêng Liêng nơi Bát Quái Đài nơi Đền Thánh hay trên Thiên Bàn nơi Thánh Thất, Điện Thờ ở địa phương hoặc ở Thiên bàn tại gia, đón nhận những làn sóng tư tưởng của khối tín đồ Cao Đài dâng lên như một dòng thần lực chứa đựng nhơn ý, các Ngài cảm nhận và cho hòa nhập vào trong tâm thức của mình gọi là chứng lòng chúng sanh và tức khắc gởi trả ngược lại chúng sanh sau khi cho thêm thần lực của các Ngài làm gia tăng Thánh chất chứa đựng nhiều Thánh ý trong đó.
       Hiện tượng này gọi là sự chuyển pháp của quyền năng Thiêng liêng tuy vô hình mà có thật và người nào nhận được ân huệ Thiêng liêng này sẽ có thêm sức sống tâm linh thánh thiện và đời sống hữu hình của thân xác cũng sẽ thay đổi tốt đẹp dần. Sinh hoạt của giới vô hình này nối tiếp rất gần với loài người, chỉ cách một xác thân.
       Ngoài năm điều chung trên đây thỉnh thoảng cũng có những vấn đề riêng của cá nhân mà sức phàm không giải quyết nổi người tín đồ cũng cầu nguyện với các Đấng Thiêng liêng để xin hộ trì. Tuy nhiên, không phải điều cầu xin riêng tư nào cũng được thỏa mãn bởi lý do con người thường hay cầu nguyện theo nhơn dục (ý muốn thấp hèn cá nhân, lo cho bản thân phàm tánh), mà hễ thuận cùng nhơn dục thì thường nghịch với Thiên Điều.
       II- BÍ PHÁP CẦU NGUYỆN:
       Như trên đã dẫn chứng, bí quyết trong phép cầu nguyện là phải thành ý, chánh tâm, có đức tin mạnh mẽ, thần trí phải thật yên tĩnh và lập lại nhiều lần lời cầu nguyện trong một thời gian nào đó và điều cầu xin không quá hơn những gì mà định mệnh đã an bày, cho mỗi cá nhân trong mỗi kiếp sanh mới có cảm ứng được. Cũng có những kẻ mà đời sống đầy những tham vọng cá nhân phàm tục không biết lẽ vinh hư tiêu trưởng là gì, quên câu luân hồi nghiệp báo tiền khiên vay trả chỉ vụ lấy điều lợi trước mắt, họ đi vào cửa Đạo, lễ bái nhiệt tình trong buổi đầu với một thâm tâm mong cầu sự đổi chát có lợi bội phần đối với thế giới Thần Linh. Họ cũng cầu nguyện rất nhiều nhưng chỗ mong cầu vụ lợi phàm tục không được đáp ứng bèn mất đức tin cho rằng Trời Phật không linh. Lợi dụng tâm lý thấp thỏi nầy một số đồng cốt cùng với những tâm linh xấu tìm cách dẫn dụ đức tin của họ xa dần chánh giáo và chung cuộc họ đã lạc bước vào con đường Tả đạo Bàn môn lúc nào không hay. Thật là đáng tiếc! Và con số tín đồ này cũng không phải là ít đâu.
       Lời cầu nguyện chắc chắn được đáp ứng dù ít hay nhiều, là những lời cầu nguyện Hội Thánh đã đặt thành thể pháp trong kinh điển như:
       Ngũ nguyện, cũng như lời nguyện Dâng Tam Bửu, kinh Thế Đạo: trước và sau khi ăn, khi đi ngủ, lúc thức dậy, khi đi ra đường, lúc trở về....v.v. Tất cả đều mang ý nghĩa một tinh thần hướng thượng vô biên, sẵn sàng phụng sự vạn linh sanh chúng để sau một kiếp mang xác phàm chơn thần được nhập vào cõi Thiêng liêng Hằng sống.
       Tóm lại, muốn đạt được kết quả cầu xin trong tâm nguyện tốt lành thì phải:
                 - Thành ý.
             - Chánh tâm.
             - Đức tin mạnh mẽ.
             - Thần trí yên tỉnh.
             - Kiên trì tu hành nhiều ngày.
             Lời nguyện chân thật hướng thiện vô biên chắc chắn sẽ có kết quả như mong muốn.
                                                        *
 Tài liệu do Hồ Xưa sưu tầm và sắp xếp viết lại_______________________________

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...