Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

Từ quốc gia mù chữ, nghèo tài nguyên, Singapore đã vươn lên thành ‘con rồng châu Á’ thế nào?

Nửa thế kỷ trước, Singapore là một đất nước nghèo nàn với đa số người dân mù chữ và không có tài nguyên. Ngày nay, họ trở thành quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới và là con rồng Châu Á. Nhớ lại những ngày đầu lập quốc, Singapore còn chỉ hy vọng một lúc nào đó sẽ phát triển giống như Sài Gòn.
Năm 1965, thu nhập bình quân đầu người của Singapore ở mức 500 USD, đến năm 1991, con số này là 14.500 USD. Vào năm 2010, GDP bình quân đầu người đã đạt mức 56.532 USD tính theo đồng giá sức mua (PPP), cao nhất trên thế giới (Theo tờ Wall Street Journal, báo cáo từ Knight Frank và Citi Private Wealth).
Nhìn vào điều kiện tự nhiên của Singapore, đất nước này chỉ có diện tích khoảng 700 km2, rộng hơn Hà Nội một chút. Dân số gần 5 triệu người, xấp xỉ dân số Sài Gòn. Trong khi đó, tài nguyên thiên nhiên hoàn toàn không có gì, nguồn cấp nước thiếu thốn và gần như phải phụ thuộc hoàn toàn vào Malaysia.
Có nhiều yếu tố đã tạo nên kỳ tích ở quốc đảo sư tử. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến hai khía cạnh là giáo dục và tri thức, vốn là những nhân tố vô cùng quan trọng tạo nên bệ phóng cho sự phát triển thần kỳ đó.
Trọng dụng nhân tài
Nhân tài là yếu tố then chốt làm nên thành công của một quốc gia. Theo chính phủ Singapore: “Lãnh đạo xấu sẽ đuổi người tốt, người giỏi, không cho họ được giữ những chức vụ quan trọng”. Bởi vậy, rất nhiều người tài, có học vấn cao được tuyển chọn để nắm giữ chức vụ trong bộ máy lãnh đạo của đất nước.
Các nhà lãnh đạo ở Singapore đều là những người có học vấn cao.

Ví dụ, vị Thủ tướng thứ hai của Singapore là ông Goh Chok Tong, tốt nghiệp tại trường Đại học danh tiếng Williams College (Mỹ), về chuyên ngành Phát triển kinh tế. Ông cũng là một người có tài năng, gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp chính trị.
Các quan chức và bộ trưởng của Singapore cũng đều tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Ông Phó thủ tướng Jayakumar phụ trách về an ninh quốc gia đã tốt nghiệp tại khoa Luật, trường Đại học Yale Law của Mỹ. Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao George Yong-Boon Yeo, cũng tốt nghiệp trường Cambridge của Anh. Bộ trưởng Chánh Văn phòng Nội các Lim Swee Say tốt nghiệp trường Loughborough của Anh. Bộ trưởng Bộ quốc phòng Teo Chee Hean, tốt nghiệp trường Đại học Hoàng gia Imperial College London Anh.
Singapore không những tìm và sử dụng người tài trong công dân nước mình, mà còn thu hút nhân tài từ nước khác đến. Người tài đến Singapore làm việc, được định cư lâu dài, và được gia nhập quốc tịch một cách dễ dàng.
Xây dựng nền giáo dục song ngữ
Singapore đã giành được độc lập từ nước Anh. Tuy nhiên, đất nước này không loại bỏ tiếng Anh trong giáo dục cũng như đời sống hàng ngày. Cả bộ máy hành chính mà người Anh xây dựng lên ở Singapore trong hơn 100 năm đô hộ cũng không bị loại bỏ. Tất cả những nền hành chính tiên tiến đó đều được tiếp thu và vận dụng ở Singapore. Nhân dân được tự do cư trú, quyền tư hữu không bị xóa bỏ.
Vườn Nam là công trình lớn nhất với diện tích 54 ha. Nó được mở cửa ngày 29/6/2012. Điểm nhấn của công trình là những cây nhân tạo khổng lồ cao tối đa 54 m, giúp hấp thu năng lượng từ ánh sáng mặt trời, hứng nước mưa và thoát hơi cho các tòa nhà gần đó. Phần thân cây trở thành nơi sống của các loài thực vật và cây leo. Ảnh: Wikipedia

Với Singapore: “Nắm vững tiếng Anh, đó là chìa khóa để giành lấy tri thức, công nghệ cao của phương Tây”.
Với tư duy đó, chính phủ Singapore lúc bấy giờ coi chương trình giáo dục song ngữ như nền tảng cốt yếu của hệ thống giáo dục. Khi đưa ra quyết định này, chính phủ cũng gặp phải một số phản đối từ công luận. Tuy nhiên, Singapore vẫn quyết định bằng mọi giá cần phải đưa tiếng Anh – ngôn ngữ chung của thế giới vào giảng dạy cùng với tiếng mẹ đẻ trong chương trình giáo dục phổ thông.
Lý do chính phủ kiên quyết với chính sách giáo dục song ngữ này là bởi, nếu Singapore chỉ dùng tiếng mẹ đẻ, thì một đất nước nhỏ như vậy sẽ gặp rất nhiều trở ngại khi tiến ra thị trường quốc tế. Và nếu đất nước chỉ tập trung vào đào tạo bằng tiếng Anh, thì tinh thần dân tộc và bản sắc văn hoá của Singapore sẽ bị mai một.
Chính sách giáo dục vô cùng khôn ngoan đã giúp các thế hệ Singapore vừa giỏi về tiếng Anh mà vẫn không kém đi về tiếng Hoa

Vậy là một hệ thống giáo dục kết hợp cả hai ngôn ngữ đã ra đời. Nếu các tiếng mẹ đẻ (bao gồm tiếng Hoa, Malaysia và Ấn Độ) gắn kết người dân Singapore bằng nguồn gốc, văn hóa thì tiếng Anh sẽ kết nối các dân tộc Singapore với nhau và với thế giới.
Thực tế đã chứng minh chính sách giáo dục vô cùng khôn ngoan này đã giúp các thế hệ người Singapore vừa giỏi về tiếng Anh mà vẫn không kém đi về tiếng Hoa. Tiếp bước Nhật Bản cải cách ngay từ nền tảng giáo dục, đảo quốc sư tử “hóa rồng” một cách ngoạn mục và vươn lên trở thành một trong những cường quốc châu Á.
Một nền giáo dục mang tầm quốc tế
Singapore ngày nay tự hào là một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới và là hình mẫu cho nhiều quốc gia khác học tập theo với các trường đại học nổi tiếng như Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) được thành lập vào năm 1905, Trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) được thành lập vào năm 1981 và Trường Đại học Quản trị Singapore được thành lập năm 2000. Bên cạnh đó, Singapore cũng là nơi nhiều trường đại học quốc tế từ các quốc gia có nền giáo dục phát triển bậc nhất thế giới chọn để đặt trụ sở, ví dụ như Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) với tên Singapore MIT Alliance tại Singapore hay Trường Đại học Stanford (Mỹ) với tên Singapore Stanford Partnership tại Singapore.
Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS)

Trong một bài báo được đăng tải trên trang web của Trung tâm Belfer Center thuộc Đại học Harvard, Giám đốc dự án toàn cầu về Khoa học và Công nghệ, Giáo sư Calestous Juma đã trích dẫn thông điệp của chính phủ Singapore về sự thành công của một đất nước Singapore nhỏ bé nhưng giàu mạnh: “Chất lượng nguồn nhân lực chính là yếu tố quan trọng quyết định khả năng cạnh tranh của quốc gia. Đó là sự sáng tạo, mô hình kinh tế, kinh doanh, khả năng làm việc nhóm và nguyên tắc làm việc”.
Ông cũng nhấn mạnh vào sự quan trọng của tri thức trong việc phát triển kinh tế và bác bỏ sự tách bạch trong việc học thuật và thực tiễn: “Những người có tư duy tốt cần phải đào tạo họ thành những nhà phát minh, nhà sáng chế, nhà đầu tư, và doanh nhân giỏi; họ cần phải sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới cho thị trường và làm đời sống của con người trên thế giới trở nên tốt đẹp hơn”.
Hiểu Minh (daikynguyen.tv)

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...