Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

VĂN HÓA CAO ĐÀI: “Trong Tam Giáo có lời khuyến dạy, Gốc bởi lòng làm phải, làm lành” Làm phải, làm lành trong Đạo Cao Đài.



                                          Lê Tấn Tài

“Trong Tam Giáo có lời khuyến dạy,

Gốc bởi lòng làm phải, làm lành”.

Đây là hai câu trong bài “Khai Kinh”, một trong các bài kinh mà nguòi tín đồ Cao Đài tụng trong lúc cúng tứ thời vào các giờ: 12 giờ khuya (thời tý), 6 giờ sáng (thời mẹo), 12 giờ trưa (thời ngọ) và 6 giờ chiều (thời dậu).

Bài “Khai Kinh” được diễn Nôm, theo thể thơ “song thất lục bát” từ một bài kinh chữ Hán, bài “Khai Kinh Kệ”, nói về giáo lý của Đạo Cao Đài, đặt căn bản trên tinh thần Tam Giáo, là Phật Giáo, Lão Giáo và Nho Giáo. “Tam Giáo dạy lấy tâm làm gốc, dạy làm điều phải, tránh điều quấy, dạy làm điều thiện, tránh điều ác” (Yếu tri Tam Giáo, Tâm nguyên hiệp). (Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng, Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, tái bản lần thứ nhứt tại Hoa Kỳ, năm 2001, trang 41). (1)

Bài viết nầy trình bày “làm phải, làm lành” trong tinh thần Tam Giáo của Đạo Cao Đài, đặc biệt được qui định  trong các bộ luật như Tân Luật, đạo luật năm Mậu Dần 1938 của Đạo Cao Đài, và việc thể hiện “làm phải, làm lành” qua Tổ Chức Chánh Trị của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh (trước 1975) và Hội Thánh Phước Thiện trong mục đích “ban vui, cứu khổ”, làm ra thiệt tướng việc “làm phải, làm lành” trong đời sống thường nhựt của người tín đồ Đạo Cao Đài.

Làm phải, tức làm việc không phạm luật pháp, mà nằm trong khuôn khổ luật pháp qui định và cho phép. Một tập thể có nhiều thành viên, như tập thể quân đội, xã hội, tôn giáo...  đều có nội qui để qui định các hoạt động của hội viên, giữ gìn trật tự và sự ổn định. Rộng lớn hơn, luật pháp của quốc gia qui định những nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của công dân trong tinh thần “thượng tôn luật pháp”. Vậy, trong xã hội, làm phải, là làm những việc nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc gia cho phép. Về phần đạo, làm phải là tuân theo giới, luật của đạo, để trở thành một tín đồ ngoan đạo, giúp cho việc tu học của mình ngày một tinh tấn.

Làm lành, là làm việc thiện, tránh điều ác, tránh tạo ra ác nghiệp. Thực tế, việc thiện và ác không phải lúc nào cũng đơn giản, dễ phân biệt và nhận ra ngay buổi đầu. Từ xưa, quan niệm thiện, ác rất quan trọng trong Phật Giáo. Đức Phật có bài kệ như sau:

“Các điều ác quyết định không làm,

Các điều thiện kính cẩn cố làm.

Tự làm cho ý niệm trong sạch,

Đó là lời dạy của Phật.”

Bài kệ ấy tóm tắt đường lối tu hành của đạo Phật. Trong đường lối ấy, bỏ ác, làm thiện là bộ phận quan trọng. Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy:

“Mọi hành động đều do tâm hướng dẫn, do tâm làm chủ và do tâm tạo nên. Nếu ta nói hay hành động với ý xấu, hoặc với ác tâm thì khổ nảo và bất hạnh sẽ theo ta, như bánh xe lăn theo bước chân của con vật kéo xe. Nếu ta nói hay hành động với ý tốt, với thiện tâm, thì hạnh phúc và an lạc sẽ theo ta như bóng theo hình.” (Đinh Sĩ Trang, Lời Phật dạy (kinh pháp cú), dịch giả xuất bản tại tiểu bang Queenslan, Úc Châu, 1998, trang 16). (2)

Vậy thế nào là thiện, là ác?

Thiện là những điều có lợi cho người, hay đa số người. Ác là những điều hại cho người, hay đa số người. Các điều ác có thể tóm thành mười điều (thập ác);

1.      Sát hại: Giết chết, đánh đập, hành hạ người.

2.      Thâu đạo: Trộm cắp, hoặc lấy trộm của người bằng những thủ đoạn không chánh đáng.

3.      Dâm dục: Tà dâm, những dâm dục quá độ, say đắm ngũ dục cũng là điều ác.

4.      Vọng ngôn: Nói dối, không nói ra có, có nói ra không.

5.      Ỷ ngữ: Nói quanh co, dua nịnh, khiêu dâm, ngụy biện, trạng thái sức phi, lời nói không đứng đắn.

6.      Ác khẩu: nói lời hung dữ, như chưởi mắng, nguyền rủa, dọa nạt.

7.      Lưỡng thiệt: Nói hai lưỡi, gây sự bất hòa giữa ngưòi nầy với người khác.

8.      Tham: Ham muốn những điều mình ưa thích, hoặc những cái gì làm cho có những điều mình ưa thích, nó làm cho tâm luôn bị ràng buộc với cảnh, đặc biệt là cảnh ngũ dục.

9.      Sân: Giận, ghét, giận dữ trước những điều trái ý, ghét bỏ những điều làm cho mình khó chịu.

10.  Si: Si mê, không biết nhân quả, si mê không tin chánh pháp.

Trái với điều ác là thiện, không làm điều ác đã là thiện rồi. Nếu lại làm thêm những điều có lợi, thì lại càng thiện hơn nữa. Trái với mười điều ác, là mười điều thiện (thập thiện), như sau:

1.      Không sát hại, mà cứu mạng, giúp đở, săn sóc trong lúc hoạn nạn.

2.      Không thâu đạo, mà bố thí. (tài thí, pháp thí và vô úy thí)

3.      Không tà dâm, mà tiết dục, nghĩa là tiết giảm bớt những sự dâm dục.

4.      Không vọng ngôn, mà nói lời thành thực.

5.      Không ỷ ngữ, mà nói lời đúng đắn, thẳng thắn.

6.      Không ác khẩu, mà nói lời yêu mến, dịu ngọt, nhả nhặn. (ái ngữ)

7.      Không lưỡng thiệt, mà nói lời hòa giải.

8.      Không tham, mà phóng xả, nghĩa là đối với cảnh, thường bỏ qua, không để ý, đắm trước.

9.      Không sân, mà từ bi, biết thương xót người và các loài hữu tình.

10.  Không si, mà trí tuệ, phân biệt lành dữ, chánh tà. (Bác sĩ Minh Tâm Lê Đình Thám, Phật Học thường thức, Học Viện Phật Giáo Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam, 1963, trang 26) (3)

Hoa Nghiêm Kinh Sứ nói: “Ngăn ngừa những điều sai quấy, chấm dứt những việc xấu ác, gọi là giới. Vì vậy, đức Phật vì hạnh phúc của chúng sanh mà chế ra năm giới cấm cho hàng cư sĩ. Đây chính là năm nguyên tắc sống của người Phật tử tại gia, cũng là yếu tố đem lại hạnh phúc cho cá nhơn, gia đình và xã hội”.

Năm giới gồm:

1.      Không sát sanh,

2.      Không trộm cắp,

3.      Không tà dâm,

4.      Không nói vọng,

5.      Không uống rượu. (Bao gồm những chất gây nghiện, làm mất lý trí, ý chí)

Vậy thế nào là giới? “Giới, tiếng Phạn là Sila, tiếng Hoa dịch là thi la”. Sách Đại Thừa Nghĩa Chương, quyển 1, nói: “Thi la, tiếng Hoa, nghĩa là tươi mát (thanh lương), cũng gọi là giới. Ba nghiệp: Thân, Khẩu, Ý gây nghiệp phiền não, nóng bức như lửa, thiêu đốt chúng sanh. Giới có thể ngăn ngừa, dập tắt, nên gọi là tươi mát. Tươi mát là phiên dịch đúng theo nghĩa từ “Sila”, còn “Sila” có thể ngăn ngừa, chấm dứt những điều ác của ba nghiệp, nên gọi là giới.” (Thích Quang Minh, Chân dung người Phật tử, nhà xuất bản Tôn Giáo, 2001, trang 88). (4)

Ngũ giới chỉ áp dụng cho hàng cư sĩ tại gia, còn hàng xuất gia, tỳ kheo phải thọ 250 giới, sa di 10 giới, còn tỳ kheo ni phải thọ 350 giới, sa di ni cũng thọ 10 giới. (Thích Thiện Siêu, Cương Yếu giới luật, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, 1997, Hoa Kỳ, trang 37). (5) “Thường thường, ta hiểu giới là luật, luật là giới. Thực ra, giới là điều răn, luật là qui luật thi hành giới. Không có luật, thì giới không có cách thi hành.

 Luật, tiếng Phạn là  Upalaksa” (Thích Thiện Siêu, sách đã dẫn, trang 31, 32). (5)

Đức Phật Thích Ca thành đạo, mười hai năm đầu các hàng đệ tử Phật chỉ theo pháp mà tu hành, trong đó, tu thiền là chánh, tu trí tuệ là thứ. Mười hai năm đầu, Đức Phật chưa chế giới. Đến năm thứ mười ba Đức Phật mới chế giới, nhân xảy ra chuyện Na Đề Tử ân ái với người vợ cũ, nên Đức Phật mới chế ra giới thứ nhứt, là bất dâm. Tiếp theo, Đức Phật chế giới thứ hai, bất đạo, nhân tỳ kheo Đàn Ni Ca đốn cây của vua để làm cốc, mà không có phép. “Bất dữ nhi thủ” (người ta không cho thì không lấy). Đức Phật chế giới thứ ba, bất sát, nhân tỳ kheo Vật Lực Già Nan Đề, theo yêu cầu của các tỳ kheo tu phép quán bất tịnh, muốn hủy diệt thân, vì thấy thân của mình hôi hám, nên liền cầm dao sát giúp. Đức Phật chế giới thứ tư, bất vọng ngữ, nhân một nhóm tỳ kheo đánh lừa tín chủ bằng cách nói mình đã chứng A La Hán để được cúng dường. (Thích Thiện Siêu, sách đã dẫn, trang 19-30). (5)

“Ba môn vô lậu học Giới, Định, Tuệ là con đường duy nhất đưa đến Niết Bàn, an lạc. Muốn đến Niết Bàn, an lạc mà không theo con đường nầy, thì chỉ loanh quanh trong vòng luân hồi ba cõi” (Thích Thiện Siêu, sách đã dẩn, trang 6). (5)

Hiền tài Lê Văn Thêm, trong lời tựa quyển sách “Giới, đường tới thiên đàng” giải thích: “Ngưòi tu đã hành trì thập thiện, mà thực hành được thập thiện thì thiên đàng liền đến, tức sau khi từ giả cõi đời, người tu sẽ được thăng thiên, nghĩa là lên được cõi trời, thay vì tái kiếp trở lại thế gian” (Hiền Tài Lê Văn Thêm, Giới, đường tới thiên đàng, Ban Thế Đạo Hải Ngoại, Hoa Kỳ, xuất bản 2009, trang 7). (6)

Đạo Cao Đài tiếp thu và tuân thủ cựu luật về giới luật của Phật Giáo. Đạo Cao Đài, tức Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh, được khai mở vào ngày rằm tháng 10 năm Bính Dần, 1926, tại chùa Gò kén, làng Long Thành, quận Châu Thành (sau đổi thành quận Phú Khương, hiện nay là huyện Hòa Thành), tỉnh Tây Ninh, Việt Nam, mà giáo lý căn bản là tinh thần Tam Giáo: Phật, Lão, Khổng. Đạo Cao Đài canh cải luật lệ qui định về đạo pháp, thế luật và tịnh thất, gọi là Tân Luật, ban hành năm 1927, (Tân Luật & Pháp Chánh Truyền, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh, năm 1972, trang 243-253) (7), kỳ dư phải theo luật lệ cũ, gọi là cựu luật. Một số điều khoản mới trong bộ Tân Luật được ghi nhận như sau:

Đạo pháp:

Điều 21: Về ngũ giới cấm. Hễ nhập môn rồi phải trau giồi, giữ tánh hạnh, cần giữ Ngũ Giới Cấm là:

1.      Nhứt Bất Sát Sanh, là chẳng nên sát hại sanh vật.

2.      Nhì Bất Du Đạo, là cấm trộm cướp; lấy ngang, lường gạt của người, hoặc mượn vay không trả, hoặc chứa đồ gian, hoặc lượm lấy của rơi, hoặc sanh lòng tham của quấy để ý hại cho người, mà lợi cho mình, cờ bạc gian lận.

3.      Tam Bất Tà Dâm, là cấm lấy vợ người, thả theo đàn điếm, xúi giục người làm loạn luân thường, hoặc thấy sắc dậy lòng tà, hoặc lấy lời gieo tình huê nguyệt (vợ chồng không gọi tà dâm).

4.      Tứ Bất Tửu Nhục, là cấm say mê rượu thịt, ăn uống quá độ, rối loạn tâm thần, làm cho náo động xóm làng, hoặc miệng ước rượu ngon, bụng mơ đồ mỹ vị.

5.      Ngũ Bất Vọng Ngữ, là cấm xảo trá láo xược, gạt gẫm người, khoe mình, bày lỗi người, chuyện quấy nói phải, chuyện phải thêu dệt ra quấy, nhạo báng, chê bai, nói hành kẻ khác, xúi giục người hờn giận, kiện thưa xa cách, ăn nói lỗ mãng, thô tục, chưởi rủa người, hủy báng Tôn Giáo, nói ra không giữ lời hứa.

Điều 22: Về tứ đại điều qui. Buộc phải trau giồi đức hạnh giữ theo tứ đại điều qui là:

1.      Phải tuân lời dạy của bề trên, chẳng hổ chịu cho bực thấp hơn điều độ. Lấy lễ hòa người. Lỡ làm lỗi, phải ăn năn chịu thiệt.

2.      Chớ khoe tài, đừng cao ngạo, quên mình mà làm nên cho người. Giúp người nên Đạo. Đừng nhớ cừu riêng, chớ che lấp người hiền.

3.      Bạc tiền xuất nhập phân minh, đừng mượn vay không trả. Đối với trên, dưới đừng lờn dễ, trên dạy dưới lấy lễ, dưới gián trên đừng thất khiêm cung.

4.      Trước mặt sau lưng, cũng đồng một bực, đừng kỉnh trước rồi khi sau. Đừng thấy đồng đạo tranh đua ngồi mà xem không để lời hòa giải, đừng lấy chung làm riêng, đừng vụ riêng mà bỏ việc chung. Pháp luật phải tuân, đừng lấy ý riêng mà trái trên, dễ dưới. Đừng cậy quyền mà yểm tài người.

Thế luật:

Điều1:  Hễ thọ giáo với một Thầy thì tỉ như con một cha, phải thương yêu nhau, liên lạc nhau, giúp đỡ nhau, lấy lòng thành thật mà đối đãi nhau, dìu dắt nhau trong đường Đạo và đường Đời.

Điều 5: Đối với hàng đạo hữu phải nuôi nấng cái tình thù tạc với nhau, cho khắn khít cái dây liên lạc. Trong hàng tín đồ còn ở thế phải nhớ 2 dịp là tang và hôn.

Điều 6: Việc hôn là việc rất trọng đời người. Phải chọn hôn trong người đồng đạo, trừ ra khi nào người ngoài ưng thuận nhập môn thì mới được kết làm giai ngẫu.

Điều 14: Trong bổn đạo xảy có người mãn phần qui vị thì chư tín đồ trong họ phải chung cùng đến giúp và chia buồn với tang chủ. Mỗi Họ cũng nên lập một Nghĩa Địa riêng.

Điều 15: Người làm đầu trong Họ, khi tang chủ mời, phải đến hiệp với chư tín đồ trong Họ, làm lễ Cầu Siêu cho vong linh theo Tân Luật và đưa xác đến mộ phần.

Điều 20: Kễ từ ngày ban hành luật này, người bổn đạo chẳng nên chuyên nghề gì làm cho sát sanh, hại vật; chẳng được làm nghề gì mà tồi phong bại tục, chẳng được soạn hay là ấn hành những truyện phong tình, huê nguyệt, không đặng buôn bán các thứ rượu mạnh và á phiện là vật độc làm cho giảm chất con người.

Người nào đã lầm lỡ rồi, hãy kiếm thế mà giải nghệ.

Đạo luật năm Mậu Dần được ban hành năm 1938 qui định tổ chức chánh trị của Đạo Cao Đài, gồm có ba Đài, là Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài và Bát Quái Đài.

Cửu Trùng Đài có 2 cơ quan: Hành Chánh và Phổ Tế.

Hiệp Thiên Đài là cơ quan bán hữu hình, vì nó thuộc về Pháp Giới. Hiện tướng của Hiệp Thiên Đài là Pháp Chánh và Phước Thiện.

·         Pháp Chánh là cơ quan bảo thủ chơn truyền, giữ gìn luật pháp, dìu dẫn và lập vị cho con cái Đức Chí Tôn, trong khuôn viên luật pháp của Đạo đã thành lập.

·         Phước Thiện là cơ quan tận độ, cốt để mở đường Thánh Đức cho toàn sanh chúng có đủ phương thế nhập vào Thánh Thể. Phước Thiện là phương bảo tồn sanh chúng, tế khổn, phò nguy, vì trong đời người không có sự khổ não nào bằng sanh, lão, bệnh, tử... Muốn thật hành chánh nghĩa Phước Thiện, con cái Chí Tôn đói phải nuôi, rách cho mặc, tật nguyền phải bão dưỡng, cô thế phải chở che, châu cấp người già cả, săn sóc kẻ bệnh hoạn... Nói tóm tắt, là phải gánh mọi sự khổ trên đời nầy. Chơn truyền của Phước Thiện lại còn phải thay thế cho Chí Tôn và Phật Mẫu, thật hành cơ cứu khổ bằng phưong pháp là: Làm cha những kẻ không cha, làm mẹ những kẻ không mẹ, làm anh những kẻ không anh, làm bạn những kẻ thiếu bạn, làm chồng làm vợ những kẻ không chồng, không vợ, trong sự thương yêu cao quí và trong sự giúp đở chơn thành. Như thế, mới có thể thực hành cơ quan cứu khổ để nơi mặt thế...

Bát Quái Đài: Phần vô  hình thuộc về quyền Thiêng Liêng của Bát Quái Đài. (Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, Chánh Trị Đạo, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh, Ban Thế Đạo Hải Ngoại tái bản lần thứ nhứt, Hoa Kỳ, 2003, trang 9-10). (8)

Đạo Luật năm Mậu Dần 1938, Điều 24:  Mỗi Quận Đạo phải lập ra một nhà sở Phước Thiện chánh thức, nơi nhà sở ấy mới đặng phép hội hiệp lo thương lượng làm ăn thuộc về Phước Thiện.

Điều 25: Mỗi Làng Đạo phải khai mở nhiều sở lương điền, công nghệ, thương mãi. Các sở Lương điền, Công nghệ, Thương mãi ấy phải chịu dưới quyền của sở Phước Thiện chánh.

Điều 26: Nơi mỗi nhà sở Phước Thiện chánh phải lập một cơ quan thiết dụng như là:


·         Bảo Sanh Viện

·         Y Viện

·         Ấu Trỉ Viện

·         Dưỡng Lão Đường

·         Học Viện

Tóm lại, việc “làm phải, làm lành” không những được minh thị qui định trong các văn bản luật của Đạo Cao Đài, mà thể hiện cụ thể trong sanh hoạt thường nhựt của người tín đồ Cao Đài, như điều 1 của Tân Luật qui định: “Hễ thọ giáo với một Thầy thì tỉ như con một cha, phải thương yêu nhau, liên lạc nhau, giúp đỡ nhau, lấy lòng thành thật mà đối đãi nhau, dìu dắt nhau trong đường Đạo và đường Đời”. Thật vậy, sự tương trợ, giúp đở nhau trong cơn hoạn nạn, thương yêu nhau như con một cha của người tín đồ Cao Đài thể hiện chân tình, thân thiết qua tang lễ.

Điều 14 Tân Luật (Thế Luật) qui định: “Trong bổn đạo xảy có người mãn phần qui vị thì chư tín đồ trong họ phải chung cùng đến giúp và chia buồn với tang chủ”.

Một tín đồ trong hương đạo, sau thời gian dài đau yếu, chửa trị tốn kém, gia đình đã cạn kiệt tiền bạc. Lúc người thân tạ thế, việc tổ chức tang lễ thật là một gánh nặng. Chứng kiến cảnh tương trợ, đùm bọc nhau của người tín đồ Cao Đài trong hoàn cảnh như vậy, mới cảm thông được ý nghĩa thâm thúy của câu kinh: “Gốc bởi lòng làm phải, làm lành”. Tín đồ trong hương đạo, tuy không phải giàu có, dư giả gì, nhưng kẻ giúp công, người giúp của, gạo, tiền chung đậu lại, xúm nhau quây quần dựng rạp, che mái làm nơi hành lễ và để quan tài, ban trị sự hương đạo đứng ra chủ lễ, với sự chung lòng cầu nguyện cho hương linh người quá cố được lên cõi “Thiêng Liêng Hằng Sống”. Ban đồng nhi đọc kinh, với sự phụ trợ của ban lễ nhạc, tụng bài:

 Kinh khi đã chết (trích đoạn):

            Ba mươi sáu cõi Thiên Tào,

            Nhập trong Bát Quái mới vào Ngọc Hư,

Quê xưa trở, cõi đọa từ,



Đoạt cơ thoát tục bấy chừ tuyệt luân...

(Kinh Thiên Đạo và Thế  Đạo, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh, 1992) (9)

Kinh cầu siêu (đầy đủ):

(Giọng Nam-Ai)



Đầu vọng bái Tây Phương Phật-Tổ,
A-Di-Đà Phật độ chúng dân.
Quan-Thế-Âm lân-mẫn ân-cần,
Vớt lê-thứ khổ trần đọa lạc.
Đại-Thánh Địa-Tạng-Vương Bồ-Tát,
Bố Từ-Bi tế-bạt vong hồn.
Cứu khổ nàn Thái-Ất Thiên-Tôn,
Miền âm-cảnh ngục-môn khai-giải.
Ơn Đông-Nhạc Đế-Quân quảng-đại,
Độ kẻ lành chế cải tai ương.
Chốn Dạ-đài Thập-Điện Từ-Vương,
Thấy hình khổ lòng thương thảm-thiết.
Giảm hình phạt bớt đường ly-tiết,
Xá linh-quang tiêu-diệt tiền-khiên,
Đặng nhẹ-nhàng thẳng đến cung Tiên,
Nơi Phước-địa ở yên tu-luyện.
Xin Trời Phật chứng lòng sở-nguyện,
Hộ thương-sanh u hiển khương-ninh.
(9)


Rồi đến hôm di quan, đội thuyền bát nhã với đoàn đạo tỳ mặc đồng phục đen, đưa linh cữu ra nghĩa trang. Đồng nhi tụng bài:

Kinh đưa linh cữu (trích đoạn):

 (Giọng Nam-Ai)



Cầu các Trấn Thần linh trợ lịnh,
Giữ chơn-hồn xa lánh xác trần.



Nam-Mô Địa-Tạng thi ân,

Đưa đường Thiên-cảnh, lánh gần Phong-Đô.



Nam-Mô Tam-Trấn hư-vô,

Oai-nghiêm độ rỗi Cao-Đồ qui-nguyên.



Nam-Mô Tam-Giáo diệu-huyền,

Tuyệt luân Bát-Nhã đưa thuyền độ vong... (9)


Kinh hạ huyệt (trích đoạn):

 (Giọng Nam-Ai)



Thức giấc mộng huỳnh-lương vừa mãn,
Tiếng phồn-ba hết thoáng bên tai.



Giải thi lánh chốn đọa-đày,

Chơn linh trong sạch ra ngoài Càn-Khôn.


Phép giải-oan độ hồn khỏi tội,
Phướn tiêu-diêu nắm mối trường-sanh.



Ơn nhờ hồng-phước Chí-Linh,

Lôi-Âm tự-toại, Bồng-Dinh hưởng nhàn... (9)


Nắm đất cuối cùng của đoàn người tín đồ Cao Đài vừa phủ lên ngôi mộ mới, thuyền bát nhã quay về Thánh Thất, tang gia mặt ràn rụa nước mắt trong cảm xúc, nức nở ngỏ lời tri ân đồng đạo đã tận tình giúp đở để tang lể được chu đáo trong “tình đời, nghĩa đạo”.

Giáo lý Đạo Cao Đài “Gốc bởi lòng làm phải, làm lành” cũng như giới luật nghiêm minh của ngũ giới cấm, tứ đại điều qui, khuyên người tín đồ Cao Đài “làm lành, lánh dữ”, nhưng,
“Người ở thế, mấy ai khỏi lỗi,
Biết lạc lầm sám hối tội căn,
Tu tâm, sửa tánh ăn năn,
Ba giềng nắm chặt, năm hằng chớ lơi” (9)
 
Ngoài ra, để giữ cho tâm trong sạch, an lạc, người tín đồ Cao Đài phải luôn giữ cho tâm mình thanh tịnh, phải tu tâm.

Giới Tâm Kinh (trích đoạn):

(Giọng Nam-Xuân)


Dễ gì lộn kiếp đặng làm người,
May đặng làm người chớ dể-duôi.
Lành dữ hai đường vừa ý chọn,
Lành như tòng, dữ tợ hoa tươi.
Hoa tươi, tòng bá, khác nhau xa,
Tòng bá xơ rơ kém sắc hoa.
Gặp tiết đông-thiên sương tuyết bủa,
Chỉ còn tòng bá, chẳng còn hoa...
(9)









Tóm lại, “làm phải, làm lành” trong Đạo Cao Đài, không những được minh thị trong luật, mà còn thể hiện cụ thể qua sanh hoạt thường nhựt của Hội Thánh Đạo Cao Đài và người tín đồ, làm gương cho mặt thế.

Trong cuộc can qua tại Nam Kỳ Lục Tỉnh trong thập niên 1950, có rất nhiều trẻ mồ côi, vì gia đình ly tán trong chiến tranh. Hội Thánh  đã quy tụ các em lại, thành lập “Thiếu Nhi Quân”, trụ sở gần Ngả Tư Ao Hồ, vùng Thánh Địa, Tòa Thánh Tây Ninh. “Năm 1951, Thiếu Nhi Quân có 7 trung đội, do thiếu tá Nguyễn Văn Ngọ làm chỉ huy trưởng và đại úy Võ Văn Nhơn là chỉ huy phó. (Hải Liên, Đạo Đức Học Đường & Lê Văn Trung, đặc san Đạo Đức Học Đường và Lê Văn Trung, số 1, tháng 12 năm 1998, Hoa Kỳ, trang 31). (10) Thiếu Nhi Quân do Hội Thánh thành lập và nuôi dưỡng cho ăn học. Tuy cơm nước đạm bạc, bửa ăn chỉ có rau luộc chấm nước muối, nhưng tinh thần hiếu học của Thiếu Nhi Quân rất cao. Sau nầy, nhiều cựu Thiếu Nhi Quân đã đạt địa vị cao trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa và chánh quyền.

Về giáo dục: Hội Thánh thành lập Đạo Đức Học Đường, trường Lê Văn Trung và Viện Đại Học Cao Đài. Ba cơ sở giáo dục của Đạo Cao Đài đã đào tạo rất nhiều nhơn tài cho đất nước.

Về việc tương trợ đồng bào ở trong vùng chiến tranh, chạy về tỵ nạn trong vùng Thánh Địa. Đại đa số tín đồ cư ngụ trong vùng Thánh Địa có nguồn gốc từ miền Nam Kỳ Lục Tỉnh và miền Trung. Cụ thể là số tín đồ cư ngụ từ Ngả Tư Ao Hồ, chạy dài qua cửa số 7, cửa số 4. Những gia đình cư ngụ nơi đây làm nghề mộc, đóng bàn ghế, giường, tủ,  đều là người Nam Kỳ Lục Tỉnh (miền Tây), như các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Châu Đốc, Bến Tre...  Sau một thời gian ổn định cuộc sống, đa số đã trở thành khá giả, “an cư, lạc nghiệp” nơi vùng Thánh Địa. Có một ấp điển hình cho cuộc sống của đồng bào vùng Quãng Nam, Quãng Ngãi tái định cư trong vùng Thánh Địa Tây Ninh: “Ấp Ninh Hòa, phía bắc Ninh Thạnh, nơi có một “đàn chim” ở xa mới đến, tìm đất lành mà đậu. Mời bạn dùng một tô mì Quãng, hoặc một dĩa bánh khoái, để nghe giọng Quãng Nam tan loãng dần, để biến thành giọng Tây Ninh rặt. Bộ bạn quên rằng đất Long Hoa dung hợp dân tứ xứ sao?Vậy mà họ coi nhau như bà con thân thích từ đời nào vậy.”  (Lâm Thanh, tạp ghi Trên Đỉnh Long Hoa, đặc san Tây Ninh Mến Yêu, 1999, trang 37). (11)

“Làm phải, làm lành” vẫn là châm ngôn cao quí, lời khuyên chơn tình mà đầy đặn tình người, dù Tây Ninh là một tỉnh “nghèo tiền, nghèo bạc”, nhưng lòng yêu thương không thiếu, quí trọng đạo đức, và giữ vửng lòng “Tôn Sư, Trọng Đạo” như phát biểu của ông tỉnh trưởng tỉnh Tây Ninh năm 1953 trong buổi lễ gắn Huân Chương Đệ Tứ Đẳng của Đức Quốc Trưởng Bảo Đại ân ban để vinh danh nhà giáo khả kính, cụ đốc Trần Văn Giảng:

“Thưa Ngài Thủ tướng,

Từ ngày có tin Ngài về viếng tỉnh nhà để gắn Bảo Quốc Huân Chương cho ông Thầy cũ, thì cả Tây Ninh ai ai cũng hân hoan nô nức sửa soạn đón tiếp đứa con cưng của tỉnh nhà, vị anh hùng của dân tộc…

Trọn nghĩa với Thầy, trọn đạo với nước, một dân tộc như thế không thể suy vong.

Hôm vừa đáo nhậm tỉnh Tây Ninh, tôi có thốt rằng tôi rất hân hoan mà được phụng sự đồng bào một tỉnh tuy nghèo tiền mà rất giàu tinh thần và đạo đức. Thật quả không sai...”

Cụ Đốc Trần Văn Giảng là thầy dạy của Thủ Tướng Chánh Phủ Nguyễn Văn Tâm, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc của Đạo Cao Đài, giáo sư Võ Thành Cứ và nhiều bác sĩ, kỹ sư, công thương kỹ nghệ gia... (Lê Tấn Tài, Nhân Vật Miền Nam: Nhà giáo khả kính, cụ Đốc Trần Văn Giảng, tập san Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long, Úc Châu, số 3, năm 2009, trang 43-55). (12)

Từ sau 1975, đạo đức suy đồi, tình ngưòi lạnh nhạt. Con người đối xử với nhau rất “vô cảm”, chỉ biết cạnh tranh sanh tồn theo kiểu “mạnh được, yếu thua”. Nhà cầm quyền có thế, có quyền, ban hành nhiều bộ luật “thất nhơn tâm”, hà hiếp người cô thế. Tiếng súng “hoa cải” của gia đình Đoàn Văn Vươn trong vụ cưỡng chế thu hồi đất tại huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng, chưa đủ lớn để cảnh tỉnh “cường hào ác bá” thời nay, cũng như các vụ cưỡng chế để thu hồi đất tại Văn Giang và huyện Cái Răng, tỉnh Cần Thơ đã gây bao nhiêu căm phẩn cho nông dân thấp cổ, bé miệng, bị mất trắng ruộng đất mà không biết kêu nài “công đạo” ở cửa quan nào, nên hai mẹ con cô gái ở huyện Cái Răng đành phải “trần truồng như nhộng” để phản đối bạo quyền.

Nền văn hóa tôn trọng đạo đức cổ truyền, nhơn phẩm con người: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, nền văn hóa với tinh thần Tam Giáo, Phật, Lão, Khổng của Đạo Cao Đài, nêu cao truyền thống cao đẹp của tổ tiên, của vùng đất Nam Kỳ Lục Tỉnh mà hai dòng sông Đồng Nai và Cửu Long đã tưới mát tình tự dân tộc, mong được lưu truyền và phát huy, để giữ vững phẩm chất cao quí của người Việt Nam chơn chánh. Đây là chủ trương, là mong ước của nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long, Úc Châu, cũng là niềm mong ước của  Cộng Động Người Việt Tự Do tại Hải Ngoại.

Viết tại thành phố Sydney, Úc Châu, chúa nhựt ngày 01 tháng 07 năm 2012
 
Tài Liệu Tham Khảo:

1.      Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng, Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, tái bản lần thứ nhứt tại Hoa Kỳ năm 2001.

2.      Đinh Sĩ Trang, Lời Phật dạy (kinh pháp cú), dịch giả xuất bản tại tiểu bang Queenslan, Úc Châu, 1998.

3.      Bác sĩ Minh Tâm Lê Đình Thám, Phật Học thường thức, Học Viện Phật Giáo Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam, 1963.

4.      Thích Quang Minh, Chân dung người Phật tử, nhà xuất bản Tôn Giáo, 2001.

5.      Thích Thiện Siêu, Cương Yếu giới luật, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, 1997, Hoa Kỳ.

6.      Hiền Tài Lê Văn Thêm, Giới, đường tới thiên đàng, Ban Thế Đạo Hải Ngoại, Hoa Kỳ, xuất bản 2009.

7.      Tân Luật & Pháp Chánh Truyền, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh, năm 1972.

8.      Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, Chánh Trị Đạo, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh, Ban Thế Đạo Hải Ngoại tái bản lần thứ nhứt, Hoa Kỳ, 2003.

9.      Kinh Thiên Đạo và Thế  Đạo, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh, 1992.

10.  Hải Liên, Đạo Đức Học Đường & Lê Văn Trung, đặc san Đạo Đức Học Đường và Lê Văn Trung, số 1, tháng 12 năm 1998, Hoa Kỳ.

11.  Lâm Thanh, tạp ghi Trên Đỉnh Long Hoa, đặc san Tây Ninh Mến Yêu, 1999.

12.  Lê Tấn Tài, Nhân Vật Miền Nam: Nhà giáo khả kính, cụ Đốc Trần Văn Giảng, tập san Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long, Úc Châu, số 3, năm 2009.

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...