Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

VỀ BÀI"VĂN QUYÊN CẢM TÁC' Của Phùng Hiếu Nhụ (PKT và Đỗ Chiêu Đức,Mai Xuân Thanh)

Nhàn lão , một bài thơ xưa ,với vài cảm xúc ghi vội  ̣ Có là giây phút hạnh phúc an ủi chăng , cho người nửa đời biệt xứ , khi tưởng nghe được tiếng quyên kêu buồn , đã nghĩ là mình vẫn còn có một nơi chốn để nhớ , để về  ? PKT 11/29/2017 ̣ 
   
VĂN QUYÊN CẢM TÁC
Phùng Hiếu Nhụ  (đời nhà Minh)

"Bất như quy khứ  / Bất như quy khứ"

Nhất thanh động ngã sầu 
Nhị thanh thương ngã lự
Tam thanh tư trục bạch vân phi
Tứ thanh mộng nhiễu kinh hoa thụ
Ngũ thanh lạc nguyệt chiếu sơ linh
Tưởng kiến đương niên lộng cơ trữ
Lục thanh khấp huyết tiễn hoa chí 
Khủng ô giai tiền lan truất tử
Thất bát cửu thanh bất nhẫn văn
Khởi tọa vô ngôn lệ như vũ 
Ức tích tại gia vị viễn du
Mỗi thính quyên thanh vô điểm sầu
Kim nhật thân tại Kim Lăng Thượng
Thủy tín quyên thanh năng bạch đầu

CẢM XÚC GHI VỘI TRONG LÚC NGHE TIẾNG CUỐC KÊU
(Từ bài Văn Quyên Cảm Tác của Phùng Hiếu Nhụ - PKT 11/29/2017)

"Chốn xưa nhớ về / Chốn xưa nhớ về / Chốn xưa nhớ về  ...  "

Một tiếng , chạnh lòng lữ thứ .
Hai tiếng , xót phận ngu ngơ .
Ba tiếng , mây trắng dật dờ .
Bốn tiếng , vườn xưa còn đó .
Năm tiếng , trăng lọt song thưa ,
Bóng ai miệt mài canh cửi .
Sáu tiếng , lệ hoa huyết đổ ,
Ố hoen trổ tím lan thềm .
Bảy, tám, chín tiếng ... hết biết ,
Lặng ngồi, nước mắt bơ vơ .
Nhớ trước, hồi còn ở nhà , 
Dửng dưng chim kêu chim gọi . 
Thân nay ,đất khách ,  mới hiểu ,
Bạc đầu tiếng cuốc vu vơ !
Tri Khac Pham

Đỗ Chiêu Đức tham gia với các phần sau đây :

1. Nguyên Tác chữ Hán cổ của bài thơ :

 Inline image Inline image

      聞䳌                     VĂN QUYÊN
            明·方孝孺                       Minh : Phương Hiếu Nhụ
不如歸去,              Bất như quy khứ,
不如歸去 !               Bất như quy khứ !
一聲動我愁,           Nhất thanh động ngã sầu,
二聲傷我慮。           Nhị thanh thương ngã lự.
三聲思逐白雲飛,     Tam thanh tư trục bạch vân phi,
四聲夣繞荆花樹。     Tứ thanh mộng hiểu kinh hoa thụ.
五聲落月照踈櫺,     Ngũ thanh lạc nguyệt chiếu sơ linh,
想見當年弄機杼。     Tưởng kiến đương niên lộng cơ trữ.
六聲泣血濺花枝,     Lục thanh khấp huyết tiễn hoa chi,
恐汚堦前蘭茁紫。     Khủng ô giai tiền lan truất tử.
七八九聲不忍聞,     Thất bát cửu thanh bất nhẫn văn,
起坐無言淚如雨。     Tọa khởi vô ngôn lệ như vũ.
憶昔在家未逺遊,     Ức tích tại gia vị viễn du,
毎聽䳌聲無點愁。     Mỗi thính quyên thanh vô điểm sầu.
今日身在金陵上,     Kim nhật than tại Kim Lăng thượng,
始信䳌聲能白頭 !     Thủy tín quyên thanh năng bạch đầu !

2. CHÚ THÍCH :
   * Phương Hiếu Nhụ 方孝孺 ( 1357-1402 ), tự là Hi Trực, Hi Cổ. Người huyện Ninh Hải tỉnh Chiết Giang ( nay là TP Ninh Ba tỉnh Chiết Giang ). Ông là một nhà thơ, nhà tư tưởng, nhà văn học của đời Minh. Thục Hiến Vương Chu Xuân gọi ông là Chánh Học, nên người đời xưng ông là Chánh Học Tiên Sinh. Sau vì tham gia tổ chức Tiểu Phan, nên sau Tĩnh Nạn chi biến, không hợp tác với Minh Thành Tổ Chu Đệ, bị Đệ tru di thập tộc.

               Inline image  Inline image
             Họa ảnh và Tượng của Phương Hiếu Nhụ
   * Văn Quyên 聞䳌 : là nghe tiếng chim quyên kêu. Chim Quyên người Miền Nam gọi là Con Cuốc, miền Bắc gọi là Con Quấc.
   * Bất như 不如 : Không phải là " Không bằng ". Ở đây có nghĩa là Thôi thì ..., Thôi hãy ... 
   * Kinh Hoa Thụ 荆花樹 : Một loại cây có gai trổ hoa đẹp như Hoa Giấy của ta, thường được trồng trước sân nhà, nên tượng trưng cho Cái Nhà , cho gia đình.
   * Sơ Linh 踈櫺 : là Cái mái hiên che ngoài song cửa sổ.
   * Cơ Trữ 機杼 : là Cái Khung cưởi để dệt vải.
   * Khấp huyết tiễn hoa chi 泣血濺花枝 : Nước mắt khóc thành máu tưới lên các nhánh hoa.
   * Vô Điểm Sầu 無點愁 : là Không một chút ưu sầu nào cả.
   * Thủy tín 始信 : Mới tin rằng ...

3. NGHĨA BÀI THƠ :
                          Nghe tiếng cuốc kêu

       Về đi thôi, hãy về đi thôi ! Cuốc kêu một tiếng đã khơi động mối sầu của ta, kêu hai tiếng lại đánh động niềm ưu tư của ta, kêu ba tiếng làm cho sự nhớ thương của ta bay theo làn mây trắng, kêu bốn tiếng thì mộng hồn của ta đã vờn quanh cây Tử kinh hoa trước sân nhà rồi, kêu năm tiếng thì bóng nguyệt đã mờ ngoài song cửa sổ, nhớ đến ai năm nào còn ngồi dệt cưởi bên song. Sáu tiếng cuốc kêu thì máu đã vãi khắp các cành hoa, e rằng đã làm hoen ố đi cành phong lan tím trước thềm. Bảy tám chín tiếng tiếp theo ta đã không đành lòng nghe nữa, ngồi bật dậy không nói năng chi mà lệ nhỏ như mưa. Nhớ lại những năm xưa còn ở nhà chưa lê gót lãng du, mỗi lần nghe cuốc kêu ta không chút âu sầu nào cả. Hôm nay thì thân ta đang ở tại Kim Lăng, ta mới tin rằng tiếng cuốc kêu dễ làm cho người ta trở thành đầu bạc !

       Đọc bài thơ trên làm cho ta nhớ đến Tam Nguyên Yên Đỗ với :

               Khoắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ ... 
và ...
               Năm canh máu chảy đêm hè vắng ...
với ...
               Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ !
nên dễ ...
               Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ !

      Tiếng cuốc kêu đêm qủa rất dễ đánh động lòng người ! Chưa đi mưa chưa thấy lạnh, chưa xa nhà chưa thấy nhớ quê, như cụ Tiên Điền đã từng trãi :

               Đoạn trường ai có qua cầu mới hay !

4. DIỄN NÔM :
    Inline imageInline image

     Nghe Cuốc Kêu

Về đi thôi, hãy về đi thôi !
Một tiếng cuốc kêu đã sầu rồi,
Hai tiếng thương tâm ba tiếng nhớ,
Lòng ta đã theo với mây trời.
Bốn tiếng đến sân hoa tử kính,
Trăng tà năm tiếng trước song rơi.

Dưới hiên bóng nguyệt xế rồi,
Nhớ người năm cũ bên trời đưa thoi.
Sáu tiếng  quyên mửa máu rồi,
Hoen cành lan tím chơi vơi trước thềm.

Bảy tám rồi chín tiếng liền,
Bật ngồi rơi lệ im lìm như mưa.
Quê nhà nhớ những ngày xưa,
Nghe quyên đêm vắng lòng chưa thấy buồn.

Nay Kim Lăng vạn dặm đường,
Mới hay quyên hót sầu thương bạc đầu !

                                           Đỗ Chiêu Đức.

Mai Xuân Thanh xin góp 1 bài họa"Văn Quyên cảm tác " cùng thầy  TKP 

Tiếng Quyên Kêu

Quốc kêu một tiếng thấy khôn rầu
Vẳng tiếng thứ hai cảm động lâu
Ba tiếng thương tâm mây trắng nhớ
Thứ tư tử kính khóc cơ cầu

Thứ năm dệt cửi trăng mờ bóng
Sáu tiếng máu rơi lan tím sầu
Bảy, tám, chín nghe chi nữa... dậy
Thầm rơi giọt lệ thấm dường mưa !

Buổi xưa nhớ lại còn niên thiếu
Nghe cuốc kêu vang chẳng biết sầu
Nức nỡ Kim Lăng quyên lạc giọng
Bạc đầu thoáng chốc quốc kêu lâu

Mai Xuân Thanh



Thú uống trà "vang bóng một thời" của người Việt trong con mắt Nguyễn Tuân

Bình Luận Án - LS.Trần Hồng Phong

 - Chuyện mới đây (11/2017) một lãnh đạo cấp cao của VN khi mời lãnh đạo "hạt nhân" Trung Quốc Tập Cận Bình uống trà, nói rằng trà VN "không ngon bằng trà Trung Quốc" làm tôi bỗng nhớ đến mấy mẩu truyện ngắn trong cuốn Vang bóng một thời của nhà văn Nguyễn Tuân, đã kể lại rất tinh tế, hấp dẫn về thú uống trà thanh tao, mà không kém phần khắt khe, cầu kỳ của người Việt mình. Cụ Nguyễn Tuân hẳn phải mê uống trà lắm, nên trong số 14 chương của cuốn sách, có tới 2 chương (truyện ngắn) nói về chuyện thưởng trà. Thế mới thấy uống trà không đơn giản, không dành cho những tầm thường thực dụng. Khi đạt tới đỉnh cao nghệ thuật, thì khách uống trà ai cũng sảng khoái thanh tao, không nề hà phân biệt quan to hay gã ăn mày. Mà tuyệt đối không bao giờ nói "trà nhà tôi không ngon bằng trà nhà ông" vậy. 


2 truyện ngắn dưới đây, theo phong cách viết đặc trưng của Nguyễn Tuân, có thể hơi kén người đọc và có lẽ chỉ dành cho người lớn tuổi, thích uống trà. Thế nên để thưởng thức áng văn hay, cần chầm chậm nhâm nhi. Chao ôi, Trà ai chưa biết lần đầu uống vào vừa thấy đắng nghét, nôn nao, mà lại chẳng có gì ngon. Nhưng khi đã uống được, thì sẽ là tri kỷ, thấy thật là sướng ngon, thơm thảo sảng khoái lắm vậy. (Lưu ý là ấm trà "tầu" mà Nguyễn Tuân nhắc trong truyện không phải là trà của bọn Tàu, mà là trà Thái Nguyên VN". 


Bìa cuốn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân

......
Những chiếc ấm đất 

Bóng nắng gần tới đỉnh đầu. Sư cụ chùa Đồi Mai thủng thẳng trở về trai phòng. Nhà sư già gỡ chiếc nón tu lờ, sắp ngồi vào thụ trai thì có tiếng con trẻ gọi ở ngoài cổng chùa. Một chú tiểu lễ phép bước lên tam cấp:

- Bạch cụ, có người con trai cụ Sáu xin vào.

- Vậy chú vẫn đóng cửa chùa đó à? Chú ra mở mau không có người ta phải đứng nắng lâu. Cổng nhà chùa bao giờ cũng nên để ngỏ. Từ giờ chú nên nhớ: sáng sớm tụng kinh nhật tụng và thỉnh chuông xong là phải mở rộng cửa chùa và tối đến, lúc nào học xong kệ thì mới đóng. Kẻo nữa khách thập phương họ kêu đấy.

Tiểu ra được một lát thì một người con trai trạc mười bảy tuổi xúng xính trong chiếc áo dài thâm, chân xéo lấm, tay bưng cái khay tiến vào tăng xá, vái sư cụ:

- Bạch cụ, thầy con cho con mang xuống biếu cụ bình trà đầu xuân. Và xin phép cụ cho ra giếng chùa nhà gánh một gánh nước.

Nhà sư già đã quen với những việc biếu và xin mượn này ở dưới cụ Sáu, khẽ cất tiếng cười. Trên khuôn mặt khô xác, nụ cười không có gì là ấm áp thiết tha. Nó chỉ đủ là hiền lành thôi.

- Thế cháu đựng nước bằng cái gì?

- Dạ có người nhà quẩy nồi và gánh đi theo còn chờ ở ngoài.

- A di đà phật? Nắng này mà đi từ làng trên xuống tận đây lấy nước, cụ Sáu nhà có công quá. Cháu ngồi nghỉ chân đã. Để già bảo chú tiểu đưa tên bộc ra giếng. Cháu đi từ sớm, chắc bây giờ đã ngót dạ rồi; sẵn oản chuối vừa hạ xuống, già ép cháu thụ một ít lộc Phật.

- Bạch cụ, cháu ăn mặn ở nhà vẫn còn lửng dạ.

Sư cụ chùa Đồi Mai không nài thêm và vẫn chỉ cười rất thuần hậu.

- Cháu có biết cụ Sáu nhà đến xin nước ở chùa đây đã mấy năm nay rồi không? Gần mười năm. Uống trà tàu như thầy cháu thì cũng có một. Cứ nước giếng chùa đây mới chịu pha trà. Lắm lúc già tự hỏi về cái tiền thân của thầy cháu xem là như thế nào. Nghĩ đến cái nhân duyên của thầy cháu với nhà chùa đây, thực cũng là bền và kỳ lắm cháu ạ.

Thoáng thấy tên lão bộc đã quảy xong gánh nước đang ngơ ngác tìm mình và làm ướt cả khoảng giữa sân chùa lát toàn đá tảng xanh, người con cụ Sáu, với cái từ tốn của một thư sinh ngồi hầu chuyện bực phụ chấp đã xuất gia, liền vội vàng đứng dậy xin phép về.

- Bạch cụ, cháu vội phải về, vì ở nhà hôm nay có khách uống trà. Có lẽ thầy cháu ở nhà đang chờ nước về.

Nhà sư già cũng vội theo bọn xin nước ra tới thềm ngoài. Sư cụ rút trong tay áo vải rộng ra một chiếc quạt thước, xòe rộng hết cả nan quạt, nghiêng che đầu cho đỡ nắng và bảo chú tiểu:

- Chú chạy mau ra vườn, bẻ mấy cành lá đào.

Rồi cụ giữ con cụ Sáu lại:

- ấy, ấy, thong thả một chút. Thả mấy cành đào có lá vào nồi nước, lúc gánh đi đường xa nó đỡ sóng ra ngoài và về đến nhà, nước vẫn mát.

Bọn xin nước vái chào nhà sư. Trên con đường đất cát khô, nồi nước tròng trành theo bước chân mau của người đầy tớ già đánh rỏ xuống mặt đường những hình ngôi sao ướt và thẫm màu. Những hình sao ướt nối nhau trên một quãng đường dài ngoằn ngoèo như lối đi của loài bò sát. Ví buổi trưa hè này là một đêm bóng trăng dãi, và ví cổng chùa Đồi Mai là một cửa non đào thì những giọt sao kia có đủ cái thi vị một cuộc đánh dấu con đường về của khách tục trở lại trần.

Ánh nắng già dặn buổi trưa nung đốt mặt cánh đồng dưới chân đồi, làm rung rinh lớp không khí bốc từ mặt đất. Giống như vệt khói nhờ, nắng vờn qua những màu xanh bóng loáng của một dãy xóm làng cây cối im lìm. Đứng trong cổng chùa từ bề cao nhìn xuống cái thấp dưới chân mình, nhà sư già nheo nheo cặp mắt, nhìn cái nắng sáng lòa. Bọn người xin nước chỉ còn là mấy cái chấm đen, mỗi chuyển động lại làm tung lại phía sau mình một chùm cát bụi mờ mờ. Gió nồm thổi mạnh, nhiều cơn, đã đem cả mảnh bụi trần kia vào lọt cổng ngôi chùa cao ráo. Nhà sư nghĩ đến cụ Sáu, thở dài tỏ ý tiếc cho một kiếp chúng sinh còn vướng mãi vòng nghiệp chướng.

Cụ Sáu vốn đi lại với chùa đây kể ra đã lâu. Từ trước cái hồi nhà sư già tới trụ trì. Mấy pho tượng Phật Tam thế bằng gỗ mít đặt ở trên bệ và mấy pho Kinh in giấy đại thừa là của cụ Sáu cúng đấy. Cái chuông treo ở trên nhà phương trượng cũng là của ông cụ Sáu cúng vào hồi trùng tu lại chùa. Và mỗi lần nhà chùa lập phả khuyến thì ông cụ Sáu đứng đầu sổ. Chùa Đồi Mai ở xa làng mạc biệt lập trên một khu đồi nên cũng ít bị phiền nhiễu bởi đám tạp khách. Thỉnh thoảng trong bọn khách đến chơi, ông cụ Sáu được sư cụ biệt đãi nhất. Tháng một lần, nhà sư già lại giữ ông cụ Sáu lại ăn một bữa cơm chay và lần nào từ biệt, nhà sư cũng chân thành tặng khách một rò lan Chu Mặc. Thường thường mỗi lần gặp gỡ, thể nào hai ông già cũng kéo nhau ra cái giếng nước mà chuyện vãn rất lâu. Nhà sư ít nhời, trầm tĩnh ngắm bóng cụ Sáu trong lòng đáy giếng sâu. Cái bóng nhà sư già ít khi được đậu hình cho lâu trên phiến gương nước giếng mát lạnh: chốc chốc một vài giọt nước ngọt lại rời mạch đá tổ ong, thánh thót rớt xuống, tiếng kêu bì bõm. Ông cụ Sáu tỳ tay vào thành giếng nhờn mịn rêu xanh, chỉ ngón tay xuống lòng giếng sâu thẳm gần hai con sào mà nói: "Chùa nhà ta có cái giếng này quý lắm. Nước rất ngọt. Có lẽ tôi nghiện trà tàu vì nước giếng chùa nhà đây. Tôi sở dĩ không nghĩ đến việc đi đâu xa được, cũng là vì không đem theo được nước giếng này đi để pha trà. Bạch sư cụ, sư cụ nhớ hộ tôi câu thề này: "Là giếng chùa nhà mà cạn thì tôi sẽ lập tức cho không người nào muốn xin bộ đồ trà rất quý của tôi. Chỉ có nước giếng đây là pha trà không bao giờ lạc mất hương vị. Mà bạch cụ, chúng tôi không hiểu tại sao ngọn đồi này cao mà thủy lại tụ. Địa thế chùa này, xem ra còn dụng võ được...". Chừng như sợ cụ Sáu bàn rộng tới những chuyện không nên trao đổi với kẻ tu hành đã lánh khỏi việc của đời sống rồi, sư cụ vội nói lảng sang chuyện mấy cây mít nhà chùa năm nay sai quả lắm. Rồi kéo cụ Sáu vào trai phòng dùng một tuần nước. Theo một ước lệ rất đáng yêu đặt ra từ ngày mới làm quen với nhau, đã mươi năm nay, bao giờ uống nước trà của nhà chùa, ông cụ Sáu cũng được cái vinh dự pha trà và chuyên trà thay nhà chùa.

Dạo này, chắc ông cụ Sáu bận việc nhiều nên đã mấy tuần trăng rồi mà không thấy vãn cảnh chùa uống nước thăm hoa, để cho sư cụ cứ nhìn mấy chậu Mặc lan rò trổ hoa mà tặc lưỡi. Cùng bất đắc dĩ phải ngắt cắm vào lọ con vậy. Dạo này cụ Sáu chỉ cho người nhà xuống xin nước giếng thôi. Và trưa hôm nay lúc lặng ngắm hai thầy trò người con ông cụ Sáu đem nước ra khỏi chùa, lúc trở vào, nhà sư già thở dài cùng sư bác chờ đấy: "Ông cụ Sáu này, nếu không đam mê cái phong vị trà tàu, đam mê đến nhiều khi lầm lỗi, nếu ông ta bỏ được thì cũng thành một ông sư tại gia. Danh và lợi, ông ta không màng. Phá gần hết cơ nghiệp ông cha để lại, ông ta thực đã coi cái phú quý nhỡn tiền không bằng một ấm trà tàu. Nhưng một ngày kia, nếu không có trà tàu mà uống nữa thì cái ông cụ Sáu này sẽ còn khổ đến bực nào. Phật dạy rằng hễ muốn là khổ. Biết đâu trong bốn đại dương nước mắt chúng sinh của thế giới ba nghìn, sau đây lại chẳng có một phần to nước mắt của một ông già năng lên chùa nhà xin nước ngọt về để uống trà tàu. Mô Phật!".

Ông cụ Sáu, hôm nay lấy làm thích cái người khách lạ đó lắm. Người khách lạ vừa kể cho chủ nhân nghe một câu chuyện cổ tích. Lê trôn chén vào lợi chiếc đĩa cổ vài ba lần, người khách kể:

"Ngày xưa, có một người ăn mày cổ quái. Làm cái nghề khất cái là phải cầm bằng rằng mình không dám coi ai là thường nữa; thế mà hắn còn chọn lựa từng cửa rồi mới vào ăn xin. Hắn toàn vào xin những nhà đại gia thôi và cố làm thế nào cho giáp được mặt chủ nhân rồi có xin gì thì hắn mới xin. Có một lần hắn gõ gậy vào đến lớp giữa một nhà phú hộ kia, giữa lúc chủ nhà cùng một vài quý khách đang ngồi dùng bữa trà sớm. Mọi người thấy hắn mon men lên thềm, và ngồi thu hình ở chân cột một cách ngoan ngoãn, mọi người không nói gì cả, để xem tên ăn mày định giở trò gì. Hắn chả làm gì cả, chỉ nhìn mọi người đang khoan khoái uống trà. Hắn đánh hơi mũi, và cũng tỏ vẻ khoan khoái khi hít được nhiều hương trà nóng tản bay trong phòng. Thấy mặt mũi người ăn mày đã đứng tuổi không đến nỗi bẩn thỉu quá, chủ nhân bèn hỏi xem hắn muốn xin cơm thừa hay là canh cặn, hay là hơn nữa, hắn lại muốn đòi xôi gấc, như kiểu người trong phương ngôn. Hắn gãi tai, tiến gần lại, tủm tỉm và lễ phép xin chủ nhân cho hắn "uống trà tàu với!". Mọi người tưởng hắn dở người. Nhưng tại sao không nỡ đuổi hắn ra và còn gọi hắn lại phía bàn cho hắn nhận lấy chén trà nóng. Hắn rụt rè xin lỗi và ngỏ ý muốn được uống nguyên một ấm trà mới kia. Hắn nói xong, giở cái bị ăn mày của hắn ra, cẩn thận lấy ra một cái ấm đất độc ẩm. Thấy cũng vui vui và lạ lạ, mọi người lại đưa cho hắn mượn cả khay trà và phát than tàu cho hắn đủ quạt một ấm nước sôi, thử xem hắn định đùa định xược với bọn họ đến lúc nào mới chịu thôi. Hắn xin phép đâu đấy rồi là ngồi bắt chân chữ ngũ, tráng ấm chén, chuyên trà từ chén tống sang chén quân, trông xinh đáo để. Lúc này không ai dám bảo hắn là ăn mày, mặc dầu quần áo hắn rách như tổ đỉa. Uống một chén thứ nhất xong, uống đến chén thứ nhì, bỗng hắn nheo nheo mắt lại, chép môi đứng dậy, chắp tay vào nhau và thưa với chủ nhà: "Là thân phận một kẻ ăn mày như tôi được các ngài cao quý rủ lòng thương xuống, thực kẻ ty tiện này không có điều gì dám kêu ca lên nữa. Chỉ hiềm rằng bình trà của ngài cho nó lẫn mùi trấu ở trong. Cho nên bề dưới chưa được lấy gì làm khoái hoạt lắm". Hắn lạy tạ, tráng ấm chén, lau khay hoàn lại nhà chủ. Lau xong cái ấm độc ẩm của hắn, hắn thổi cái vòi ấm kỹ lưỡng cất vào bị, rồi xách nón, vái lạy chủ nhân và quan khách, cắp gậy tập tễnh lên đường. Mọi người cho là một thằng điên không để ý đến. Nhưng buổi chiều hôm ấy, cả nhà đều lấy làm kinh sợ người ăn mày vì, ở lọ trà đánh đổ vung vãi ở mặt bàn, chủ nhân đã lượm được ra đến mươi mảnh trấu".

Ông cụ Sáu nghe khách kể đến đấy, thích quá, vỗ đùi mình, vỗ đùi khách, kêu to lên:

- Giá cái lão ăn mày ấy sinh vào thời này, thì tôi dám mời anh ta đến ở luôn với tôi để sớm tối có nhau mà thưởng thức trà ngon. Nhà, phần nhiều lại toàn là ấm song ấm quý.

- Cổ nhân cũng bịa ra một chuyện cổ tích thế để làm vui thêm cái việc uống một tuần nước đấy thôi. Chứ cụ tính làm gì ra những thứ người lạ ấy. Ta chỉ nên cho nó là một câu giai thoại.

- Không, có thể như thế được lắm mà. Tôi chắc cái lão ăn mày này đã tiêu cả một cái sản nghiệp vào rừng trà Vũ Di Sơn nên hắn mới sành thế và mới đến nỗi cầm bị gậy. Chắc những thứ trà Bạch Mao Hầu và trà Trảm Mã hắn cũng đã uống rồi đấy ông khách ạ. Nhưng mà, ông khách này, chúng ta phải uống một ấm trà thứ hai nữa chứ. Chẳng nhẽ nghe một câu chuyện thú như thế mà chỉ uống với nhau có một ấm thôi.

Thế rồi trong khi cụ Sáu tháo bã trà vào cái bát thải rộng miệng vẽ Liễu Mã, ông khách nâng cái ấm quần ẩm lên, ngắm nghía mãi và khen:

- Cái ấm của cụ quý lắm đấy. Thực là ấm Thế Đức màu gan gà. "Thứ nhất Thế Đức gan gà; - thứ nhì Lưu Bội; - thứ ba Mạnh Thần". Cái Thế Đức của cụ, cao nhiều lắm rồi. Cái Mạnh Thần song ẩm của tôi ở nhà, mới dùng nên cũng chưa có cao mấy.

Cụ Sáu vội đổ hết nước sôi vào ấm chuyên, giơ cái ấm đồng cò bay vào sát mặt khách:

- Ông khách có trông rõ mấy cái mấu sùi sùi ở trong lòng ấm đồng không? Tàu, họ gọi là kim hỏa. Có kim hỏa thì nước mau sủi lắm. Đủ năm cái kim hỏa đấy.

- Thế cụ có phân biệt thế nào là nước sôi già và nước mới sủi không?

- Lại "ngư nhãn, giải nhãn" chứ gì. Cứ nhìn tăm nước to bằng cái mắt cua thì là sủi vừa, và khi mà tăm nước to bằng mắt cá thì là nước sôi già chứ gì nữa.

Chủ khách cả cười, uống thêm mỗi người hai chén nữa. Cụ Sáu tiễn khách ra cổng với một câu:

- Thỉnh thoảng có đi qua tệ ấp, xin mời ông khách ghé thăm tôi như một người bạn cũ. Mỗi lần gặp nhau, ta lại uống vài tuần nước. Hà, hà.

Năm ấy nước sông Nhĩ Hà lên to. Thảo nào mấy nghìn gốc nhãn trồng trên mặt đê quanh vùng, vụ đó sai quả lạ. Cái đê kiên cố đã vỡ. Nhưng vốn ở cuối dòng nước chảy xiết, nhà cửa cụ Sáu chưa đến nỗi bị cuốn phăng đi. Lúc nước rút, ở cái cổng gạch nguyên vẹn, hai mảnh giấy hồng điều đôi câu đối dán cửa vẫn còn lành lặn và nét chữ vẫn rõ ràng:

Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời, quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu

Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước trước hiên mai*.

Năm sau, quãng đê hàn khẩu, chừng hàn không kỹ, lại vỡ luôn một lần nữa. Cái cổng gạch nhà cụ Sáu vẫn trơ trơ như cũ. Nhưng lần này thì đôi câu đối giấy hồng điều, gió mưa đã làm bợt màu phẩm mực, ngấn nước phù sa đã phủ kín dòng chữ bằng những vạch bùn ngang dày dặn.

Ông khách năm nọ - cái người kể câu chuyện ăn mày sành uống trà tàu - đi làm ăn xa đã mấy năm, nhân về qua vùng đấy, nhớ nhời dặn của cụ Sáu, đã tìm tới để uống lại với ông già một ấm trà tàu nữa. Nhưng người khách hỏi nhà ông đến, người khách đã bùi ngùi thấy người ta bảo cho biết rằng nhà cụ Sáu đã bán rồi. Thấy hỏi thăm tha thiết, người vùng ấy mách thêm cho ông khách: "Có muốn tìm cố Sáu thì ông cứ xuống Chợ Huyện. Cứ đón đúng những phiên chợ xép vào ngày tám thì thế nào cũng gặp. Chúng tôi chỉ biết có thế thôi".

Phải, bây giờ ông cụ Sáu sa sút lắm rồi. Bây giờ ông cụ lo lấy bữa cơm cũng khó, chứ đừng nói đến chuyện uống trà. Thỉnh thoảng có xin được người nào quen một vài ấm, cụ lấy làm quý lắm: gói giấy giắt kỹ trong mình, đợi lúc nào vắng vẻ một mình mới đem ra pha uống. Vẫn còn quen cái thói phong lưu, nhiều khi qua chơi ao sen nhà ai, gặp mùa hoa nở, cụ lại còn cố bứt lấy ít nhị đem ướp luôn vào gói trà giắt trong mình, nếu đấy là trà mạn cũ.

Những buổi có phiên chợ, cụ Sáu ngồi ghé vào nhờ gian hàng tấm của người cùng làng, bày ra trên mặt đất có đến một chục chiếc ấm mà ngày trước, giá có giồng ngay cọc bạc nén cho trông thấy, chửa chắc cụ đã bán cho một chiếc. Có một điều mà ai cũng lấy làm lạ, là cụ bán lũ ấm đất làm hai lớp. Mấy kỳ đầu, cụ bán toàn thân ấm và bán rất rẻ. Còn nắp ấm cụ để dành lại. Có lần vui miệng, cụ ghé sát vào tai người bà con: "Có thế mới được giá. Có cái thân ấm rồi, chẳng nhẽ không mua cái nắp vừa vặn sao? Bán thân ấm rẻ, rồi đến lúc bán nắp ấm, mới là lúc nên bán giá đắt. Đó mới là cao kiến".

Cụ Sáu cười hề hề, rồi vội quay ra nói chuyện với bạn hàng đang mân mê những cái thân ấm đất đủ màu, cái thì dáng giỏ dâu, cái thì múi na, hình quả vả, quả sung, quả hồng. Cụ đang bảo một ông khách:

- Thế nào tôi cũng tìm được nắp cho ông. Cứ phiên sau lại đây thế nào cũng có nắp. Không, đúng ấm tàu đấy mà. Nếu không tin ông cứ úp ấm xuống mặt miếng gỗ kia. Cho ấm ngửa trôn lên. Cứ xem miệng vòi với quai và gờ miệng ấm đều cắn sát mặt bằng miếng gỗ thì biết. Nếu muốn thử kỹ nữa, quý khách thả nó vào chậu nước, thấy nó nổi đều, cân nhau không triềng, thế là đích ấm tàu.
....



Chén trà trong sương sớm 

Trời rét như cắt. Không kể tiểu hàn, không kể cả đến đại hàn, buổi sớm mùa đông nào, cụ Äm cũng dậy từ lúc còn tối đất. Từ trên bàn thờ đức Thánh Quan, cụ nhắc cây đèn để xuống. Ðược khêu hai tim bấc nữa, cây đèn dầu sở phô thêm màu xanh lá mạ phủ trên chất sứ Bát Tràng.

La liệt trên chiếu cói cạp điều đã sờn cạnh, cụ Ấm đã bày lên đấy khay trà, ống nhổ, ấm đồng và hỏa lò đất. Cái điếu bát vẽ Mai Hạc kêu vang lên một hồi rất dòn, rất đều. Khói thuốc lào đặc sánh lại bao chùm lấy ánh sáng yếu ớt của một ngọn đèn dầu. Rồi làn khói loãng dần biến ra màu nhờ nhờ như làn hơi nước sủi. Sau màn khói, ẩn hiện một ông già chống nạnh bên gối xếp, cặp mắt lim dim như một nhà sư nhập định. Vẻ nghiêm trang lặng thinh của ông già muốn làm ngừng cả áng khói trắnghiếu động đang trôi trong không khí gian nhà gạch. Ba gian nhà, chỉ có một người thức.

Trong cảnh trời đất lờ mờ chưa đủ phân rõ phần đêm và phần ngày, ông cụ Äm có cả phong thái một triết nhân ngồi rình bước đi của thời gian.

Ðêm đông dài không cùng. Nó mênh mông và tự hết rất chậm chạp.

Gió bấc thổi qua những kẽ cánh cửa bức bàn đã gửi vào nơi yên lăng này mươi lăm tiếng gà không nhẫn nhục được với tối tăm. Từ ngoài phía ngõ râm bụt lượn sát nhà gạch, dội vào những tiếng bước chân người nặng nề. Cuộc đời hồi tỉnh lại dần dần.

Cụ Äm phẩy phành phạch quạt mo theo một nhịp nhanh chóng trước cửa hỏa lò. Hòn than tầu lép bép nổ, nghe rất vui tai. Và làm vui cho cả mắt nữa, tàn lửa không có trật tự, không bị bó buộc kia còn vẽ lên một khoảng không gian những nét lửa ngang dọc, cong quèo ngoằng ngoèo. Những lúc có cháu nhỏ ngồi với mình, cụ Äm thường hỏi xem chúng xem pháo hoa cải như thế có thích không.

Những hòn than tầu cháy đều, màu đỏ ửng, có những tia lửa xanh lè vờn ở chung quanh. Không khí mỗi lúc giao động càng nâng cao thêm những ngọn lửa xanh nhấp nhô. Hòn lửa rất ngon lành, trở nên một khối đỏ tươi và trong suốt như thỏi vàng thổi chẩy.

Thỉnh thoảng, từ hòn than tự tiêu diệt buột ra một tiếng khô, rất khẽ và rất gọn. Thế rồi hòn than sống hết một đời khoáng chất. Bây giờ hòn than chỉ còn là một điểm lửa ấm ấp trong một cái vỏ tro tàn dầy và trắng xốp. Cụ Äm vuốt lại hai mái tóc trắng, cầm thanh đóm dài đảo lộn tàn than trong hỏa lò, thăm hỏi cái hấp hối của lũ vô tri vô giác. Cụ Äm bỏ thêm một vài hòn than hoa nữa vào hỏa lò. Than hoa không nổ lép bép như than tầu; nhưng từ ruột ấm đồng bị nung nấu đã lâu, có tiếng thở dài của khối nước sắp biến thể. Nước đã lên tiếng để nhắc người ta nghĩ đến nó.

Cụ Äm cũng thở đánh phù một cái, như khi người ta được gặp lại bạn cố nhân sau nhiều giây phút mong chờ.

Cụ khẽ nâng vuông vải tây điều phủ trên khay trà gỗ khắc có chân quỳ. Nhẹ nhành, khoan thai, cụ Äm nhắc cả đĩa dầm, chén tống, chén quân ra khỏi lòng khay. Ðến lúc dờ tới cái ấm con chuyên trà thì cụ kểnh càng hơn. Cụ ngắm nghía mãi chiếc ấm màu đỏ da chu, bóng không một chút gợn. Dáng ấm làm theo hình quả sung và khi luyện đất cho vào lò lửa, nguời thợ Tầu lấy dáng cho ấm kia đã là một người thợ có hoa tay. Cụ Äm thử mãi da lòng tay mình vào mình cái ấm độc ẩm, hình như cố tìm tòi một chút gợn trên đất nung để được sung sướng hoàn toàn sau khi nhận thấy cái ấm độc ẩm kia là nhẵn nhụi quá.

Nước sôi già lắm rồi. Nhưng thói quen vẫn bắt cụ Äm rót thử một chút nước xuống đất xem có thực là sôi không. Mở đầu cho công việc vụn vặt trong mỗi ngày tàn còn lại, ông già đã sợ nhất cái ấm trà tầu pha hỏng lúc sớm mai.

Từ trên bề cao cỗ sập, dòng nước sôi trút mạnh xuống nền đất trị, tiếng kêu lộp bộp.

Trên chiếc hỏa lò để  không, cụ đã đặt thêm một ấm đồng cò bay khác. Những người uống trà dùng cách thức như cụ Äm bao giờ cũng có ít ra là hai ấm đồng đun nước. Ấm nước sôi nhắc ra khỏi lò than là đã có chiếc ấm thứ hai đặt lên đấy rồi. Và hai ấm đồng đó cứ được mãi mãi thay phiên nhau đặt lên lò than đỏ rực, vì bữa nước trà cứ kéo dài không hết hồi. Như thế lúc nào người ta cũng có một thứ nước sôi đủ độ nóng để pha một ấm trà ngon.

Nhưng có mấy khi cụ Äm uống trà tầu một cách tàn nhẫn như vậy. Riêng về phần cụ, chỉ hai chén con là đủ rồi. Nhưng hai chén đó đã được cụ săn sóc đến nhiều quá.

Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Äm đã để vào đấy bao nhiêu công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi, nếu trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy một chút mùi thơ và một tị triết lý và tâm lý.

Cụ Äm sau mỗi lần gặp phải một ông khách tạp, uống trà rất tục, cụ thường nói với vài bạn nhà nho:

- Có lẽ tôi phải mua ít chén có đĩa ở hiệu Tây, để mỗi khi có mấy thày làm việc bên Bảo Hộ tới thì đem ra mà chế nước pha sẵn trong bình tích. Các cụ cứ suy cái lẽ một bộ đồ trà chỉ có đến bốn chén quân thì các cụ đủ biết cái thú uống trà tầu không có thể  ồn ào được. Lối giao du của cổ nhân đạm bạc chứ không huyên náo như bây giờ. Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng ngồi bên một ấm trà. Những lúc ấy, chủ nhân phải tự tay mình chế nước, nhất nhất cái gì cũng làmlấy cả, không dám nhờ đến người khác, sợ làm thế thì mất hết cả thành kính. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, còn là học trò quan Ðốc, tôi đã được cái vinh dự sớm dậy, sớm nào cũng như sớm nào, đứng hầutrà cụ Ðố, trước khi củ giảng bài và chấm cho anh em tập quyển. Nhiều người đã ghen tị với tôi và kêu ca với cụ Ðốc xin để cắt lượt học trò hầu trà, cho anh em ai nấy đều được chút vinh dự gần gũi thày và sớm chiều được gần cái đạo của thày. Quan Ðốc mỉm cười: "Thày giã ơn các anh. Thày nói thì các anh đừng giận: các anh không pha trà cho hợp ý thày được đâu. Ðể thời giờ ấy mà học. Anh Ðam - (trước kia tôi là Ðởm, sau sợ phạm húy nên cụ Ðốc mới đổi tên đi cho) - anh Ðam pha trà khéo thì thày để cho giữ việc hầu thày, chứ có phải thày yêu anh Ðam hơn hay là ghét các anh hơn đâu". Bây giờ mỗi buổi trà sớ, ngồi uống một mình, tôi cứ nhớ cái tiếng ngâm của quan Ðốc. Sớm nào dậy, cụ cũng ngâm một vài bài thơ. Giọng thật rền, thật trong. Cụ hay ngâm mấy câu này:

Bán dạ tam bôi tửu.
Bình minh sổ chản trà.
Mỗi nhật ừ... ừ... đều được... y... như thử.
Lương y bất đảo gia.

Một buổi sớm, thấy rõ lòng thày là vui vẻ, tôi đã mạn phép đọc để cụ Ðốc chữa cho bài diễn nôm:

Mai sớm một tuần trà.
Canh khuya dăm chén rượu.
Mỗi ngày mỗi được thế,
Thày thuốc xa nhà ta.

Cụ Ðốc tạm cho là được.

Sớm nay, cụ Äm cũng ngâm thơ. Cụ tin rằng ngâm thơ lúc yên lặng, lúc mới tỉnh giấc là một cách vận động thần khí kỳ diệu nhất của một người sống bằng cuộc đời tâm tưởng bên trong. Mỗi buổi sớm ngâm như thế là đủ tiết hết ra ngoài những cái nặng nề trong thân thể và để đón lấy khí lành đầu tiên của trời đất. Âu cũng là một quan niệm về vệ sinh của thời cũ. Và người xưa uống trà là để giữ mình cho lành mạnh.

Thường hay vấn mình để sửa mình vào những giờ uống trà tầu, cụ Äm thường nghĩ đến câu nghìn xưa của thày TăngTứ: "Ngô nhật tam tỉnh ngô thân".

Trong nhà cụ Äm, người ta đã ồn ào thức dậy. Cụ Äm cũng bắt đầu ho. Chừng như hồi nãy, cụ đã tự nén hơi thở không dám ho, sợ làm đục mất cái phút bình lặng huyền bí của lúc đêm và ngày giao nhau.

Người con trưởng dón dén lại thỉnh an cha già và mon men ngồi ghé vào thành chiếc sập cũ. Chàng đỡ lấy quạt, nhắc hỏa lò ra một chỗ rộng, quạt mạnh cho hết tàn than.

- Thày uống xong rồi. Con uống thì pha mà uống. Trà còn đợm hương lắm.

Câu nói này là thừa. Vì sớm nào hai cha con ôngÄm chẳng dậy sớm để uống trà, cha bao giờ cũng uống trước hai chén và người con cả uống sau nhiều lắm đến ba chén là cùng. Sớm nay, cũng như lúc thỉnh thoảng của mọi ngày, cụ Äm lại bắt người trưởng nam giở tập Cổ Văn ra bình lại cả bài "Trà Ca" của Lư Ðồng. Giọng bình văn tốt quá. Ðiệu cổ phong trúc trắc thế mà con cụ Äm lại còn ngâm gối hạc bắt đoạn cuối một câu trên xuống luôn đầu câu dưới, hơi ngâm trong và dài. Trông hai tra con uống nước mà y như là một đôi thày trò vào một giờ học ôn buổi sớm mai. Chuyện vãn mãi về trà tầu, ông cụ Äm lại mang luông cả tập"Vũ Trung Tùy Bút", giảng những đoạn công phu của tác giả - ông Quốc Tử Giám Tế Tửu Phạm Ðình Hổ - chiêm nghiệm và xưng tụng về trà tầu. Rồi cụ Äm liền than tiếc đến cái mùa thu đã đi mất rồi, để sen hồ rách hết tàn rũ hết lá.

- Cả ạ, thày cho nước pha trà không gì thơm lành bằng cái thứ nước đọng trong lá sen. Mỗi lá chỉ có ít thôi. Phải gạn vét ở nhiều lá mới đủ uống một ấm. Hồi thày còn ít tuổi, mỗi lúc được quan Ðốc truyền cho đi thuyền thúng vớt những giọt thủy ngân ấy ở lá sen mặt đầm, thày cho là kỳ thú nhất trong đời một người học trò được thày học yêu như con.

Trong gia đình cụ Äm, hồi gần đây đã lập lại cái phong tục uống trà. Có một hồi bần bách quá, cụ Äm đã cất hẳn bộ đồ trà vào tủ, tưởng không bao giờ được bày nó ra hằng ngày nữa.

Nhưng trời kể cũng còn hậu đãi người hàn nho, thế nào năm nay cụ Äm lại được mùa cả hai vụ.

- Này cả, con lên tỉnh mua trữ lấy ít trà Lý Tú Uyên. Năm nay ta ướp thêm vài chục chai để dành. Thủy tiên nhà, năm nay gọt những một lắp đấy. Thày mua chung với cụ Kép xóm dưới! Ðộ mai kia thì giò hoa tách hết màng. Củ nào hoa kép thì đem ủ trà.

- Thưa thày, con tuởng trà cứ để nguyên hươngcủa nó mà uống. Con thấy ông ngoại nhà không bao giờ cho ướp trà mới, bấy cứ là với hoa thơm nào. Ông ngoại con bảo chỉ nên ướp, là lúc trà đã đi hương hoặc gần phát du.

Trời rạng dần. Một chút nắng đào lóng lánh trong đám cây đang rụng dần lá năm cũ, một chiếc lại một chiếc.

Ðạo mạo trong vành khăn nhiễu quấn dố, cụ Äm đã chống gậy ra đi.

Cụ quay trở lại dặn người con trưởng đang hí hoáy lau bộ khay trà:

- Thày vào trong cụ Ðiều để rồi cùng sang làng bên thăm một con bệnh già. Con bệnh này, tốn nhiều sâm lắm. Ðến tối thày mới về, vì thày phải sao tẩm thuốc sống ở bên ấy cho tiện.

Tận mắt bộ quần áo của Ford giúp công nhân giảm chấn thương và làm việc không bị mệt mỏi

Công việc trong dây chuyền lắp ráp xe hơi thường rất khó khăn vất vả; các công nhân thường bị đau lưng, đau vai và mỏi tay khi làm việc nhiều giờ liên tục. Nhưng với sản phẩm quần áo đặc biệt do Ford thiết kế với tên gọi EksoVest có thể giải quyết triệt để vấn đề trên.
Ý tưởng này xuất phát từ nhà sản xuất xe hơi Ford kết hợp với công ty Ekso Bionics ở California (Mỹ). Thực tế cho thấy một số công việc trong dây chuyền lắp ráp xe hơi của Ford đòi hỏi nhân viên phải thường vận động với cường độ cao. Cả ngày làm việc lâu như vậy sẽ khiến họ sẽ bị một số căn bệnh kinh niên như đau lưng, đau cổ và đau vai khiến hiệu quả làm việc sẽ bị giảm sút rất nhiều.

Ảnh minh họa. Nguồn: Autodaily

Nhằm cải thiện sức khỏe, sức lao động của công nhân và tăng năng suất lao động; Ford đã hợp tác với Ekso Bionics thử nghiệm bộ áo khoác ngoài như một bộ khung trợ lực đỡ các xương lưng, vai và nâng cao các cánh tay của công nhân.

Công nhân làm việc dễ dàng hơn với bộ xương EksoVest. Nguồn: Twitter

Chiếc áo này sẽ được trang bị cho công nhân có chiều cao từ 152 cm đến 193 cm. Nó sử dụng các lò xo để cung cấp khả năng hỗ trợ tạo lực nâng từ 2,2 đến 6,8 kg trên mỗi cánh tay. Các công nhân vẫn thoải mái di chuyển do thiết bị này tương đối nhẹ. Trọng lượng của nó vào khoảng 4,3 kg.

Chiếc áo được thiết kế phù hợp với các công nhân về kích thước cũng như trọng lượng. Nguồn: Carscoops

Công nhân dây chuyền lắp ráp Paul Collins cho biết : “Công việc của tôi đòi hỏi phải làm việc phía trên đầu, vì vậy khi tôi về nhà lưng, cổ và vai thường bị tổn thương. Kể từ khi tôi bắt đầu sử dụng áo EksoVest, tôi không còn đau nữa và có nhiều năng lượng hơn để chơi với cháu trai khi tôi về nhà”.

Paul Collins cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc với chiếc áo EksoVest trên người. Nguồn: New Atlas

Ông Russ Angold, người đồng sáng lập Ekso Bionics tỏ ra rất phấn khởi với thành công của EksoVest. Ông cho biết thêm: “Việc hợp tác với Ford là cơ hội lớn để Ekso Bionics thử nghiệm chiếc áo này trên thực tế lao động của công nhân. Chắc chắn với EksoVest thì năng suất lao động của Ford sẽ tăng lên đáng kể”.

Chiếc áo trở lực được kỳ vọng sẽ khiến năng suất lao động tăng lên rất nhiều. Nguồn: Carscoops

Hiện nay áo khoác EksoVest đang được sử dụng thí điểm tại 2 nhà máy ở Mỹ. Ford và Ekso Bionics đang có kế hoạch thử nghiệm công nghệ này trên khắp các khu vực tại châu Âu và Nam Mỹ.
Video: Thử nghiệm áo khoác EksoVest tại nhà máy lắp ráp xe hơi của Ford
Sơn Tùng.

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

BẾN XƯA ĐÃ MẤT CHỐN ĐÂU TÌM VỀ? - vkp phượng tím

  

    Giấc mơ tìm lại ngày xưa
Dến nay cũng chỉ như mưa trên rừng
    Nước tuôn ra biển ra bưng
Làm sao chảy ngược?… xô bung con tàu
    Đang chuyên chở  triệu nỗi đau
Em chờ sóng dậy xua mau khổ sầu
    Nhưng giờ cảm thấy lo âu
Bến xưa đã mất, chốn đâu tìm về?
     Bạn bè lần lượt bỏ quê
Lên thiên đàng hoặc lê thê xứ người
    Tin buồn cáo phó như rươi
Nén thương cảm, chờ Trời thưởng ban
    Nhưng vẫn cảm thấy hoang mang
Tuổi đời chồng chất xóa tan mộng đầu
    Quê hương đành phải chôn sâu
Ươm mầm nơi khác, giọt sầu rụng rơi
    Hồn thiêng sông núi chơi vơi!!!
                      Saigon 21/11/2017 Vkp phượng tím

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NGÀY XUÂN ĐỌC THƠ XƯA của LÊ CẢNH TUÂN (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                 NGÀY XUÂN ĐỌC THƠ XƯA                                                 Cuối năm, lần giở lại góc Vi...