Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

Cuộc sống không điện nước của xóm miền Tây ở Sài Gòn

Nhiều năm nay, xóm của dân ngụ cư từ miền Tây lên Sài Gòn làm rẫy vẫn sống trong những căn chòi, chịu cảnh không điện, không nước sạch.


Nằm sâu trong đồng lau sậy bên đường Nguyễn Văn Linh (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM) là một khu đất rộng. Nơi đây, hơn chục năm nay là xóm ngụ cư của những người dân từ miền Tây lên Sài Gòn mưu sinh.
“Hơn chục năm trước, chỉ có một vài người dân lên đây, thấy đất trống nên tôi dựng chòi trồng rau quả. Dần dà, ở đây giờ có khoảng 20 hộ cùng nhau cuốc đất làm rẫy, chứ ở quê hầu như ai cũng không có ruộng đất, thuê gì mần nấy”, bà Nguyễn Thị Ba (74 tuổi, quê Cần Thơ) cho hay.
Khu vực này vốn là đất của doanh nghiệp nhưng chưa đầu tư, chủ đất cho cư dân ở đây khai phá để không bị hoang hóa. Hàng ngày, những lô đất mới tiếp tục được làm cỏ, cày xới, đào luống… để trồng dưa leo, bí xanh, bầu, khổ qua…
Bà Võ Thị Mai (51 tuổi, quê Cần Thơ) là một trong những người lên đây làm rẫy từ khá sớm. Hiện, bà thuê một mẫu đất để trồng trọt. “Ở đây ai cũng trồng xen kẽ rau quả, trung bình cứ hơn hai tháng thu hoạch một loại rau rồi bán ngay cho chợ đầu mối Bình Điền. Công việc quần quật từ sáng đến tối”, bà nói.
Để có nguồn nước sạch, nhiều hộ phải quây bạt làm bể cạn. Nước được bơm lên từ ao ở cách đó không xa hoặc hứng nước mưa. Nguồn nước này chủ yếu dùng tắm rửa, giặt giũ trong khi ăn uống thì họ phải mua nước bình.
Hai vợ chồng anh Đỗ Văn Giữ (34 tuổi), chị Phan Thị Khen (23 tuổi) vừa rời quê Cần Thơ lên đây. Do chưa có đất làm rẫy nên hai người đi làm thuê cho hộ khác, với mức thù lao khoảng 300.000 đồng một ngày. Buổi chiều muộn, cả hai ra bờ ao tắm.
“Hồi mới tắm thì hơi ngứa nhưng riết thì quen à. Dân đây ai chẳng tắm nước ao tù, chứ làm gì có nước máy để sử dụng đâu”, chị Khen nói.
Không điện, cả xóm miền Tây chìm trong bóng tối khi màn đêm buông xuống. Trong chòi của mình, anh Nguyễn Văn Thức dùng đèn pin để chiếu sáng khi sửa xe.
Nguồn điện của cư dân xóm miền Tây đến từ những bình ắc quy. “Mỗi khi sạc phải đi hơn chục cây số với giá 35.000 đồng cho một lần mà chỉ xài chưa được tuần là hết điện”, anh Thức cho biết.
Bữa ăn đạm bạc trong ánh đèn lay lắt của gia đình ông Nguyễn Văn Trí (50 tuổi, quê Hậu Giang). Hai vợ chồng ông đều không có ruộng đất, dắt díu nhau lên Sài Gòn bươn chải. Người con trai lớn mới lập gia đình cũng mang cả vợ con lên thành phố trồng rau trái với cha mẹ.
Những đứa trẻ được học lớp học tình thương ở quận 8. Ngày đi học, trưa về trông nhà hoặc phụ cha mẹ bón phân hái rau, đến tối nhiều em mới cặm cùi học bài trong ánh đèn khi tỏ khi mờ.
Nếu không học bài, bọn trẻ cũng chỉ biết làm bạn với điện thoại hay tha thẩn chơi trong xóm rồi đi ngủ sớm.
Buổi tối, như nhiều gia đình khác, cả nhà bảy người của ông Trần Văn Nghĩa (41 tuổi, quê Kiên Giang) chỉ quanh quẩn trong nhà. “Mang tiếng lên thành phố mà cả ngày cứ cắm mặt ở đây làm rẫy chứ có biết Sài Gòn hiện đại như thế nào đâu. Cũng muốn một lần lên trung tâm thành phố chơi mà không dám đi, sợ lạc đường lắm. Thôi thì ngồi tí rồi ngủ sớm, sáng mai lại lo trồng trọt, hy vọng Tết này có đủ tiền về quê”, anh Nghĩa cười.
Quỳnh Trần (VNE)

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...