Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Xót Xa Đưa Người Đưa - Chuyện Ngắn của Thuyên Huy

Để nhớ những người có thật trong bối cảnh tự dựng của câu chuyện

   Trời bất chợt mưa, phơn phớt, lất phất nhẹ, làm dáng trên tóc trên vai người qua lại trên đường, từ phía bên kia sông, miệt Thủ Thiêm, nhạt từng sợi, nắng ngập ngừng len lén xuyên màn nước mờ đục màu bụi lùa ngược lên, lẻ loi ở cuối góc phố,  vừa qua ngang nhà ga xe lửa, đành đội mưa đi cho thật lẹ, để kịp chuyến xe đò sớm về Tây Ninh, sau hai ngày xuống Sài Gòn, thân quê mùa, ăn nhờ ở đậu tại nhà một người quen xa, để lảnh chứng chỉ tú tài một ở Nha Khảo Thí, tới ngã rẽ đầu đường Phạm Hồng Thái thì xe đã  qua khỏi bồn binh Lê Văn Duyệt rồi, mưa cũng vẫn mưa, như nãy giờ, nhưng lại nặng hột hơn, đành chờ chuyến sau.
   Khách chờ xe đứng ngồi, trốn mưa đông nghẹt trong dãy quán dọc theo bến, xúm xích ồn ào nhìn qua nhìn lại, không còn chỗ trống, thấy phía bên kia đường, mái hiên trước căn nhà cửa sắt đóng kín của ai đó, không người, nhanh chân băng qua, chưa kịp đứng nép sát vào, thì từ hướng mấy cái quán ăn, cô con gái tóc dài ngang nửa lưng, quần tây áo thung vàng nhạt cũng vừa tới, xách tay nhỏ ôm trước ngực, trông là dân thành thị, Trường đứng lùi qua một bên cho rộng chỗ hơn, gật đầu nhìn mưa rồi nhìn cô ta chào, đưa tay vuốt hờ mấy giọt nước thưa đọng đâu đó trên tóc, cô khẻ cười, cái cười đẹp thật đẹp, bẽn lẽn cám ơn, hỏi nhau mới biết cô nàng cũng chờ xe về Tây Ninh.
   Làm quen, ngồi bên nhau trên xe, hỏi thăm qua lại chuyện trường học, đất trời mưa nắng chuyện trên phố dưới sông, từ giã nhau khi xe ngừng ở bến Gò Dầu, Bảo Nghi xuống ngay đầu ngã ba phố, cả hai chào nhưng không hẹn lần nào gặp lại, xe rời bến, Trường tiếc rẽ nhìn theo, bóng cô nàng nhỏ dần cuối đường, tóc bay ngược thả dài theo chiều gió sông lên, nắng sắp chiều, vắt lững lơ trên đầu hàng cây phượng già không còn hoa, lưa thưa xác phượng cuối mùa tím bầm một màu trên đầu dốc chợ.
   Cũng sắp giữa trưa, mùng hai tết, sẳn mượn được chiếc xe Honda của người nhà bên cạnh, Trường xuống Gò Dầu tìm Quốc, thằng bạn chơi thân cùng lớp của mấy năm đầu trường tỉnh, trước khi về lại Gò Dầu lúc trường quận mới có thêm mấy lớp đệ nhị cấp, nhà ở phía dưới cuối chợ, ven sông, ngay góc ngã ba, mà cũng lâu lắm hai người không gặp. Chợ đông nghẹt, người chợ kẻ quê, áo quần thơm mùi vải mới, xe lam xe lôi trên đường, ghe lớn ghe nhỏ dưới bến, ồn ào rộn rã tiếng nói tiếng cười, tiếng lân tiếng pháo, góc này cả chục sòng bầu cua cá cọp hò hét, góc kia lanh lảnh tiếng kêu lô tô số năm số mười, hai bên phố cửa tiệm im lìm nhưng đường trên ngõ dưới người đông hơn cả buổi nhóm chợ, bỏ xe ở nhà Quốc, vòng vòng cho biết sự tình, thử thời vận con cá trái bầu tìm hên năm mới nhất là mùa thi định mạng cũng ngấp nghé đâu đó, đầu trên xóm dưới thấy cũng đủ, hai người tới ngồi ngoài lề cái quán cà phê đầu dốc chợ, ngó qua trường tiểu học, nhìn thiên hạ lại qua trên đường, hỏi nhau chuyện ngày mai, nhớ lại ngày tháng cũ.
   Bên kia, hai cô gái cười nói băng qua đường, chiếc xe lôi máy chở đầy người ì ạch lên dốc, bóp kèn chỉ chỏ, Quốc đứng bật dậy gọi “Bảo Nghi” rồi đi ra, Trường ngồi bất động, Quốc quày trở vô, hai cô chậm bước theo sau, Bảo Nghi nhìn Trường, Quốc chưa kịp nói gì thì hai người cùng buột miệng “Bảo Nghi, anh Trường”, ngồi xuống, Quốc và cô bạn gái đi chung chờ, hai người kể cho nghe chuyện quen nhau hôm trời mưa chờ chuyến xe về Gò Dầu ngày đó, trời ướm chút nắng chiều sớm, từng vạt lơ lững vắt ngang bên kia sông, chợ quận vẫn cứ người và người, tay bắt tay chào chúc nhau nhiều may hơn rũi, Bảo Nghi cùng cô bạn bỏ đi trước, lần này nói khẻ với Trường “hẹn có ngày gặp lại”, bất chợt đời bổng vui, Trường cười một mình nhìn theo, Quốc gục gặc đầu nói thầm “thôi rồi thằng bạn mình đang muốn chết trong lòng một ít đây”.
   Trở lại nhà Quốc, chia tay, hai người đứng nấn ná nói thêm nói bớt vài chuyện, Quốc chỉ qua căn nhà gạch khá lớn có lầu, có hàng rào bông giấy đỏ bao quanh và cái sân trước trải sỏi trắng, cách nhà anh ta chừng bốn năm căn, cũng ngó mặt ra sông, cho biết là nhà của Bảo Nghi, ba của cô, bác Đạm hiện là Dân biểu Quốc Hội đơn vị Hiếu Thiện, anh trai lớn đang là sĩ quan huấn luyện viên ở trường Võ Bị Đà Lạt, Bảo Nghi năm nay học đệ nhị cũng là năm thi, nghe nói có nhà nữa đâu đó dưới Sài Gòn. Về tới Trà Võ rồi mà lòng Trường cứ ray cứ rứt, tưởng chừng như đã bỏ quên cái gì đó cần phải tìm lại ở lại Gò Dầu.
   Lớp học, sân trường, con sông chia đôi bờ, bên này bên kia, nắng sớm mưa muộn, phố chợ Tây Ninh thôi còn là cái mến cái thương của những ngày tháng cũ, những ngày mới chập chững, ngập ngừng năm đầu trung học, làm quen chốn lạ, giờ ngồi bên bàn học, sách vở mở hờ, ra vào thẩn thờ cứ nhung nhung nhớ nhớ, nhớ buổi sáng trời mưa ở bến xe dưới Sài Gòn, nhớ góc đường quen đầu dốc chợ Gò Dầu ngày đó, bạn bè cùng ở trọ trong khu ký túc xá nhìn nhau, “thằng Trường, anh Trường giờ thấy là lạ”, chính Trường cũng thấy mình là lạ, cứ nhớ Gò Dầu và chớm biết thương một người, thương da diết.
   Bốn người, ngồi quanh cái bàn nhỏ ngoài hiên quán cơm cuối dãy phố, ngó qua đường vào trường trung học quận, sáng thứ bảy giữa trưa trời có chút mù mờ bên kia sông, không mưa nhưng chưa chịu nắng, coi vậy mà Quốc cũng làm được việc, hôm từ giã nhau  mùng hai tết ở nhà Quốc, Trường có nhờ anh ta “nói ra nói vô” hẹn hò sao đó, để mình có dịp gặp lại cô nàng, tại sao thì Quốc đã biết rồi. Cô bạn gái của Bảo Nghi nói nhiều nhưng có duyên, cũng đã “đánh hơi” được nổi lòng ai đó cho nên “bóng gió” nửa lời, thỉnh thoảng nhìn qua Quốc “thêm mắm thêm muối”, Bảo Nghi ngồi nhìn cười mĩm mà “không thêm không bớt” lời nào, hỏi nhau hết chuyện xa chuyện gần, rồi chuyện mình chuyện người, cũng chưa hết chuyện, bất chợt loáng thoáng vài vạt mưa nhẹ lấm tấm như sương hờ hững về ngang từ phía dưới sông không lâu rồi ngưng, có tiếng người lơ xe chuyến xe cuối về Tây Ninh gọi khách ngoài bến, ba người đưa Trường đi, đứng đó không ai nói gì, nhìn theo xe từ từ ra khỏi ngã ba, buồn tênh buồn man mác.
   Chừng ngần ấy thôi, Trường ôm ấp chút tình thương thầm đầu đời mới có riêng mình mà chưa biết khi nào mới dám thật sự nói ra, có những đêm ngồi học bổng chợt buồn đâu đó thoáng qua, làm ngưng ngay nổi nhớ, nghĩ lại mình, nhà nghèo vách đất mái tôn, nằm nép mình ngay ngả rẻ đầu ấp dưới chợ xã Trà Võ, con đường đất làng đi xuống cái bến cũ bỏ hoang, không đò bên này bờ sông Vàm Cỏ Đông, ngó qua bên kia Bời Lời, ba mẹ Trường làm công nhân ở nhà máy xay lúa giữa dãy nhà dọc theo tỉnh lộ, chú hai Trứ, ba Trường, bỏ học từ năm lớp ba lớp tư, trôi giạt từ miệt Dầu Tiếng Khiêm Hanh về đây, làm công việc canh giữ cho máy chạy, mẹ Trường, thiếm hai Bông, phụ giao bao bố chỉ may cho người đem lúa tới xay và quét dọn góc này góc kia, từ ngày còn học trường làng, hễ tới mùa trái rụng, mấy ngày nhà máy đóng cửa trong tuần, Trường tay mang cái bao bố cát xanh, theo cha mẹ vào rừng lượm hột cao su đong bán cho ông ba Thức, chủ tiệm tạp hóa đầu phố,  thu mua gom lại chất thành đống rồi chở đi đâu đó, cũng như người dân nghèo trong xã, Trường vẫn đi lượm hột cao su cho tới những năm đệ tứ đệ tam trong ba tháng nghỉ hè, lên đệ nhị chú hai Trứ không cho Trường làm nữa, dặn dò con phải ráng học đi thi, ở trên tỉnh tuy bài vở nhiều nhưng thứ bảy chủ nhật nào không về nhà, Trường đi làm phụ bán hàng cho một tiệm bán quần áo, giày dép trong nhà lồng chợ, nên cũng có chút tiền dư cho giấy mực bút sách, gọi là nghèo, tuy nhiên cũng tạm đủ ăn đủ sống, dành dụm chắt chiu, khá hơn nữa thì chắc không được rồi. Nghĩ về người, không phải nói thêm, nhìn căn nhà gạch khang trang hoa lá, rào kín cổng khép và theo những gì Quốc cho biết thì, Trường không dám nghĩ xa hơn.
   Xế trưa sau bữa ăn ngoài cái tiệm cơm lớn, cuối dốc chợ, ngó qua văn phòng quận, mừng thi đậu, người tú tài một kẻ tú tài hai rộn ràng mừng vui, Bảo Nghi vẫn vậy, ít nói cười nhiều, Quốc thì cũng “thêm hành thêm tỏi” cho chuyện anh chuyện em “có chút mặn mòi” như thường lệ, theo lời mời, cả bọn năm sáu đứa kéo nhau về lại nhà Bảo Nghi, đám con gái vào nhà cười nói vang rân lâu rồi, vì Trường nấn ná ngài ngại nên Quốc cũng lẩn quẩn bên ngoài, làm bộ chỉ chỏ đò ngang đò dọc dưới bến chợ, bác sáu gái, mẹ Bảo Nghi niềm nở bước ra cửa gọi vào, Quốc dạ một tiếng lớn rồi đẩy Trường đi trước. Bà hỏi han chuyện này chuyện kia, Trường cứ “một dạ một thưa” chưa trọn tiếng, ở nhà sau, tiếng đám con gái nói cười vẫn còn nghe rõ mồn một. Ra về, Quốc đưa Trường lên bến xe, Bảo Nghi cùng đám bạn đứng ngoài cổng nhìn theo, ở một phía trời bên kia, nắng chợt buông mình tắt sớm, chiều lấp lững qua sông trải một màu vàng nhạt, cuối dãy phố Trường quay nhìn lại, Bảo Nghi vẫn còn đứng đó một mình, chuyến xe lam chiều về Trà Võ buồn hắt buồn hiu, Trường vẫn chưa dám nói ra những gì mình muốn nói.
   Âm ỉ và dai dẳng từ mấy năm qua, chiến tranh giờ bộc phát dữ dội và đôi lúc ác liệt nhiều nơi hơn trước, tiếng súng tiếng bom, tiếng người khóc, tiếng kèn tiễn hồn người lính chết trận nghe quen dần đâu đó đường trên ngõ dưới, cuối ấp đầu làng, đám bạn bè quen lạ cùng lứa cùng lớp, có đứa không may ghế trường thi, đã vào lính, khoát áo trận miệt mài rừng sâu núi cao sông rộng. Lên đại học, Trường vào trường kỹ thuật Phú Thọ, học ban cán sự công chánh hai năm, ngắn hơn, thay vì bốn năm như bên kỹ sư, đở phải lo tiền ăn tiền mặc, mau có công ăn việc làm sớm đở cho gia đình, ở trọ chung với hai ba thằng bạn quê miệt Cầy Xiêng Thanh Điền trên một căn gác cây, trong cái hẽm nhỏ sát hông trường Đắc Lộ, cạnh bến xe ngã tư Bảy Hiền, Quốc thì vào trường Dược, ở với gia đình người cậu bên chợ Hòa Hưng, mấy ngày mới xuống Sài Gòn, đầu năm học hai người còn chạy qua chạy lại “mầy mầy tao tao” nhớ chuyện xưa nhắc chuyện cũ nhưng rồi, bài vở sách đèn chất chồng, phận ai nấy lo, it khi gặp, từ đó Trường cũng chưa có lần ghé lại Gò Dầu mỗi khi về Trà Võ, dù chuyến xe đò nào đi sớm về muộn gì cũng đều ghé ngang, một vài lần gởi thư viết vài giòng thăm hỏi Bảo Nghi nhờ Quốc đưa khi anh ta về trên đó, rồi nhận lại đôi lời nhắn từ cô nàng lúc Quốc trở xuống Sài Gòn, vậy thôi, vẫn cứ thương thầm như ngày mới gặp đã thương từ buổi sáng hôm ấy.
   Trời lấp lững chiều, thiếm hai Bông, mẹ của Trường, trợt chân té từ trên đầu ống máng cao, nơi lúa xay thành gạo rớt xuống chỗ treo bao bố chờ hứng phía dưới sàn nhà máy, xuống đất khi cố leo lên, vói tay lùa mớ gạo tắc nghẽn, đùn lại một chỗ cứng, ông bác đứng từ nãy giờ thấy còn lâu mới đầy, bỏ ra ngoài cửa kéo vài hơi thuốc lá, trở vô hớt hơ hớt hãi la lớn kêu cứu khi thấy thiếm hai Bông nằm co quắp, bất động không xa mấy xấp bao bố không, người trong nhà máy bu lại, khiêng thiếm lên, đặt trên tấm thiếc lớn, đem ra ngoài cửa, cho máy tắt, chú hai Trứ chạy xộc lại, nắm tay nắm chân kêu trời kêu đất, thiếm hai vẫn không nhúc nhích, ông khóc ngất, ai đó chạy kêu chị Mật, làm y tá ở trạm y tế xã lên, chị cũng không làm gì hơn, không lâu sau, và cũng may anh năm Hoạch còn ở nhà, nên kịp đưa thiếm lên bệnh viện trên tỉnh. Đã ba ngày, thiếm hai Bông vẫn mê man, chưa tỉnh lại, vì máu còn đọng trong đầu khi thiếm té đập mạnh xuống sàn xi măng của nhà máy xay lúa, cùng lúc cột xương sống lưng nứt, cong qua một bên, cả bác sĩ của bệnh viện và bên quân y viện tỉnh, ngày đêm tìm mọi cách cứu cho được, chú hai Trứ cứ ngồi bên giường khóc và khóc.
   Trời đứng bóng giữa trưa, nắng đầu hè hừng hực nóng, xuống xe, Trường vừa đi vừa chạy tới bệnh viện, bước lên bậc thềm trước cửa phòng bệnh, anh quăng túi xách xuống đất, hai cha con ôm nhau khóc rưng rức, đã không ngủ mấy ngày nên chú hai Trứ mệt đừ, đứng không vững, Trường đở ông ngồi xuống một bên giường bệnh, cái mền đắp trên người thiếm hai Bông cũng không động đậy, không lâu Trường lại dìu ông ra ngồi ngoài hành lang chờ cô y tá chích thuốc cho thiếm hai, Trường nhìn vào trong, lòng đau nhói. Được tin anh tư Lân, con rễ ông ba Thức, lái xe hàng chở đồ đi Long An, ghé ngang nhắn sáng sớm, Trường quăng sách vở học thi vào một góc, không màng chuyện thi cử cuối năm mấy ngày tới đây, vội vã đón xe về Tây Ninh, ngồi trên xe thầm van thầm vái cho mẹ mình tai qua nạn khỏi, giờ thì bà nằm đó, có muốn nói muốn hỏi gì cũng không biết làm sao. Bỏ nhà cửa hai ba ngày, người đuối nhiều, như đã bàn với nhau, sáng hôm sau, chú hai Trứ đón xe về Trà Võ, lấy thêm chút quần áo để có mà thay đổi và cũng để nhờ người quen kế bên trông coi giùm, mặc dù trong nhà chẳng có gì quý giá, ông đi rồi, thiếm hai vẫn vậy, Trường đứng tựa lưng ngoài cửa phòng bệnh nhìn theo, sương đêm tan dần trong sân bệnh viện, ngoài cổng tiếng người tiếng xe lại bắt đầu một ngày ồn ào như mọi ngày.
   Sau mười mấy ngày trong bệnh viện về nhà, bà con chòm xóm, cùng mấy người quen thường xay lúa ở nhà máy đến thăm hết người này người nọ, thiếm hai Bông lành bệnh nhưng giờ không đứng thẳng, đi khập khễnh, phải có cây nạng gỗ chống, trí nhớ thì còn đó nhưng lại có khi nhớ trước quên sau, tàn tật thì không gọi là tàn tật nhưng không còn làm gì hơn, thiếm nằm nhiều hơn đi, lòng vòng, quanh quẩn trong nhà trong sân, ông sáu Điển, chủ nhà máy xay lúa tốt bụng, giúp hai vợ chồng một số tiền kha khá, để chú hai Trứ nghỉ lo thuốc thang cho thiếm vài bữa rồi trở lại nhà máy. Trở xuống Sài Gòn, căn gác vắng tanh, mấy thằng bạn về Tây Ninh chắc cũng lâu rồi, mùa thi cuối năm đã qua, Trường không có mặt trong phòng những ngày thi đó, sách vở bỏ ngang nằm bừa bải trên bàn, trong góc phòng vẫn còn trang đóng trang mở, Trường ngồi thừ ra, thở dài, lặng thinh nhìn xuống đường, người chen chúc người hai bên phố giữa cái nắng xế trưa của mấy ngày giữa hạ, chần chừ chốc lát, Trường bỏ đi nhanh xuống, bắt kịp chiếc xe buýt về chợ Sài gòn vẫn còn đó, xuống xe, băng qua bên kia đường, đứng ở một góc ngã ba vào cư xá Lữ Gia, trốn nắng dưới hàng phượng cao, ngập hoa đỏ, đỏ như màu nắng, nhìn qua sân trường, vắng tanh không một bóng người, bỗng dưng Trường bật khóc. Chuyến xe đò  về Trà Võ hôm sau không ghé Gò Dầu, héo hắt buồn hơn những chuyến xe ngày trước.
   Hai người đứng tiễn nhau ngoài đường, ngồi trên xe Honda, Quốc nấn ná chưa chịu đi, nhìn nhau cười, giấu buồn trên mặt, trời quá trưa, gió từ bên kia rừng cao su mang theo mùi lá chết lùa trong cái nắng quê hâm hấp nóng, chợ xã thưa người từ lâu, chuyến xe lam chở khách đi Gò Dầu của anh năm Hoạch chưa chịu chạy. Thi xong, Quốc lên Ngã Tư Bảy Hiền tìm Trường, không còn ai ở đó, hỏi thêm thì bác chủ nhà cho biết Trường về quê cả tháng nay rồi chưa thấy xuống, Quốc ngờ ngợ “còn ngày thi cuối năm thì sao”, về tới Gò Dầu, cũng chưa gặp lại Bảo Nghi, Quốc vội vã lên Trà Võ ngay hôm sau, cho nên giờ thì cũng không nói được gì về cô ta hơn, vẫn cứ lặng thinh, Quốc nổ máy cho xe chầm chậm quay đầu ra đường nhựa, hai ba người  lính nghĩa quân quen, từ phía đồn lính bên văn phòng hội đồng xã đi về hướng vào chợ, thấy Trường vẫy tay chào, Quốc quay lại “có gì cho tao biết” rồi chạy vụt đi, Trường nhìn theo thì thầm “ừ thì có gì tao cho mầy biết”.
   Hết hè, trước ngày trở xuống Sài Gòn, vào học lại, Quốc một lần nữa lên Trà Võ, chú hai Trứ cho biết Trường đã vào lính, nghe nói ở trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, không biết chừng nào mãn khóa, Quốc ngỡ ngàng không ít, buột miệng tại sao, khi biết rằng Trường vẫn còn được tiếp tục hoản dịch, không phải bị động viên vì là con duy nhất của gia đình, thiếm hai Bông vẫn vậy, cười cười hỏi hỏi không đầu không đuôi nhưng Quốc không chắc là thiếm có biết mình là ai không, chào ra về, nhìn lại căn nhà, Quốc cắn môi, lòng chùng xuống nặng trĩu buồn. Suốt năm học đó, về Gò Dầu thăm nhà thứ bảy chủ nhật nhiều lần nhưng không lần nào gặp Bảo Nghi, có lần ghé tạt qua thăm bác gái, bà cô bảo cô thỉnh thoảng cũng có về nhưng không ở lâu, cô ta vào năm thứ nhất Nha Khoa, đưa cho Quốc cái địa chỉ nhà dưới Sài Gòn dặn khi nào rảnh đến chơi.
   Chiến trận giờ càng khốc liệt hơn trước, trên cả nước, đâu đâu cứ tăng dần, chưa thấy và không biết chừng nào mới yên, xe cộ đi về Sài Gòn Tây Ninh bị kẹt vì Việt Cộng đấp mô gài mìn là chuyện thường tình, không còn chuyện một ngày một bữa nữa, nhất là đoạn khỏi Củ Chi, Suối Sâu Suối Cụt, Trãng Bàng, Bình Nguyên, Gò Chùa, Bến Mương, quân xa lính trận đôi lúc rầm rập suốt ngày trên đường, bất kể chiều mưa sáng nắng, tiếng đại bác, tiếng bom từ đâu đó, khi thì gần lúc thì xa, đì đùng dội về phố xá nghe rõ, đêm như ngày, lo mà sợ nhưng riết rồi cũng quen dần đi, trước tết vài ngày, hôm trên đường về Gò Dầu, trời có chút nắng sáng lấp lóe, tới ngã ba đầu ngõ vào Tha La xe đò xe hàng đủ loại, nhỏ lớn kẹt lại, nối đuôi nhau ngừng một hàng dài, phía trên kia có mấy cái mô đất, cao lớn, do du kích Việt Cộng trong vùng ra đấp tối hôm qua, hành khách tủa nhau xuống, người ngồi kẽ đứng hai bên đường, xì xầm to nhỏ, dường như chắc quen rồi, không thấy ai vội vã, than phiền, chờ lính địa phương quân VNCH của quận Trãng Bàng lên mở đường. Xuống xe, đứng xớ rớ cũng lâu, tới lui quanh qua quẩn lại, thôi thì ráng vui theo cái vui của người, Quốc bỏ đi ngược lại góc ngã ba, định kiếm chuyện tán dốc với mấy anh lơ xe đang đứng tụm nhau nói cười hút thuốc lá, có tiếng ai đó gọi mình phía sau, ngay dãy quán bán bánh canh, Quốc quay đầu nhìn lại, từ xa Bảo Nghi vẫy tay gọi, hỏi nhau dăm ba câu thì đường đã dọn, đầu trên đầu dưới, người ta gọi nhau ơi ới, tài xế lơ xe lăng xăng rục rịch nổ máy, hai người vội đi lại xe mình, hẹn gặp nhau ở Gò Dầu.
   Trong góc quán cũ, cũng trưa mùng hai tết, Quốc nói hết những gì muốn nói về Trường, nói mà buồn thiu buồn thít, Bảo Nghi ngồi lặng thinh, nhìn ra ngoài ngã ba, chiếc xe đò về Tây Ninh vừa vào bến, nắng khuất đâu đó bên kia cầu, dăm ba người khách thong thả xuống, không có ai quen, lòng buốt đau, Quốc bỏ đi trước một khoảng khá xa, Bảo Nghi vẫn còn ngồi đó, vẫn nhìn hướng bến xe, vắng tanh, thì thầm “xin lỗi, đã muộn rồi Trường ơi”.
   *
   Ra trường, Trường chọn binh chủng Nhảy Dù, về Trà Võ thăm nhà, ngang qua Sài Gòn nhưng không tìm Quốc, thiếm hai Bông chẳng khá gì hơn, cũng cứ quên trước quên sau, cười cũng như khóc, hai cha con ngồi nhìn, không biết vui hay buồn, thôi đành cho số mạng, cầu mong trời đất ông bà còn nhủ lòng thương. Lộc Ninh mất, giữa tháng tư năm 1972, An Lộc bị quân Bắc Việt xiết chặt vòng giây, quân trú phòng VNCH cố giữ phần đất còn lại chừng vài cây số vuông, không làm sao bung ra mở đường được, tiểu đoàn 6 Dù của Trường được trực thăng vận xuống ấp Srok Ton Cui, cách An Lộc chừng bốn năm cây số về phía đông, trước để dọn bãi đáp cho tiểu đoàn 5 và 8 nhảy xuống theo một ngày sau, rồi hai tiểu đoàn này dàn quân tiến về An Lộc, tiểu đoàn 6 ở lại giữ Đồi Gió bọc hậu, sau đó bị quân Bắc Việt từ hướng Phước Long càn quân xuống tấn công suốt mấy ngày đêm bằng mọi thứ họ có, người, xe tăng và đại pháo, cố sức chống cự nhưng trước quân số biển người, tiểu đoàn đành thua cuộc, Trường bị trúng đạn pháo, được mang theo trên đường rút quân nhưng không sống nổi vì máu ra nhiều quá, dù đã được quấn buột bởi không biết bao nhiêu là băng là vải, khi số quân còn lại bắt tay được với quân bạn nới rộng được vòng đai từ An Lộc bung ra, mấy người lính mang anh theo, thay phiên nhau vuốt mắt, một hai anh có đạo, đọc lầm thầm gì đó, vừa làm dấu thánh giá vừa rưng rức khóc, trong túi áo Trường, người ta tìm được hai lá thư, một ngắn một dài, đề ngày viết chừng hơn mười ngày trước.
   Trước hôm nghỉ hè vài ngày, buổi trưa từ trường về, cầm lá thư mới nhận sáng nay do bà mợ đưa lại, người gởi đề chữ tắt và số KBC của quân bưu, thấy lạ, đi ngay vào phòng, mở thư đọc, Quốc gục xuống bàn, tay bưng mặt khóc “trời ơi”. Sáng hôm sau, Quốc ra ngã tư Bảy Hiền, đón chuyến xe sớm về Gò Dầu vì chiều hôm qua, lần đầu tìm đến nhà Bảo Nghi bên đường Phan Thanh Giản, nhưng ở đó cho biết cô đã về trển mấy ngày nay.
     Đứng trước nhà nhìn qua, trời đã quá giữa trưa, nắng hừng hực nóng, cái nắng của những ngày đầu hạ từ bên kia sông lùa về, rọi sáng rực hàng chữ “Lễ Đính Hôn” trên tấm bảng gỗ treo trước cổng nhà Bảo Nghi một màu đỏ thắm, trong sân nhiều cô ra vào, tay hoa tay lá, cười nói như đã nói cười hôm Quốc và Trường theo về đây sau bữa ăn mừng thi đậu ngoài chợ quận, bỏ lá thư tình dài, nói tiếng yêu người của Trường nhờ đưa lại vào túi áo, lòng buồn chùng xuống, thương cho bạn, lặng lẽ vào nhà, Quốc nói một mình “thôi không cần phải đưa làm gì”. Trên đường lên bến xe, cúi đầu, Quốc vội vã bước nhanh ngang qua nhà Bảo Nghi, không nhìn lại, sau lưng người càng lúc càng đông ở đó, nắng dịu đi chút đỉnh, chợ quận không còn mấy ai, Quốc đưa tay sờ lá thư trong túi, bước nhanh hơn thì thầm “thôi để cho người có hạnh phúc trọn vẹn đi Trường ơi,”, có tiếng đại bác đâu đó trên miệt trời  biên giới Miên, xa xa lẻ loi vọng về, chuyến xe đi Sài Gòn rời bến, qua khung cửa kiếng, Quốc nói thay Trường hai tiếng “vĩnh biệt”.

Thuyên Huy
Giữa mùa mưa xứ người 2017

   
   
   
   
   
   
   
   
 

1 nhận xét:

FOULA - Hòn Đảo Xa vXoi6 Nhất Có Người Sinh Sống Ở Anh

  Hòn đảo biệt lập này chỉ có khoảng 30 người sinh sống và là hòn đảo xa xôi nhất có người sinh sống ở Anh. Foula là một trong những hòn đảo...