Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

VĂN HỌC ĐỜI TRẦN: PHÂN TÍCH BÀI THƠ "CHU TRUNG ĐỘC CHƯỚC" của Trần Quang Triều - Nguyễn Cang .


                            Tháp Cổ Chùa Quỳnh Lâm(Ảnh Từ Dân Việt )
 
Trong thơ văn đời Trần có một vị quan vừa giỏi văn lại tinh thông binh bị là Trần Quang Triều. Ngay từ nhỏ ông đã nổi tiếng thơ văn nên đựơc phong chức Văn Huệ Vương (năm 14 tuổi). Rất tiếc thơ văn của ông còn sót lại vỏn vẹn 11 bài nên ta không được thưởng thức nhiều bài thơ hay khác của ông. Sau đây tôi phân tích và phê bình bài "Chu Trung Độc Chước" :
Nguyên tác:         Phiên âm:
  舟中獨酌                Chu trung độc chước     
秋滿山城倍寂寥        Thu mãn sơn thành bội tịch liêu,
家書不到海天遙        Gia thư bất đáo hải thiên diêu.
人情疏密敲蓬雨        Nhân tình sơ mật xao bồng vũ,
世態高低拍漫潮        Thế thái cao đê phách ngạn triều.
松菊故留嗟異路        Tùng cúc cố giao ta dị lộ,
琴書歲晚喜同條        Cầm thư tuế vãn hỷ đồng điều.
幾多磊塊胸中事        Kỷ đa lỗi khối hung trung sự,
且向樽前一驕 .     Thả hướng tôn tiền thí nhất kiêu.   
(陳光朝)                (Trần Quang Triều)                      
   Chú thích từ ngữ:
độc(): một mình
chước():  uống(rượu)
bội(): gấp nhiều lần
tịch mịch(寂寥): lặng yên, vắng vẻ
diêu(): xa
mật(): đầy, gần, khít , kín
xao(): gõ
bồng(): mui thuyền
đê(): thấp
phách(): vỗ
ngạn(): bờ sông cao, dốc
triều(): nước thủy triều
giao(): giao tiếp qua lại , phó cho , kết hợp với
ta():than thở
dị): lạ, khác thường
lộ(): đường đi
cầm(): cây đàn
hỹ(): vui thích, mừng
điều(): hòa nhau, đi từ chỗ nầy sang chỗ khác,đưa dẫn
kỷ đa(幾多): bao nhiêu
lỗi(): đá lởm cởm
hung(): bụng
tôn():chén(rượu)
thí(): nếm, thử xem
kiêu(): kiêu căng, vẻ mặt kiêu ngạo , ngựa lồng.
 
       Dịch nghĩa:
Thu về đầy núi, càng thêm buồn quạnh quẽ,
Thư nhà không đến miền biển xa xôi này.
Tình người thưa nhặt như mưa gõ mui thuyền,
Thói đời lên xuống như nước triều vỗ bờ.
Tùng cúc bạn cũ, than ôi, nay đã đi lối khác,
Mừng là tuổi già đàn sách còn hợp điệu.
Biết bao nỗi niềm chồng chất trong lòng,
Hãy thử giải khuây trước chén rượu xem sao.

      Sơ lược tiểu sử tác giả :
Trần Quang Triều (陳光朝), 1287 -1325) còn có tên là Trần Nguyên Đào, biệt hiệu là Cúc Đường Chủ nhân và Vô Sơn Ông; là nhà thơ và là quan chức đời nhà Trần.
Ông làng Tức Mặc phủ Thiên Trường( Nam Định), là con cả Trần Quốc Tạng, cháu nội Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn , anh vợ vua Trần Anh Tông. Năm 14 tuổi(1301) được phong chức Văn Huệ Vương. Từng cầm quân đánh giặc Thích Na.
Sau khi phu nhân là công chúa Thượng Trân mất , ông cáo quan về ở ẩn tại am Bích Động gần chùa Quỳnh Lâm, huyện Đông Triều (Quảng Ninh). Ông lập thi xã Bích Động để xướng hoa thơ văn cùng thi nhân bạn hữu. Khi mất thơ được được sưu tập thành Cúc Đường Di Cảo. Sách nầy bị quân Tàu đốt sạch trong chiến dịch tiêu diệt nền văn hóa Việt Nam, chỉ còn lại 11 bài thơ.
   
    Phân tích và những lời bình:
Đây là bài thơ thất ngôn bát cú Đừơng luật, luật trắc vần bằng. Thời điểm sáng tác , chưa đựoc xác định rõ , có thể ông sáng tác lúc còn làm quan. Nhân một chuyến đi công tác xa , lúc rỗi, ông tìm thư giản,lên thuyền chèo lướt trên sông ngắm cảnh. Sau đó dừng lại, một mình uống rượu, nhìn cảnh mùa thu, cảm tác bài thơ nầy.
Hai câu đề (1&2):
秋 滿 山 城 倍 寂 寥     Thu mãn sơn thành bội tịch liêu,
家 書 不 到 海 天 遙     Gia thư bất đáo hải thiên diêu.
 
 
Chiều thu hiu hắt gió thu nhè nhẹ thổi kiến lòng kẻ xa nhà buồn ngập mênh mông. Đã mấy mùa thu đi qua, tác giả muốn "tìm về" chốn cũ quê xưa mà không đặng. Quyền cao chức trọng nhưng ông không muốn, phú quý vinh hoa ông cũng chẳng thèm. Ông chỉ muốn sớm từ quan để về thôi. Về đâu? Ông muốn về ẩn cư tại am Bích Động để lánh xa cõi trần tục nhiều bon chen hệ lụy mà tu hành cho lòng thanh thản. Xa nhà, ở vùng núi giáp biển bao la, đợi mãi tin nhà chẳng thấy , ông thất vọng lòng nặng trĩu, buồn nào hơn? So với Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc Lâu, có khói sóng mù mịt trên sông khiến cảnh vật thêm buồn ảo não. Nhưng trong lòng mỗi người đều mang nặng mối "sầu" như nhau, nhớ nhà, nhớ quê hương giờ đà khuất nẻo :
 
日暮鄉關何處是
煙波江上使人愁.
(Hoàng Hạc Lâu/ Thôi Hiệu)
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Tản Đà dịch: Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?)     
    Nỗi nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan cũng không kém phần sâu sắc :
Vàng toả non tây, bóng ác tà,
Đầm đầm ngọn cỏ, tuyết phun hoa.
Ngàn mai lác đác, chim về tổ,
Dặm liễu bâng khuâng, khách nhớ nhà.
Còi mục thét trăng miền khoáng dã,
Chài ngư tung gió bãi bình sa.
Lòng quê một bước nhường ngao ngán,
Mấy kẻ tình chung có thấu là?
(Chiều hôm nhớ nhà/ Bà Huyện Thanh Quan)
Ghi chú :
khoáng dã: Cánh đồng rộng.
bình sa: bãi cát phẳng.
     Hai câu thực 3&4:
人 情 疏 密 敲 蓬 雨               Nhân tình sơ mật xao bồng vũ,
世 態 高 低 拍 
漫 潮              Thế thái cao đê phách ngạn triều.
 
Trần Quang Triều có công dẹp loạn Thích Na nhưng ông không lấy đó làm thỏa mãn, trái lại ông còn khinh thường bã lợi danh bèo bọt. Khác với một số lớn quan chức trong triều chỉ lo bon chen tìm danh vọng, quyền lợi, họ nịnh bợ tâng bốc kẻ trên nhưng khi sa cơ thất thế họ ngoảnh mặt làm ngơ. TQT chứng kiến thói đời đen bạc nầy nhiều lắm , ông tránh xa, cho rằng lợi danh chỉ là một chút phù du như mưa rơi trên mũi thuyền , nó tan biến nhanh chóng chẳng để lại chút gì ! hay như sóng vỗ vào mạn thuyền , sóng sẽ đi qua và tan biến vào dòng nước.
Về phương diện nghệ thuật TQT đã sử dụng phép so sánh thật khéo léo điêu luyện khiến người đọc cảm thấy thấm thía sâu xa tình đời! Ông cũng tỏ ra suất sắc khi sử dụng phép đối của luật thơ Đường trong các cặp thực , luận của bài thơ thất ngôn bát cú. Hãy xét cặp "thực" ở trên: "nhân tình" đối với "thế thái", sơ mật/ cao đê, xao bồng vũ/ phách ngạn triều. Phép đối rất chỉnh, xít xao không sơ hỡ, không thừa chữ , đạt đủ 3 yêu cầu : thanh,ý ,từ (loại). Tương tự cho cặp "luận". Thật tuyệt vời ! 
Nhà thơ Lý Bạch ( 李白; 701 - 762), đời Đường (Trung Quốc) cũng khẳng định rằng tiền tài vật chất chỉ là của phù du , nó không tồi tại mãi. Ông dùng phép nghịch đảo để chứng minh : nếu nó tồn tại vĩnh viễn thì ắt dòng sông Hán Thủy kia sẽ chảy lên Tây bắc ! 
功名富貴若長在,
漢水亦應西北流。
(Giang thượng ngâm /Lý Bạch)
Công danh phú quý nhược trường tại
Hán thuỷ diệc ưng tây bắc lưu.
(Dịch: Nếu như công danh, phú quí mà còn tồn tại lâu dài,
Thì dòng sông Hán Thuỷ hẳn phải chạy lên phía Tây bắc).
Ghi chú: Hán thuỷ:tên sông, phát nguyên tại tỉnh Thiểm Tây, chảy vào sông Trường Giang ở tỉnh Hoài Bắc.
       Hai câu luận (5&6):
松 菊 故 留 嗟 異 路     Tùng cúc cố giao ta dị lộ,
琴 書 歲 晚 喜 同 條     Cầm thư tuế vãn hỷ đồng điều.

 
Nỗi buồn của tác giả như bị xoáy sâu thêm khi biết giờ đây có một số bạn cũ đã chọn con đường riêng , ra đi không lời từ biệt. Ông ngao ngán tình đời, nghĩ rằng bây giờ chỉ còn lại cây đàn và sách vở là bạn thân thương chung thủy , biết an ủi, chia sẻ buồn vui với ông mà thôi ! 
Trong cuộc sống hình như ai cũng có niềm tâm sự riêng dù đó là bậc vua chúa hay bàn dân thiên hạ. Đọc lại bài thơ Tự Thuật của vua Trần Thánh Tông ta thấy nhà vua cũng có tâm sự riêng. Lúc rãnh rang ông lấy đàn ra gãy nhưng không có điệu vì trong lòng không có việc gì để bận tâm. Nhưng sự thật không phải vậy, trong lòng ông cũng đã hình thành một khúc nhạc rồi, nghĩa là ông cũng có tâm sự riêng. Rất tiếc ông không nói rõ ra nên ta không biết , ông nói rằng tâm sự ấy chỉ có gió trên cây thông ngoài kia là hiểu thôi ! Ông vua nầy có tư tưởng lạ, khác hẳn với tâm sự của Trần Quang Triều. Xin dẫn chứng bài thơ sau đây để rộng đường suy luận :    
自述(其二)

終日閑彈不調琴
閑門無事可關心
箇中曲破無人會
惟有松風和此音
(Trần Thánh Tông)
Tự thuật (kỳ 2)
Chung nhật nhàn đàn bất điệu cầm, 
Nhàn môn vô sự khả quan tâm.
Cá trung khúc phá vô nhân hội,
Duy hữu tùng phong hoạ thử âm.
Dịch nghĩa:
Suốt ngày thảnh thơi gãy cây đàn không điệu,
Trong cánh cửa nhàn, không có việc gì đáng để tâm.
Trong lòng ta đã hình thành khúc nhạc mà không ai biết,
Chỉ có gió trên cây tùng là hoạ được âm thanh đó.
Hai câu kết (7&8):
幾 多 磊 塊 胸 中 事         Kỷ đa lỗi khối hung trung sự,
且 向 樽 前 試 一 驕 .       Thả hướng tôn tiền thí nhất kiêu.
 
Hiên tại, trong lòng ông chồng chất bao niềm tâm sự không biết bày tỏ cùng ai chỉ còn cách nâng ly rượu cay uống cạn để giải thành sầu ! Tâm trạng thật não nề !
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu(19/5/1889- 7/6/1939) cũng giải sầu bằng cách uống rượu, vợ can ngăn ông cũng không nghe :
Thê ngôn tuý tửu chân vô ích
Ngã dục tiêu sầu thả tự do.
(Dịch: Vợ bảo say rượu thật là vô ích
Ta muốn giải sầu nên cứ mặc sức uống).
Còn Vũ Hoàng Chương (5/5/1916-6/9/1976) thì táo bạo hơn, ông uống say để quên hết sự đời nhưng cũng muốn tìm vui trong nhục thể phụ nữ: 
"Say đi em! Say đi em!
          Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng, cho điên rồ xác thịt!
Rượu, rượu nữa! và quên, quên hết!
          Ta quá say rồi
          Sắc ngả màu trôi...
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi
Chân rã rời ".
    Về thơ , Trần Quang Triều là một nhà thơ giàu tình cảm, phóng khoáng tài hoa với những nhận xét rất tinh tế, xác thực. Những bài thơ của ông hầu hết đều tả cảnh nhưng lồng vào vào đó là tâm sự thất vọng, buồn bã. Ông vui với thiên nhiên, nói nhiều về thú du ngoạn, uống rượu ngâm thơ với bạn bè đồng điệu. Ông có địa vị sang trọng nhưng không thích cảnh bon chen chốn quan trường , ông thích gần gũi với thiên nhiên, ca ngợi cuộc sống êm ả, trù phú nơi thôn dã nên lúc nào cũng muốn "Tìm về " mặc dù tuổi còn trẻ. Phải chăng lúc đó triều đại nhà Trần bắt đầu suy vi mà ông thì không có cánh nào để vực dậy nên thoái thác muốn từ quan? Ông có nhận xét rất tinh tế và sâu sắc  về tình người, về cảnh đẹp thiên nhiên. Xin mượn lời đánh giá của Phan Huy Chú về thơ của ông như sau :"Thanh thoát , đáng ưa".
     Dịch thơ:
Dịch 1/:
Trong thuyền uống rượu một mình
Thành núi vào Thu cảnh tịch liêu
Biển trời tin nhạn đợi buồn thiu
Tình người ấm lạnh, mưa thuyền gõ
Thế thái đầy vơi, bờ nước leo
Bạn cũ cúc tùng, chia mấy nẻo
Tuổi già đàn sách, hợp vui nhiều
Nỗi lòng nặng trĩu buồn khôn xiết
Nâng chén rượu nồng, phách lạc xiêu !
(Nguyễn Cang)
 
Dịch 2/:
Thành núi vào thu cảnh tịch liêu,
Chẳng lá thư nhà đỡ quạnh hiu!
Tình người, thưa nhặt mưa thuyền gõ,
Thế thái lao xao, sóng ngọn triều.
Cúc tùng bạn cũ đòi chia nẻo,
Ðàn sách buồn vui buổi xế chiều.
Ngổn ngang tâm sự lòng thêm nặng,
Mượn chén khuây sầu biết có tiêu?
(Nguyễn Tấn Hưng)
 
Dịch 3/:
Thành non đượm vẻ thu sầu,
Tin nhà trời bể một màu vắng không.
Nhặt thưa mưa nện mui bồng,
Nước ròng nước cạn mà trông sự đời.
Cúc tùng đôi ngả chia phôi,
Hãy còn đàn sách cho người tóc sương.
Gỡ sao muôn nỗi tơ vương,
Chăng là dốc chén mà suông với tình.
(Vũ Khánh)
-----
Nguyễn Cang(13/11/2017)




















































































































































































































































1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...