Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

Những nghề nghiệp cho phụ nữ

Virginia Woolf
Đoàn Huyến dịch
Bài viết dưới đây là bản tóm lược bài thuyết trình của Virginia Woolf trước Hiệp hội Quốc gia vì Nghề nghiệp của Phụ nữ vào 21 tháng 1 năm 1931 và được in lại trong cuốn the Death of Moth and Other Essays, xuất bản sau khi Woolf qua đời. Ở đây, Woolf đề cập đến một bóng ma thời Victoria – Thiên thần chốn Khuê phòng (the Angel in the House), mà thực chất là một ảo ảnh tính nữ lặn sâu trong tâm thức sáng tạo của những người viết nữ, ngăn trở bước đi và sự trưởng thành với tư cách một tác giả chân chính và độc lập của họ. Do đó, theo Woolf, “Giết Thiên thần chốn Khuê phòng là một phần công việc của người cầm bút nữ.”
 Người Dịch

Khi thư kí của Hội mời tôi đến đây, bà có nói rằng Hội của các bạn liên quan đến các vấn đề nghề nghiệp của phụ nữ, và bà đề nghị tôi trình bày một vài kinh nghiệm nghề nghiệp của riêng tôi. Đúng là tôi là phụ nữ, đúng là tôi có nghề nghiệp; nhưng kinh nghiệm nghề nghiệp nào mà tôi có? Thật khó để nói. Nghề nghiệp của tôi là viết văn; và nghề này có ít kinh nghiệm nghề nghiệp cho phụ nữ hơn bất kì nghề nghiệp nào khác, ngoại trừ sân khấu – ít hơn, vì những kinh nghiệm này xa lạ với phụ nữ. Vì con đường đã được mở ra cách đây nhiều năm – bởi Fanny Burney, Aphra Behn, Harriet Martineau, Jane Austen, George Eliot – những người phụ nữ nổi tiếng và những người ít được biết đến và bị quên lãng, trước tôi, đã làm con đường bằng phẳng và điều chỉnh bước tôi đi. Nhờ thế, khi đến với nghề viết, tôi ít bị cản bước trên con đường của mình. Viết văn là một sự nghiệp đáng kính trọng và vô hại. Hòa khí của gia đình không bị phá vỡ bởi việc viết lách. Không có áp lực nào đặt lên ngân quỹ gia đình. Chỉ một shilling mười sáu xu người ta có thể mua giấy đủ để viết tất cả các vở kịch của Shakespeare – nếu họ có đầu óc tầm cỡ ấy. Nhà văn không cần đến những cây đàn dương cầm và các mẫu thiết kế, Paris, Viên, Berlin, những người thầy. Sự phải chăng của giá giấy viết, tất nhiên, là lí do mà vì sao nhiều phụ nữ thành công với tư cách nhà văn trước khi họ thành công trong các nghề nghiệp khác.
Nhưng kể cho bạn nghe chuyện của tôi – chuyện giản dị thôi. Bạn chỉ phải đóng vai một cô gái trong phòng với một cây viết trên tay. Cô ta chỉ cần đưa bút từ trái sang phải – từ mười giờ đến một giờ. Sau rốt, cô nảy ra ý nghĩ làm một việc đơn giản và không tốn kém gì – nhét mấy trang giấy đã viết vào trong một phong bì, dán con tem một xu vào góc thư và bỏ phong bì vào thùng thư góc phố. Đó là cách tôi trở thành kí giả; công lao của tôi được trả giá vào ngày đầu tháng sau – một ngày huy hoàng dành cho tôi – bởi một lá thư từ biên tập viên kèm ngân phiếu một bảng, một shilling, sáu xu. Nhưng để kể bạn biết tôi rất ít đáng để được gọi là một nhà văn chuyên nghiệp ra sao, tôi gần như không biết tí gì về những cuộc đấu tranh và những khó khăn của cuộc sống người cầm bút như thế nào, tôi phải thừa nhận rằng thay vì dành tiền để mua bánh mì và bơ, trả tiền thuê nhà, mua giầy tất hay thịt thà, thì tôi ra phố và mua một con mèo – một con mèo Ba Tư xinh xắn, cũng vì nó mà sau đó tôi dính vào mấy cuộc cãi vã gay gắt với những người hàng xóm.
Còn gì có thể dễ hơn chuyện viết những bài báo và mua những con mèo Ba Tư bằng tiền nhuận bút? Nhưng, đợi đã. Những bài báo phải có một nội dung cụ thể nào đó chứ. Bài báo ấy của tôi hình như là về một tiểu thuyết của một nam nhà văn nổi tiếng. Và trong lúc viết tôi phát hiện ra rằng nếu tôi viết phê bình sách tôi phải chiến đấu với một ảo ảnh nào đó. Và ảo ảnh đó là một người phụ nữ, khi tôi biết cô ấy rõ hơn tôi gọi cô là, Thiên thần chốn khuê phòng theo tên nhân vật chính trong một bài thơ nổi tiếng1. Cô ấy là kẻ luôn đứng giữa tôi và trang viết khi tôi viết phê bình. Cô ấy là kẻ đã làm phiền tôi và làm phí hoài thời gian của tôi và tra tấn tôi tới mức cuối cùng tôi đã giết chết cô ta. Các bạn những người của một thế hệ trẻ hơn, hạnh phúc hơn có thể chưa bao giờ nghe về cô ấy – các bạn có thể không biết khi tôi nói Thiên thần chốn khuê phòng là tôi có ý gì. Tôi sẽ miêu tả về cô ấy ngắn gọn nhất có thể. Cô ấy biết cảm thông sâu sắc. Cô ấy cực kỳ thu hút. Cô ấy hoàn toàn không vị kỉ. Cô ấy thành thục tất cả các kĩ năng khó khăn của cuộc sống gia đình. Cô ấy tận hiến bản thân từng ngày. Nếu có món thịt gà, cô ấy sẽ chọn lấy phần chân xương xẩu; nếu trong nhà có gió lùa cô ấy sẽ ngồi chỗ ấy – một cách ngắn gọn, bản tính cô ấy là không bao giờ có ý kiến riêng hay mơ ước riêng, mà chỉ mong muốn luôn luôn đồng cảm với suy nghĩ và ước muốn của người khác. Hơn hết thảy – tôi chắc chả cần phải nói – cô ấy thuần khiết. Sự thuần khiết của cô ấy được xem như nét đẹp nhất của cô ấy – sự cả thẹn của cô ấy, vẻ duyên dáng của cô ấy. Vào những ngày đó – cuối thời kì nữ hoàng Victoria – mọi nhà đều có Thiên thần của mình. Và khi viết tôi gặp cô ấy ngay ở những từ đầu tiên. Bóng đôi cánh cô ấy phủ lên trang viết của tôi; tiếng váy xống cô ấy sột soạt trong phòng. Hay nói khác đi, ngay khi tôi cầm bút để viết bài phê bình cuốn tiểu thuyết của một tác giả nam nổi tiếng, cô ấy lần đến sau tôi và thì thầm: “Bạn thân mến, cậu là một phụ nữ trẻ. Cậu đang viết về một cuốn sách của một người đàn ông. Hãy cảm thông; hãy dịu dàng; hãy tâng bốc; hãy dối gạt; hãy dùng tất cả các ngón nghề và chiêu thức của giới tính của bạn. Đừng bao giờ để bất cứ ai đoán ra được rằng bạn có quan điểm riêng. Hơn hết thảy, hãy thuần khiết.” Và cô ấy làm như thể dẫn đạo ngòi bút của tôi.
Tôi kể ra đây một đạo luật mà nhờ đó tôi có chút tiền riêng, mặc dù số tiền ấy đúng ra là thuộc về những tổ tiên xuất sắc của tôi, người đã để lại cho tôi – khoảng 500 bảng một năm – để tôi không cần chỉ phụ thuộc vào sự duyên dáng để kiếm sống. Tôi lao vào bóp cổ cô ấy. Tôi cố hết sức để giết chết cô ấy. Lí do của tôi nếu phải ra hầu tòa là tôi hành động để tự vệ. Nếu tôi không giết cô ta thì cô ta sẽ giết tôi. Cô ấy sẽ móc trái tim ra khỏi những trang viết của tôi. Vì, như tôi thấy, ngay khi đặt bút viết, bạn không thể phê bình một cuốn sách mà không có một quan điểm riêng, mà không thể hiện những gì bạn cho là chân lý về mối quan hệ con người, đạo lí và giới tính. Và tất cả những câu hỏi này, theo Thiên thần chốn khuê phòng, không thể được giải quyết một cách tự do và cởi mở bởi những người phụ nữ; họ phải duyên dáng, phải hòa giải, họ phải – nói thẳng ra là – nói dối để thành công. Bởi thế, bất cứ khi nào tôi cảm thấy cái bóng đôi cánh cô ấy hay tia hào quang của cô ấy, tôi quăng ngay lọ mực vào cô ta. Cô ấy không dễ chết tí nào. Bản chất huyễn ảo là trợ thủ đắc lực của cô ấy. Giết một ảo ảnh khó hơn nhiều giết một hình nhân có thật. Cô ấy luôn lẻn trở lại khi tôi nghĩ tôi đã giết cô ấy. Mặc dù tôi tự hoặc mình rằng cuối cùng tôi đã giết cô ấy, nhưng cuộc chiến còn cam go; nó tiêu hao nhiều thời gian mà đáng ra nên dành để học ngữ pháp Hy Lạp; hoặc lang thang khắp chốn để tìm kiếm những cuộc phiêu lưu. Nhưng nó là một kinh nghiệm có thật; nó là một kinh nghiệm đã xảy đến với tất cả những người viết nữ trong thời gian đó. Giết Thiên thần chốn khuê phòng là một phần công việc của người cầm bút nữ.
Tuy nhiên, trở lại với câu chuyện của tôi. Thiên thần chết; vậy cái gì còn lại? Bạn có thể nói rằng cái còn lại là một thể đơn giản và chung chung – một người phụ nữ trẻ trong phòng ngủ bên một nghiên mực. Nói cách khác, giờ cô ấy đã dứt bỏ những sai lạc, giờ cô ấy chỉ phải trở thành chính mình. À, nhưng “chính mình” là cái gì nhỉ? Ý tôi là một phụ nữ là gì nhỉ? Tôi cam đoan với bạn là tôi không biết. Tôi không tin là bạn biết. Tôi không tin rằng bất cứ người nào có thể biết cho đến khi những người phụ nữ được thể hiện mình trong tất cả các ngành nghệ thuật và các nghề nghiệp dành cho kĩ năng của con người.
Đây thực sự là một trong những lí do tôi đến đây vì sự kính trọng đối với các bạn, người, đang trong quá trình cho chúng tôi thấy, bằng những trải nghiệm của chính mình, phụ nữ là gì, những người trong quá trình cung cấp cho chúng tôi, bằng những kinh nghiệm và thành công của mình, những thông tin cực kì quan trọng.
Nhưng xin tiếp tục câu chuyện về những kinh nghiệm nghề nghiệp của mình. Tôi kiếm được mười shilling và sáu xu bởi bài phê bình đầu tiên của mình; và tôi mua một con mèo Ba Tư với tiền nhuận bút. Rồi tôi tham vọng nhiều hơn. Một con mèo Ba Tư là tốt lắm rồi, tôi nhủ; nhưng một con mèo Ba Tư là chưa đủ. Tôi phải có một chiếc xe hơi.
Và như thế tôi trở thành người viết tiểu thuyết – vì là một điều lạ lùng nếu người ta trả bạn một chiếc xe ô tô khi bạn kể cho họ một câu chuyện. Nhưng còn lạ lùng hơn là không có một điều gì thú vị trên đời cho bằng kể một câu chuyện. Nó thích thú hơn viết phê bình những tiểu thuyết nổi tiếng nhiều. Nhưng nếu tôi theo lời người thư kí của các bạn kể các bạn nghe những kinh nghiệm nghề nghiệp của tôi với tư cách một nhà tiểu thuyết, tôi phải nói với bạn về một kinh nghiệm lạ lùng xảy đến với tôi trong khi tôi viết tác phẩm của mình. Và để hiểu nó, đầu tiên bạn phải cố gắng tưởng tượng trạng thái tinh thần của một nhà tiểu thuyết. Tôi hy vọng tôi không tiết lộ những bí mật nghề nghiệp nếu tôi nói rằng khao khát lớn nhất của người viết tiểu thuyết là trở nên vô thức ở mức tối đa nhất.
Anh ta phải tự gây ra một trạng thái ơ thờ liên miên. Anh ta muốn cuộc sống tiến lên với sự yên lặng và đều đặn. Anh ta muốn gặp đi gặp lại những gương mặt, đọc đi đọc lại những cuốn sách, làm những việc giống nhau ngày nối ngày, tháng tiếp tháng, trong khi anh ta viết, để không có gì phá vỡ được ảo cảnh trong đó anh ta đang sống – để không gì có thể làm phiền hay gây phiền muộn cho những kiếm tìm bí mật, những cảm nghĩ, những xúc cảm chợt đến, những nhiệt huyết và những khám phá đột ngột của trực cảm tinh thần mong manh và bẽn lẽn, là trí tưởng tượng. Tôi đồ rằng tình trạng này là chung cho cả người viết nam và nữ.
Dù vậy, tôi muốn bạn hình dung tôi viết trong trạng thái mơ màng. Tôi muốn bạn tưởng tượng mình là một cô gái ngồi với một cây bút trên tay, trong vài phút, thực tế là hàng giờ, mà không nhúng bút vào nghiên mực. Khi tôi nghĩ về cô gái này trong trí óc tôi hiện lên hình ảnh của một ngư phủ nằm chìm sâu trong một giấc mơ bên bờ một con hồ thăm thẳm với cần câu đang được buông. Cô ấy để trí tưởng tượng tự do chạy quanh mọi hang hốc của thế giới nằm chìm sâu trong tồn tại vô thức của chúng ta. Rồi cái trải nghiệm ấy xảy tới, một trải nghiệm mà tôi tin là phổ biến với người viết nữ nhiều hơn là với người viết nam giới. Những dòng chữ ùa đến những ngón tay cô gái. Trí tưởng tượng của cô túa đi. Nó tìm những cái hồ chứa, những chiều sâu, những vùng bóng tối nơi con cá lớn đương ngủ. Và rồi một cú đập. Một tiếng nổ. Sủi bọt và bối rối. Trí tưởng tượng va phải một cái gì đó rắn câng. Cô gái bị thúc khỏi giấc mơ. Cô thực sự ở trong một sự khốn khó nghiêm trọng tột cùng. Nói một cách không hình ảnh, cô ấy nghĩ về một cái gì đó, một thứ gì đó về thân thể, về những khát vọng, những thứ mà với tư cách một người phụ nữ là không phù hợp để nói về. Những người đàn ông, lý trí nói với cô, sẽ sửng sốt.
Ý thức những gì người đàn ông sẽ nói về người đàn bà, người nói lên sự thật về những đam mê của mình đánh thức cô khỏi trạng thái mơ màng của người nghệ sĩ. Cô không thể viết thêm được nữa. Trạng thái xuất thần kết thúc. Trí tưởng tượng của cô không hoạt động được nữa. Điều này tôi tin là một kinh nghiệm rất phổ biến với những người viết nữ, những người bị ngăn trở bởi sự câu nệ thái quá của giới tính kia. Vì mặc dù đàn ông ở mặt này, trên thực tế, tự cho mình thật nhiều tự do nhưng tôi ngờ rằng họ nhận thấy hoặc kiểm soát được sự nghiêm khắc cực đoan mà không lên án cùng thứ tự do đó ở người phụ nữ.
Đây là hai kinh nghiệm chân thực của riêng tôi. Đây là hai trong những khám phá của cuộc đời sự nghiệp của tôi. Kinh nghiệm đầu tiên – giết Thiên thần chốn Khuê phòng – tôi nghĩ là tôi đã giải quyết xong. Cô ấy chết. Nhưng nghĩ lại thì, nói một cách thành thật về kinh nghiệm của tôi trên góc độ toàn bộ thân thể, tôi không nghĩ là tôi đã giải quyết được. Tôi không cho là người phụ nữ nào có thể giải quyết xong. Những điều ngáng trở cô ấy vẫn còn rất mạnh – nhưng rất khó để định nghĩa chúng. Nhìn bên ngoài thì, còn gì đơn giản hơn viết một cuốn sách? Phụ nữ đâu bị ngáng trở nhiều hơn đàn ông? Bên trong, tôi nghĩ, vấn đề thật sự khác; cô ấy vẫn có nhiều bóng ma để chống lại, nhiều định kiến để vượt qua. Thực tế, còn lâu mới đến lúc, tôi nghĩ, phụ nữ có thể ngồi viết một cuốn sách mà không thấy những bóng ma để phải đánh bại hay thấy mình đập phải một tảng đá.
Và nếu chuyện là thế trong văn học, nghề nghiệp tự do nhất trong các nghề nghiệp cho phụ nữ, thì sự thể sẽ ra sao trong những nghề nghiệp mới mà bây giờ các bạn lần đầu bước vào?
Đây là những câu hỏi, tôi muốn, nếu có thời gian, để hỏi các bạn. Sự thực là, tôi nhấn mạnh những kinh nghiệm nghề nghiệp của mình bởi tôi tin chúng cũng là, dù ở một hình thức khác, kinh nghiệm của bạn. Thậm chí con đường nghề nghiệp trên danh nghĩa là mở rộng – khi không có gì ngăn cấm một phụ nữ trở thành một bác sĩ, một luật sư, một viên chức – vẫn còn rất nhiều bóng ma và những trở lực, như tôi tin, lù lù chắn đường cô ấy. Tranh luận và làm sáng tỏ chúng, tôi coi là có ý nghĩa và giá trị lớn; chỉ khi người lao động có thể được chia sẻ, vấn đề mới được giải quyết. Nhưng bên cạnh đó, cũng cần thiết để tranh luận những cứu cánh [the ends and the aims] mà vì chúng, chúng ta chiến đấu, vì chúng, chúng ta đấu tranh với những trở lực khó khăn nhất. Những cứu cánh này không thể cho là mặc nhiên đúng; chúng phải được tra vấn và kiểm tra liên tục. Toàn bộ tình thế như tôi thấy ở đây, trong hội trường đông đảo những người phụ nữ lần đầu trong lịch sử làm nhiều nghề nghiệp khác nhau mà tôi không biết hết – là thú vị và quan trọng. Bạn đã giành được những căn phòng cho riêng mình trong căn nhà cho đến nay vẫn thuộc đặc quyền của đàn ông. Bạn có thể, dù không phải là không cần nỗ lực và lao động, trả tiền thuê nhà. Bạn kiếm được cho mình năm trăm bảng mỗi năm. Nhưng tự do này mới chỉ bắt đầu – căn phòng là của bạn nhưng nó vẫn trống hoác. Nó phải có thêm đồ đạc, phải được trang trí, phải được chia sẻ. Bạn sẽ thêm đồ đạc như thế nào, bạn sẽ trang trí nó ra sao? Với ai bạn sẽ chia sẻ chúng và trên những điều kiện nào? Đây, tôi nghĩ là những câu hỏi cực kì quan trọng và thú vị. Vì lần đầu trong lịch sử bạn được hỏi chúng; lần đầu tiên chính bạn có thể tự quyết định câu trả lời. Tôi vui lòng lưu lại và tranh luận những câu hỏi và những câu trả lời này – nhưng không phải tối nay. Thời gian đã hết, tôi phải dừng lại ở đây.
Bài dịch được thực hiện trên tài liệu đăng tải trên website: www.s.spachman.tripod.com

1 Bài thơ Thiên thần chốn khuê phòng (The Angel in the House) viết về cuộc hôn nhân hạnh phúc lý tưởng, của nhà văn Anh Coventry Patmore (ND.)

1 nhận xét:

FOULA - Hòn Đảo Xa vXoi6 Nhất Có Người Sinh Sống Ở Anh

  Hòn đảo biệt lập này chỉ có khoảng 30 người sinh sống và là hòn đảo xa xôi nhất có người sinh sống ở Anh. Foula là một trong những hòn đảo...