Khái niệm làng sinh thái đã có từ lâu ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, nó chỉ được phổ biến rộng rãi từ năm 1992, khi những người đứng đầu nhiều nhà nước trên thế giới cam kết phát triển bền vững và tôn trọng môi trường.


Làng sinh thái là gì?


Làng sinh thái được hiểu là một cộng đồng nhỏ thống nhất vì một mục đích chung, dựa trên các giá trị sinh thái và tôn trọng nguyên tắc “không lấy của đất đai nhiều hơn cái mà ta có thể trả lại cho nó”.

Làng sinh thái đặt mục tiêu xây dựng một tương lai bền vững, thực hiện một phương thức sống tập thể sinh thái và công bằng. Các cư dân của làng sinh thái xác định mục tiêu tôn trọng con người, xây dựng nền kinh tế nhân văn, tôn trọng môi trường, dùng các công nghệ không gây ô nhiễm, các vật liệu sạch, năng lượng tái tạo được và tái sử dụng chất thải…

Làng sinh thái đặt mục tiêu xây dựng một tương lai bền vững, thực hiện một phương thức sống tập thể sinh thái và công bằng.

Như vậy, làng sinh thái phải đảm bảo sự cân bằng:

– Về sinh thái: sống hài hoà với môi trường, sản xuất thức ăn sạch, cân đối dinh dưỡng, tạo chất thải ít nhất, giữ nước sạch, dùng chất thải để tái tạo môi trường, dùng năng lượng tái tạo được.

– Về xã hội: tạo ra một xã hội bền vững và tin tưởng lẫn nhau, cho phép mỗi cá nhân có thể tự do xây dựng vì lợi ích chung. Tôn trọng tài năng, sự sáng tạo, thúc đẩy giáo dục và tăng cường sức khoẻ cho cộng đồng.

– Về tinh thần: sức sống văn hoá phải bền vững, phát triển hoạt động văn nghệ và văn hoá truyền thống, coi trọng các giá trị tinh thần, tín ngưỡng.


Các làng sinh thái nổi tiếng


Làng sinh thái Findhorn (Scotland) ban đầu là một nhóm người 

sống với nhau, thử trồng rau trên một bãi đậu xe đất cát, sau trở thành một vườn rau, hoa và cây thuốc rất tốt.

Năm 1972, gần 300 người đến đây và lập ra một trung tâm giáo dục, thu hút giáo viên từ các trường đại học trong vùng. Cuối các năm 1980 trở thành một làng sinh thái với 40 ngôi nhà sinh thái và có một trạm phát điện chạy bằng sức gió.

Làng sinh thái Findhorn (Scotland)

Làng sinh thái Lebensgarten (Đức), năm 1985 là một cộng đồng 
có 4 héc-ta, ban đầu chỉ là nơi nghỉ dưỡng cho những người dân sống ở Berlin. Tuy nhiên, sau này, họ quyết định xây dựng một cộng đồng với cách sống tránh thành kiến và cạnh tranh, đồng thời khuyến khích sự tương trợ và hợp tác hoà bình. Cuộc sống ban đầu gặp rất nhiều khó khăn nhưng cuối cùng họ cũng tìm được giải pháp, đó là luôn đối xử với nhau bằng sự bao dung.

Ngoài ra, việc tập trung vào giáo dục về dinh dưỡng tự nhiên, nông nghiệp sinh thái, tạo ra năng lượng và tôn trọng môi trường đã mang lại những kết quả bất ngờ; đặc biệt, tư tưởng Thiền của Phật giáo phát triển rất mạnh trong cộng đồng. Làng sinh thái này được Liên hiệp quốc đánh giá là có kết quả về nông nghiệp sinh thái nhất trong các làng sinh thái.


Làng sinh thái Crystal Waters (Australia) thành lập năm 1989 là 
làng nông nghiệp sinh thái, có 200 cư dân, nằm ở một khu vực hoang dã có rừng và hệ động vật đa dạng. Họ sử dụng năng lượng mặt trời và tái tạo, xử lý chất thải, xử lý nước. Nhìn chung, chất lượng nước ở đây rất tốt, rừng được bảo vệ và phục hồi, trồng các loại cây bản địa cũng như bảo vệ quần thể sinh vật phong phú.

Có 16 dân tộc sống với nhau trong không khí văn hoá đa dạng. Họ trồng trọt đa dạng nhiều loại cây nhưng không bao giờ sử dụng chất hoá học. Họ phủ đất, dùng phân hữu cơ, chăn thả vật nuôi, chăn nuôi hữu cơ, nuôi ong, nuôi cá, nông lâm kết hợp, trồng cây ăn quả, trồng xen canh, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp.

Họ chăm sóc sức khoẻ bằng Yoga, Thiền, châm cứu, xoa bóp, Aikido, và các liệu pháp cổ truyền chứ không sử dụng nhiều đến các phương pháp Tây y. Họ đặc biệt coi trọng việc sống hòa hợp, gần gũi với thiên nhiên và giữ gìn văn hóa truyền thống.


Làng sinh thái Kobunaki (Nhật Bản) là nơi tìm tòi một lối sống 
mới cho thế kỷ XXI. Làng có 15 héc-ta, trồng nhiều cây ăn quả, cây thuốc, hoa, rau, tạo cảnh quan nuôi dưỡng con người cả về tinh thần lẫn vật chất. Họ dùng các hệ thống tự nhiên để tạo ra năng lượng, làm sạch nước và xử lý chất thải bằng công nghệ mới.

Làng sinh thái Kobunaki (Nhật Bản) là nơi tìm tòi một lối sống mới cho thế kỷ XXI

Làng sinh thái ReGen Villages (Hà Lan) là ý tưởng của Công ty 

Regen Villages có trụ sở tại California, Mỹ nhằm mục đích tạo ra các khu dân cư không sử dụng năng lượng điện và hướng đến cuộc sống bền vững với khả năng tự sản xuất thực phẩm, năng lượng, quản lý rác thải tại địa phương và tái sử dụng nước.

Bất kỳ chất thải gia đình nào cũng đều có thể ủ phân để làm thức ăn cho gia súc hoặc ruồi lính. Sau đó, những con ruồi lính sẽ là thức ăn để nuôi cá, và chất thải của cá sẽ là một loại phân bón cho hệ thống nuôi trồng rau quả trong nhà. Những khu vườn mùa vụ sẽ được bón phân bởi chất thải từ gia súc.

Làng sinh thái ReGen Villages (Hà Lan) không sử dụng điện lưới, tự sản xuất thực phẩm, năng lượng, quản lý rác thải tại địa phương và tái sử dụng nước.

Một thiết bị khí sinh học có thể biến các chất thải gia đình không phân huỷ thành năng lượng và nước. Một hệ thống lưu trữ nước sẽ thu thập nước mưa và “nước xám” (nước bị ô nhiễm) sau đó phân phối đến các khu vườn mùa vụ.

Nhìn chung, sự xuất hiện của làng sinh thái sẽ thay thế hiệu quả cho quá trình đô thị hóa đang ngày càng phát triển chóng mặt ở nhiều quốc gia, đồng thời hạn chế sự khan hiếm của thị trường bất động sản, nhà ở và cũng là giải pháp tối ưu nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên đang cạn kiệt.


Đây có thể sẽ là một mô hình tuyệt vời cho một tương lai bền vững, thân thiện với môi trường, nơi mà các tiêu chuẩn sống văn minh sẽ được tích hợp với những công nghệ thông minh vào trong cuộc sống hàng ngày.


Hiểu Minh (daikynguyen.com)