Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

LAI LỊCH CỦA CHỮ SONG HỶ - Đỗ Chiêu Đức

                  VƯƠNG AN THẠCH và Chữ SONG HỈ

                     Inline image
       Sau đây, xin kính mời Quý Thầy Cô, Quý đồng môn Cựu Học Sinh Trung học PTG & ĐTĐ, các bạn Vườn Thơ Thẩn và Các Em học sinh trường TÂN HƯNG cũ, cùng nghe lai lịch của chữ SONG HỈ 囍 rực rỡ đỏ tươi trong các Hôn Lễ Trung Hoa xưa và mãi cho đến ngày nay, bất cứ nơi nào trên thế giới có Lễ cưới của người Hoa, người Việt thì ta sẽ thấy chữ SONG HỈ vui tươi rực rỡ nầy xuất hiện. Nó được viết bằng 2 chữ HỈ 喜 liền nhau, nên gọi là SONG HỈ 囍, ý chỉ đây là ngày vui của 2 HỌ. Nhưng, lúc đầu nó là 2 niềm vui đến cùng một lúc với Văn, Thi Hào và là Tể Tướng VƯƠNG AN THẠCH đời Tống. Xin kính mời Quý vị cùng tiêu khiển với câu chuyện Văn chương lý thú sau đây....

                 Inline image
             
        Vương An Thạch ( 18-02-1021-- 21-05-1086 ), Tự là Giới Phủ, hiệu là Bán Sơn, được phong là Kinh Quốc Công, nên người đời còn gọi là Kinh Công. Người đất Lâm Xuyên thuộc Vũ Châu đời Bắc Tống. Ông là Thừa Tướng của triều Bắc Tống, lãnh tụ của Tân Đảng ( Đảng Cải Cách ). Âu Dương Tu đã ca ngợi ông như sau :

           Hàn lâm phong nguyệt tam thiên thủ, 翰林風月三千首,
           Lại bộ văn chương nhị bách niên.        吏部文章二百年。
           Lão khứ tự lân tâm thượng tại,           老去自憐心尚在,
                Hậu lai thùy dữ tử tranh tiên.             后來誰與子爭先。  
Có nghĩa :
               Ba ngàn bài gió trăng phong nguyệt,
               Hai trăm năm Lại bộ văn chương.
               Già đi tự cảm thương thân phận
               Hậu thế ai người dám sánh ông ?!

         Tác phẩm gồm có " Vương Lâm Xuyên tập, Lâm Xuyên tập Thập di,... ". Ông còn giỏi về thi, từ. Lưu truyền nổi tiếng nhất trong dân gian là 2 câu thơ trong bài " Bạc thuyền Qua Châu ( Thuyền ghé bến Qua Châu ) là :
         Xuân phong hựu LỤC Giang nam ngạn,  春風又綠江南岸,
         Minh nguyệt hà thời chiếu ngã hoàn ?    明月何時照我還。
Có nghĩa :
         Gió xuân lại thổi làm cho bờ Giang nam XANH biếc,
         Trăng bao giờ mới soi sáng trên đường ta về quê ?!

    Chữ LỤC 綠 là Hình Dung Từ, có nghĩa là : Màu xanh lá cây. Ở đây được tác giả sử dụng làm Động Từ một cách thật khéo léo và thật gợi hình :
      " Gió xuân lại làm cho XANH cả bờ bãi của xứ Giang Nam."
Có nghĩa :
     Khi gió xuân về tức là mùa xuân cũng đã về làm cho cây cỏ đâm chồi nẩy lộc mang đến màu xanh cho xứ Giang Nam, chớ bản thân gió xuân không thể làm cho xứ Giang Nam xanh lên được. Nên...
     Chỉ một chữ XANH ( Lục ) thôi đã mang lại đầy đủ sức sống của hoa cỏ mùa xuân và như chiếc đủa thần của tạo hóa : Gió xuân thổi tới đâu là mang màu xanh đến nơi đó ngay !

        " 囍 " 的来历
LAI LỊCH CỦA CHỮ SONG HỈ
  
         Chữ SONG HỈ lớn màu đỏ, treo ở trước cửa phòng Hoa chúc, chẳng những tạo thêm không khí vui tươi mà còn tượng trưng cho SONG HỈ LÂM MÔN ( Hai niềm vui đến nhà cùng một lúc ). Căn cứ theo ghi nhận của Sử liệu, thì lai lịch của chữ SONG HỈ nầy xuất phát từ Tể Tướng Vương An Thạch đời Bắc Tống, Câu chuyện như sau.....
         Tương truyền năm 20 tuổi, khi từ Lâm Xuyên Vũ Châu đến kinh đô Lạc Dương để ứng thí, khi nghỉ ở khách sạn Mã gia trấn để chờ dự thi. Một hôm, sau buổi cơm tối, ông thả bộ ra phố, khi đi ngang qua nhà Mã viên ngoại, thấy phía trước cửa nhà treo 2 cái lồng đèn kéo quân, bên cạnh có đôi câu đối như sau :

             Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ.
          走  馬   燈,    燈   走   馬,   燈   熄   馬   停   步。
 Có nghĩa :
        Tẩu Mã Đăng là Đèn Chạy Ngựa, ta gọi là Đèn Kéo Quân.
 Nên câu trên có nghĩa :
         Đèn chạy ngựa, ngựa chạy trên đèn, đèn tắt ngựa ngừng chạy.
 Theo nghĩa của ta thì là :
         Đèn kéo quân, quân kéo đèn, đèn tắt quân ngừng kéo.


                  Inline image  Inline image
                          2 loại Đèn Kéo Quân

         Vương An Thạch xem xong trầm ngâm giây lát, bỗng vỗ tay đánh đét một tiếng khen : " Câu đối hay tuyệt, nhưng rất tiếc là không có vế đối lại ! ". Người quản gia nghe thấy vội vàng chạy vào bẩm báo với Mã viên ngoại, nhưng khi Mã viên ngoại ra tới cửa thì Vương An Thạch đã đi xa rồi.
         Sự đời cũng lắm việc trùng hợp ngẫu nhiên, hôm sau khi đi thi, vì văn tài mẫn tiệp,làm bài nhanh nộp quyển sớm, nên được quan chủ khảo chú ý ngợi khen và gọi lên hạch miệng. Ông chỉ ra cột cờ trước sân, nơi có treo lá cờ thêu hình một com hổ bay với đôi cánh vươn ra và đọc :

                Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân.
                飛  虎 旗, 旗  飛  虎,旗    捲    虎  藏    身。
 Có nghĩa :
             Cờ cọp bay, cọp bay trên cờ, cờ cuốn cọp ẩn mình.

                  Inline image  Inline image
                        Phi Hổ kỳ
         Vương An Thạch buộc miệng đọc ngay câu đối của Mã viên ngoại :" Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ ", để đối lại.  Quan chủ khảo vô cùng tán thưởng và kinh ngạc trước tài ứng đối mau lẹ và chính xác của Vương An Thạch, và không ngớt lời ngợi khen.
        Rời khỏi trường thi, Vương vô cùng đắc ý, trong lúc hớn hở đi về nhà trọ, thì người Quản gia nhà họ Mã nhận ra Vương và mời về phủ ra mắt viên ngoại. Khi vào đến phòng khách thì đã thấy trên bàn bày sẵn văn phòng tứ bảo, giấy mực hẳn hoi. Mã Viên ngoại đọc ngay câu đối " Tẩu mã đăng..." cho chàng đối . Vương An Thạch chẳng ngần ngừ chút nào cả, hưu bút viết ngay câu đối mà Quan chủ khảo đã ra cho chàng là " Phi hổ kỳ..."  để đối lại. Viên Ngoại vô cùng đẹp dạ, kinh ngạc trước tài ứng đối mau lẹ của Vương và rất vui vẻ mà cho Vương biết rằng, ông ra câu đối nầy là để kén rể, nay mến tài mẫn tiệp của Vương nên quyết định gả con cho chàng. Chọn ngày lành tháng tốt và làm lễ thành hôn ngay tại Mã phủ.

        Trong lúc cô dâu chú rễ sắp làm lễ bái đường, thì có sứ đến tuyên đọc kết quả kỳ thi vừa qua, và cho biết Vương An Thạch vừa đậu Tiến sĩ cập đệ, ngày mai được mời vào cung Quỳnh Lâm dự yến. Mã Viên ngoại vô cùng mừng rỡ, truyền bày thêm tiệc rượu để khoản đãi quan khách. Riêng Vương An Thạch cũng vui mừng vô hạn, đang cơn hứng chí bèn sẵn giấy bút viết ngay HAI chữ Hỉ sát vào nhau dán lên cửa để mừng cho Hai niềm Vui lớn đến cùng một lúc, Hỉ thượng gia Hỉ, Đại tiểu Đăng Khoa cùng một lúc. 

                     Inline image
                      Các kiểu chữ SONG HỈ

        Từ đó dân gian mới có lệ, chú rể được mặc áo Trạng Nguyên Tiến Sĩ trong ngày cưới và dán chữ SONG HỈ ở khắp nơi trong nhà khi làm lễ Thành hôn cho đến hiện nay. Ngay cả ở nước Mỹ nầy, trước mắt các nhà hàng đều có sẵn chữ SONG HỈ và hình rồng phụng hai bên trong các phòng ăn rộng dành riêng cho cô dâu chú rể đãi khách trong ngày lễ Tân Hôn.

                                                         Đỗ Chiêu Đức
 

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...