Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Huế Nói Trại - Không Đề Tên Tác Giả

  Nói trại là nói sai giọng, không đúng âm theo giọng viết, nói trại đôi khi cũng dùng trong trường hợp “nói khác đi, nói cách khác” . Cách nói bị biến âm này rất phổ thông ở Huế, nhất là dân cư vùng biển . Nói trại làm cho âm thanh nặng hơn, khó hiểu hơn .

Con tâu tắng ăn ngoài bụi te tức là con trâu trắng ăn ngoài bụi tre .

Tời tong tẻo,nước tong veo: Trời trong trẻo, nước trong veo .

Hầu hết những từ bắt đầu bằng “nh” đều được người Huế nói trại thành “gi”: già (nhà) .

Giớ già giớ vợ ở già: Nhớ nhà nhớ (luôn) vợ ở nhà!

Những từ bắt đầu bằng “s” thì nói trại ra thành “th”:

Ăn thung mặc thướng:Ăn sung mặc sướng hoặcThầy gòn là Sài gòn, hoặc nữa: Noái năng thòng phẳng: nói cho sòng phẳng, rõ ràng .

Lối phát âm của người Huế không xác định được âm cuối là “n” hay “ng”:

Con thằng lằng chép miệng thở thang !: Con thằn lằn chép miệng thở than!

Những chữ có âm “o” thường nói trại ra “oa”: Xa voài voại, noái khôn tới, với khôn được, ngó khôn chộ: Xa vòi vọi, nói không tới, với không được, nhìn không thấy!

Hoặc nữa:
Đi coai boái, thầy boái noái đi coai cái voài voai

Đi coi bói, thầy bói nói đi coi cái vòi voi !

Những chữ có âm “ô”, người Huế thường nói trại thành âm “u”:

Thúi trong thúi ra: Thối từ trong ra ngoài. Túi lửa tắt đèn: Tối lửa tắt đèn.

Vô rú mà đốn săng: Vào rừng mà đẵn gỗ . Săng cũng đã góp mặt trong mấy câu hò giã gạo với lối đối đáp rất “văn hóa” của Huế:

Bên nữ:

Lẻ củi săng chẻ ra văng vỏ
Bỏ vô lửa đỏ than lại thành than
Trai nam nhân chàng mà đối đặng
Thiếp xin kết nghĩa tào khang trọn đời

Nghĩa: Cây củi gỗ chẻ ra văng (Văn) vỏ (Võ), thảy vô lửa thì thành (Thành) than (Thang) . Cái kẹt là ý lại thâm hậu, cao xa hơn nhiều: Các danh từ :Văn, Võ Thành, Thang là những vị vua thời Tam Đại, Tây Châu bên Tàu .

Bên Nam:

Trâu ăn giữa vạc ló lỗ
Đã ngụy chưa tề !
Nam nhân chàng đã đối đặng
Thiếp đã chịu theo chàng hay chưa ?

Nghĩa: Con trâu (Trâu) ăn giữa vạt lúa trổ (Lỗ), sao kỳ quá vậy ? Ý ư, cũng điển tích như ai: Trâu, Lỗ, Ngụy Tề là bốn nước thời Xuân thu Chiến Quốc cũng ở bên Tàu luôn . Còn hai người có “tào khang” với nhau được hay không là chuyện . . .
của họ

En trên rầm thượng bổ xuống, nằm ngay đơ cán cuốc, phải địu đi nhà thương !:Anh ấy té trên rầm thượng té xuống, nằm cứng như cán cuốc, phải bồng, cõng đi nhà thương ! ( Bệnh viện ).
Rầm thượng là gác lửng, hay kho chứa bên dưới mái nhà ? Ở Huế, rầm thượng không phải là chỗ ngủ nghỉ mà là nơi chứa những đồ gia dụng đáng giá nhưng phải cỡ nhỏ, vì không có lối lên . Muốn lên rầm thượng, phải bắc thang; thân phụ tôi đã dùng rầm thượng để cất giữ những đồ cổ vừa phải, không qúy lắm .Còn nếu qúy nữa thì bỏ vào rương xe, một thứ tủ thấp đóng bằng gỗ thật dày, có nắp đậy, có luôn 4 bánh xe để đẩy vì khiêng không nổi, nặng quá mà ! Mặt bằng của rương xe là cái đi-văng, tối tối cứ trải chiếu nằm ngủ trên đó là khỏi lo trộm đạo

Nước mắt chặm hoài không khô, răng khổ ri nì trời !: Nước mắt lau, thấm hoài không khô, sao khổ vậy nè trời ! Chữ chặm cũng đã lãng đãng trong mấy câu hò giã gạo, mà vì não nùng ai oán quá, nghe hò xong e phải . . bỏ chày luôn:

Hai hàng nước mắt như mưa
Cái khăn lau không ráo
Cái áo chặm không khô
Công anh đổ xuống ao hồ
Quì thưa bẩm dạ thuở mô đến chừ !

Mặt mày chạu bạu, ai chịu cho thấu !: Mặt mày một . . đống, ai chịu cho nổi ! Chữ thấu cũng có nghĩa là tới: Kêu trời không thấu: Kêu không tới trời; Vô thấu trong Thầy gòn: Vô tuốt trong Sài gòn . Mả cha cái thằng vô hậu: Tiên sư cái thằng đoảng

Ăn trầu cơi thiếc: Ăn trầu (để) trong hộp, quả bằng thiếc . Cái cơi thiếc cũng đã đi vào tục ngữ Huế: Uống nước chè tàu, ăn trầu cơi thiếc.

“Mả cha mi” là tiếng chửi, lời nhiếc mắng rất thông dụng ở Huế, đồng nghĩa với “mồ cha mày” . Lối chửi này ít thông dụng ở những địa phương khác .

Đi xe hay đi chưn xuống rứa ?: Đi xe hay đi bộ xuống đây vậy ?

Túi thùi thui, có chộ chi mô !: Tối quá, không thấy gì hết!

Rạt gáo rồi mà còn làm le làm gió !:Cạn túi rồi mà còn làm chảnh, làm sang !

Ăn đoại cơm hến, uống đoại nước chè: Ăn tô cơm hến, uống bát nước chè (xanh) .

Tục ngữ Huế: Ăn lưng đoại, làm đoại lưng (làm muốn gãy lưng !) .

Cơm hến, chẳng có chi cầu kỳ, nhưng nhiều mùi vị với lưng bát cơm nguội, rau sống, thân chuối non, rau mùi xắt nhuyễn, nước luộc hến chan vô, cho chút xíu ruốc, bỏ chút ít hến xào, thêm vài trái ớt, đúng với cái ít ỏi của Huế .

Bữa ni đi kéo ghế: Hôm nay đi ăn nhà hàng . Người Huế, nhất là ở thôn quê, thường dọn cơm trên phản, trên tấm ngựa . Không dọn trên bàn nên khỏi có cái vụ kéo cái ghế mà ngồi vào bàn . Vì thế, mỗi khi được dịp đi ăn ở quán, ở nhà hàng thì gọi là đi kéo ghế .

Huế làm đày làm láo, Huế nói chữ

Vâng, người Huế, nhất là mấy o, mấy mệ thì ưa ăn nói văn hoa chữ nghĩa, ưa đa sự đa lự, ưa . . . làm đày làm láo, tức ưa xảnh xẹ, ưa nói lý nói sự, nói dông nói dài . Thêm vào đó, phải nói cho hay, khi trầm khi bổng, lúc nhặt lúc khoan thì “tụng” mới phê !

Cái phong cách noái lặp đi lặp lại của người Huế vừa như là một cách nhấn mạnh, vừa có vẻ dạy đời lại vừa mang nhiều ý nghĩa khác, xa xôi hơn, thâm thúy hơn nữa.

Để mô tả cái sự lanh chanh lắm, xí xọn quá, lu bu lắm . Người Huế ít khi dùng chữ lắm hay chữ quá mà dùng điệp ngữ:Cái con nớ, lanh cha lanh chanh ! Mấy mụ o giọn (nhọn) mồm tức mấy bà chị chồng mỏng mép của Huế vẫn đôi khi chê em dâu: Răng mà hắn vô phép vô tắc rứa hè !: Sao mà nó vô phép quá vậy!

Về màu sắc, người Huế thường có lối nói điệp ngữ để nhấn mạnh:
xanh lè lè, đỏ lòm lòm, đen thùi thui, vàng khè khè, tím giắt giắt (tím ngắt) .

Bởi, cà rịch cà tang rứa mà đoài làm giôn !: Vậy đó, tà tà, lè phè vậy mà đòi làm rể !

Còn nữa, để than trách ông trời sao mưa lâu quá, mấy o ngồi chỏ hỏ trong nhà dòm ra, chép miệng than dài than ngắn: Mưa chi mưa mưa thúi đất thúi đai !.

Một bà mẹ tụng cô con gái, một bà chị cả mô-ran cô em thứ mà nghe cứ như là đang đọc một bài đồng giao với vần điệu, trầm bổng cũng là một trong những sinh hoạt dưới mái gia đình:Mi phải suy đi nghĩ lại cho kỹ ! Mi coi, là con gái con lứa, đừng có đụng chăng hay chớ, cũng đừng lật đa lật đật, cũng đừng có mặt sa mày sỉa . Bọ mạ thì quần ống cao ống thấp, tất ba tất bật để nuôi mình . Tau thấy mi rứa, tau cũng rầu thúi ruột thúi gan !

Cái thông điệp cho thằng em trai thì: Năm tể năm năm tê, mi còn lẩm đa lẩm đẩm, mũi rãi thò lò, chừ mi nậy rồi, phải biết ăn biết noái, biết goái biết mở, vô khuôn vô phép . Chớ mai tê mốt nọ mi nên vai nên vế, nên vợ nên chồng, làm răng mi bông lông ba la hoài như cái đồ trôi sông lạc chợ cho được ?!

Mấy ôn, khi giáo huấn con cháu, vẫn thường trích dẫn ca dao, tục ngữ để đệm thêm cho ý tưởng của mình: Đó, mi thấy đó . Ai ơi chớ phụ đèn chai, thắp trong Cần Chánh rạng ngoài Ngọ Môn . Mi đoảng, mi vô hậu, được bèo quên rá, được cá quên nơm; thì mi lấy ai mà bầu bạn, lấy mô mà tri kỷ !
Xa Huế đã lâu lắm rồi, từ ngày vừa biết tập tành đi nghễ mấy o Đồng Khánh, vừa ngấp nga ngấp nghé muốn vào (nhưng sợ bị chưởi) nhấm nháp thử ly cà phê đen sánh của cà phê Phấn, nơi mà các anh hùng trong thiên hạ vẫn tấp nập ra vào; và cũng vừa biết để dành tiền để mua những tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn tại nhà sách Ưng Hạ .

Phong cách Huế không ít thì nhiều cũng đã phôi pha, thổ ngữ Huế cũng không mấy khi có dịp để dùng lại cho đỡ giớ, cho khỏi quên; thành ra cũng xao lãng đi nhiều .

Trong cái xao lãng bỗng có ý nghĩ muốn tìm lại, noái lại tiếng noái của thời cũ rích cũ rang nhưng đằm thắm đó . Cho nên chỉ xin được ghi lại đây những gì còn nhớ mài mại, để gọi là khơi lại chút âm thanh của những ngày xưa cũ


Không đề tên tác giả

1 nhận xét:

FOULA - Hòn Đảo Xa vXoi6 Nhất Có Người Sinh Sống Ở Anh

  Hòn đảo biệt lập này chỉ có khoảng 30 người sinh sống và là hòn đảo xa xôi nhất có người sinh sống ở Anh. Foula là một trong những hòn đảo...