Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

Lần đầu tiên tiết lộ những bức ảnh hiếm hoi chụp vườn Viên Minh trước khi bị cháy



Được mệnh danh là “Vườn của muôn vườn”, Viên Minh là tổ hợp cung điện, vườn cảnh ở Bắc Kinh, hội tụ tinh hoa nghệ thuật kiến trúc Trung Hoa. Sau hàng trăm năm, vẻ đẹp của nó một lần nữa khiến nhiều người sửng sốt. 
Nằm cách thành Bắc Kinh chừng 5 km về phía Tây Bắc, vườn Viên Minh là một trong những công trình vĩ đại bậc nhất Trung Quốc. Vườn được khởi công xây dựng dưới thời vua Khang Hy, gồm 3 khu lớn là: Viên Minh Viên, Trường Xuân Viên và Kỳ Xuân Viên, tạo thành “Viên Minh Tam Viên”. Toàn bộ khu vườn có 123 thắng cảnh, kỳ quan nằm trên diện tích chừng 160 km2. Viên Minh Viên còn có 19 cổng, 5 đập nước, hơn 140 tòa kiến trúc cổ, hơn 100 cây cầu gỗ. Ngoài ra, ở đây cũng lưu trữ rất nhiều sách cổ quý giá.
Tuy nhiên kỳ quan này đã phải trải qua nhiều kiếp nạn lớn. Năm 1860, liên quân Anh, Pháp tấn công thành Bắc Kinh đã phóng hỏa đốt cháy Viên Minh Viên trong 3 ngày 3 đêm. Hơn 300 quan lại trông coi và cung nữ đã bị chết cháy. Tiếp đó năm 1900, nơi này lại bị liên quân 8 nước đốt trụi một lần nữa. Những năm 70, hầu như toàn bộ diện tích của vườn Viên Minh lại bị lấn chiếm xây dựng. Khu vườn xinh đẹp ngày nay chỉ còn lại là một bãi đất hoang tàn đổ nát.
Sự lụi tàn của vườn Viên Minh khiến nhiều người tiếc nuối. Vẻ đẹp hùng vĩ của công trình đáng ra đã bị chìm sâu vào quên lãng nếu không có câu chuyện bất ngờ của người thợ ảnh tên Ernst Ohlmer. Ohlmer là một trong những người phương Tây được thuê làm việc tại Cục Hải quan của người Anh tại Đại Thanh lúc bấy giờ. Ông chỉ là một nhân vật bình thường, tư liệu về Ohlmer cũng rất hạn chế, chỉ biết rằng Ohlmer sinh ra ở Betheln (Đức), gia đình kinh doanh quán trọ.
Năm 1867, ở tuổi 20, ông mở một cửa hàng chụp ảnh ở Hạ Môn nhưng không lâu sau thì phải đóng cửa và chuyển sang làm nghề hải quan. Sau đó Ohlmer liên tục được thăng chức và chuyển nhà từ Hạ Môn tới Bắc Kinh, Quảng Đông rồi Thanh Đảo, cho tới năm 1914 cùng vợ trở về Đức.
Trong thời gian ở Bắc Kinh, khi tới thăm Viên Minh Viên, đam mê nhiếp ảnh vốn có trong mình khiến Ohlmer không thể ngồi yên. Ông đã chụp được những bức hình hiếm hoi về tuyệt tác này, chính là những bức ảnh giống với diện mạo ban đầu của vườn Viên Minh nhất.
Năm 1873, nghĩa là 13 năm sau khi vườn Viên Minh bị thiêu rụi, Hoàng đế Đồng Trị lúc bấy giờ ra lệnh tu sửa phục hồi lại vườn Viên Minh. Tuy nhiên dự án khởi công chưa được 1 năm thì phải dừng lại bởi thiếu hụt ngân sách và bị quần thần phản đối.
Ngay sau khi vườn Viên Minh bị cháy, người ta đã cắt cử quân lính đến bảo vệ. Tuy nhiên khu vực lầu Tây Dương nằm khá biệt lập ở phía Đông, bảo vệ cũng lơi lỏng hơn. Bởi vậy Ohlmer và những người phương Tây khác mới có thể dễ dàng vào đây tham quan chụp ảnh.
Ohlmer đã chụp tổng cộng 12 bức ảnh, ghi lại cảnh tàn tích của vườn Viên Minh và lầu Tây Dương ngay sau vụ cháy. Ông chính là người sớm nhất chụp ảnh vườn Viên Minh. Những bức ảnh này sở dĩ trở nên vô cùng quý hiếm bởi nó đã lưu lại gần như nguyên dạng cảnh quan của khu vườn như lúc ban đầu, điều người ta không thể hình dung nổi khi ngắm nhìn những tàn tích còn sót lại ngày nay.
Đặc biệt hơn nữa, trong một cuộc đấu giá tổ chức ở Sotheby (Anh), người ta đã rao bán những bức hình được nhiếp ảnh gia người Anh Felicity chụp năm 1860, ngay trước khi liên quân Anh – Pháp tiến vào phá hủy vườn Viên Minh. Đó thực sự là những bức ảnh chấn động lòng người. Vườn Viên Minh hiện lên với một vẻ đẹp đầy hư ảo, bí ẩn. 
Hãy cùng ngắm lại vườn Viên Minh, “vườn địa đàng” của Trung Hoa trong lịch sử.
Ảnh chụp năm 1860 của nhiếp ảnh gia Felicity ngay trước thời điểm bị phá hủy:
Cây cầu với 17 nhịp vòm tròn ở vườn Viên Minh (Nguồn: wikimedia/Felice A. Beato Italia, 1825-1908).
Vườn Viên Minh trước khi bị thiêu rụi. Ảnh chụp năm tháng 10/1860.
Di Hòa Viên (Nguồn: wikimedia/Felice A. Beato Italia, 1825-1908).
Tháp Đa Bảo Di Hòa Viên (Nguồn: wikimedia/Felice A. Beato Italia, 1825-1908).

Ảnh chụp 13 năm sau khi bị phá hủy của nhiếp ảnh gia Ernst Ohlmer:
Ảnh chụp năm 2015: 155 năm sau khi khu vườn bị thiêu hủy:
Cầu đá một lỗ Củng Tàn phía Bắc đình Giám Bích (Nguồn: wikimedia/Shizhao).

Cảnh đẹp năm nao giờ đã hoang tàn thành phế tích. Vậy mới hay cái lẽ vật đổi sao dời, ruộng dâu biến thành biển xanh của Tạo hóa. Cả trăm năm trước, nhà thơ Tú Xương trong một đêm trằn trọc nỗi niềm hoài cổ cũng từng ngậm ngùi mà than rằng:
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò
Kiên Định

1 nhận xét: