Có những người chuyên đi nhặt
thịt thừa ở bãi rác chế biến lại bán cho người nghèo ở các khu ổ chuột
tại Manila, Philippines. Có thể bạn chưa biết nhưng đó là một thực tế,
theo báo Tuổi Trẻ.
Clip: Nhặt thịt thừa ở bãi rác chế biến lại bán cho người nghèo. (Nguồn: Tuổi Trẻ)
Ăn thức ăn thừa là nỗi xấu hổ thầm kín
trong xã hội của những người nghèo ở Philippines, tuy nhiên họ chẳng còn
sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận nhặt thịt thừa từ bãi rác,
chế biến thành thức ăn hàng ngày. Tận cùng của sự đói nghèo cơ cực,
những việc làm ấy đã quá quen thuộc, trở thành một phần không thể thiếu
trong cuộc sống của dân nghèo ở các khu ổ chuột Philippines.
Theo SCMP, “Pagpag”
trong tiếng Tagalog – ngôn ngữ mẹ đẻ của 1/4 dân số Philippines, nghĩa
là bụi bẩn bám trên quần áo. Tuy nhiên, trong thế giới của những người
nghèo, “pagpag” là những miếng thịt gà rán, thịt lợn chiên… mà các thực
khách ăn thừa được nhà hàng vứt vào thùng rác.
Việc nhặt “pagpag” chỉ là một mắt xích nhỏ trong dây chuyền phân loại rác tại Payatas.
Sau khi rác thải được chở đến khu
Payatas vào rạng sáng, những thanh niên sẽ kéo chúng vào khu đất trống,
tay thoăn thoắt nhặt đồ nhựa, phế liệu tái chế được và bán với giá 18
peso (khoảng 8 nghìn VNĐ)/kg.
Họ phân loại những thứ thừa thãi ôi thiu
khác như vỏ trái cây, hoa quả thối, lúa mì hỏng… và bán làm thức ăn cho
gia súc với giá 150 peso (khoảng 68 nghìn VNĐ)/bao.
Những người khác thì nhanh tay nhặt
“pagpag”, họ xé tung những túi nilon đựng rác từ các cửa hàng thức ăn
nhanh, tay trần chọn những miếng thịt thừa, cánh gà rán ăn dở…
Công việc bắt đầu từ rạng sáng cho đến gần trưa, thành quả thu được là những túi “pagpa” nhầy nhụa dầu mỡ.
“Pagpag” nằm la liệt trên đất bẩn nhưng lại là món ăn khoái khẩu cho dân nghèo ở Payatas vì chúng rất rất rẻ.
Dân nghèo trong các khu ổ chuột ở
Philippines chẳng bao giờ chê thịt thừa, họ ăn chúng mỗi ngày, mặc dù
chợ bán thực phẩm tươi cách đó không xa.
Đàn ông là những nhân lực chính làm nghề
phân loại rác, nhặt “pagpag” ở Payatas, họ không thể có công việc nào
khác vì trình độ thấp, cuộc sống quá nghèo nàn không có cơ hội.
Myrna Salazar, 40 tuổi là một trong
những phụ nữ nhặt “pagpag” ở Payatas. Người phụ nữ lam lũ này đã chuyển
đến Payatas 30 năm và gắn bó với công việc này.
Cô nhặt “pagpag” thành thạo đến nỗi có
kinh nghiệm phân biệt được đâu là thịt ăn được, cái nào là thịt mới, cái
nào vứt cho gia súc…
“Nếu thịt mềm, tức là chúng đã hỏng. Còn
những miếng cánh gà, ức gà cứng như này, tôi sẽ mang về làm sạch, nấu
chín cho các con ăn… Chúng thích món này”, Salazar nói.
Thông thường, mỗi ngày Salazar kiếm được từ 200 đến 300 peso (khoảng 90 nghìn đến 135 nghìn VNĐ) nhờ công việc nhặt “pagpag”.
Không chỉ kiếm được thực phẩm cho bữa ăn
gia đình, Salazar còn gói ghém chúng và mang bán cho hàng xóm, cho
những người chuyên thu mua “pagpag” để nấu lại bán cho dân nghèo.
Một bữa thịt “đầy màu sắc” nấu từ “pagpag” của Salazar bán cho hàng xóm như này có giá tương đương khoảng 11 nghìn VNĐ.
Chỉ cần tẩm ướp hành khô, hành tây và
chút gia vị, “pagpag” nhanh chóng trở thành món ăn thơm ngon, đượm vị
trên mâm cơm của dân nghèo ở khu ổ chuột Payatas.
Tất cả mọi người ở đây đều coi nó là thức ăn chính, vừa thơm ngon, vừa đủ chất, đặc biệt là… nó rẻ.
Thanh niên khỏe mạnh cũng sống nhờ vào “pagpag” từ các túi rác thải từ Manila chuyển đến.
Trẻ con lớn lên ở Payatas cũng quá quen
với cảnh tìm “pagpag” trong đống rác, chúng theo mẹ đi nhặt, thậm chí
còn ăn luôn tại chỗ vì nhặt được những miếng cánh gà mới trong ngày.
Ở Payatas, từ người già đến trẻ con,
chẳng ai lo ngại việc ăn “pagpag” sẽ bị đau bụng hay mắc bệnh, dù có rất
nhiều trường hợp trẻ em nhập viện vì bệnh thương hàn, kiết lị…
Những bữa cơm gia đình hạnh phúc trên khu đất trống, xung quanh toàn rác thải.
“Pagpag” thừa được mang bán cho người chuyên nấu ăn và bán lại cho dân nghèo khác.
Nhặt và ăn “pagpag” không phải là một
việc làm bất hợp pháp nhưng nó lại thể hiện những khía cạnh đáng buồn
trong nền kinh tế của Philippines. Ông Cristopher Sabal, một cán bộ của
Ủy ban chống đói nghèo quốc gia (NAPC) cho rằng, những người nghèo ở
Payatas không còn sự lựa chọn nào khác. Họ là nạn nhân của tệ nạn ma túy
và đói nghèo ở Philippines.
Dù chính phủ Philippines, NAPC và Quỹ
Cộng đồng Philippines đã vào cuộc xây dựng trường học, cung cấp hàng
trăm bữa ăn mỗi ngày cho học sinh nghèo ở các khu ổ chuột, nhưng vấn đề
này không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, nó cần sự chung tay
góp sức và sự nỗ lực hơn nữa của cả xã hội.
(Ảnh: BBC)
Việc nhặt thức ăn thừa để chế lại này rất nguy hiểm
Trả lờiXóa