Quân Taliban chiếm thành phố Kabul vỏn vẹn trong một ngày không đổ máu nhưng cuộc nội chiến dai dẳng kéo dài hai thập niên xem ra vẫn chưa kết thúc. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ sau đó, một nhóm quân lính và chính trị gia A Phú Hản đã lên tiếng, thề rằng sẽ tiếp tục trận chiến chống quân Taliban từ vùng cứ địa cuối cùng còn lại không nằm trong vòng kiểm soát của quân này.
Thung lũng Panjshir, vùng rộng lớn Hindu Kush, phía bắc thủ đô Kabul, một cứ điểm vững chắc của kháng chiến quân trong nhiều thập niên, đầu tiên là cuộc chiến chống quân Nga sô những năm 1980 rồi tới quân Taliban những năm 1990, nơi đây vẫn còn xác những chiếc xe tăng rỉ sét nằm rải rác, đây đó, chứng tích của các trận chiến đã qua. Cựu Phó tổng thống A Phú Hản, ông Amrullah Saleh, người sinh ra và được huấn luyện chiến đấu ở đây, thề sẽ tiếp tục làm như thế sau khi tuyên bố ông là “tổng thống lâm thời” của nước này theo hiến pháp ban hành mà Taliban chắc chắn sẽ xé bỏ. Có rất nhiều, không nói là hầu hết người dân A Phú Hản thù ghét luật lệ của Taliban và lịch sử chiến trận của hơn 20 năm qua được xem là một nhắc nhở nghiêm trọng là Taliban đừng coi họ đã ổn định an ninh hoàn toàn khi cho rằng hiện đang kiểm soát hầu hết lãnh thổ.
Phong trào chống đối Taliban, từ những người còn phải sống dưới sự cai trị của Taliban sẽ xảy ra cùng ý tưởng đó, những người này không còn sự lựa chọn khác, đành chịu đựng, âm thầm mà sống nhưng sẽ không bao giờ khuất phục. Mấy ngày vừa qua người ta đã thấy một nhóm phụ nử ra đường biểu tình mang cờ A Phú Hản cũ tại vùng phía đông. Họ bất chấp những hành động giết người dã man mà quân Taliban đã từng làm, một người ở Kabul bị giết tại thành phố Jalalabad khi tên lính Taliban tiến vào giải tán một đám người đang kéo giựt tấm biểu ngữ của Taliban xuống.
Đại sứ của chính phủ A Phú Hản cũ ở Tajikistan, trung tướng Zahir Aghbar, một cựu sĩ quan an ninh trước khi nhận chức vụ ngoại giao hứa, thung lũng Panjshir sẽ là một căn cứ cho những ai muốn tiếp tục chiến đấu, ông ta không thể nói rằng, quân Taliban đã chiến thắng, chuyện đó chỉ vì tổng thống Ashraf Ghani từ bỏ quyền hành sau những lần đàm phán vô bổ với quân này. Đoạn phim phổ biến trên các trang mạng xã hội cho thấy, có sự xuất hiện của một số người đối lập quan trọng tại nơi hiện tại được xem là cái tỉnh duy nhất mà quân chống đối Taliban chưa kiểm soát, có bộ trưởng quốc phòng, tướng Bismillah Mohammadi và Ahmad Massoud, con trai của lãnh tụ Liên Minh Phương Bắc, Ahamd Shah Massoud, bị ám sát trước đây. Thung lũng Panjshir, nơi mà Nga sô đã phải đối đầu với kháng chiến quân một trận chiến ác liệt lần đầu tiên khi tràn quân vào đất A Phú Hản năm 1980. Nhưng dãy đất đẹp tuyệt vời chạy dài hơn 150 cây số, bao quanh bởi ba ngọn núi cao, chừa lại con đường nhỏ độc đạo tới phía nam thủ đô Kabul không thiếu gì những câu chuyện dân gian như huyền thoại tưởng tượng.
Chuyện Hồng quân Nga bị đánh tan nát tại Panjshir nhưng sự thật là quân Nga đã tung ra một loạt các hoạt động quân sự ngắn hạn, nhanh chóng, chín hay mười trong thời gian từ năm 1980 tới 1985 nhưng chấm dứt, phần lớn vì sự thay đổi hàng ngủ lãnh đạo ở Mạc Tư Khoa, năm 1986 Mikhail Gorbachev loan báo ý định rút quân Nga ra khỏi A Phú Hản nhưng có cái gì mà người ta ít biết tới là việc thỏa thuận giữa KGB Nga và Ahmad Shah Massoud, lãnh tụ nhóm kháng chiến quân lúc bấy giờ, qua đó quân Nga chấm dứt chuyện hành quân và quân Massoud ngừng tấn công Nga trong vùng thung lũng Panjshir, đồng thời không cản trở việc vận chuyển quân sự trên con đường xuyên qua đường hầm Salang, nối kết giữa Kabul với tổng hành dinh quân sự khu vực phía nam của Nga tại Termez, nơi này chỉ huy toàn bộ hoạt động quân sự ở A Phú Hản. Thỏa thuận có tên “thỏa thuận Faustian” giữa KGB Nga và Massoud giữ nguyên cho tới khi quân Nga rút khỏi A Phú Hản năm 1989 cho dù chính quyền A Phú Hản lúc đó nhiều lần có ý định ngăn cản. Chính qua đường hầm Salang này mà từng đoàn quân xa Nga, cuối cùng triệt thoái từ Kabul một cách êm thắm.
Nếu và khi nào Taliban mở trận tổng tấn công vào thung lũng Panjshir để chiếm nó, không phải Taliban chỉ đánh nhau với kháng chiến quân mà còn phải chạm trán với một lực lượng đặc biệt do Hoa Kỳ huấn luyện, là những tay súng đánh trận can trường nhất, sẽ không có một người nào trong lực lượng này buông súng bất cứ lúc nào sau này vì lý do duy nhất là, sẽ bị tra tấn và xử tử nếu bị bắt. Họ là những người dũng cảm và sẽ chiến đấu tới chết nếu cần phải như vậy. Người lãnh chúa nổi tiếng A Phú Hản, Abdul Rashid Dostum cũng có tin đồn là đã có mặt ở thung lũng Panjshir. Ỏ tuổi 67, lãnh tụ nghĩa quân Uzbek này không thật sự hoàn toàn chiến đấu trong nhiều năm qua, chỉ vừa trở lại A Phú Hản sau những ngày trị bệnh ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng ý chí chiến đấu tại trận tiền dường như không có gì mai một.
Ý chí là một phần trong cuộc chiến, lực lượng dân quân của thung lũng Panjshir có thừa nhưng không hẳn là yếu tố làm nên sự việc, một khi ông Hamid Saifi, một cựu đại tá của quân đội quốc gia A Phú Hản nói với tờ New York Times rằng, họ đang chờ đợi dịp may, đó là nhận được nhiều sự ủng hộ, hậu thuẩn từ mọi phía nhất là các quốc gia sẳn sàng cho cuộc chiến chống quân Taliban này, cho tới nay, tất cả những quốc gia mà họ liên lạc, nói chuyện đều hoàn toàn im lặng, Hoa Kỳ, Âu châu, Trung cộng, Nga Sô, tất cả đều im lặng.
Thuyên Huy
Thứ hai 30.08.21
Tổng hợp từ The Daily Mail, The National Interest, BBC News, Hindustan Times, The Washington Post, The New York Times, Al Arabiya, Agence France-Presse, Al Jazeera, France 24, Indian Punchline & Globetrotter& Asia Times
Mời Xem Bài Kỳ Trước A Phú Hản: Trong Tay Quân Taliban– Đường Phố Không Đàn Bà Và Nổi Lòng Người Con Gái Kabul
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa