Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2021

Những lầm tưởng về cúm mùa và biến chứng của nó đối với cộng đồng

Báo Sức Khỏe và Đời Sống

 Bệnh cúm được ví von là một mối nguy hiểm thầm lặng đối với cộng đồng nếu không được nhận thức đúng đắn và dự phòng kịp thời. Đặc biệt là đối với người bệnh tim mạch, hô hấp, người cao tuổi và phụ nữ mang thai. 

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý được GS.TS.BS Đặng Vạn Phước - Chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam và PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa - Trưởng khoa Xét nghiệm Sinh học lâm sàng, Viện Pasteur TPHCM cùng đưa ra tại buổi tọa đàm trên AloBacsi với sự đồng hành của Hội Y học TPHCM và Abbott Việt Nam thực hiện,

Chương trình với chủ đề "Ảnh hưởng của cúm mùa lên người cao tuổi, bệnh nhân bệnh mãn tính và vai trò của vắc xin cúm mùa" cùng các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Tim mạch - Hô hấp - Y học dự phòng đã mang lại nhiều thông tin hữu ích từ cách nhận diện, sự nguy hiểm đến giải pháp bảo vệ những người có yếu tố nguy cơ cao trước căn bệnh này. Sự kiện này đã thu hút hơn 180.000 lượt xem cùng hàng nghìn lượt tương tác và chia sẻ.

Vì sao cúm mùa thường tấn công người lớn tuổi hoặc người có bệnh lý nền?

Các chuyên gia đề cập số ca mắc cúm mùa trong đại dịch COVID-19 giảm có thể nhờ áp dụng các biện pháp giữ khoảng cách và đeo khẩu trang. Song điều đó không có nghĩa là chúng ta an toàn trong các mùa cúm tiếp theo bởi virus cúm luôn biến đổi để trốn tránh hệ miễn dịch của con người.

"Một khi virus hoàn tất biến đổi mà cơ thể chưa kịp tạo ra các kháng thể để chống lại sẽ rất nguy hiểm. Chẳng hạn như cúm A - loại cúm độc nhất, có thể ảnh hưởng lên người, ngựa và gia cầm. Từ virus cúm ở gia cầm chẳng hạn như lợn có thể trực tiếp lây sang người hoặc qua trung gian đây là sự biến đổi lớn, lúc đó cơ thể người chưa có miễn dịch đối với một loại virus cúm này và có thể gây ra đại dịch " - PGS Tuyết Lan cho biết.

GS.TS.BS Đặng Vạn Phước và PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan đồng quan điểm cho rằng: "Cúm mùa là gánh nặng của người bệnh mạn tính và người cao tuổi. Virus gây cúm mùa tác động và "đánh" vào sức đề kháng của người lớn tuổi và gây mất ổn định cho người có bệnh mạn tính.

Vấn đề này rất lớn vì cúm mùa không chỉ là gánh nặng của riêng bệnh nhân mà còn có thể tạo ra áp lực lớn cho các y bác sĩ và cả cộng đồng, nhất là trong trường hợp bệnh nhân nhập viện do cúm mùa và mắc thêm viêm phổi, COVID-19".

photo-1630418766436

Cúm mùa - loại virus nguy hiểm đối với người lớn tuổi, người có bệnh lý nền (Ảnh minh họa)

Theo GS.TS.BS Đặng Vạn Phước, bệnh cúm có thể tác động trực tiếp lên tim và có thể gây ra viêm cơ tim. Nếu tình trạng này lan rộng thì hậu quả sẽ dẫn đến xơ hóa cơ tim và về sau có thể gây ra suy tim mặc dù tỷ lệ này rất ít nhưng vẫn xảy ra. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cúm mùa có thể khiến người bệnh phải nhập viện và đối diện với nguy cơ lây nhiễm chéo từ vi trùng trong bệnh viện, khi đó việc chữa trị rất tốn kém, khó khăn, thậm chí là tử vong.

Hơn nữa, khi cúm mùa tấn công vào cơ thể chủ yếu sẽ gây ra phản ứng viêm và làm phá vỡ đi sự cân bằng của các cơ quan trọng yếu, đặc biệt là mạch máu khiến chúng bị hẹp lại đưa đến tình trạng máu tăng đông. Ngay cả việc dùng thuốc kháng đông (aspirin) cũng không đủ bảo vệ, lúc này cục máu đông chính thức được hình thành. Nếu cục máu đông ở tim thì gây nhồi máu cơ tim, ở não sẽ gây đột quỵ và ở mạch máu sẽ gây tắc mạch,…

GS.TS.BS Đặng Vạn Phước – người có tầm ảnh hưởng lớn đến nền y khoa và lĩnh vực Tim mạch của Việt Nam

Đối với sự tác động của cúm mùa đối với người có bệnh hô hấp mạn tính, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan nhận định bằng cụm từ "nguy hiểm", đặc biệt là đối với người bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) - 2 căn bệnh hô hấp mãn tính rất phổ biến tại Việt Nam.

Trong đó, bệnh nhân hen suyễn thường rất nhạy cảm, đường thở của họ không được toàn diện, các lớp biểu mô bị bong tróc, sợi thần kinh bị phơi nhiễm. Vì vậy tất cả các biến đổi bên ngoài môi trường như thời tiết hay virus cúm đều là những tác nhân có thể khởi phát cơn hen. Nếu điều này xảy ra và không được xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể dẫn đến tử vong.

Riêng với bệnh nhân COPD thường là người lớn tuổi, hệ miễn dịch của họ vốn dĩ đã suy yếu, cùng với khả năng làm sạch đường hô hấp đã bị tổn hại. Do đó, nếu bệnh nhân bị mắc cúm sẽ ảnh hưởng lên toàn bộ đường hô hấp, có thể đồng mắc nhiều bệnh lý khác như viêm phổi, viêm phế quản do siêu vi, thậm chí là viêm mũi, viêm tai, viêm xoang.

"Những yếu tố này làm gia tăng đợt kịch phát bệnh COPD. Nhẹ thì có thể điều trị tại nhà, nặng hơn phải nhập viện, và có thể tử vong. Theo thống kê, trong đợt cúm mùa đã làm tăng 30% - 50% tỷ lệ nhập viện và tăng 50% - 80% tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COPD" - PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan chia sẻ trong buổi tọa đàm.

photo-1630418769506

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan là một trong những chuyên gia hàng đầu về khám và điều trị các bệnh lý về đường hô hấp, đi đầu trong việc xây dụng thành công mạng lưới quản lý hen (ACOCU)

Vaccine - chiếc áo phòng hộ quan trọng ngăn ngừa ảnh hưởng của virus cúm

Điều đáng lo là bệnh cúm mùa rất dễ nhầm lẫn với cảm lạnh. Trong khi cảm lạnh thường nhẹ, có thể tự khỏi thì cúm mùa lại có khả năng gây ra nhiều biến chứng nặng.

Với hệ miễn dịch kiên cố, cơ thể sẽ tiêu diệt được virus cúm và bệnh chỉ dừng lại ở mức cảm nhẹ, sổ mũi. Ngược lại, khi virus "đánh thủng" hàng rào đề kháng yếu sẽ gây viêm toàn thân, đau cơ, nhức mỏi, làm bong mảng xơ vữa, tạo huyết khối, nghẹt mạch… và dẫn đến nhiều biến chứng đã nói ở trên. Tuy nhiên, đối với cúm mùa đã có vaccine phòng ngừa - đây là một trong những giải pháp hiệu quả để cơ thể luôn có kháng thể hóa giải virus.

Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa dẫn chứng thêm, năm 2021 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề cập, mỗi lần một bệnh nhân được tiêm một mũi vaccine sẵn có, điển hình như với bệnh cúm mùa, sẽ tương tự như được mặc bộ phòng hộ cá nhân.

"Trong bối cảnh COVID-19 còn phức tạp như hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa đủ dữ liệu để nhận biết gánh nặng y tế như thế nào nếu một bệnh nhân đồng mắc cả cúm mùa, viêm phổi và COVID-19.

Nhưng chắc chắn khi đó, hệ miễn dịch bị bao vây tứ phía và nếu xảy ra ở những người người lớn tuổi, mắc bệnh nền như tim mạch, hô hấp với sức đề kháng yếu sẽ cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, tiêm ngừa vaccine cúm mỗi năm là "vũ khí" để giảm gánh nặng cho những nhóm người thuộc yếu tố nguy cơ cao này" - PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa cho biết.

photo-1630418770834

PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa là người đóng góp công lớn trong việc giúp Khoa Xét nghiệm Sinh học Lâm sàng (LAM) - Viện Pasteur TPHCM trở thành một khoa đạt các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Vaccine cúm có nhiều loại khác nhau, từ vaccine dạng sống giảm độc lực đến vaccine bất hoạt. Song vaccine sống giảm độc lực đòi hỏi cơ địa miễn dịch toàn vẹn, nên sẽ gây hạn chế cho người được tiêm.

Việt Nam hiện đang lưu hành dòng vaccine cúm bất hoạt với thành phần bán đơn vị, mang tính quyết định kháng nguyên, do đó không gây ra nhiều tác dụng phụ như vaccine sống giảm độc lực. Vaccine cúm bất hoạt được chỉ định cho tất cả mọi người, an toàn cho cả người lớn tuổi, người có bệnh nền.

"Ngay cả những người bị dị ứng nặng với trứng gà hay đang sử dụng thuốc hen suyễn chứa corticosteroid hoàn toàn được chích ngừa vaccine cúm bất hoạt, không có chống chỉ định. Như vậy, người bệnh hen suyễn hoàn toàn đủ điều kiện để chích ngừa mà không cần ngừng thuốc. Đối với những người đang uống kháng sinh liều nhẹ, cơ thể khỏe mạnh cũng có thể chích ngừa cúm được. Chỉ trừ những người đang uống kháng sinh liều trung bình/ cao thì nên chờ khi nào cơ thể phục hồi mới chích ngừa cúm" - PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan khuyến cáo.

photo-1630418772073

Vaccine giúp bảo vệ người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính trước cúm mùa, đồng thời tránh được nguy cơ bệnh chồng bệnh trong đại dịch COVID-19 (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa cũng nhấn mạnh tính hiệu quả của vaccine cúm bất hoạt có thể sử dụng cho phụ nữ mang thai. Điều này không chỉ bảo vệ người mẹ mà trong vòng 6 tháng đầu đời của em bé cũng sẽ được bảo vệ do nhận được kháng thể từ mẹ truyền qua, giúp chặn đứng nguy cơ mắc cúm mùa.

PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa dẫn chứng: "Theo thống kê và theo dõi của trung tâm giám sát phản ứng sau tiêm trên toàn cầu, không có bất kỳ tác dụng phụ nào đối với thai phụ và sự phát triển của bào thai. Hiện nay, khoa Phụ sản bắt đầu đề cập đến việc sử dụng vaccine cúm phụ nữ trong giai đoạn tiền sản hoặc mang thai vào quý 2 - 3 của thai kỳ sau khi đã được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa".

Chích ngừa vaccine cúm thời điểm nào là lý tưởng?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan thông tin thêm, trên thế giới có 2 mùa cúm Nam bán cầu và Bắc bán cầu. Trong đó, mùa cúm Nam bán cầu diễn ra từ tháng 4 đến tháng 10 và mùa cúm Bắc bán cầu là từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào mùa cúm ở Nam bán cầu, mặc dù cúm xảy ra quanh năm, nhưng đỉnh điểm vẫn từ tháng 6 đến tháng 9. Vì vậy, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan cho rằng, mỗi người nên tiêm ngừa vaccine cúm mùa trước thời gian này để tạo được miễn dịch.

Và cần nhớ rằng, biến thể của cúm mùa rất đáng lo ngại, vì vậy cần chấp nhận việc chủng ngừa sẽ không có miễn dịch suốt đời mà phải thực hiện hàng năm. Mỗi năm các chuyên gia trên toàn cầu sẽ cùng WHO đưa ra dữ liệu để sản xuất các loại thuốc chích ngừa cúm phù hợp với chủng lưu hành năm đó.

Ngoài vấn đề chích ngừa, các chuyên gia đều khuyến cáo, để phòng ngừa cúm mùa chúng ta cần thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng phong phú. Nếu bệnh nhân có bệnh thì cần điều trị thật tốt, theo dõi định kỳ, tập thể dục, chủ động tìm cách phòng ngừa để tạo ra cuộc sống đầy ý nghĩa, thay vì lúc nào cũng mệt mỏi do sợ hãi.


Phương Nguyên
 

1 nhận xét:

NGẪM CHUYỆN ĐỜI - Thơ LAN và Bài Họa Của Các Thi Hửu

NGẪM CHUYỆN ĐỜI. Sáu chục xuân qua, ngẫm lại đời Ngọt bùi, cay đắng.... số mà thôi! Nhà nghèo, cảnh khó nào đâu muốn Phận hẩm, phần hiu vẫn ...