Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

Sau COVID-19, bệnh lao đang gây chết người nhiều nhất thế giới- An Bình

                Xét nghiệm lao phổi. (minh họa: Unsplash)

Những nỗ lực của toàn cầu chống lại COVID-19, một căn bệnh khác từng là hiểm họa cho sức khỏe loài người đang tái phát: Bệnh lao!

Bệnh lao từng là căn bệnh gây chết người nhiều nhất thế giới khi chưa có vaccine. Mỗi năm có khoảng 1.5 triệu người trên thế giới tử vong vì bệnh lao. Trên AFP, Mel Spigelman, Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận về bệnh lao ca ngợi tiến bộ và những thành tựu trong việc kiềm chế đại dịch COVID-19, khi các nhà khoa học cho ra đời vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị trong khoảng thời gian kỷ lục, chỉ hai năm. Nhưng COVID-19 như đám mây che mờ hiểm họa của bệnh lao. Khi số người chết vì COVID-19 giảm dần trên toàn cầu, bệnh lao quay trở lại.

Tỷ lệ tử vong hàng năm cho thấy bệnh lao có thể giết chết hơn 4,100 người mỗi ngày, gấp bốn lần so với số ca tử vong vì COVID-19 ở thời hiện tại. Số liệu mới nhất từ Đại học Johns Hopkin cho thấy mỗi ngày, toàn cầu có cả ngàn ca tử vong do COVID-19.

Bản đồ trên website Đại học Johns Hopkin cho thấy mỗi ngày, toàn cầu có cả ngàn ca tử vong do COVID-19. (ảnh chụp qua website)

Nhưng có vẻ cơn đại dịch khủng khiếp khiến mối quan tâm về bệnh lao, từ cách phòng ngừa đến việc điều trị giảm nhẹ. Trong thời gian phải điều trị bệnh nhân COVID-19, một số cơ sở bị đóng cửa khiến bệnh nhân lao không thể tiếp cận dịch vụ y tế cần thiết, vì vậy số ca tử vong do lao trong năm 2020 tăng vọt, lần đầu tiên trong một thập kỷ. Tiến sĩ Spigelman gọi đây là sự thụt lùi sau một thời gian tiến bộ rất chậm.

Số liệu thống kê cho thấy tỉ lệ mắc bệnh lao phổi tại Mỹ đã tăng 9.4% trong năm 2021 sau khi giảm gần 20% năm trước đó. Nghiên cứu do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) thực hiện được đăng tải trên tạp chí Morbidity and Mortality Weekly Report, phân tích các dữ liệu để xác định số lượng và mô tả xu hướng của các trường hợp mắc bệnh lao.

Theo đó, số bệnh nhân lao phổi tăng từ 7,173 ca lên 7,860 ca trong năm 2021. Trong khi giai đoạn 2019 – 2020, số bệnh nhân lao giảm gần 20%. Trước đại dịch COVID-19 bùng phát, tỉ lệ mắc bệnh lao giảm trung bình từ 1 – 2% mỗi năm.


 Sự xáo trộn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ thời gian đại dịch cũng có thể khiến nhiều trường hợp mắc bệnh lao không được thăm khám hoặc không được chẩn đoán. Bên cạnh đó, nhiều bác sĩ chẩn đoán nhầm bệnh lao thành COVID-19 do có cùng triệu chứng hô hấp.

Theo Liên minh phòng trừ bệnh lao (TB Elimination Alliance), một trong những nguyên nhân bệnh lao gia tăng là nhân viên phòng y tế chữa trị lao điều chuyển sang phòng dịch COVID-19; người bệnh vì lo ngại dịch mà không đi khám định kỳ, để khi phát hiện thì bệnh đã trở nặng.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong do bệnh lao gia tăng trong hơn 10 năm qua. Tác động của đại dịch COVID-19 đã đảo ngược những tiến bộ của thế giới trong việc giảm thiểu số người tử vong do bệnh lao. Vì tập trung đầu tư tiền của và nhân lực cho COVID-19, cộng với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, căng thẳng chính trị gia tăng, khiến các nhà tài trợ của cuộc chiến chống bệnh lao phải thắt chặt chi tiêu. Tiến sĩ Spigelman cho rằng vì nhiều người xem lao là “căn bệnh của người nghèo” nên nghĩ rằng chưa đến nỗi cấp thiết, nhưng nếu người giàu trên khắp thế giới cũng mắc bệnh lao, phản ứng sẽ khác.

 

TRÊN VẠT CẢI NGHĨ SUY - Thơ Ngô Kế` Đang

 


TRÊN VẠT CẢI NGHĨ SUY
 
Máy xới nhỏ , xới tay theo liếp
Cắt bờ này rồi tiếp bờ kia
Rơm khô phủ mặt liếp chia
Rải ngay hạt giống , phun qua tưới liền
+++
Được dăm bữa cây lên đầy đủ
Nhổ cỏ chen , nhặt củ bỏ đi
Sương phân cây vọt cấp kỳ
Để hơn nửa tháng đến kỳ tiếp phân
+++
Nếu lỡ bị sâu cần xịt thuốc
Hoặc mưa nhiều dập nước ngã cây
Xịt cho cây ngã , lên ngay
Qua đêm đến sáng , thuốc hay , đứng liền
+++
Trồng rau cải dây chuyền nhanh lắm
Chẳng còn ai phải tắm nắng mưa
Thời gian chăm sóc dư thừa
Đâu còn đen đúa, sớm trưa muộn phiền
+++
Ngày thu hoạch , xe liền đi đến
Chở tới chành , vận chuyển thật mau
Bây giờ lắm chỗ cần rau
Nhà nông nhờ vậy phất nào thua ai
+++
Thoáng mấy năm nơi này khắm khá
Vùng ven thôi , giờ đã thay da
Nhà tường cao , rộng , hon đa
Thay cho nhà lá , nhà xa cách nhà
+++
Từ thực tế ngợi ca " chân đất "
Anh kỹ sư cấp bậc " thường dân "
Chuyên môn thì chẳng có " bằng "
Nhưng mà công sức hiến dâng cho đời !
+++
Người xưa nói , nghiệm lời là đúng
Sĩ mất ngôi , trí cũng còn cần
Trở về làm việc tay chân
Có nhiều hiểu biết , cầm bằng tốt thôi !
+++
Đã qua rồi cái thời trì trệ
Người cách tân thì dễ hàm oan
Bây giờ trình độ mở mang
Nông thôn bừng sáng , xóm làng tươi vui.
5g48 . 29/10/2022
Mời Xem :

HALLOWEEN -Thơ Xướng Họa : Mai Xuân Thanh và Các Thi Hửu


HALLOWEEN - Thơ Mai Xuân Thanh

Hoá trang quần áo trẻ em ngoan
Xách giỏ bao quà, quỹ nhập đàn
Bom đạn trời “U” dân chạy loạn (1)
Xe tăng súng ống kẻ tham tàn...!
Ruộng đồng lúa má ma di tản
Xác địch xâm lăng lính rã hàng
Thương mại kiếm lời đâu mấy Hãng
Halloween phát kẹo em ngoan...!
Mai Xuân Thanh
October 28, 2022


(1) “U” : Ukraine đỗ nát tàn phá vì vũ khí quân Nga xâm lược...!
 

 HỌA 1 :LỄ HỘI THÁNG MƯỜI

Cả bọn đi cùng thấy thật ngoan
Cầm tay hớn hở bước chung đàn
Mặt, răng tím lịm qua đường phố
Áo, mũ đen thui đợi cửa hàng
Thích thú xin quà đâu muốn nghỉ
Mừng vui đón kẹo chẳng mong tàn
Bao người khiếp sợ nhìn ma quỷ!
Đội lốt…nhưng mà trẻ rất ngoan.
Như Thu
10/29/2022

 

HỌA 2 :LỄ MA Ở MỸ

Lễ ma ở Mỹ độ hồn ngoan
Dụ trẻ cải trang đi cả đàn
Ma nhỏ lừng khừng người lớn dẫn
Quỷ to mặt mũi dữ hung tàn
Lễ này mường tượng vong dâng thí
Các đẳng phiêu diêu nhận sắp hàng
Siêu thoát cầu mong phiên sắp đến
No cơm ấm áo đạo hành ngoan…
Yên Hà
29/10/2022



HỌA 3 :HAPPY HALLOWEEN.

Tháng mười bạn trẻ hẹn chơi ngoan
Mặc áo choàng đen, theo nhóm, đàn
Giả tiếng ma sầu đèn hắt chói
Nghe câu quỷ khốc mũ tung tàn
Chập chờn từng đám đi xin kẹo
Thấp thoáng đôi người rỡn bỏ hàng
Kinh dị đêm hoang mê giả tưởng
Halloween lễ hội lạ, vui, ngoan..
Utah 29 - 10 - 2022 CAO MỴ NHÂN

 

HỌA 4 :TRÒ CHƠI LỄ HỘI

Toàn thể tươi cười bọn trẻ ngoan
Thênh thang áo mũ miệng ca đàn
Thương trong phố thị còn tan nát
Thấy lũ quân Nga quá bạo tàn
Tướng sĩ kiên cường xua bóng giặc
Tàn quân ủ rũ vọng quy hàng
Trò chơi lễ hội trừ ma quái
Thích cảnh tươi cười bọn trẻ ngoan.
Đức Hạnh
31 10 2022
 
HỌA 5 : HALLOWEEN

Một ngày vui vẻ trẻ đâm ngoan
Ma Quỷ hóa thân kết bước đàn
Phá phách hiền khô tha lượm kẹo
Biểu dương ác quái giả ngày tàn
Trần gian tỉnh thức mê hồn trận
Thế giới đắm chìm cơn bĩ hàng
Cảnh báo con người lòng dạ thú
HALLOWEEN phán xét hãy nên ngoan...
Hải Rừng Halloween 2022
 
HỌA 6 : LỄ MA
( xin họa 4 vần ) 
Đám trẻ nô đùa thấy thật ngoan
Làm quen xách bị nhập chung đàng
Đầu lâu gục cổ cười khuya lạnh 
Mặt nạ nhe răng hét tối tàn 
Gõ cửa ca vang vòng một lối 
Rung chuông nhảy múa đứng hai hàng 
Chơi ma nhát quỷ vào đêm cuối, 
Của tháng mười này nghịch ngợm hoang 
            Minh Thuý Thành Nội 
              Tháng 10/31//2022
 
 
HỌA 7 : BÀI CA HẠNH PHÚC
(Họa nươ
ng vần)

Cháu lãnh đem về phiếu “Bé Ngoan” *
Lòng vui muôn điệu dạo cung đàn
Da nhăn mặt lão chừng thêm láng
Mắt khổ quầng thâm bỗng lụi tàn
Hỷ lạc nay vừa xin đáo hạn
Thì đau trước vội rã tan hàng
Bài ca hạnh phúc chừ đơn giản
Cháu lãnh đem về phiếu “Bé Ngoan”
Lý Đức Quỳnh
30/10/2022


*Trường Mầm Non hàng tuần phát cho các cháu phiếu “Bé Ngoan” để khích lệ tinh thần các cháu.
 


Cảm Tác HALLOWEEN

Halloween, ông già Uncle Sam xấu xí
Mặt diều hâu mắt đỏ ngầu bí sị
Thân hình khổng lồ tay chân lòng thòng
Quần ảo đỏ rằn.. sao xanh lí nhí

Râu dê một chòm ngạnh trê hai mẽ
Đầu tóc bạc phơ nón đội kín kẽ
Tay cầm gậy dài kẹp giữa tréo chân
Đứng chắn giữa đường người qua chẳng nễ

Chuyện lớn rồi đây.. chẳng vừa đâu nhé
Nơi nầy Thùy Vân có quán cà phé
Rồi một lão râu phong độ bụi đời
Lãng tử giang hồ không hề biết né

Lão muốn vào quán thăm nàng tiên nữ
VIVA muôn thuở nắng hồng rực rỡ
- Uncle Sam, move! chợt gió luồn qua
Lão râu ngang nhiên điệu vui khôn tả

Halloween! thế giới nào vừa thực ảo
Trên quê nầy thật cũng thành tuyệt xão
Đời có thực mà mộng vẫn trong mơ
Như hạnh phúc và khổ đau lảo đảo!
Hải Rừng
31/10/2019


Halloween, I am a lucky devil to have a cup of coffee at VIVA on Thùy Vân Street in Vũng Tàu (31/10/2019 )




Mời Xem :TỪ LỄ HALLOWEEN SUY NGẪM VỀ CÁCH NHÌN NHẬN VÀ ĐỐI ĐÃI VỚI NHỮNG BIẾN DẠNG VĂN HÓA

HÃY LÀM NHỮNG GÌ KHI CÒN CÓ THỂ


HÃY LÀM NHỮNG GÌ KHI CÒN CÓ THỂ
 
(Thân tặng mọi cặp vợ chồng, Bài thơ rất hay và ý nghĩa với tất cả chúng ta)
 
Rồi một ngày em không còn anh
Hay ngược lại anh không còn em nữa
Đôi chúng ta sẽ chia làm hai nửa
Một nửa còn biết sống thế nào đây!
Căn nhà mình sẽ thiếu một đôi tay
Tiếng đi nhẹ, thiếu một đôi chân bước
Và thìa bát chẳng va nhau lách cách
Thiếu một người, bớt bát, chẳng va nhau!
Quần áo chiều chẳng phải cất cho lâu
Dây phơi rộng, chăng cả tuần không hết
Cứ nói thật to, chẳng còn ai biết
Lời thì thầm nào còn nghĩa gì đâu!
Rồi một ngày ta phải sống xa nhau
Xa cách âm dương không ngày tái hợp
Hãy cố sống, ngày còn nhau, cho tốt
Khi xa rồi, day dứt, ích gì đâu!
Ngay bây giờ ta hãy sống vì nhau
Đừng cáu giận khi cơm chiều quá bữa
Đừng vặn vẹo vì một câu nói hớ
Đừng dỗi hờn vì chồng (vợ) hay quên:
Quên mất ngày anh đã nói yêu em
Quên ngày cưới, ngày sinh, quên ngày con có mặt
Quên những chuyện to, quên điều nhỏ nhặt
Đừng dỗi hờn: thời gian chẳng đợi đâu
Ngay bây giờ hãy cố: sống vì nhau
Lúc khỏe, lúc đau, vui buồn có cả
Ngọc có vết, ai cũng còn sơ hở
Hà cớ gì, ta cứ trách chê nhau!
Ngay bây giờ, vẫn chưa hẳn muộn đâu
Hãy cố chăm lo cho phần còn lại
Nụ hôn thêm nồng, vòng tay ấm mãi
Để chẳng còn ân hận: lúc xa nhau...
ST: Bài rất hay và ý nghĩa nhưng không biết tên Tg.

 

HẠNH PHÚC THAY NGƯỜI VẪN CÒN MẸ TRONG LÚC TÓC ĐÃ PHA SƯƠNG…


 
HẠNH PHÚC THAY NGƯỜI VẪN CÒN MẸ TRONG LÚC TÓC ĐÃ PHA SƯƠNG…
 
Tôi đã rưng rưng nước mắt khi xem clip này. Bao kỷ niệm thương mến ngày xưa bỗng òa về cùng một lúc trong tâm trí. Má tôi cũng bị lẫn. chỉ khác một điều là bà không dỗi, và ít, rất ít nói. Má đã không nhận được tôi là con gái của má từ lâu. Tôi cũng hay làm hề chọc cho má cười, kể những chuyện cổ tích con nít cho má nghe. Không biết má hiểu tới chừng nào, nhưng mỗi khi được thấy má cười thì tôi cảm thấy mình như được uống một liều thuốc bổ.
Ngày ấy, tuy mọi sự còn rất khó khăn, nhưng tôi cảm thấy rất vui. Nhớ những lúc hai má con quàng vai nhau đi dạo. Má diện quần trắng ( một điều khác thường vì suốt đời má chỉ vận quần vải đen nhưng do bác sĩ dặn nên con gái má đã may một loạt quần trắng cho má..., tôi nghĩ có lẽ để đàm bảo việc sạch sẽ cho má) một tay chống gậy “ càn khôn như ý”, một tay quàng vai tôi, hai mẹ con lững thững trên con đường nhỏ. Miệng con gái thì liến thoắng, tay chỉ trỏ khắp nơi, còn bà cụ thì cứ im lặng nhẫn nại đi theo, không biết cụ nghĩ gì!!!
Nhớ những đêm hai má con nằm bên nhau, tôi xướng kinh, má tôi đáp lại ( điều duy nhất khiến má mở miệng) cho tới khi tôi ngủ thiếp đi…
“ Cô săn sóc mẹ như thế, Trời sẽ không phụ cô đâu” một bà trong nhà thương đã nói với tôi như thế. Tôi tin là má đã được về Thiên đàng với Chúa, vì hiện nay tôi đang được sống những tháng ngày thanh thản trong tuổi già như thế này, chắc chắn là do má đã cầu bầu cùng Chúa cho tôi.
Và tôi viết những dòng này là để chúc phúc cho những người vẫn còn được cài trên ngực áo mình một bông hồng đỏ thắm, lời chúc phúc năm xưa của một người không quen biết đã nói với tôi: “ Cô săn sóc mẹ như thế, Trời sẽ không phụ cô đâu”!
Còn với bọn mình, những đứa đành phải ngậm ngùi cài hoa trắng trên ngực, hãy tươi lên, hãy sống cho tốt để làm cho má vui và má cười trên chốn thăm thẳm cao vời ấy, các bạn nhé!
***
Riêng đối với má, má của con,
ngay trong lúc này, con chỉ nói một lời với má rằng :
Con nhớ má quá, má ơi!!!
29/10/2022

Xem Thêm :

Cụ bà 95 tuổi bị lẫn đòi bố mẹ, đối đáp hài hước của người con gây xúc động 

Mùa nước nổi, mà sao nước mắm cá linh cạn dòng!

Tôi yêu mùa nước nổi Miền Tây. Đứng trên vùng đất cao nào đó ở Châu Đốc, sẽ cảm nhận được nước nổi mênh mông thế nào.

Vũ Thế Thành

Hôm nọ Hoàng Mắm phone hỏi thăm. Tôi hỏi, năm nay nước về muộn phải không? Nhiều cá linh không? Hoàng đáp, nhiều anh à, em mua về làm mắm, làm cả nước mắm cá linh nữa. – Có bán không? – Bên em chỉ bán mắm cá linh theo đơn đặt hàng thôi. Còn nước mắm cá linh thì không bán, chỉ làm cho đỡ nhớ, chớ không đủ để bán..


Tôi biết năm nay mùa nước về muộn vì cách đó hơn một tháng, một bà bạn ở miền Tây gửi cho tôi hộp cá linh kho tiêu. Đầu mùa nước nổi, cá linh nhỏ như đầu đũa. Tôi thích ăn cá linh kho với cháo yến mạch.

Nước lũ đổ từ thượng nguồn về hạ nguồn, đến đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 8 đến 11 Dương lịch, và ít khi là thiên tai với người dân Nam Bộ. Mùa nước lũ là mùa thu hoạch tôm cá Trời cho, ăn không hết, làm mắm để dành. Cá mới về còn nhỏ, ăn lúa mót. Khi nước rút tôm cá mập ú.

Khi xưa mùa nước nổi ở Miền Tây không còn đồng cỏ, người dân đồng bằng phải dẫn trâu lên vùng cao, thường là khu vực núi Thất Sơn để trâu có cỏ mà ăn. Con trâu là tài sản quý giá đối với nông dân Nam Bộ thuở đó, chứ không như bây giờ đem trâu đi nhúng mẻ. Ai không thể dẫn trâu đi, thì thuê người dẫn trâu đi “tỵ nạn”, như một thứ “bảo tiêu” trong truyện kiếm hiệp Trung Hoa. Và mùa nước nổi cũng được gọi là mùa len trâu, hay thả trâu đi rông tự do theo tiếng Khmer.

Miền Tây mùa nước nổi với vài nhóm người lùa trâu vượt qua cơn lũ, đất trời hoang dã, và con người mang tính lục lâm thảo khấu, giang hồ mã thượng, trọng nghĩa khinh tài… Tất cả những hình ảnh này được tái hiện qua bộ phim “Mùa len trâu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh phát hành năm 2004, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Sơn Nam.

Hơn hai năm trước, tôi là cố vấn kỹ thuật cho nhóm làm phim về nước mắm cá đồng. Nhóm đi nhiều ngóc ngách miền Tây để phỏng vấn dân làm nước mắm ở đó, đa phần là nước mắm nhà làm, nhà ăn, chứ ít ai làm để bán.

Nước mắm cá biển có lịch sử cả 5, 6 trăm năm, nhiều tài liệu ghi lại từ thời Chúa Nguyễn. Sau nay chính quyền thuộc địa Pháp cho nghiên cứu nước mắm, thể chế hóa thành quy định, tiêu chuẩn chất lượng, khuyếch trương, hội chợ giới thiệu nước mắm cả bên châu Âu. Nhưng nước mắm cá đồng hầu như không có tài liệu nào ghi chép.

Nước mắm cá đồng ra đời theo dòng người khai phá mở cõi phương Nam. Người ta làm nước mắm để ăn, mấy ai để bán. Mùa nước về, tôm cá nhiều, thoạt đầu chỉ để làm mắm, tích trữ ăn dần quanh năm. Sau đó mới nghĩ tới chuyện làm nước mắm – Chỉ là nước mắm cá đồng thôi, cá tạp đủ thứ, làm mắm không bõ thì đem làm nước mắm, chứ xung quanh kênh rạch chằng chịt, sông nước mênh mông mùa nước lũ, chứ có gần biển đâu mà đòi cá cơm, cá nục, cá trích để làm mước mắm thơm ngon, đậm mùi, màu nâu hổ phách như dân miệt ngoài.

Tôi đã là cố vấn kỹ thuật cho vài bộ phim về nước mắm, nhưng tập phim về nước mắm cá đồng là tôi ưng ý nhất, có chất tư liệu nhất. Đỗ Khuê là đạo diễn, Ngữ Yên viết kịch bản. Cả hai trạc tuổi tôi. Tất cả chúng tôi đều trong tâm trạng nuối tiếc một thời, nên đều dễ dàng đồng ý đi sâu vào nội dung mang đậm chất tư liệu, hơn là phô diễn vẻ đẹp hoàng tráng nên thơ của cảnh vật.

Tôi là người hỏi chuyện dân làm nước mắm, để đúc kết, rồi phác họa ra quá trình phát triển nước mắm cá đồng, từ nước mắm cá tạp đến nước cá linh, từ loại nước mắm thô đến nước mắm nấu,… Đó là sự chọn lọc nhờ khẩu vị trải qua bao thế hệ. Tất cả phác họa này đều dựa trên hiểu biết khoa học, chứ không dựa trên những suy diễn, mắm muối tạo ra huyền thoại từ vùng đất khai phá, hoang vu, chim kêu vượn hót.

Tập phim về nước mắm cá đồng dài 25 phút, đậm chất tư liệu. Chuyện ngược đời, chất tư liệu của phim có trước tài liệu thành văn về nước mắm cá đồng, mà cho đến nay theo tôi biết vẫn chưa có ai viết, ngoài bài tùy bút ngắn mà tôi viết sau chuyến làm phim, sau này tôi đưa vào sách “Chuyện đời nước mắm” xuất bản năm 2021.

Chỉ tiếc là sau khi bộ phim hoàn thành, nơi đặt hàng tập phim đã bán tập phim lại cho một đài truyền hình. Đài này xẻ phim ra vài tập, chắp nối với nhiều đoạn phim khác, thành ra bộ phim phóng sự 2-3 tập về nước mắm cá đồng. Son phấn đã làm chất tư liệu biến mất.

Ngữ Yên chắt lọc tư liệu qua kịch bản, đạo diễn Đỗ Khuê thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh. Tôi định khi nào tập phim xuất hiện sẽ kể ra những chuyện hậu trường đằng sau tập phim, vừa thật, vừa hài, vừa buồn vẫn chưa được nói ra, từ con cháu ông Sáu đờn kìm, bà Út Trai, cái chết nước mắm Hai Con Cua mà tôi nghe kể từ một nhân chứng tại phòng họp của Hoàng Mắm.

Đỗ Khuê nói với tôi sẽ đưa version gốc của tập phim lên youtube, nhưng lúc này y đã trốn sang Pháp chăm cháu ngoại.

Hoàng Mắm là giám đốc DN Mắm Bà Giáo Khỏe ở Châu Đốc. Thương hiệu này nổi tiếng rồi, miễn bàn ở đây. Hoàng thuộc gia đình thế gia vọng tộc ở Huế, Cụ tằng tổ mấy đời tị nạn “chính trị”, nên lưu lạc xuống vùng đất phương Nam này khai phá. Tới Hoàng là đời thứ tư, thứ năm gì đó, đặc sệt cá tính miền Tây, không còn chút nào của ôn mệ xứ Huế. Lúc sanh thời, bác sĩ Hồ Đắc Duy tặng tôi quyển gia phải dòng họ Hồ Đắc. Tôi tặg lại Hoàng để y nhớ về tổ tiên.

Tôi nói với Hoàng qua phone, nhớ gìn giữ chút di sản nước mắm cá linh thứ thiệt. Một giọt nước mắm cá linh là biệu tượng cho một giọt mồ hôi của cha ông đã khai phá vùng đất phương Nam này.

Một ngày nào đó, tôi sẽ rủ Đỗ Khuê và Ngữ Yên xuống Châu Đốc, mời ông nhân chứng Hai Con Cua. Chúng tôi sẽ không ngồi trong văn phòng nữa, cũng không camera, không microphone, mà ra bờ sông nâng ly kể chuyện nước mắm cá đồng.

Hồi chúng tôi đến Miền Tây làm phim là vào khoảng tháng 8, nước vẫn chưa về. Tôi xúi (dại) Đỗ Khuê, lựa cánh đồng nào ngập nước chút chút rồi quay đại. Đỗ Khuê không chịu, y nhất định chờ thêm 1-2 tháng nữa, chờ nước về để lia máy (quay), nước dâng ngập cả căn nhà, người dân chèo ghe vớt cá… Nhưng năm đó, nước về ít ỏi,  chẳng biết y lia máy thế nào.

Nhớ về mùa nước nổi cũng là để buồn cho mùa nước cạn. Năm cạn năm nổi thất thường, vì sao ai cũng biết.

Tôi nhớ cặp mắt buồn thảm của chú bé trong phim “Mùa len trâu”, ngồi bên xác cha mình trên chiếc thuyền nhỏ trong mùa nước lũ…. Tất cả đều xa vắng như giòng hồi tưởng của chú bé khi đã trưởng thành, nhớ về mùa nước nổi.

Còn bây giờ, Cửu Long cạn dòng, cá linh cạn nguồn, nước mắm cá linh đang trên đường hóa thạch…

Vũ Thế Thành  (Saigon Thập  Cẩm )


 

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

Nguyễn Quốc Nam : Thăm THATLUANG (Lao )

Từ khi về hưu,Kỷ sư Nguyễn Quốc Nam,ngoài làm thơ còn tham gia hoạt động thiện nguyện, đã đi đến nhiều nơi trong và ngoài nước,ghi chép và chụp ảnh những nơi mình từng đi qua.
Mời các bạn xem
 
THAT LUANG
 
Là biểu tượng của Lào và cũng là nơi thờ xá lợi đầu gối của Đức Phật
 
Truyền thuyết của người Lào kể lại rằng, vào năm 236 Phật lịch (thế kỷ thứ III Tr.C.N), năm nhà sư người Lào tên là :
Phạ Mạ hả Lắt Tanathểla,
 Phạ Mạhả Chumlạlắttạnathể la, 
Pham Mạhả Xuvăn nạpaxảthạthểla, 
Phạ Mạhả Chunlaxuvăn nạpaxảthạthểlạ và Phạ MạhaXẳngkhạvi xảthểlạ sau khi học xong ở Ấn Độ trở về quê hương. 
Họ đem về Lào chiếc xương đầu gối của Đức Phật. Năm nhà sư tới mường Viêng Chăn và thuyết phục châu mường là Chămthabuli Pạ Xitthi xắc cho dựng Thạt Luổng để cất giữ xá lỵ Phật. Châu mường Viêng Chăn vui sướng nhận lời và cho dựng lên ngôi tháp Đại Phật Tích (Thạt Luổng).
 
Vào năm 1563, sau khi giành được một loạt chiến thắng quân sự trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Miến Điện ở Hatsỏi, Pakhoui Mường Xén, Vua Xẹt thảthilạt, vì những lý do chiến lược đã dời đô từ Luổng Phạ bang về Viêng Chăn. Tại đây ông cho xây dựng thành quách, lâu đài, cung điện, Vào năm 1566, ông cho dựng Thạt Luổng trên một ngôi chùa cũ, cách Viêng Chăn chừng khoảng hai cây số. 
Năm 1911, trong khi nghiên cứu Thạt Luổng, nhà khoa học người Pháp Henri Parmentier (Henri Pácmăngchiê) đã phát hiện ra khối cong chính của ngôi tháp đã trùm lên và che lấp một ngôi tháp cũ.
 
VÀI HÌNH ẢNH Ở THAT LUANG ( TIẾNG VIỆT LÀ THẠT LUỒNG )
 
Thạt Luổng hay (Pha) That Luang (Thạt Lớn trong tiếng Lào) là một thạt (stupa) Phật giáo ở Viêng Chăn, Lào. Thạt này được xây từ năm 1566 dưới triều vua Xệt-thả-thi-lạt, theo hình một nậm rượu, trên một phế tích của một ngôi đền Ấn Độ thế kỷ 13. Bên ngoài ngôi chùa được dát vàng.
Thạt Luông đã bị phá hủy trong cuộc xâm lược của người Thái vào thế kỷ 19 nhưng sau đó đã được khôi phục nguyên trạng. Kiến trúc ngôi chùa tháp mang phong cách văn hóa và bản sắc Lào và đã trở thành một biểu tượng quốc gia của Lào, được in trên tiền giấy và quốc huy của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Thạt Luổng là kiến trúc trung tâm của chùa Thạt Luổng và là một trong những tháp Phật lớn nhất ở Lào (chân rộng 90m x 90m và cao 45m). Trung tâm của tháp là một khối lớn uy nghi, trang nhà vươn lên cao như một mũi tên. Đế của khối trung tâm là một đài sen hình vuông đang nở tung những cánh vàng ra bốn phía. Trên đài sen là bệ cao có hình vuông và có cấu trúc khá phức tạp. Chân bệ là những nấc vuông càng lên cao càng nhỏ lại để rồi phình ra ở trên thành một gờ nổi lớn hơi ngả ra ngoài làm chỗ đứng vững chãi cho hình quả bầu thon thả phía trên.
 
 
 

Svante Pääbo- Giải Nobel cho câu chuyện trường thiên về DNA cổ đại (Phân Tích Kinh Tế )

   Tượng sáp tái tạo lại giống người Neandertal, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, Vienna. Wolfgang Sauber/WikimediaCC BY-SA
 

Giải Nobel Y học và Sinh lý học năm 2022 đã được trao cho Svante Pääbo, nhà di truyền học người Thụy Điển, vào hôm thứ Hai, ngày 3 tháng 10 về công trình giải trình tự bộ gen của giống người Neandertal và nền tảng của ngành di truyền học cổ sinh.

Bạn có thể không biết tên ông ấy, nhưng tôi chắc chắn rằng bạn không thể không biết đến những kết quả mà ông ấy đã đạt được và khiến ông ấy trở nên nổi tiếng trên thế giới. Phát hiện vĩ đại mới nhất của ông ấy: mẩu xương của một bé gái 13 tuổi, được phát hiện trong một hang động ở vùng núi Altai, mà theo DNA của bé gái đó, hóa ra là một bé gái con lai có cha thuộc giống người Denisovan và mẹ thuộc giống người Neandertal, giống người họ hàng với Homo Sapiens [người tinh khôn] hiện đã tuyệt chủng.

Thực vậy, Svante Pääbo là nhà khoa học đã góp phần to lớn vào việc giải mã bộ gen người Neandertal, và cho phép đưa ra những luận cứ cho rằng người Neandertal đã pha trộn gen của họ với tổ tiên người Sapiens của chúng ta. Chúng ta ở đây để làm chứng cho điều này: ngay cả ngày nay, vẫn còn từ 1 đến 3% bộ gen các quần thể người Melanesian, người châu Âu và người châu Á là hệ quả từ dòng họ thuộc giống người Neandertal này.


 

Svante Pääbo đã nhận được giải thưởng khoa học danh giá, Körber European Science Prize [Giải thưởng Khoa học Châu Âu Körber], vì chất lượng và tác động của các công trình của ông, vốn đang làm đảo lộn hiểu biết của chúng ta về lịch sử tiến hóa của con người hiện tại và của một số đơn vị loài người trong quá khứ. Đây là cơ hội để giải mã những luận cứ chính mà ông đã đưa ra.

Quay trở lại những năm 1980. Di truyền học chắc chắn đã có nhiều tiến bộ, nhưng việc giải mã bộ gen người tiền sử vẫn chỉ là khoa học viễn tưởng. Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu tiềm năng các phân tích di truyền dựa trên DNA ty thể. Được truyền từ mẹ sang con qua trứng, đây là một công cụ để tìm hiểu lịch sử tiến hóa của loài người. Một nhà nghiên cứu nữ về di truyền học, Rebecca Cann, đã tiến hành thu thập các mẫu DNA của phụ nữ trên khắp thế giới. Kết quả luận án của bà được công bố trên tạp chí khoa học Nature danh tiếng nhất. Các kết quả đó nhấn mạnh đến việc toàn bộ loài người trên hành tinh này là hậu duệ của một quần thể nhỏ người thuộc vùng Đông Phi, những người đã sinh sống cách đây từ 150 đến 200.000 năm. Luận đề này thiết lập giả thuyết về “người mẹ lý thuyết” của loài người, giả thuyết mà người ta gọi là Eva ti thể. Và, đồng thời thiết lập giả thiết Từ châu Phi mà ra (Out of Africa) theo đó toàn bộ dân số trên hành tinh đều có nguồn gốc từ châu Phi.

1856, Thung lũng Neander

Ý tưởng này không hoàn toàn mới. Các nhà cổ nhân học, những chuyên gia không nghiên cứu dựa trên gen, nhưng dựa trên các mẫu xương hóa thạch được phát hiện trong bối cảnh khảo cổ, đã tiến hành nghiên cứu theo hướng này. Những phát hiện về các giống người hóa thạch không phải là mới, và những phát hiện đầu tiên được tìm thấy là thuộc về giống người Neandertal. Năm 1856, các công nhân đã khoang một lỗ nhỏ để khai thác mỏ đá, và đã phát hiện các mẫu xương và một nắp sọ. Thung lũng (tal trong tiếng Đức) mang tên Neander, và phát hiện này đã nhanh chóng gây một ấn tượng mạnh. Một giống người rất khác so với các quần thể người thời bấy giờ vừa được phát hiện, thậm chí trước cả các giống người hóa thạch Cro-Magnon, vốn cho phép, một vài năm sau đó, chứng thực sự tồn tại của những giống người giống với chúng ta (được gọi là Con người hiện đại) trong Thời đại đồ đá cũ.

 Người Neandertal đã ra đời. Bằng một sự trùng hợp kỳ lạ, địa danh trong tiếng Đức này được dịch là “con người mới”. Kể từ đó, các nhà cổ sinh vật học, những người nghiên cứu các mẫu xương hóa thạch, rồi các nhà cổ nhân học, chuyên nghiên cứu các mẫu xương hóa thạch của giống người cổ đại, sẽ nghiên cứu những khám phá mới. Các phân tích về hình thái học sẽ giúp có thể phân biệt nhiều giống người khác nhau, mà dựa vào đó sẽ dần dần thừa nhận thân thế của các giống người. Sau người Sapiens và Neandertal, sẽ đến người Heidelbergensis, Habilis hay Ergaster và nhiều giống người khác nữa. Nhưng các mẫu xương, cho dù mang đến nhiều thông tin, không phải lúc nào cũng cho phép đảm bảo chắc chắn về thân thế sinh học đại diện cho các giống. Để được thừa nhận là một giống người theo đúng nghĩa của thuật ngữ này, cần phải đảm bảo chắc rằng đại diện cho các giống này có thể giao hợp với nhau và sinh sản, và có con cái sống được, nếu chấp nhận định nghĩa sinh học này về giống người.

Việc công bố công trình nghiên cứu chứng thực nguồn gốc châu Phi và duy nhất của toàn bộ các nhóm dân cư trên toàn cầu đã được các nhà cổ nhân học tranh luận sôi nổi. Vào cuối những năm 1980, nhiều người đã biện hộ cho một lý thuyết khác, được gọi là mang tính đa khu vực, trong đó tổ tiên của người châu Âu ngày nay là người Neandertal, hoặc thậm chí là các phân hệ người châu Âu c đại hơn. Một cách sơ lược đó là tình hình tranh luận khoa học khi một nghiên cứu sinh Tiến sĩ trẻ tuổi người Thụy Điển về sinh học, đam mê nghiên cứu Ai Cập học, đã cố gắng trích xuất DNA có khả năng vẫn còn được lưu giữ trong các mẫu vật cổ đại. Sau nhiều nỗ lực không thành, thì xuất hiện những mẩu màu, kết quả từ vật trích một xác ướp 2400 năm tuổi. Đây là công bố đầu tiên của Svante Pääbo trên tạp chí Nature về DNA cổ đại, chúng ta đang ở vào năm 1985.

Pääbo tiếp tục công trình tìm kiếm và nghiên cứu về vấn đề cơ bản của sự nhiễm bẩn. Thật vậy, nếu một vài giọt nhỏ xíu DNA hiện tại xâm nhập vào một DNA cổ đại, tất nhiên đã bị thoái hóa, thì nó sẽ lấn át DNA cổ đại. Ông cũng có ý định kiểm định khả năng tìm thấy DNA cổ đại lâu đời hơn nữa và để làm được điều này, cần phải biết liệu xương có chứa DNA hay không. Do không có xác ướp Thời đại đồ đá cũ! Kết quả nghiên cứu tỏ ra tích cực và các trình tự DNA của loài voi ma mút từ 10 đến 50.000 năm tuổi đã được công bố vào năm 1994.

Về DNA hóa thạch của loài người!

Từ đây, mọi thứ giờ đã sẵn sàng để thực hiện thách thức đáng kinh ngạc về việc trích xuất DNA từ loài người hóa thạch, vốn đã tuyệt chủng từ hàng chục nghìn năm. Nghiên cứu kéo dài trong nhiều năm và huy động cả một đội ngũ các nhà nghiên cứu trong công trình tiên phong này. Năm 1996, Pääbo bị đánh thức vào nửa đêm bởi một cuộc điện thoại; một trong các nhà cộng sự của ông vừa nhận diện được một trình tự DNA hoàn toàn nguyên gốc, nhờ vào một mẫu xương được trích xuất từ một mảnh nhỏ xương cánh tay người hóa thạch đã được phát hiện vào năm 1856 tại Neander. Mẫu định danh của người Neanderthal đã lên tiếng và mảnh DNA ty thể đầu tiên của một giống người đã tuyệt chủng được nhận diện. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell vào năm 1997, so sánh trình tự DNA này với trình tự DNA được tái tạo từ 2.051 giống người hiện tại. Kết quả: người Neandertal là một giống người khác với giống người chúng ta, vốn đã phân kỳ khỏi dòng dõi chúng ta ít nhất 500.000 năm trước. Vì thế, sẽ không là người Neandertal cả trong chúng ta ngày nay. Kết thúc màn một.

Cùng năm 1997 này đánh dấu một bước ngoặt đối với nhà nghiên cứu bởi vì, ngoài việc công bố kết quả tuyệt vời trên, ông còn được tài trợ để thành lập một trung tâm nghiên cứu về cổ sinh học trong Viện nghiên cứu Max Planck được thành lập ở Leipzig. Nguồn nhân lực và tài chính có liên quan được huy động sẽ là rất lớn. Đội ngũ nghiên cứu có một không gian làm việc đạt tiêu chuẩn phòng sạch, được thiết kế với từng chi tiết nhỏ nhất có thể nghĩ ra, nhằm tránh khỏi bất kỳ sự nhiễm bẩn nào đối với các mẫu được trích xuất từ DNA hiện tại.

4 tỷ nucleotide

Các kết quả được xâu chuỗi với nhau, các hoạt động hợp tác được nhân rộng lên và vào năm 2010, Pääbo đã công bố một kết quả ngoạn mục, màn trình diễn thứ hai: trình tự DNA gần như hoàn chỉnh của người Neandertal được công bố trên tạp chí Science. Trình tự DNA được ghép lại, do được tái tạo từ các mẫu xương của ba cá thể hơn 40.000 năm tuổi, được khai quật tại một địa điểm của Vindija, ở Croatia. Đã có hơn 4 tỷ nucleotide, phân tử hữu cơ tạo nên nền tảng của DNA, cấu thành trình tự DNA này! Việc đối chiếu trình tự DNA này với DNA của loài người hiện đại đã mở ra cho thấy điều mà các nhà cổ nhân học đã cảm nhận từ lâu, dựa trên hình thái học giải phẫu: vẫn còn từ 1 đến 3% DNA của giống người Neandertal, cho đến ngày nay, hiện diện trong bộ gen của một phần lớn loài người, đặc biệt là các quần thể người Á-Âu. Mặt khác, mẩu nhỏ DNA “cổ xưa” này trong bộ gen của người Homo sapiens không được tìm thấy trong các quần thể người châu Phi, vốn là nơi nguyên gốc của người Homo sapiens.

Thật vậy, sự lai giống giữa người Sapiens và người Neandertal đã diễn ra sau khi các nhóm người tiên phong rời bỏ châu Phi và theo cách này, sự góp phần [lai giống này] không ảnh hưởng đến các quần thể người châu Phi. Những dữ liệu này đã được xác nhận ngay vào đầu năm 2014 với việc công bố DNA hoàn chỉnh của một cá thể duy nhất, một phụ nữ người Neandertal mà các mẫu xương đã được phát hiện trong một hang động ở Altai, Nga. Cũng chính từ cùng cái hang này, Denisova, nơi phát hiện một mẩu đốt ngón tay người mà đội ngũ nghiên cứu của Pääbo sẽ tiến hành phân tích, cho rằng sẽ lại tìm ra một trình tự DNA của giống người Neandertal. Khi kết quả bắt đầu hiện ra là một bất ngờ lớn: không có vết của người Sapiens lẫn của người Néamdertal, nhóm nghiên cứu vừa nhận diện một giống người mới có các mẫu xương chưa từng được mô tả: giống người Denisova. Lần đầu tiên, người ta phát hiện ra một giống người mới từ việc giải mã DNA hóa thạch.

Chúng tôi không thể trình bày chi tiết sử thi khoa học và nhân văn không tưởng này trong một vài dòng. Đối với nhà khảo cổ học về thời tiền sử như tôi, phải thừa nhận là chúng ta đang sống trong một thời đại tuyệt vời, khi mà, mới một vài thập kỷ trước đây, những dữ liệu khó tin là sẽ có được, đang được làm sáng tỏ và đang điều chỉnh, một cách sâu sắc, sự hiểu biết của chúng ta về tình hình dân cư của con người trong một thời gian dài. Hiển nhiên là cần phải thận trọng khi mà những tiến bộ công nghệ luôn thúc đẩy cuộc chạy đua về sự hiểu biết này, và đừng bao giờ quên rằng mọi thứ có thể thay đổi, đôi khi, rất nhanh. Cuộc phiêu lưu khoa học phi thường của Svante Pääbo và của các đội ngũ nghiên cứu của ông ấy là một minh họa cho tất cả chúng ta rằng trong khoa học, ước mơ là điều cần thiết. Sự hoài nghi, cũng vậy, và việc luôn đặt lại vấn đề, được minh họa ở đây bằng những kết quả đầu tiên, phân biệt rõ người Sapiens với người Neandertal trước khi tiếp tục tiến hành các cuộc phân tích, và nhận ra rằng họ đã pha trộn gen của họ với nhau... Ước mơ, sự hoài nghi và tư duy phản biện, là ba đức tính quan trọng đối với các nhà khoa học.

Tác giả

Nicolas Teyssandier, nhà khảo cổ học nghiên cứu về thời tiền sử, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS)

Tuyên bố công khai


 

Nicolas Teyssandier không làm việc, không tham vấn, không sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hay tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này, và tuyên bố không có bất cứ mối quan hệ nào khác ngoài công việc mang tính học thuật.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Svante Pääbo : un prix Nobel pour la saga de l’ADN ancien, The Conversation, ngày 03/10/2022.

 

Xem Thêm :  Những nhánh cụt của cây phả hệ.

GIÁNG SINH NGUYỆN CẦU - Thơ Duy Anh Và Bài Họa Của Các Thi Hửu

GIÁNG-SINH NGUYỆN CẦU Giáng-Sinh nguyện trước quảng trường nầy Rực rỡ cây Thông đèn đóm đầy. Tiếng vọng tình thương vơi ác chiến Lời truyền ...