Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022

GS VŨ QUỐC THÚC : HÀNH TRÌNH NGŨ THƯỜNG TRONG BÁCH NIÊN TẠI THẾ (1920- 22/11/2021)


 

Năm 2000, GS Vũ Quốc Thúc tham gia ban lãnh đạo Phong trào Hiến Chương 2000. Ông đã phát biểu tại hội trường FIAP (rue Cabanis - Paris) trong Ðại Hội Thế Giới Công Bố Hiến Chương 2000, triệu tập do sáng kiến của Tiến sĩ Nguyễn Bá Long.
Trong hơn 20 năm. Tôi có dịp đồng hành với GS Thúc tại giảng đường đại học cũng như nhiều sinh hoạt khác. Trong khoảng thời gian từ năm 2010, GS Thúc có cuộc họp hàng tháng với LS Lê Trọng Quát, GS Phạm Ðăng Sum và chúng tôi để luận bàn về thời thế. Ngoài ra, GS Thúc thường xuyên tiếp chúng tôi tại tư thất.
Trong ngày giỗ đầu của GS Thúc, có nhiều cách tiếp cận cuộc hành trình bách niên. Chúng tôi xin chọn phương pháp ngũ hành : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
1 - Nhân : GS có lòng nhân đạo không những đối với vợ con và các cháu, mà ngay cả các môn sinh, người giúp việc...
Luật Khoa : GS Thúc từng là phó khoa trưởng đại học luật khoa Hà Nội (khoa trưởng là người Pháp). Sau 1954, trong nhiều năm, ông là khoa trưởng đại học luật khoa Sài Gòn, giảng dạy môn kinh tế học. Nhiều vị thẩm phán, luật sư... xuất thân từ hai trường đại học luật khoa Hà Nội (trước 1954) và Sài Gòn (1954-1975) từng học với giáo sư đều có lòng tôn sư trọng đạo.
Ðại Học Ðà Lạt : niên khoá 1964-1965, GS Thúc giảng dạy kính tế học tại trường Chánh Trị Kinh Doanh đại học Ðà Lạt. Thời gian giảng dạy tuy ngắn ngủi nhưng đề lại dấu ấn sâu đậm, vì các cựu sinh viên Ðà Lạt vẫn duy trì truyền thống Thụ Nhân của cố viện trưởng là Ðức Ông Nguyễn Văn Lập lưu truyền, lập ra các hội Thụ Nhân ở Pháp và các nơi khác. GS Thúc là biểu tượng một thời học tập, luôn được các cựu sinh viên một lòng tôn kính.
2 - Nghĩa : Nghĩa nói chung là chính trực, tôn trọng chính nghĩa. GS Thúc đã thể hiện ý nghĩa này ngay từ trường luật, khi đòi hỏi quyền lợi chính đáng của các giáo sư người Việt được ngang hàng với các đồng nghiệp người Pháp. Sau cùng, bộ giáo dục Pháp phải chấp nhận các đòi hỏi này.
Ông đã từng đảm nhiệm nhiều trọng trách, trong lãnh vực giảng dạy : giáo sư và khoa trưởng đại học luật khoa Hà Nội và Saigon, từ 1978-1988 : giáo sư kính tế học đại học Paris. Ông từng tham chánh, là thống đốc Ngân hàng Quốc gia (1955-1956), bộ trưởng, quốc vụ khanh đồng tác giả The Postwar Development of the Republic of Viet Nam (New York, Praeger, 1970) cùng với David E. Lilienthal.
3 - Lễ : Là nhà giáo, ông luôn hoà nhã với mọi người, từ đồng nghiệp, các sinh viên, nói chung là trong gia đình và ngoài xã hội.
4 - Trí : Học vị thạc sĩ (professeur agrégé) cao nhất đã chứng minh trí tuệ của ông. GS Thúc kể cho tôi nghe trong hội nghị thượng đỉnh Nguyễn Văn Thiệu - Lyndon Johnson tại Hawaiï ngày 19/8/1968, trên bàn họp hình bầu dục, TT Johnson đã hỏi thẳng GS Thúc về kế hoạch hậu chiến.
5 - Tín : Ngày 13/10/1976, ông đến cầu nguyện tại thánh đường Ðức Mẹ Fatima ở Bình Triệu, nơi có Ðức Ông Nguyễn Văn Lập là cha sở. GS Thúc xin Ðức Mẹ cho gia đình ông được sang Pháp thì sẽ xin rửa tội. Lạ thay, ngay buổi tối, ông nghe đài BBC được biết tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing vừa bổ nhiệm GS Raymond Barre làm thủ tướng. Năm 1950, GS Barre và GS Thúc là bạn đồng khoa thi thạc sĩ kinh tế học. Ông viết thư, nhờ trưởng nữ là TS Vũ Mộng Lan chuyển đến văn phòng thủ tướng. Thủ tướng Raymond Barre đã can thiệp và gia đình GS Thúc được sang Pháp. Ngoài ra, GS Thúc còn cho biết nhờ lời cầu nguyện tại Fatima (Bồ Ðào Nha) mà trưởng nam và thứ nữ hiếm muộn, 9 tháng 10 ngày sau, đều có con. Giữ đúng chữ tín, ngày 12/4/2012, GS Thúc đã được Ðức Ông Mai Ðức Vinh làm phép rửa tội tại Giáo Xứ Paris.
Kết luận :
GS vũ Quốc Thúc sinh ngày 5/8/1920 và mất ngày 22/11/2021. Thánh lễ an táng đã được linh mục Nguyễn Kim Sang, Giám Ðốc Giáo Xứ Paris cử hành ngày 25/11 và hỏa táng tại Crématorium du Mont Valérien. Ngài hưởng đại thọ 101 tuổi và được cộng đồng người Việt tại Pháp và các nơi khác bày tỏ lòng thương tiếc.

Paris, cuối tháng 10/2022

Lê Ðình Thông



 

1 nhận xét:

Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891]

  Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891], các thí sinh đang lều chõng đi thi, một cụ làm bài xong ra ngoài ngồi, còn các cụ kh...