Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2023

Bài 3 : SƠ LƯỢC TIẾN TRIỂN CỦA TỪ ĐIỂN Ở TRUNG QUỐC VÀ NHẬT BẢN

Nguyễn Sơn Hùng

***

Lời mở đầu

Mục đích bài viết này tóm tắt rất sơ lược tiến triển của từ điển, tên gọi chung cho tất cả loại sách dùng để tra nghĩa của chữ viết và tiếng nói, trước cận đại.

 

Ở Trung Quốc (TQ)

Nhĩ Nhã爾雅 (1)

Sách này có thể nói là từ điển cổ xưa nhất của TQ. Đây là loại chú thích nghĩa của chữ trong kinh sách của Nho học nên còn gọi là sách huấn cổ học. Trong Nho giáo có thuyết cho rằng sách này do Châu Công Đán (em của Võ vương) lập ra nhưng thường được xem là do các học giả đầu đời Hán biên soạn. Trong Nghệ Văn Chí của sách Hán Thư ghi sách gồm 3 quyển 20 thiên nhưng sách còn lại hiện nay chỉ có 19 thiên. Về sau sách này được xem là một trong 13 kinh sách quan trọng trong đó có ngũ kinh.

 

Thuyết Văn Giải Tự説文解字

Sách này do Hứa Thận đời Hậu Hán soạn xong vào năm 100. Sách gồm có tự (tựa) và 14 thiên, là sách đầu tiên sắp xếp chữ Hán theo bộ thủ. Sách gồm 540 bộ thủ, tổng cộng 10.516 chữ (9.353 chữ triện và 1.163 loại chữ khác).

Trong tựa của Khang Hi Tự Điển viết sau Thuyết Văn Giải Tự những tự thư, tên gọi sách tra nghĩa trước từ tự điển, tốt có Ngọc Thiện, Quảng Vận, Tập Vận, Ngũ Âm Tập Vận, Vận Hội, Hồng Vũ Chính Vận. Dưới đây chủ yếu thử xem các tự thư này.

Ngọc Thiên玉篇

Sách này do Cố Dã Vương顧野王(519~581), người nước Lương của Nam Triều thời Nam Bắc Triều (TQ) biên soạn. Đây là tự điển chữ Hán biên soạn theo bộ thủ sau Thuyết Văn Giải Tự và Tự Lâm字林. Sách gồm 30 quyển có 542 bộ thủ và 16.917 chữ. Sách phiên âm đọc theo phản thiết và trích dẫn kinh sách hoặc sách chú giải để giải thích nghĩa của chữ, đồng thời cũng thêm suy nghĩ của soạn giả nên phần giải thích dài hơn Thuyết Văn Giải Tự.

Năm 1013 Trần Bành Niên 陳彭年của Bắc Tống trùng tu sách này thành Đại Quảng Ích Hội Ngọc Thiên大広益会玉篇, bỏ phần giải thích chỉ để lại nghĩa của chữ và thêm số chữ lên đến 28.989 chữ. Sách này và Ngọc Thiên có ảnh hưởng lón đến Nhật Bản (NB) và Triều Tiên.

Sách Triện Lệ Vạn Tượng Danh Nghĩa 篆隷万象名義được xem do nhà sư Không Hải空海 (774~835) biên soạn; ngoài phần chữ triện, sắp xếp của các chữ để tra nghĩa nhất trí với sắp xếp của Ngọc Thiên còn lưu lại ở NB ngày nay.

Sách Oa Ngọc Thiên倭玉篇 được biên soạn vào đầu thời Muromachi (1336~1573) chịu ảnh hưởng lớn của Đại Quảng Ích Hội Ngọc Thiên và được phổ biến rộng cho đến thời Edo, tên Oa Ngọc Thiên được xem như danh từ chung để chỉ loại Hán Hòa Từ Điển.

Ở Triều Tiên, Vận Hội Thiên Ngọc của Thôi Thế Trân 崔世珍 (1494~1509) soạn cũng được phổ biến và Ngọc Thiên được xem như danh từ chung để chỉ tự điển chữ Hán sắp xếp theo bộ thủ trong tiếng Đại Hàn.

(Sách Tự Lâm字林 do Lữ Thấm, người nước Tấn soạn gồm có 7 quyển, 12.824 chữ nhưng không còn lưu lại đến ngày nay.)

 

Quảng Vận広韻

Sách này do Trần Bành Niên và nhiều người khác biên soạn năm 1008 từ các sách vận thư (từ điển sắp xếp theo vận (âm đọc)) có trước như sách Thiết Vận切韻 (soạn năm 601), Đường Vận 唐韻 (733 hoặc 751). Tên đầy đủ là Đại Tống Trùng Tu Quảng Vận大宋重修広韻. Theo nội dung ghi ở quyển đầu sách có 26.194 chữ và chú giải 191.692 chữ nhưng vì có chữ có nhiều âm đọc trùng nhau nên số chữ khác nhau chỉ có khoảng 16.000 chữ.

 

Tập Vận集韻

Sách này cũng thuộc loại vận thư được Đinh Độ丁度và các người khác soạn vào năm 1039 đời Tống, gồm có 10 quyển (4 quyển cho bình thanh, mỗi thứ 2 quyển cho thượng thanh, khứ thanh và nhập thanh). Sách này lập lại 206 vận của Quảng Vận. Sách bao gồm 53.525 chữ nhưng số chữ khác nhau chỉ có 32.381 chữ.

Sách Loại Thiên 類篇 là sách biên soạn sắp xếp của Tập Vận theo bộ thủ của chữ Hán hoàn thành năm 1067. Sách có 45 quyển bao gồm 31.319 chữ. Xuất hiện của các chữ có cùng bộ thủ theo thứ tự của Tập Vận.

Cách sách vận thư trước Tập Vận集韻 thuộc hệ thiết vận 切韻bao gồm Ngọc Thiên được gọi là thiên vận, Tập Vận 集韻là tên gọi bao gồm thiên vận và loại vận類篇.

Thiết vận trong sách Đại Hán Hòa Từ Điển của Morohashi Tetsuji諸橋轍次 chủ yếu theo sách Tập Vận.

 

Ngũ Âm Tập Vận五音集韻

Sách này tên chính thức là Cải Tinh Ngũ Âm Tập Vận 改併五音集韻cũng thuộc loại vận thư do Hàn Đạo Chiêu 韓道昭vào triều đại Kim biên soạn. Theo nội lời mở đầu của soạn giả sách này cải biên sách có trước tên Ngũ Âm Tập Vận do Kinh Phác荊璞 biên soạn (hiện nay không còn). Sách hoàn thành năm 1208 nhưng cũng có thuyết cho rằng năm 1212.

Sách theo thứ tự vận mục của Quảng Vận nhưng tổng hợp 206 vận thành 106 vận. Bình thanh: 44 vận, thượng thanh: 43 vận, khứ thanh: 47 vận, nhập thanh: 26 vận.

 

Vận Hội

Tên chính thức đầy đủ là Cổ Kim Vận Hội Cử Yếu古今韻会挙要là một vận thư được biên soạn vào đời Nguyên hoàn thành năm 1297. Đây là phiên bản tóm tắt của Cổ Kim Vận Hộ古今韻会 (hiện nay không còn) do Hoàng Công Thiệu soạn từ trước. Đặc điểm của sách này có ghi nhiều xuất xứ ở phần giải thích nên tiện lợi để biết các chú thích của tự thư hoặc vận thư đã có trước.

 

Hồng Vũ Chính Vận洪武正韻

Sách này là vận thư được soạn vào đời Minh vào năm 1375 do 11 học giả trong đó có Lạc Thiều Phượng 楽韶鳳, Tống Liêm宋濂. Tất cả có 16 quyển. Theo lời mở đầu của Tống Liêm sách được biên soạn theo tiêu chuẩn của Trung Nguyên nhã âm, trong khi sách vận thư thông thường theo bình thủy vận.

 Không hiểu tại sao không thấy nhắc đến Tự Vị của Mai Ứng Tộ trong Khang Hi Tự Điển nhưng thử xem dưới đây.

Tự Vị 字彙

Sách này được Mai Ưng Tộ 梅膺祚soạn xong vào năm 1615. Sách gồm 12 quyển theo 12 con giáp Tý Sửu Dần ...cộng thêm quyển đầu và cuối, tổng cộng 14 quyển, bao gồm 33.179 chữ. Sách này lần đầu tiên sắp xếp thứ tự bộ thủ theo số nét, và được các sách về sau như Chính Tự Thông, Khang Hi Tự Điển kế tiếp, giúp việc tra nghĩa chữ dễ dàng hơn. Tự Vị rất thông dụng sau khi ra đời nhưng sau khi Khang Hi Tự Điển xuất hiện trở nên ít được dùng đến. Tự Vị này có 214 bộ thủ và trở thành bộ thủ của từ điển ngày nay (thí dụ Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu. Tuy nhiên số bộ thủ của Hán Hòa Từ Điển có số bộ thủ nhiều hơn, thí dụ: 253 hoặc 255 hoặc 257 tùy theo sách).

Chính Tự Thông正字通

Sách do Trương Tự Liệt 張自烈biên soạn gồm 12 quyển, có 33.671 chữ. Mục đích là bổ sung và đính chính cho Tự Vị nhưng phần giải thích nghĩa chữ dài nên bị sắc lệnh của Khang Hi Tự Điển phê bình và đã cắt bỏ phần này nhưng lại dùng nguyên văn nghĩa của chữ cũng như các thí dụ về cách dùng của chữ trong sách này.

Khang Hi Tự Điển 康熙字典

Sách này được soạn theo sắc lệnh của hoàng đế Khang Hi nhà Thanh. Ban biên tập gồm 30 người trong đó có Trương Ngọc Thư 張玉書và Trần Đình Kính陳廷敬, tốn 6 năm biên soạn và hoàn thành vào năm 1716. Sách gồm 12 tập 42 quyển, bao gồm 47.035 chữ. Phần chính 12 tập chia theo tên 12 con giáp giống như Tự Vị và Chính Tự Thông, mỗi tập chia làm 3 phần: thượng, trung và hạ, tổng cộng 36 quyển. Số bộ thủ là 214.

Từ Nguyên辞源

Sách này do Lục Nhĩ Khuê 陸爾奎bắt đầu biên soạn từ năm 1908 và Thương Vụ Ấn Thư Quán xuất bản vào năm 1015. Trong lời tựa có viết sách đối tượng ngữ (word) chứ không phải tự (letter) nên tên sách dùng từ . Sách này chứa nhiều yếu tố của bách khoa sự điển.

Từ Hải 辞海

Sách này do người chủ của Trung Hoa Thư Cục tên Lục Phí Quỳ 陸費逵bắt đầu năm 1915, do cần nhiều tài chính và công sức nên bị ngưng lại nhiều lần nhưng ông không bỏ cuộc. Đến năm 1928 ông giao cho Thư Tân Thành 舒新城làm chủ nhiệm biên tập, sau đó sách xuất bản vào năm 1937. Phiên bản này gồm có hơn 13 ngàn đơn tự (chữ), ngữ vựng có hơn 100 ngàn. Các lĩnh vực ngữ vựng của sách này là triết học, lịch sử, y học, luật học, hóa học, toán học, tôn giáo ...là một từ điển tổng hợp có tính cách bách khoa.

Năm 1957 Mao Trạch Đông đến Thượng Hải ra lệnh cải đính sách này. Năm 1958 Trung Hoa Thư Cục thành lập sở biên tập tập hợp khoảng 5000 chuyên gia. Năm 1962 hoàn thành bản thảo thử đầu tiên, năm 1965 hoàn thành bản thảo chưa định hẳn thì Cách mạng Văn Hóa xảy ra phải ngưng lại. Sau cách mạng việc biên tập bắt đầu trở lại, đến năm 1979 phiên bản cải đính lần đầu của Từ Hải hoàn thành, và được Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã phát hành. Năm 1980 một số ngữ vựng được thêm vào và tái bản. Chủ biên là Thư Tân Thành舒新城, Trần Vọng Đạo陳望道, Hạ Chinh Nông夏征農. Khi này sách có 14,872 đơn tự, ngữ vựng có 91,706 và hơn 3000 hình vẽ. Sau đó còn có nhiều phiên bản khác. Phiên bản 2009 do bà Trần Chí Lập陳至立chủ biên.

Trung Hoa Tự Hải 中華字海

Sách này được Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc xuất bản năm 1994, gồm 85.568 chữ gấp 1,8 lần số chữ của Khang Hi Tự Điển nhưng số trang không đến 1.800 trang.


Ở Nhật Bản (NB)

Triện Lệ Vạn Tượng Danh Nghĩa 篆隷万象名義 (Tenrei Banshô Meigi)

Sách được xem do nhà sư Không Hải空海 (774~835) biên soạn; ngoài phần chữ triện, sắp xếp của các chữ để tra nghĩa nhất trí với sắp xếp của sách Ngọc Thiên của TQ. Sách có khoảng 16.000 chữ sắp theo 542 bộ thủ.

Tân Soạn Tự Kính 新撰字鏡

Thuộc loại từ điển Hán Hòa do Xương Trú昌住 biên soạn trong khoảng 898~901. Năm 892 soạn xong 3 quyển, sau đó tăng đến 12 quyển, gồm khoảng 21.000 chữ, là từ điển Hán Hòa xưa nhất của Nhật Bản. Sách bị quên lãng trong thời gian dài và đến năm 1803 được phát hiện lại và phát hành.

Theo hệ thống của loại từ điển này còn có Loại Tụ Danh Nghĩa Sao類聚名義抄 (Ruijyuu Myogishô) được soạn trong khoảng 1086~1185 do học tăng của phái Pháp Tướng Tông.

Ngoài loại từ điển Hán Hòa trên, thuộc loại hệ thống từ điển quốc ngữ hoặc bách khoa từ điển có các sách sau.

Hòa Danh Loại Tụ Sao和名類聚抄 (Wamyo Ruijushô)

Sách này do Nguyên Thuận 源順 (Minamoto no Shitago) soạn theo yêu cầu của Cần Tử Nội Thân Vương 勤子内親王 trong khoảng 931~935. Tên vắn tắt là Hòa Danh Sao hoặc Oa Danh Sao. Sách này chịu ảnh hưởng sách Nhĩ Nhã của TQ, gồm 10 quyển hoặc 20 quyển, Nội dung của 2 phiên bản này không giống nhau nên phiên bản 20 quyển có thể do người đời sau thêm vào. Phiên bản 10 quyển phân chia ra làm 24 bộ và 128 môn. Tên của bộ như: thiên địa, nhân luân, tật bệnh, thuật nghệ....Sách

 Vào thời Muromachi (1336~15739 để phổ cập việc đọc và viết nhiều loại từ điển quốc ngữ như Hạ Học Tập, Tiết Dụng Tập ... được biên soạn.

Hạ Học Tập下学集

Sách này là loại từ điển quốc ngữ của NB do Đông Lộc Phá Nạp東麓破衲 (Tôroku Hanô) soạn xong vào năm 1444, gồm 2 quyển có khoảng 3.000 đơn ngữ. Đối với chữ Hán có phiên Katakana bên phải, tuy nhiên có lúc bên trái. Trên sách lấy từ câu “Hạ học nhi thượng đạt” của thiên Hiến Vấn trong sách Luận Ngữ. (Hạ học: học tập quan hệ gần gũi giữa người và người trong xã hội; thượng đạt: đạt đến chỗ thâm sâu của đạo đức; ý nói một khi học tập được quan hệ gần gũi giữa người và người trong xã hội thì sẽ hiểu được ý nghĩa thâm sâu của đạo đức). Vào thời Muromachi sách chỉ được truyền bá với hình thức sao chép lại nhưng đến đầu thời Edo, năm 1617 sách được xuất bản. Sách chia thành 18 môn như: thiên địa, thời tiết, thần kỳ, nhân luân, quan vị, nhân danh, ẩm thực, thảo mộc, số lượng, ngôn từ....

Tiết Dụng Tập節用集

Sách này chịu ảnh hưởng lớn của sách Hạ Học Tập và được phổ biến từ thời Muromachi đến đầu thời Chiêu Hòa (1926~1988). Sách được sắp xếp theo thứ tự iroha (giống như abc). Sách được soạn trong khoảng 1444~1474, không rõ soạn giả là ai. Tên sách lấy từ câu “Tiết dụng nhi ái nhân” (Ý nói người cầm quyền nếu thương yêu dân chúng thì cần phải tiết kiệm chi phí) trong thiên Học Nhi của sách Luận Ngữ.

 Dictionarivm Latino-Lvsitanicvm, ac Iaponicvm (tên nguyên bản)

(La Bồ Nhật Đối Dịch Từ Thư羅葡日対訳辞書)

Sách từ điển giữa 3 thứ tiếng La Tinh, Bồ Đào Nha và Nhật Bản, phiên bản của Hội Jesu và do Thiên Thảo Học Lâm xuất bản năm 1595. Sách này dịch từ câu, không phải từng từ. Phần tiếng Nhật viết bằng mẫu tự abc.

Vocabulário da Língua do Japão (tên nguyên bản)

(Nhật Bồ Từ Thư 日葡辞書)

Tên nguyên bản của sách là Vocabulario da Lingoa de Iapam com a declaração em Portugues, nghĩa là từ điển tiếng Nhật kèm theo giải thích bằng tiếng Bồ Đào Nha. Sách được xuất bản ở Nagasaki trong khoảng 1603~1604 do Hội Jesu. Sách gồm 32.293 ngữ (tiếng). Phần tiếng Nhật viết bằng mẫu tự abc.

Ghi chú: Nên chú ý tên sách bằng tiếng Nhật là tên dịch sau này nên không thể căn cứ để nói từ “Từ Thư” được Nhật Bản dùng từ năm 1595 như Wikipedia tiếng Nhật về 辞典giải thích.

Từ từ điển được phổ biến để đặt tên cho các sách tra nghĩa chữ từ thời Minh Trị như sau.

Nhật Bản Tiểu Từ Điển日本小文典

Sách này do Mozume Takayo物集高見xuất bản năm Minh Trị thứ 11 (1878) (có tài liệu viết Minh Trị thứ 16, 1883).

Hòa Hán Nhã Tục Iroha Từ Điển

Do Takahashi Gorô高橋五郎biên soạn Minh Trị 21 (1888). “Iroha” tương tự với ABC.

Nhật Bản Đại Từ Điển日本大辞書

Do Yamada Bimyo 山田美妙soạn, xuất bản năm Minh Trị 26 (1893).

 

Ngôn Hải言海

Đây là từ điển quốc ngữ cận đại đầu tiên của Nhật Bản do Ôtsuki Fumihiko大槻文彦 biên soạn từ năm 1875 (Minh Trị thứ 8) khi ông là nhân viên của Bộ Giáo Dục NB. Sách được xuất bản từ năm 1889 đến 1891. Sách gồm có 39.103 ngữ.

Năm 1912 Ôtsuki tự làm công việc cải đính nhưng ông qua đời giữa chừng vào năm 1928. Anh ông là Ôtsuki Nyoten大槻如電 kế tiếp và qua đời năm 1932. Năm 1937 nhà xuất bản Fuzanbô冨山房 cho phát hành phiên bản mới với tên Đại Ngôn Hải大言海. Phiên bản năm 1956 tên 新訂大言海, 1982 tên新編 大言海.

Thay lời kết (Nhận xét về tên gọi sách tra nghĩa)

Qua xem xét trong phạm vi rất giới hạn của bài viết này các tên gọi của loại sách tra nghĩa của chữ hoặc lời nói (tiếng) đã được xác định như sau:

Tự vị: tên của sách Tự Vị của TQ, do Mai Ưng Tộ biên soạn xong năm 1615.

Tự thư: đã được dùng trong Giang Thức Truyện của sách Ngụy Thư vào năm 554 và ở tự (lời mở đầu) trong Khang Hi Tự Điển của TQ, xuất bản năm 1716.

Tự điển: trong tên Khang Hi Tự Điển của TQ, xuất bản năm 1716.

Từ điển: tên của nhiều sách của NB vào thời Minh Trị như Nhật Bản Tiểu Từ Điển của Mozume Takayo, xuất bản năm 1878.

Ngôn hải: tên sách Ngôn Hải của NB, xuất bản năm 1889.

Từ Nguyên: tên sách từ điển của TQ, xuất bản năm 1915.

Từ hải: tên sách từ điển của TQ, xuất bản năm 1937.

Tự hải: tên của Trung Hoa Tự Hải của TQ, xuất bản năm 1994.

  Sách của TQ có khuynh hướng nặng về tự nhưng từ năm 1915 TQ bắt đầu dùng từ như sách Từ Nguyên, trong khi của NB có vẽ nghiên về từngôn. Tuy nhiên để xác định chính xác xuất xứ của các từ (từ nguyên) của tên gọi sách tra nghĩa chữ cần phải xem xét thêm.

 

Nguyễn Sơn Hùng

17/1/2023

 

Tài liệu tham khảo

Chủ yếu dùng các thông tin của Wikipedia trên Internet tiếng Nhật, xin miễn liệt kê ra đây vì quá nhiều. Do đó thông tin chi tiết có thể không chính xác, mong quý độc giả thông cảm.

Tiết Dụng Tập節用集

           




 

 

 

 

 

 

 

 

Hòa Hán Nhã Tục Iroha Từ Điển  Từ Hải (phiên bản in nhỏ năm 1937)

Trung Hoa Tự Hải
Bài 3 nầy nằm trong  đề tài về "CÂU CHUYỆN DỊCH THUẬT " gồm 3 bài
Mời Quí Đoc giã dọc bài 1 và 2 tại :
 

1 nhận xét:

Người Việt Nam đầu tiên chế tạo máy bay, ông là ai?

Ông được xem là người đầu tiên chế tạo máy bay tại Việt Nam. Chiếc máy bay đặc biệt được đặt tên là "Con rận trời 132". Theo Thư v...