Thứ Năm, 2 tháng 3, 2023

Truyện ngắn : Joe và những con bồ câu - Duy Nhân

Tác giả Duy Nhân tên thật Nguyễn Đức Đạo 75 tuổi hiện ở tại Chicago, tiểu bang Illinois.Đã đóng góp nhiều bài Viêt Về Nước Mỹ và được lãnh giải nhiều lần từ năm 2001. Sau đây là bài mới nhất của tác giả


 Mặc dầu không phải là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, tôi cũng thực hiện được nhiều bức ảnh đẹp. Nước Mỹ rộng bao la nên không thiếu những cảnh đẹp, do bàn tay con người dựng lên cũng có, do tạo hóa sáng tạo cũng có: Mùa Xuân với hoa anh đào trên dòng sông Potomac ở Washington DC, mùa Hè ở Grand Canyon, Arizona, mùa Thu ở San Juans, mùa Đông thì có rừng thông, núi tuyết ở Yellow Stone, tiểu bang Wyoming … Tôi lại nghĩ, sẽ đẹp biết bao nếu  những bức ảnh của tôi có mang ý nghĩa nhân bản một cách tự nhiên, không dàn dựng, không hư cấu, không cần photoshop can thiệp.Tôi cho đó là những bức ảnh có hồn, khác với những bức ảnh đẹp về nghệ thuật mà vô tri, vô giác! Trong suốt thời gian sống ở Mỹ, tôi vẫn để tâm theo đuổi mục tiêu đó.

Hôm đó là ngày ngày 4 tháng 7, ngày độc lập Hoa Kỳ. Vào khoảng 3 giờ trưa, tôi mang máy ảnh ra trạm Wilson định đón xe lửa đi down town chụp cảnh đốt pháo bông vào tối hôm đó. Tình cờ tôi chụp được một loạt ảnh của một bà Mỹ da đen, đang quằn quại trên đường rây. Biết bao nhiêu người trong đó có Police la ó, ra dấu hiệu, tìm mọi cách ngăn chận chiếc xe lửa đang tiến tới Nhưng… đã quá trễ! Hình ảnh kinh hoàng đó đã khiến tôi bỏ cầm máy trong một thời gian dài, cùng với những tấm hình chụp được, không biết để làm gì!

Tôi lặng lẽ nhìn thời gian trôi qua từng ngày với dòng xe qua lại liên tục trên đường Western, con đường chính nối liền Nam- Bắc thành phố Chicago, một thành phố kỹ nghệ nổi tiếng nước Mỹ.  Vào một ngày giá rét của tháng 12, ai cũng ngại đi ra ngoài vì cần phải xuống phố Argyle, nơi có nhiều chợ Việt Nam để mua thức ăn nên tôi đã lái xe đi. Khi đến số 4816 N đường Western, gần Lawrence tôi bắt gặp một hình ảnh lạ: Một ông già người Mỹ, da trắng, tóc bạc gần hết mái đầu, gương mặt xương xương, với những nếp nhăn sâu hoắm, là dấu vết của thời gian, của nắng, mưa, sương, tuyết..

Ông mặc áo xanh, bỏ vào quần jean cũng xanh nhưng đã bạc màu. Ông ngồi yên bất động trên cái họng cứu hỏa (fire hydrant ) màu đỏ, mặt hướng ra đường. Điều đặc biệt là trên đầu, hai vai, xuống tới bắp đùi ông có những con chim bồ câu trên đó. Dưới chân ông, trên vỉa hè cũng có vô số bồ câu đi tới đi lui.Thấy cảnh lạ, tôi dừng hẳn xe lại, quan sát.Ông già im lặng như pho tượng, chỉ có đôi môi là mấp máy! Hình như ông đang đọc kinh hay cầu nguyện điều gì. Những con bồ câu cũng nằm yên tại chỗ.Thỉnh thoảng ông cúi xuống hôn con bên vai phải, rồi con bên vai trái.Tôi thấy được một sự cảm thông tuyệt đối giữa con người và con vật!

Trông phút chốc, tôi liên tưởng đến hình ảnh của Đức Thích Ca Mâu Ni ngồi dưới gốc bồ đề để tìm chân lý, cứu độ chúng sinh. Có điều khác biệt là trước đây Đức Phật tham thiền nhập định ở một nơi hoàn toàn yên tĩnh, còn bây giờ, người này ngồi  ngay giữa đường phố, ôn ào náo nhiệt, người qua kẻ lại không lúc nào ngơi. Tuy chưa biết ý nghĩa của sự việc là gì, tôi cũng nhận thức được đây là một hình ảnh đẹp, đầy tính nhân bản mà tôi có ý săn lùng tự bấy lâu nay. Hy vọng một hình ảnh đẹp là sự thể hiện một bản chất tốt đẹp. Nghĩ thế, tôi quyết định không đi chợ nữa mà quay xe về, lấy máy ảnh…

Khi tôi trở lại thì ông già vẫn ngồi đó, những con chim bồ câu vẫn ở vị trí cũ. Tôi muốn chụp cận ảnh, kiểu chân dung nhưng vì ông quay mặt ra đường, xe thì chạy vun vút, tôi không có khoảng cách, không có không gian nên rất khó xử lý. Tôi đành qua phía bên kia đường, nơi có tượng  Abraham Lincoln, sử dụng ống kính 300 ly để chụp qua, và tôi phải chờ từng phút từng giây, khi nào ngơi xe mới bấm máy. Xong, tôi trở lại để chụp ông và lũ bồ câu dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong khoảng thời gian hơn tiếng đồng hồ tôi đã chụp trên năm mươi bức ảnh. Tạm hài lòng với việc đã làm, tôi mời ông già vào quán Mac Donald gần đó uống nước. Tôi muốn tìm hiểu con người rất lạ lùng này, nhất là về những gì tôi đã trông thấy. Joe có tên đầy đủ là Joseph Zeman.

Hôm nay là sinh nhật lần thứ 77 của ông.Trước đây ông có quầy bán báo ở vệ đường nên có cơ hội gần gũi với đám bồ câu. Ông ngồi ở đó đã hơn mười một năm, trước đây ở góc đường LaSalle và Division là bốn mươi bảy năm. Như vậy ông đã làm bạn với chim muông để thực hành lý tưởng của mình được năm mươi tám năm, kể từ năm19 tuổi!

Báo chí Mỹ thường gọi ông bằng cái tên thân thương là “The Pigeon Man of Lincoln Square” hoặc vắn tắt là “The Pigeon Man”. Lúc nhỏ ông bị chứng động kinh và bị mẹ bạc đãi, bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần. Vì không muốn khơi lại niềm đau dĩ vãng, cũng không muốn đi quá sâu vào đời tư của ông nên tôi không hỏi gì thêm. Hiện tại ông sống một mình trong một phòng của chung cư số 2134 W.Arthur, Chicago. Mỗi ngày hai lượt ông đi bộ trên một tiếng đồng hồ từ nhà đến đây.Ông là người thiếu tình thương và có kinh nghiệm rất xót xa, cay đắng về tình người. 
Bài học mà ông học được từ cuộc đời: Để tránh lỗi lầm, ông giữ im lặng không nói gì cả, im lặng mà tin tưởng và lương thiện.Với cung cách đó,ông đã đến với những con bồ câu, cũng như chúng đã đến với ông và đã đáp lại ông một cách tích cực, không bằng lời. Ông biết ơn về tình bạn trong sáng của chúng hơn bất cứ một con người nào khác Ông muốn yêu thương, muốn được yêu thương và rao giảng tình thương cho con người qua những con bồ câu, tự nó đã là biểu tượng của hòa bình!

 Ngoài ra, ông còn nói : “It’s not any hard to be nice to people than it is to be bad to people ”, con người cư xử tốt với nhau không khó chút nào, chỉ cư xử xấu mới khó.Về ước vọng tương lai thì ông chỉ muốn con người nên hòa thuận, đoàn kết với nhau, cư xử với nhau cho đứng đắn, lịch sự và tình người: “My hope for the future is that people will get along and treat each other with decency”. Điều ray rức nhất trong ông bây giờ là con người ta cư xử quá tệ với nhau. Trong khi nói chuyện, Joe thường hay dùng từ decency. Gặp ai ông cũng trao cho tấm danh thiếp, bên trái có hình ông và mấy con bồ câu, ở giữa có ghi một câu thể hiện triết lý sống của ông:  “I’m advertising to the public how easy it is to be good without an attitude; It’s just easy to show decency as it is to hate today”.Ông nói đây là thông điệp ông muốn gửi đến mọi người.

Khi được hỏi ai là người thân yêu nhất của ông bây giờ, ông nói đó chính là thánh St Francis of Assissi! Joe đang cố gắng sống và hành động giống như vị thánh này. Francis là một vị thánh Thiên chúa giáo La Mã, sinh năm 1181, mất năm 1226 ở Ý Đại Lợi. Ông có lòng yêu mến đặc biệt đối với thiên nhiên như mặt trời, mặt trăng, không khí, nước, lửa, hoa. Ông cổ vũ cho Hòa Binh, Công Lý, nhằm chấm dứt bạo loạn, chiến tranh, nghèo khổ và áp bức.Ông vinh danh sự sáng tạo hoàn hảo của Chúa đối với muôn loài, kể cả chim muông và thú vật.Ông có những bài rao giảng với chim muông còn truyền tụng tới bây giờ.

Lễ chúc phúc cho thú vật hàng năm, 4 tháng 10 trên toàn nước Mỹ ngày nay đã khơi nguồn từ tinh thần của vị thánh bảo trợ cho muôn thú, thánh Francis of Assissi.Ngày nay vẫn tồn tại bức tượng của thánh Fransis tại Rivo Torto, gần Assisi bên Ý, với hai cánh tay dang ra đưa lên trời, nối liền với những cánh chim bồ câu trên khoảng trời bao la, cao rộng. Nói xong, Joe lấy từ trong túi xách bên cạnh, hình như tất cả tài sản của ông đều nằm gọn trong cái túi xách nhỏ bằng vải màu xanh này: thức ăn cho chim, sách báo, một tấm postcard có hình thánh Francis để tặng tôi. Tôi đọc được hàng chữ, là một lời cầu nguyện:  “Lord, make me an instrument of your peace. Where there is hatred, let me sow love”. Hỡi thượng đế! Hãy biến con thành công cụ của hòa bình. Nơi nào có sự oán ghét, con sẽ gieo mầm yêu thương!

Trả lời thắc mắc của tôi là sao không thấy ông cho lũ bồ câu ăn gì cả, Joe nói chánh quyền Chicago đã có lệnh cấm không cho thú hoang ăn ở đường phố. Mỗi ngày hai lượt ông ra ngồi đó với chúng. Ông chỉ lén cho chúng ăn lúc mặt trời lặn, khi ông ra về. Police thì ai cũng biết ông, có người hiểu được việc làm của ông thì thông cảm, cũng có người hễ thấy ông thì đuổi đi, mặc dầu ông chưa có cho chúng một hạt gạo, một hạt bắp hay một mẩu bánh mì nào. Chỉ tội nghiệp cho lũ bồ câu. Ông nói mà rươm rướm nước mắt. Khi nghe tôi tỏ ý muốn được làm bạn với ông thì ông nói rất vui vì có người hiểu được ông. Tôi nói, hơn năm chục năm nay biết bao người hiểu ông. Tôi rất tiếc đã đến với ông rất muộn màng. Ông nói muộn còn hơn không.

Khi chúng tôi trở lại, Joe chỉ tay về phía bên kia đường và trên các building xung quanh nơi có những con bồ câu và nói: “chúng đang chờ tôi đó”.  Joe ngồi vào cái fire hydrant thì lũ bồ câu sà xuống, tranh nhau bám lên người ông từ đầu tới chân, những con còn lại đành ở vĩa hè. Từ trong miệng, ông phát ra những âm thanh giống như những người bạn nhỏ “ Cục! Cục”. Tùy theo sắc lông bồ câu, ông gọi tên từng con một: “ Whitey, Brownie ! Sure, Sure… There, There…”. Đối với những con đến trễ, ông tỏ ra vô cùng lo lắng, luôn miệng hỏi: Where you been? Where you been? Rồi ông hôn chúng. Ông gí mũi vào đầu, vào cánh chúng. Ông nhặt từng sợi lông rơi ra trên người chúng, còn chúng thì dùng mỏ mổ mổ lên mặt ông, đồng thời phát ra những tiếng “Rù ! Rù”. Ông cũng đáp lại bằng những âm thanh thật nhỏ mà có lẽ chỉ có ông và lũ bồ câu mới hiểu được.

Khi tôi đến cho Joe xem một số ảnh chụp ngày hôm trước thì ông rất mừng. Ông nói trước đây phóng viên tờ Chicago Tribune cũng có chụp ảnh ông nhưng không đẹp bằng những bức ảnh của tôi. Tôi nói, tôi chụp ông với tất cả tấm lòng theo quan điểm nghệ thuật và cung cách của riêng tôi. Ông thích nhất tấm ảnh bán thân, tấm mà tôi cũng thích, có hai con bồ câu ở hai vai, ông hơi nghiêng đầu nhìn lên với ánh mắt thật say đắm, còn con thứ ba đang xòe cánh lấy thế thăng bằng trên bàn tay ông đã đưa lên tới ngực trong tư thế nâng đỡ nó,.hậu cảnh là các cửa kính có in bóng dáng lờ mờ những chiếc xe qua lại vào lúc bấm máy. Joe muốn tôi in cho ông bức ảnh này cở lớn hơn và copy ra nhiều bản để phân phát cho mọi người.

Tôi hứa là sẽ thực hiện điều mà ông mong muốn và sẽ mang lại cho ông lần tới, đồng thời để lại cho ông tất cả những bức ảnh mà ông thích. Sau mỗi bức ảnh tôi ghi tên họ, số phone cùng chữ ký để tặng ông. Thời gian ở chơi với Joe không lâu nhưng tôi hiểu được cá tính,ý nghĩa việc làm của ông không bằng lời nói mà bằng sự im lặng hoàn toàn, đúng như chủ trương của ông: “to be good without attitude”.

Một sự kiện bất ngờ xảy ra làm tôi xúc động: Không biết từ đâu, một chiếc xe Police chạy tới. Hai viên Police xuống xe, đến chỗ ông ngồi và nói chuyện với ông khoảng chừng năm phút. Không biết họ nói gì nhưng ông lại đứng lên và xách cái túi xanh, bước đi. Tôi hỏi ông đi đâu, ông nói họ đuổi thì mình cứ đi, đi đâu cũng được. Lúc bấy giờ con bồ câu trên đầu và hai con ở hai bên vai ông vẫn nằm yên như không có chuyện gì xảy ra. Lúc ông bước đi nó vẫn giữ yên vị trí trên người ông, còn những con khác thì khi ông đi tới dâu, chúng bay theo tới đó, bay rợp cả một góc phố về hướng Bắc. Hình ảnh này đã được tôi ghi vào máy rất đầy đủ và cẩn thận.

Khi ông đến quán Mac Donald, nơi mà tôi và ông có lần uống nước thì ông dừng lại.Thấy cảnh sát vẫn còn canh chừng ông, tôi đề nghị ông lên xe, tôi chở về nhà. Ông nói có người bà con ở gần đây và nhờ tôi đưa ông tới đó, khi nào Police đi ông sẽ trở lại. Nghe ông nói, tôi đồng ý ngay vì có ý muốn qua người bà con này, tôi sẽ hiểu rõ và đầy đủ hơn về gia cảnh, nhất là khoảng thời gian ông còn nhỏ. Tôi nói chuyện với bà Marilyn Donovan, chị họ của Joe khoảng nửa giờ. Bà xác nhận những gì Joe nói là đúng và nói rõ cách thức mà Joe bị mẹ hành hung lúc nhỏ cùng nhiều chi tiết thú vị khác. Bà không quên ghi cho tôi địa chỉ, số phone và nói khi nào rảnh thì tới chơi, nhà tôi và nhà bà cách nhau chỉ vài “block” đường.

 Mùa Đông ở Chicago năm nay lạnh chưa từng thấy, nhất là vào tháng mười hai. Bão tuyết cứ liên tục kéo đến hết trận này đến trận khác.Thành phố bị bao phủ trong màn tuyết trắng. Người ta gom tuyết lại thành đống như những ngọn núi nhỏ bên vệ đường, trong công viên, xung quanh nhà… Cả thành phố như cái tủ lạnh! Chicago còn có tên là Windy City, thành phố gió. Những hôm có gió lạnh nhiệt độ rớt xuống dưới con số 0. Tôi đã thực hiện tấm ảnh như Joe mơng muốn và đã copy ra nhiều bản. Định hôm nào bớt lạnh và khô ráo tôi sẽ mang đến cho ông. Chắc là mấy hôm rày ông cũng ở nhà như tôi.

Vào một ngày thứ ba, khoảng 4 giờ chiều có người gọi điện thoại cho tôi và xưng là Police Chicago. Sau khi xác định tên họ tôi, Police báo cho tôi biết Joe đã qua đời lúc 3 giờ 21 phút, tại bệnh viện St Francis, Evanston! Tin bất ngờ đến với tôi giống như sét đánh! Tôi bàng hoàng và chết lặng đi trong nhiều phút mới trả lời được với Police rằng tôi chỉ là bạn, rằng Joe còn có người bà con tên…. số điện thoại là….. Vậy là trong những ngày giá lạnh tôi ở nhà thì Joe vẫn đến với những con chim câu.

Ông đã bị chiếc Chevrolet van đụng phải ở góc đường Devon và Mc Cormick lúc 2 giờ 15 phút ngày thứ ba. Cảnh sát tìm thấy trong túi xách của Joe có danh thiếp của ông và những tấm ảnh mà tôi chụp cho, phía sau có tên và số điện thoại của tôi, là người duy nhất mà Police có thể liên lạc được. Có một sự lý thú, bất ngờ như phép mầu là Joe đã mất đi ở ngay cái bệnh viện mang tên Thánh Francis, vị thánh mà Joe tôn là thần tượng và suốt đời ông cố noi theo. Tuy nhiên, điều làm tôi suy nghĩ và hơi buồn là Joe đã bỏ cả cuộc đời để tư tưởng, cầu nguyện, và thực hành điều cao quý, đó là tình thương cho con người, cho nhân loại, còn đối với riêng mình, ông chỉ muốn một việc rất đơn sơ là một tấm ảnh ưng ý nhưng khi đã có rồi thì ông lại không được nhìn thấy nó!

Ngày hôm sau, thứ tư tôi cho bức ảnh đã phóng lớn cỡ 8 x10 vào khung và mang theo một thẻ nhang, tới chỗ mà Joe thường ngồi. Nơi đây đã có ai đó đặt một vòng hoa tựa vào cái họng cứu hỏa, có nhiều cây nến đang cháy, bên cạnh là một gói thuốc đã mở ra, cùng cái giá cắm điếu thuốc đang cháy dở. Trên cái fire hydrant có một con bồ câu ngồi ủ rũ, trên vỉa hè, nhiều con khác cứ đi qua đi lại… Tôi đặt khung ảnh tựa vào vòng hoa, đốt ba cây nhang, ngồi xuống nói với Joe : “Joe ơi! Tôi mang đến cho ông bức ảnh mà ông thích nhất đây…”

Nói tới đây thì nước mắt tôi trào ra. Tôi yên lặng, thật lâu, rồi tiếp tục: “Đây là lần sau cùng tôi đến với ông. Mong ông cứ ngủ thật bình yên cùng với thánh Francis trong vòng tay của Chúa…”  Vì quá xúc động, tôi không nói thêm gì được nữa. Nhiều khách bộ hành thấy tôi khóc thì tò mò dừng lại xem chuyện gì đã xảy ra, những người khác thì vẫn cứ bình thản xuôi ngược lo toan công việc của mình. Ngoài kia,dòng xe qua lại vẫn không một phút ngừng nghỉ.

 Tuyết đã bắt đầu rơi… Và, trong tôi chợt xuất hiện những vần thơ. Tôi lẩm bẩm những lời sau cùng dành cho Joe:

Giữa phố phường đông đảo

Người qua lại hững hờ

Tiếng bồ câu ảo não :

Người ở đâu bây giờ?     

Duy Nhân

Hoa Huỳnh chuyển

 Mời Xem :

Ông và cháu - Duy Nhân 

* Ảnh minh họa ST trên Google

1 nhận xét:

Kính Mời Họa : THƯ CHO NGƯỜI CŨ - Thơ Hồ Nguyễn

  THƯ CHO NGƯỜI CŨ Ngày mai em khoác áo theo chồng, Anh có đôi điều gởi được không? Tình cũ đã tan không quyến luyến, Nghĩa xưa xóa hết giữ ...