Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Trà Võ - Chuyện Kể Không Trọn Của Một Phần Ba Đời Người - Thuyên Huy




    Tôi sinh ra ở Thạnh Phước, Gò Dầu Hạ, ba tôi người Long Thuận, mẹ người Trâm Vàng, bỏ Bến Cầu, theo gia đình về Trà Võ từ lúc vừa lên ba bốn tuổi gì đó. Trà Võ là ấp chợ của xã Thạnh Đức, quận Hiếu Thiện, ba ấp khác, phía trên là Bông Trang, Bàu Nâu, phía dưới là Bến Mương, nhà dân cất nằm dọc theo tỉnh lộ đi Tây Ninh - Sài Gòn, cái gạch cái tranh, san sát nhau, cái lớn cái nhỏ, xen kẻ những con đường đất rộng độ hai chiếc xe bò xe trâu qua, làm thành mấy ngã ba nối với đường lộ, đi vào khu xóm trong, không xa chợ bao nhiêu là cái nhà máy xay lúa lớn, máy chạy liên tục từ sáng tới chiều, người ta, xe lam, xe kéo ồn ào vô ra. Chợ Trà Võ, một cái nhà lồng lớn, cất bằng gạch, nền xi-măng cao quá nửa người, nằm giữa hai dãy nhà tường, đầu chạy dài từ ngoài đường lộ.  Sau chợ, chính giữa hai bên phố là văn phòng xã cũ, trông giống như một cái đình làng, có chòi canh, lô cốt, hàng rào kẽm gai, nhưng sau đó, khi tôi lên tỉnh học vài năm, thì bỏ trống. Phía bên kia là rừng cao su của người Pháp, sâu hun hút, bắt đầu dọc theo đường vào tận Cầu Khởi, Khiêm Hanh, ở một khoảng đất rộng, cùng một bên đó, ngó qua chợ, là cái đồn lính khá lớn, cũng bao cát kẽm gai chằng chịt và trụ sở của ủy ban hành chánh mới xã Thạnh Đức.
    Tính từ tỉnh lộ vào, trước chợ là một miếng đất rộng, chính giữa có cây Điệp già nua, ít bông ít lá, thường có chợ phiên mỗi tháng, là ngày công nhân cạo mũ cao su lảnh lương, người buôn người bán đông đúc, tấp nập cả ngày, từ sớm tới xế chiều. Sau văn phòng xã cũ là trường tiểu học, xây bằng gạch nhưng cũng còn hai lớp mái tranh, tường đất, trường có hàng rào đầy bông Bụp đỏ thẩm bao quanh cái sân cát trắng mịn, với vài ba cây bồ đề, bốn năm cây cổ thụ . Bên trái, dãy phố gạch nhiều căn, từ đường lộ vào, ngừng lại tại miếng đất trống, cỏ hoang um tùm, nhà tôi, một căn nhà vách đất, mái lợp tranh, bắt đầu từ đó, nối chung vách với mấy căn khác tiếp theo sau, cũng là mái tranh vách đất, cho tới con đường đất rẽ xuống xóm dưới, chạy dọc bên hông hàng rào trường học. Đối diện, phía bên kia, dãy phố gạch cũng chạy dài từ ngoài đường vào, song song với bên này. Phân nửa dãy nhà gạch đó, tính từ ngoài đường, được xem là nhà của người nhà giàu, gọi là giàu vì, ở đó có đủ thứ tiệm buôn, nào là tiệm vải, tiệm tạp hóa lớn, bán đủ thứ đồ, có cả phân bón, nồi niêu, tiệm bán thuốc tây, tiệm bán sửa xe đạp, tiệm may và nhiều nữa, nối liền nhau một khoảng phố, nhứt là gia đình của anh em bác ba S, bác chín C, lúc tôi chưa vào trung học thì họ đã có xe hơi, hình như là cái xe cam-nhông “bơ - giô” nhỏ, cái xe du lịch “trắc- xông” đen và có cả đèn điện bằng máy phát riêng.
    Ba tôi, làm giám thị, coi một trong hai ba sở cao su của đồn điền Pháp, ông giám đốc người Pháp có nhà ở, và văn phòng cũng như nhân viên làm việc, tại một khu cư xá khang trang, rào sắt cao bao quanh, nằm bên bờ nhánh lớn rẽ ngang của con sông Vàm Cỏ Đông, cuối ngã ba Vên Vên không mấy xa. Ông giỏi tiếng Pháp, nhưng là người thất thời vận, có thời làm giám đốc đồn điền cao su ở Bà Rá, Xa Cam,Hớn Quản, nhưng mẹ tôi, bà không có học hành nhiều, tôi không thấy bà đọc sách báo hay viết lách gì cả, ngoại trừ ghi chép đôi ba con số tiền chợ tiền nhà. Tuy đươc gọi là “thầy tư giám thị” nhưng gia đình tôi nghèo, may mà ba tôi có được chiếc xe gắn máy hiệu “Goebel” của Đức, để đi làm, sáng sớm vào rừng, chiều về đi họp, chứ nếu không chắc là phải đi xe đạp như những chú thiếm, anh chị công nhân cạo mũ khác trong làng. Ông không có nhiều quần áo, hai ba cái áo sơ mi trắng ngã màu, mấy cái quần đùi, quần dài màu đậm, và còn được cái áo vết-tông màu xanh dương, kiểu xưa, treo ngày này qua ngày nọ, năm này qua năm kia, trong cái tủ lớn để giữa nhà, trên làm bàn thờ ông bà, bằng gõ nâu bóng, món đồ giá trị nhất trong nhà, phía dưới cái áo “tây” lủng lẳng này, là một chồng sách cao, nào là truyện Lê Văn Trương, Hồ Biểu Chánh, Nhất Linh, Khái Hưng, nào là truyện tàu, Thủy Hử, Tam Quốc Chí...tôi không biết ông có đọc hết hay không. Ông cũng có một đôi giày da đen, mốc meo, chưa bao giờ thấy bóng, cất trên đầu tủ thờ, ít khi thấy đem xuống. Đi làm, ông mang đôi giày da khác, cũ hơn và đã sờn nhiều chỗ, ở nhà, ông mang dép Nhật lẹp xẹp, dù trời lạnh đông hay nắng hạ. Mẹ tôi cũng không hơn gì ông, cũng mấy cái áo bà ba đen, mấy cái quần vải đen, dăm ba cái khăn rằn không cũ lắm, bà có thêm bộ đồ còn tốt, áo bà ba lụa tay dài màu nâu nhạt và cái quần lảnh đen láng, dành để mặc mỗi khi về Trâm Vàng thăm bà ngoại, giống như ba tôi, bà có vài đôi dép cũ, mang thay qua đổi lại, nhưng chưa khi nào thấy hai ông bà buồn chuyện gì cả, hay có buồn riêng mà tôi không biếtđược.
    Ba mẹ tôi không có nhiều bạn bè, hai người chưa thấy lần nào bước qua hay đi tới phía dãy nhà giàu bên kia chợ.  Cái tiệm tạp hóa nhỏ, trọn một căn phố, của chú T, người gốc Tàu, Tiều Châu thì phải, ở đầu dãy phố cùng bên nhà, có hai đứa con trai, đứa em tên N, học cùng tôi một lớp, hiền và ít nói, là nơi mẹ tôi tới mua mắm muối, dầu mè. Riêng tiệm thuốc tây, ba tôi có qua mua thuốc cảm vài lần, mẹ tôi thì chưa thấy lần nào, vã lại, nếu bệnh nặng, ông bà được công ty Pháp chỡ xuống bệnh viện St Paul dưới Sài Gòn, mỗi lần về Gò Dầu, ba tôi đều ghé tiệm thuốc tây của một người bạn quen, ngay ngã ba xuống chợ, ngó qua bên văn phòng hành chánh Quận mua hờ cả một túi đầy, cảm cúm ho hen đủ thứ, theo ông nói lại, người bạn lấy tiền tượng trưng vì ơn nghĩa với ông, từ ngày bôn ba xuôi ngược miền Tây sông nước, vợ bác này, đã chết vì bệnh ung thư ngực năm tôi lên lớp đệ ngũ trung học.
    Cả những năm dài còn ở trường làng, cho tới ngày lên trung học trường tỉnh, hình như ba mẹ tôi chưa có lần nào đến cửa nhà mấy gia đình bên đó và ngược lại ở bên đó, họ cũng chẳng cần phải đến nhà tôi. Khách của nhà tôi thường là mấy người bà con bên ngoại dưới Gò Dầu lên, thăm khi có chuyện gì cần hay anh chị năm T, con của bà cô hai, người trông chừng cái vườn cau và dừa, do ông bà nội để lại, từ bên Bến Cầu qua trong mấy ngày Tết. Chỉ có vậy thôi, tuy nhiên ba tôi cũng có dăm ba người bạn già quen, ở xóm dưới, sớm nào, mặt trời chưa mọc, đã có mặt ngồi nhâm nhi cà phê ở trước căn tiệm, ngó ra cái giếng bơm nước, vẫn còn xài được, ngay góc cuối của nhà lồng chợ, hay ngồi đánh cờ tướng, thế xe thế pháo, trên dãy sạp cây trống , giữa trưa nắng, khi bạn hàng buôn bán không còn ai. Còn lại, người được xem tới thường thường là mấy anh chị hay cô chú, dân làm phu cạo mủ của sở ba tôi coi, khi thì đem cho con gà, con cá, trái bí trái bầu, khi thì nhờ ba tôi viết đơn này đơn nọ để gởi cho xã quận hay ai ai đó.
    Tuy nhà tranh đèn dầu, khi mờ khi tỏ, nhưng ba tôi đã dạy tôi, đánh vần viết chữ từ khi chưa tới tuổi đi học, cho nên, khi vào trường, tôi đã được xếp lớp tư thay vì lớp năm là lớp đầu tiên như những đứa trẻ khác và tôi bắt đầu học chung lớp với đám con cái nhà giàu, TTU, TDK,TDK và gặp mặt mấy người em của họ, TVT, TDK, TTB ... những đứa học lớp dưới kể từ lúc bấy giờ, cho tới ngày lên trường công lập tỉnh, những người này thì lại xuống học ở trường quận Gò Dầu Hạ. Suốt bốn năm tiểu học, tôi ít khi chuyện trò hay chơi đùa với nhóm này, họ cũng chẳng thấy cần gì ở tôi, mặc dù tôi là một thằng học trò giỏi. Đám bạn với tôi, tự nhiên, toàn là con nhà nghèo, làm ruộng, câu cá tát đìa, phu cạo mũ ở xóm trong, xóm dưới, có một điều khá lý thú là đám bạn này cũng chẳng chơi với nhóm con nhà giàu, chưa thấy đứa nào lân la hay mon men gì ở trước mấy căn phố bên đó.
    Trong số bạn này, tôi chơi thân với K, nhà K rộng, vách cây, mái thiếc, ở giữa khu ruộng nhỏ, phía sau trường, chuyên làm bún bán trên chợ, tôi thường theo K đi lấy đất sét về nắn trái này trái nọ hay con bò con trâu. K chạy qua chạy lại nhà tôi, tôi chạy lên chạy xuống nhà nó, nhiều khi ba tôi dạy học thêm cho cả hai, chuyện nhà K đem biếu ba mẹ tôi mấy xấp bún mới làm ra, còn nóng hổi là chuyện thường ngày. K thi rớt đệ thất, không học tiếp, lấy vợ rồi cả gia đình dọn về Đức Hòa vài năm sau đó. Một người bạn khác, không thân lắm nhưng cũng đã “chia ngọt xẻ bùi” trong lớp trong trường là H, nhà ở trên ấp Bông Trang, ba H làm nghề lò rèn dao kéo, cái nhà tranh có lò rèn phía trước, một bên sân, nằm dọc theo tỉnh lộ, ngó ra rừng cao su phía bên kia. H có cái xe đạp cũ, sáng thì đạp xuống gởi ở nhà tôi, rồi hai đứa cùng đi qua trường. H đậu tú tài hai, tình nguyện vào trường Võ Bị, miền Nam mất, H vào tù cải tạo của CSBV rồi bị bắn chết khi trốn trại. Lên trung học tôi mới biết thêm một số bạn khác, từ Bông Trang, Bàu Nâu, biết tên, chơi qua lại như H, M, T, M .. nhưng không gọi là thân.
    Đậu vào lớp đệ thất trường trung học công lập tỉnh, năm đầu tiên xa nhà, ba tôi đem gởi tôi ở trọ tại một cái vi-la trên đường Võ Tánh, đi xuống ngã ba chợ cũ không xa của ông đốc M, ở đây, cũng có ba anh lớp lớn, anh N từ Vên Vên, anh T từ Trãng Bàng và anh S dân Bến Cầu cùng ở trọ, thêm nữa là ông giáo sư NH, người Bắc, không nhớ rõ là ông dạy môn gì. Con của ông đốc M, TXS, học chung lớp với tôi, anh của TXS là TXP học hơn hai ba lớp gì đó. Đám bạn cùng lớp chơi với nhau, từ đệ thất lên đệ nhất, có TCH, NBT, HKD, NTX, NKH, HVB, NVP, PDM, NNT, NPL, NHT, TVL, PXH, LT, ĐMR ... những người đã cho tôi “hai chữ tình bạn đúng nghĩa”, riêng TCH, tôi vẫn còn nợ ở anh nhiều quá, cho tới ngày bỏ Tây Ninh đi, không một lần về lại mà đến giờ này, món nợ nghĩa ân đó, tôi chưa trả được chút nào, thì đã muộn quá đời người.
    Những năm đi học ở trường tỉnh là những chuỗi ngày lang thang sống đời ở trọ, hết nhà này tới nhà khác, từ nhà ông đốc M, đến dãy nhà thiếc cây Me, rồi nhà bà chị sáu của NBT ở khu S, đối diện với nhà máy nước đá, đến nhà bác sáu B trong khu nhà thờ tỉnh, cuối cùng là nam ký túc xá, nằm gần đình Hiệp Ninh, không xa cổng trường mấy. Suốt mấy năm này, như đám bạn khác, tôi cũng đón xe về Trà Võ, lẩn quẩn loanh quanh ở nhà vậy thôi, mấy thằng bạn thân hồi tiểu học đã không gặp lại, một vài đứa theo gia đình dọn về chỗ xa nào đó, một vài thằng, lớn chút xíu đã đầu quân vào lính, trấn đóng miền xa. Đám con nhà giàu, vẫn giàu như trước, tôi cũng chẳng biết và nhớ rõ mặt mũi họ ra sao, cho đến bây giờ, lần cuối gặp họ, là ngày sau cùng, chấm dứt mấy tháng học luyện thi vào đệ thất trường Hữu Đức, khi cả bọn cùng đi một chuyến xe lam chiều của anh năm, nhà ở kế bên phòng y tế xã, gần đường lộ, từ Gò Dầu về Trà Võ, hình như họ cũng khá thành công sau này, nghe nói có TMT, sĩ quan cấp Tá,TDK là bác sĩ hay kỹ sư gì đó.
    Tôi rớt tú tài 2, vì một lỗi lầm lớn và đáng trách, dân chợ Trà Võ xầm xì, nhỏ to “con thầy tư thi rớt rồi” từ đầu trên xóm dưới, ba mẹ tôi buồn không ít nhưng ông bà không rầy rà một tiếng nào. Tôi thật sự bỏ Trà Võ đi từ ngày tháng đó, bỏ lại sau lưng những ngổn ngang vui ít buồn nhiều như một kẻ tội đồ, tôi khóc một mình, trên chuyến xe đò chiều xuống Sài Gòn, mẹ tôi dặn dò, “cẩn thận, ráng lo, nhớ về thăm nhà, có túng thiều gì nói cho ông bà biết” khi ông bà cùng đứng chờ xe đưa tôi đi, bên lề khoảng đất trống, đầu dãy phố khu nhà giàu, có cái xe bán nước mía, quay bằng tay, sơn màu xanh hy vọng, ly nước mía mà tôi với K chia hai uống vì không có đủ tiền, trong một ngày chợ phiên nắng gay gắt nóng. Ở phía sân nhà anh em TDK, có tiếng cười rộn rã giữa cái nắng chiều lờ lững xuống, xe chạy qua khỏi đồn lính khá xa, ba mẹ tôi vẫn còn đứng đó.
    Theo một người chị bà con xa, bỏ lên Đà Lạt, dấu mình, định là cố học ôn để thi Tú tài 2 kỳ hai, nhưng không hơn một tuần, buồn quá, không học hành được gì, tôi theo xe đò về lại Sài Gòn, lang thang hết chỗ quen này tới chỗ lạ khác, cơm chay, bánh mì qua ngày qua tháng, rồi bỏ cuộc, không tài nào thi lại như mong muốn. Tôi gặp lại NBT, cũng như mình, “trợt vỏ chuối” tú tài hai, một ngày mưa dầm trong sân trường QGSPSG,  khi đi nộp đơn thi, hai thằng nhìn nhau cười, tôi thì cười ra nước mắt.  Không may, NBT không được vào SPSG nhưng có tên xuống SPMT, thế là hai thằng chia tay lần nữa. Ngày làm giấy tờ nhập học sư phạm, tình cờ quen T, dân Phú Giáo Bình Dương, cùng một lớp, T đưa tôi về nhà trọ, có cái gác cây, trong một cái hẽm nhỏ, gần chợ Nancy, trên đường Cộng Hòa, nơi hắn có S, anh bạn cũng ở Bình Dương đã học xong năm thứ nhất đang ở, giới thiệu với bà chủ, xem như tạm có chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng. Cuối năm thứ nhất SPSG, tôi đậu lại tú tài 2, sau khi đi “ứng thí” với tư cách thí sinh tự do ở trường trung học Nguyễn Trãi, bên Khánh Hội. Lúc này, tôi về lại Trà Võ vài lần, có người chào người không, đi về, cũng không cần ai biết, dưới ánh đèn điện giữa nhà, mà ba tôi đã chuyền dây qua, gắn được từ căn phố của anh Phó xã trưởng H bên cạnh, từ vài năm qua, lâu lắm mới thấy ba mẹ tôi cười. Năm sau, thi tốt nghiệp SPSG xong, bạn bè anh chị cùng khóa, khăn gói ra trường, nhận nhiệm sở, tôi bỏ nghề, may mắn vào học HVQGHC. Ba mẹ tôi rời Trà Võ sau đó, dọn về Tây Ninh, ở tại một căn nhà nhỏ, tường đóng bằng ván cây, mái ngói âm dương màu nâu bạc, gần đất thánh Tây, cách ngã ba, trường tư thục Văn Thanh, một cái nghĩa địa bỏ hoang, rong rêu và cũ kỹ.
   Cuối xuân 1975, miền Nam thua cuộc, sau ngày Ban Mê Thuộc mất không lâu, Kontum, nơi tôi vội vã đến, trong một ngày âm u thiếu nắng trời cao nguyên, nhận chức Phó QT, quận châu thành Kontum, cứ nghỉ mình chắc sẽ ở đây vài năm, nhưng rồi cũng đành hấp tấp bỏ đi, khi chưa kịp nhớ hết tên những cái buôn làng gọi bằng tiếng Thượng trong quận mình, theo sóng người di tản xuôi nam. Cũng như ngày bỏ Tây Ninh, tôi bỏ Kontum, một lần rồi thôi, không hẹn và chắc sẽ không có ngày về lại.  
    Mai đây, ở kiếp người sau, nếu có và nếu cho tôi dịp may, kể lại chuyện mình, “chuyện kể không trọn của một phần ba đời người” được xem là một phần đời mà tôi đã bỏ quên dưới  mộ.

Thuyên Huy

Viết tạ lỗi với những người bạn đã cho tôi nhiều hơn là nhận, cũng xin mượn để trả thay cho nhiều món nợ đời mà tôi không thể trả ở kiếp này.



1 nhận xét:

  1. Cang Nguyên:
    Thuyên Huy là bạn thơ văn của tôi hơn 2 năm. Tôi đọc khá nhiều thơ và truyện ngắn của bạn. Phải nói là tôi rất ngưỡng mộ người bạn nầy nhất là khả năng làm thơ và viết văn của bạn. Tôi đã có nhiều bài bình thơ và bình truyện ngắn ngắn hay của bạn nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ. Bạn có hai tuyển tập truyện ngắn, sách viết bằng tiếng Anh đã xuất bản bên Úc, sau nầy chính bạn đã dịch lại một phần đăng trên blog của Hòa và Hải Vân, rất tiếc tôi không giỏi tiếng Anh để thưởng thức nguyên tác nầy.
    Truyện viết trên đây có thể gọi là Hồi Ức Tuổi Thơ, lần đầu tiên bạn viết để ghi lại cuộc đời mình và cũng để tâm sự với bạn bè thơ văn và bạn bè đồng hương Tây Ninh. Từ lâu tôi cũng muốn biết qua thân thế và tuổi thơ của bạn nhưng chưa có dịp tâm sự, nay bạn viết truyện nầy như một hồi ký tuổi thơ để tôi và bạn bè biết nhiều hơn bạn mình.
    Bài viết thật hay và cảm động. Ký ức tuổi thơ của bạn sao giống tôi quá, tự nhiên tôi thông cảm sâu sắc tuổi nhỏ cũng như lúc bạn thi rớt Tú tài II, sao lại giống tôi nữa. Đọc bài viết mà nghe nghèn nghẹn trong cổ họng , thông cảm với cái nghèo ,cái bất hạnh, cái bơ vơ: ở trọ hết chỗ nầy tới chỗ nọ trên đất Tây Ninh. Tôi thương cho bạn mà cũng thương cho chính mình, đều có tuổi thơ bất hạnh, không được sống êm ấm với cha mẹ trong cùng một mái ấm gia đình. Lời văn thật lôi cuốn hấp dẫn , truyền cảm , nghe nhức nhối. Tôi thương cho hoàn cảnh tuổi thơ của bạn , may mà bạn còn có hậu vận khá sáng sủa từ khi đậu vào trường Quốc Gia Hành Chánh,nhưng rồi cuộc đời bị bế tắc sau 75, chấm dứt một đời mơ ước tương lai...

    Trả lờiXóa

GIẬN HỜN - Thơ Sông Thu Và 18 Bài Họa Của Các Thi Hửu

GIẬN HỜN Em giận chi mà chả nói năng Suốt ngày thần sắc lạnh như băng Quay lưng né mặt không thèm ngó Buông đũa rời mâm chẳng muốn ăn Lặng l...