Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Họp thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu tại Paris kết thúc


Tổng thống Pháp Francois Hollande (phải) bắt tay với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon bên cạnh Bộ trưởng Ngoại giao Pháp và chủ tịch COP21 Laurent Fabius (trái) trong phiên họp cuối cùng của hội nghị biến đổi khí hậu COP21 Liên Hợp Quốc tại Le Bourge
Tổng thống Pháp Francois Hollande (phải) bắt tay với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon bên cạnh Bộ trưởng Ngoại giao Pháp và chủ tịch COP21 Laurent Fabius (trái) trong phiên họp cuối cùng của hội nghị biến đổi khí hậu COP21 Liên Hợp Quốc tại Le Bourget, Paris, ngày 12 tháng 12 năm 2015.
AFP
Gần 200 quốc gia đã đạt được một thỏa thuận theo đó các nước hứa sẽ cố gắng nổ lực cắt giảm lượng khí thải để nhiệt độ trái đất chỉ có thể nóng lên tối đa là 2 độ C từ đây cho đến năm 2100.
Điều này có nghĩa là việc sử dụng các loại nhiên liệu như than đá và dầu hỏa sẽ phải được giảm bớt.
Thỏa thuận này hiện cần ít nhất là 55 quốc gia phê chuẩn để có thể có hiệu lực .
Tuy nhiên đã có nhiều người hy vọng rằng đây là một bước ngoặt lịch sử của nhân loại.
Ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nói rằng thỏa thuận Paris là một thành công vĩ đại của nhân loại.
Ông John Kerry, Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng đây là một chiến thắng cho các thế hệ tương lai.
Từ Washington Tổng thống Obama nói rằng thỏa thuận về biến đổi khí hậu là một cơ hội tốt nhất để mọi người làm việc phải làm là cứu lấy trái đất.
Còn Tổng thống Pháp Francois Holland thì tuyên bố rằng trong tất cả những cuộc cách mạng từng diễn ra ở Paris thì thỏa thuận về biến đổi khí hậu là một cuộc cách mạng tươi đẹp nhất.
Bên cạnh đó cũng có nhiều tiếng nói không được lạc quan.
Hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Paris, họ nắm tay nhau thành một hàng dài từ Trung tâm Paris đến khu tài chính của Thủ đô để biểu lộ chính kiến của mình nói rằng thỏa thuận Paris không đủ sức mạnh để cứu lấy trái đất.
Một thành viên của Tổ chức hòa bình xanh nói với báo chí rằng thỏa thuận Paris là một khởi đầu tốt, nhưng chưa đủ.
Còn vị đại diện của Nicaragua, một trong tám quốc gia không ký vào thỏa thuận Paris nói rằng thỏa thuận này không đủ để làm giảm sự nóng lên của trái đất, và không giúp đỡ các nước nghèo.
Một trong những công việc khó khăn nhất mà các nước tham gia hội nghị phải vượt qua là quan điểm khác nhau giữa những nước giàu và nước nghèo.
Các quốc gia đang phát triển, mà tiêu biểu là Trung quốc muốn rằng phải có những qui định khác nhau cho các nước giàu và nghèo. Điều đó có nghĩa là các nước nghèo phải được quyền đốt nhiều nhiên liệu hơn.
Các nhà thương thuyết đã đi đến 1 giải pháp trung dung là các biện pháp mà các quốc gia sử dụng để tham gia vào thỏa thuận sẽ tương ứng với mức độ phát triển của quốc gia đó.
Thỏa thuận cũng nói là các quốc gia giàu có sẽ tiếp tục cung cấp nguồn tài chính để giúp các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu, và khuyến khích họ sử dụng những biện pháp cắt giảm khí thải trên cơ sở tự nguyện.
Một vấn đề khó khăn nữa là làm thế nào để quốc gia quan trọng là Hoa Kỳ thông qua thỏa thuận Paris. Cuối cùng thì các nhà thương lượng đồng ý ghi rằng các quốc gia giàu có nên tham gia vào việc giảm khí thải, thay vì sẽ giảm khí thải.
Các nhà quan sát cho rằng việc thay đổi từ ngữ như vậy là nhằm để chính quyền của Tổng thống Obama thông qua thỏa thuận Paris mà không cần sự chuẩn thuận của quốc hội hiện đang do đảng cộng hòa nắm giữ, trong đảng này có nhiều ý kiến chống lại việc cắt giảm khí thải.
Xin nhắc lại là trước Hội nghị Paris đã có hai kỳ họp lớn của các quốc gia trên thế giới để bàn việc chống biến đổi khí hậu.
Đầu tiên là ở Kyoto vào năm 1997. Lần đó chỉ có các quốc gia giàu có tham gia, và nước Mỹ không ký vào bản nghị định thư Kyoto.
Lần cuối cùng là ở thủ đô Đan Mạch Copenhagen năm 2009 các nước đã không đi đến một thỏa thuận nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét