Đó chỉ là một số trong rất nhiều những
hệ quả đã xảy ra từ cách đây 2 năm tại Quảng Nam, Quảng Ngãi. Hiện tại
là nguy cơ bãi biển Cửa Đại bị xóa sổ hoàn toàn do biển bị xói cát, hết
cát, khiến sóng xâm thực vào bờ. Lật lại sự việc từ nhiều năm trước mới
thấy “con người” chính là nguyên nhân.
Nạo vét, thông luồng và tận thu cát
Năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy
phép cho Công ty Saphia được khai thác 20 triệu m3 cát nhiễm mặn tại cửa
Lở – sông Vệ để xuất khẩu trong 3 năm (2009-2011). Việc khai thác được
tiến hành khi thực hiện dự án nạo vét, thông luồng.
Hợp đồng ký kết theo mô hình “đổi” cát
lấy cơ sở hạ tầng: doanh nghiệp khai thác tài nguyên, sau đó trích lợi
nhuận để đầu tư vốn cho các dự án thông luồng, dự án kè Đức Lợi (gần 15
tỷ đồng), đường bê-tông từ ngã tư Vinh Phú – Trạm Biên phòng Cửa Lở (gần
2 tỷ đồng) và Trường Tiểu học Đức Lợi (1,83 tỷ đồng).
Thế rồi tỉnh phải dừng việc khai thác
cát của công ty này, theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực
từ tháng 6/2010. Công ty thì “mất tích” với những công trình dở dang mới
cung ứng được trên dưới 50% tiền vốn.
Bán 580.000m3 cát, doanh thu 2,9 triệu
USD, nhưng doanh nghiệp Saphia không thực hiện cam kết với người dân,
cũng không nộp thuế cho nhà nước. Vào tháng 3/2013, ông Trần Văn Độ –
Phó Cục trưởng Cục thuế Quảng Ngãi cho hay, doanh nghiệp Saphia còn nợ
tỉnh 14,8 tỷ đồng tiền thuế, phí và lệ phí, theo thông tin trên Báo
Quảng Ngãi.
Cái lạ nữa là dù đăng ký vốn đầu tư 300
tỷ đồng, nhưng Công ty CP Saphia Quốc Tế không hề ký quỹ đầu tư một xu
nào, theo thông tin từ báo Dân Trí. Có vậy doanh nghiệp mới có thể “xù”
luôn những khoản nợ công trình đã cam kết đầu tư. Các cơ quan chức
năng cho rằng đành bó tay.
Nhưng đó chưa phải là hết.
Lại tận thu
Ngưng một thời gian, đến tháng 2/2013, UBND tỉnh Quảng Ngãi lại tái tận thu xuất khẩu cát nhiễm mặn.
Tỉnh tiếp tục ký văn bản với các doanh
nghiệp: Công ty CP Luyện kim đen Thăng Long, Công ty CP Trường Phát Lộc,
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Ngọc Việt, Công ty Cổ phần
Thương mại và Đầu tư xây dựng Thảo Nguyên, Công ty TNHH MTV Đầu tư và
Phát triển Trường Thành, cho phép nạo vét, thông luồng, tận thu cát
nhiễm mặn xuất khẩu ở 5/6 cửa biển của tỉnh: Sa Cần, Cửa Đại, Cửa Lở, Mỹ
Á, Sa Huỳnh.
Tổng khối lượng nạo vét tại 2 cửa biển Sa Cần, Cửa Đại đã lên đến trên 70 triệu m³.
Sẽ không có gì đáng nói, nếu như bờ biển
Quảng Ngãi không chỉ dài gần 130 km, cả tỉnh có 5 huyện đồng bằng với
dải đất cát nhỏ, hẹp ven biển. Chiều rộng từ biên giới giáp Lào tới bờ
biển chỉ khoảng 80-90 km. Còn tính từ mép biển đến rừng phòng hộ, khu
dân cư thì chỉ từ 50-100m.
Tình trạng xói lở diễn ra hàng năm kể từ
năm 1995. Năm 2000 đến nay, tình hình xói lở diễn ra ở phía Bắc của Cửa
Đại, còn phía Nam của khu vực này lại được bồi đắp. Trung bình mỗi năm
khu vực phía Bắc Cửa Đại bị sóng biển làm xói lở khoảng 10m, còn tốc độ
bồi lấp ở khu vực phía Nam là 8m. So sánh định lượng một cách máy móc,
thì vẫn còn phải bù 2m xói lở.
Trên Báo Quảng Ngãi, một số cụ cao niên ở
xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) và Tịnh Khê (Sơn Tinh) cho hay, vào mùa biển
động, sóng sẽ đưa cát từ bờ ra xa theo con sóng hàng trăm mét, rồi mùa
biển lặng, sóng lại đưa cát vào bờ biển. Quy luật này lặp đi lặp lại năm
này qua năm khác. Ở cửa Đại cũng như thế, sau 1 năm bồi lấp, sẽ có
những ngày mưa lũ, dòng chảy của sông, kết hợp với triều cường và dòng
chảy đối lưu gần bờ sẽ tự mở toang cửa biển, khơi thông luồng lạch. Do
đó, nếu bị bồi lấp thì chỉ cần nạo vét vào mùa khô. Nếu hút cát ở diện
tích rộng, dài hai bên bờ biển sẽ gây sạt lở bờ biển, tác động xấu đến
bãi tắm Mỹ Khê, cũng như sạt lở bờ biển xã Nghĩa An.
Một số người am hiểu về vùng biển Quảng Ngãi thì cho rằng hàng năm tỉnh chỉ cần nạo vét 1- 2 triệu m3 cát là thông luồng được.
Vậy mà các dự án nạo vét hàng chục triệu m3 cát với lý do “thông luồng trước, tận thu cát nhiễm mặn sau” vẫn được phê duyệt.
Đón đọc Phần 2: Dân mất biển, mất nhà, mất kế sinh nhai
Phan A tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét