LỮ KHÁCH |
||
|
||
Kim Dung cùng với Cổ Long và Lương Vũ Sinh, được gọi là
“Võ hiệp tam đại gia”. Ông đã góp công lớn đưa thể loại văn chương võ hiệp từ
tiểu thuyết dân dã bước lên lâu đài của nền văn học Trung Hoa hiện đại, trở
thành nhà văn lớn ngang danh Ba Kim, Băng Tâm. Ngoài sự nghiệp văn chương, ít
ai biết ông còn có một cuộc tình lãng mạn…
Người đưa tiểu thuyết võ hiệp vào sách giáo khoa
Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung. Bút danh đó là do tên
ông chiết từ thành 2 chữ mà ra. Ông sinh năm 1924, trong danh môn vọng tộc ở
huyện Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Từ năm 1948, ông định cư và
xây dựng sự nghiệp ở Hong Kong.
Ông không viết nhiều như các đồng nghiệp khác. Năm 1955,
ông viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên Thư kiếm ân cừu lục, đến năm
1972 viết cuốn Lộc đỉnh ký, rồi gác bút ở tuổi 48. Ông đã lấy 14
chữ đầu tên các cuốn sách của mình đặt thành câu đối như sau:
Câu đối trên được khắc sau tượng Kim Dung, dựng trên đảo
Đào Hoa, tỉnh Chiết Giang (quê hương “Đông tà” Hoàng Dược Sư trong pho truyện Anh hùng xạ điêu). 14
tác phẩm trên cộng thêm cuốn Việt nữ kiếm, như vậy tổng số tác
phẩm Kim Dung là 15 cuốn.
Trích đoạn Tuyết sơn Phi Hồ đã được chọn
trong sách giáo khoa ngữ văn trung học phổ thông ở Trung Quốc.
Biệt thự của Kim Dung.
Ngoài tiểu thuyết võ hiệp,
Kim Dung còn viết nhiều bài thể loại phóng sự, bình luận, khảo cứu. Ông còn
là một học giả uyên thâm, được phong nhiều học vị danh dự. Mặc dù đã được cấp
bằng tiến sĩ văn học danh dự nhờ cuốn Lộc đỉnh ký, nhưng ông
không thỏa mãn.
Năm 2005, ông lập kỷ lục
Guinness đậu bằng tiến sĩ lịch sử thực thụ Trường Đại học Cambridge (Anh) ở
tuổi 81 với luận văn “Bàn về chế độ kế thừa ngai vàng thời thịnh Đường”. Năm
1959, ông sáng lập và làm chủ bút tờ Minh Báo, về sau phát triển thành Tập đoàn Minh
Báo lên sàn chứng khoán, do ông làm chủ tịch HĐQT. Trong làng văn
chương Hoa ngữ, viết văn mà trở thành tỷ phú, có lẽ chỉ có Kim Dung!
“Giấc mộng đêm hè” của đại
hiệp Kim Dung
Người đời thường nói: “Đắc
ý trên thương trường, thất bại trên tình trường”. Kim đại hiệp ngang dọc
giang hồ, nhưng tình yêu vẫn khó trọn vẹn.
Năm 1957, Kim Dung xin vào
làm biên kịch cho hãng phim Trường Thành. Lúc đó ông mới 33 tuổi nhưng đã có
tên trong danh sách “bốn tài tử Hương Cảng”, danh tiếng nổi như cồn, sao lại
chịu khuất mình làm một nhân viên biên kịch? Lý do rất đơn giản: Trường Thành
có ngôi sao sáng rực bầu trời – Hạ Mộng.
Hạ Mộng (nghĩa đen: “Giấc
mộng đêm hè” , tên một vở hài kịch nổi tiếng của đại văn hào Shakespeare) tên
thật là Dương Mông, sinh năm 1934, người Tô Châu, tỉnh Giang Tô, từ nhỏ sống
ở Thượng Hải, năm 1947 định cư ở Hong Kong. Năm 15 tuổi, cô đóng vai chính
trong vở kịch tiếng Anh Joan of Arc, được đánh giá “không những
người đẹp, còn diễn xuất có hồn” và nổi danh từ đó. Cô cao 1,7m, rất hiếm vào
thời điểm giữa thế kỷ trước, cộng thêm tố chất văn hóa, nên năm 1953, sau khi
tham gia đội ngũ của hãng phim Trường Thành, cô nhanh chóng trở thành diễn
viên hàng đầu với biệt danh “công chúa Trường Thành”.
Tả về vẻ đẹp của Hạ Mộng,
Kim Dung từng viết: “Sắc đẹp Hạ Mộng trong đời thường đã làm tôi lóa mắt; Hạ
Mộng trên màn ảnh còn đẹp hơn, nhìn thấy cô tim tôi đã loạn nhịp, hồn phách
cũng bị cô hớp mất”.
Hạ Mộng tuổi học sinh.
Ông cũng từng viết: “Tây
Thi đẹp như thế nào, chưa ai thấy, chắc chỉ cỡ Hạ Mộng là cùng!”. Để có cơ
hội tiếp cận người tình trong mơ, Kim Dung đã chọn con đường gia nhập Trường
Thành.
Về già, ông hồi tưởng lại,
đúng như trong truyện dân gian Đường Bá Hổ điểm Thu Hương. Đường
Bá Hổ là danh sĩ đời Minh, để tiếp cận người đẹp Thu Hương, ông đã đóng vai
người hầu, nhưng khác với Kim Dung, Đường Bá Hổ được toại nguyện.
Để mắt xanh người đẹp để ý
tới, ông đã làm việc không mệt mỏi. Chỉ trong vòng 3 năm, ông đã lấy bút danh
Lâm Hoan dựng 6 kịch bản: Giai nhân tuyệt thế, Đừng rời xa em, Tiếng
đờn lúc nửa đêm… Ông còn học làm đạo diễn, từng hợp tác với bạn, đạo
diễn thành công hai bộ phim Ấp ủ tình xuân, Cướp dâu.
Các phim trên đều do Hạ
Mộng đóng vai chính, hai người cộng tác rất thành công, nên ông có nhiều cơ
hội tiếp cận người đẹp. Ông bày tỏ tình cảm bằng lời nói bóng gió và liếc mắt
đưa tình. Cô cũng cảm mến tài đức của ông, nên đã đáp trả bằng “trên mức tình
bạn, dưới mức tình yêu”, càng khiến ông thần hồn điên đảo, nhưng không thể
vượt qua giới hạn cho phép.
Hạ Mộng (bìa trái) và Kim
Dung (bìa phải).
Cuộc hò hẹn lãng mạn
Tất cả đều bắt nguồn từ
việc “danh hoa đã có chủ”. Năm 1954, Hạ Mộng đã kết hôn với Lâm Bảo Thành,
một thương nhân mê điện ảnh. Ngôi sao màn bạc Á Đông không sống phóng túng
như ngôi sao Hollywood, Hạ Mộng không thể phản bội chồng. Đối với vô số người
đeo đuổi, cô đều mặt lạnh như tiền, từ chối không thương tiếc, nhưng đối với
Kim Dung, cô dành cho sự tôn trọng và thân thiện đặc biệt.
Hạ Mộng đã nhận lời hẹn gặp
với Kim Dung một lần duy nhất tại một quán cà-phê đêm. Ánh đèn mở ảo và tiếng
nhạc du dương tạo ra một bầu không khí thơ mộng, 2 người không ngừng nâng ly
và bốn mắt nhìn nhau. Kim Dung đã mạnh dạn dốc hết bầu tâm sự bấy lâu nay. Nghe
xong, cô rơi lệ và thỏ thẻ với ông rằng, cô rất kính trọng nhân phẩm của ông,
cũng rất tán thưởng tài hoa của ông, chỉ tiếc ông đã đến chậm một bước, “Hận
bất tương phùng vị giá thì” (Thơ Lý Thương Ẩn: Chỉ tiếc không gặp nhau lúc
thiếp chưa lấy chồng). Cô đã xin ông tha thứ, kiếp này không toại nguyện xin
hẹn kiếp sau!
Năm 1959, mang theo nỗi
thương cảm không bờ bến, ông rời Trường Thành cùng nghề biên kịch và đạo
diễn, ra sáng lập Minh Báo và chuyên tâm viết truyện võ
hiệp.
Tuy chém dứt tơ tình, nhưng
hình ảnh Hạ Mộng vẫn dai dẳng bao trùm tâm trí ông. Không lâu sau đó, Hạ Mộng
đi du lịch châu Âu dài ngày, ông đã đăng trên Minh Báo 10 số
liền “Hạ Mộng du ký”, chính đã thể hiện điều đó.
Hình ảnh Hạ Mộng cũng được
tái hiện dưới ngòi bút Kim Dung, như nàng Tiểu Long Nữ trong trắng hồn nhiên (Thần
điêu đại hiệp), Hoàng Dung thông minh sắc sảo (Anh hùng xạ điêu),
Vương Ngữ Yên đẹp như tiên nữ (Thiên long bát bộ)…
Nhà văn nữ Đài Loàn đã quá
cố Tam Mao từng viết: “Tiểu thuyết Kim Dung đặc biệt ở chỗ, viết ra chữ tình có
thể khiến con người lên thiên đàng, xuống địa ngục, mà loài người đến nay vẫn
chưa hiểu thấu. Nếu không biết được đoạn tình giữa ông và Hạ Mộng, sẽ không
hiểu được hai chữ “tình duyên” trong tiểu thuyết của ông.
Sau 26 năm phấn đấu trên
phim trường cũng như thương trường, cô đã để lại 42 bộ phim cũng như danh
tiếng lẫy lừng trong giới điện ảnh tiếng Hoa. Năm 1976, Hạ Mộng cáo biệt
những người hâm mộ Hong Kong, cùng gia đình đi định cư ở Canada.
Kim Dung không những đưa
tin tường tận, còn phát biểu xã luận nhan đề “Giấc mộng mùa xuân của Hạ
Mộng”. Lúc đó, Minh Báo đã là tờ báo lớn, vì sự ra đi của cô
đào điện ảnh mà phát biểu xã luận, là việc chưa từng có; chỉ có người trong
cuộc mới hiểu được ngọn ngành “giấc mộng” của ông.
Nhìn lại cuộc tình ngang
trái diễn ra khi trai có vợ, gái có chồng (Kim Dung kết hôn lần hai năm
1956), chỉ có thể là tình yêu kiểu Plato không vướng bụi trần, để lại một
giai thoại cho văn đàn.
Những cuộc hôn nhân đầy
sóng gió
Vợ đầu tiên của Kim Dung là
Đỗ Trị Phấn, một cô gái xinh đẹp người Hàng Châu. Sau 1 năm yêu nhau, năm
1948, hai người đã kết hôn. Lúc đó cô mới 17 tuổi và sau đó đã cùng nhau sang
Hong Kong. Kim Dung mới khởi nghiệp, bận rộn tứ bề, không có thời gian chăm
sóc cô vợ kiêu kỳ.
Với sắc đẹp trời cho,
trong vòng vây của các “đại gia” trên đất phồn hoa đô hội, cô đã không chống
nổi cám dỗ. Tình cảm 2 người rạn nứt, năm 1953 cô đã bỏ về Đại Lục và làm thủ
tục ly hôn, không rõ kết cục cô ra sao.
Ảnh cưới Kim Dung và người
vợ đầu tiên Đỗ Trị Phấn.
Ở tuổi 74, khi hồi tưởng
lại cuộc hôn nhân bất hạnh này, ông nói: “Mặc dù tôi rất yêu cô ấy, nhưng cô
ấy đã phản bội tôi, nên kết cục đó tôi không hề hối tiếc”.
Năm 1956, Kim Dung lấy
người vợ thứ 2 kém ông 11 tuổi, cô Châu Mai, tên tiếng Anh là Lucy, một nữ
phóng viên sắc sảo, giỏi giang, thạo tiếng Anh, là cánh tay đắc lực khi Kim
Dung mới sáng lập Minh Báo.
Cô từng bán hết nữ trang ủng hộ sự nghiệp của Kim Dung, đúng nghĩa người vợ tào khang. Năm 1959, Lucy sinh con trai đầu lòng Tra Truyền Hiệp. Kim Dung có cả thảy 4 người con, 2 trai 2 gái, đều là con cô Lucy. Cuộc hôn nhân tưởng như mỹ mãn này cũng không được bền lâu, do có người thứ 3 xuất hiện.
Lucy vốn tính cứng rắn, cô
giữ chức trưởng ban phóng sự Minh Báo, hay xích mích với các đồng
nghiệp.
Trong một lần xô xát
với tổng biên tập Wong, ông đã phẫn uất ra đi, kéo theo một số nhân viên đắc
lực, khiến Minh Báo phải đình bản vài ngày.
Lucy không những
không nhận lỗi, còn đổ hết trách nhiệm cho Kim Dung.
Trong cơn buồn bực, ông đã
đến giải sầu tại một quán bar gần trụ sở Minh Báo. Ông đã uống
đến say mềm, không về nhà nổi. Quán bar có 3 cô phục vụ, nhưng chỉ có cô Lâm
Lạc Di, thường gọi là A May, tận tình chăm sóc ông.
Sau đó, ông hay đến
quán bar thư giãn và trò chuyện cùng A May. Một lần bị Lucy bắt gặp, cô đánh
ghen vô cớ, khiến Kim Dung bị choáng váng, bệnh tim tái phát phải đưa đi cấp
cứu, người trực bên giường bệnh vẫn là A May chứ chẳng phải ai khác.
Ông đã đặt vấn đề yêu
đương và xây tổ ấm chung sống với người tình bé bỏng của mình, lúc đó A May
mới 17 tuổi, còn ông đã ngoài 50.
Kim Dung và người vợ thứ
hai Lucy.
Giọt nước đã làm tràn ly,
ông đặt vấn đề ly hôn. Lucy không hề níu kéo, mà chỉ đề ra hai điều kiện khắt
khe : Chia nửa gia tài và buộc A May phải tuyệt sản, vì e rằng sau này con
anh con tôi, sinh nhiều chuyện rắc rối.
Với điều kiện thứ 2
phi lý như vậy, không ngờ A May đã khảng khái chấp nhận, nói theo lời của cô,
là để tập trung chăm sóc cho các con của Kim Dung, sau này cô quả đã làm tốt
điều đó.
Không thể kiểm chứng tính
xác thực của thông tin này, nhưng A May ở tuổi xuân thì, sống với ông hơn 30
năm nhưng không có con, nên người ta tin giao kèo trên là có thật.
Kim Dung cùng phu nhân A
May.
Năm 1976, con cả Kim Dung
là Tra Truyền Hiệp mới 18 tuổi, đang du học ở Trường Đại học Columbia Mỹ, sau
khi yêu cầu bố mẹ ngừng quyết định ly hôn không thành, đã nhảy từ lầu 21
xuống tự sát.
Khi ly hôn, Lucy được chia
một căn nhà lớn cùng 300.000 USD, lúc đó là con số cực lớn, nhưng không hiểu vì
tính hoang phí hay không thạo lý tài, nên cô đã nhanh chóng lâm vào cảnh nợ
nần chồng chất, bị ngân hàng tịch biên nhà cửa.
Có người còn nhìn thấy cô
đứng đường bán túi xách ở khu Trung Hoàn. Năm 1996, cô chết vì bệnh
lao phổi, một bệnh của người nghèo, ở tuổi 63.
Cô chết
trong cảnh cô đơn lạnh lẽo, chồng cũ và các con đều không ai có mặt, giấy báo
tử của bệnh viện cũng không biết phải báo cho ai.
Nhìn lại cuộc hôn nhân này,
ông từng nói: “Tôi nhập vai người chồng không thành công, tôi mắc lỗi với cô
ấy nhiều lắm, nếu được làm lại, tôi sẽ bù đắp cho cô ấy nhiều hơn”. Không
thấy ông mảy may có chút hối tiếc về cuộc chia ly này.
Làm sao có thể bỏ người vợ
tần tảo, học thức, bản lãnh, cũng không kém phần nhan sắc, đi yêu một cô bé
“ăn chưa no, lo chưa tới”, trình độ chưa hết phổ thông, các nhà “Kim Dung
học” không giải thích nổi; có lẽ chỉ có chính ông mới hiểu, nhưng trái tim có tiếng
nói riêng của nó, dù nhà văn lớn cũng đâu có thể diễn tả rành rọt được.
Có người đến thăm ông lúc
đó, mô tả lại thấy A May đang thổi bong bóng cùng các con của Kim Dung, chẳng
ra dáng “mẹ kế” chút nào, cũng chẳng phách lối như một bà chủ lớn. Để “tân
trang” cho cô vợ bé nhỏ, ông đã cho cô sang Úc du học cùng lời hứa “nếu có
mối tình nào ưng ý, cô cứ việc bay nhảy”. Cô đã không phụ tình ông, đã cùng
ông đi suốt đường đời dưới bóng tịch dương cho đến ngày nay.
Đánh giá về cuộc hôn nhân
này, ông nói: “Cô ấy luôn luôn chiều chuộng và nhường nhịn tôi. Đây không
phải cuộc hôn nhân thất bại, cũng chẳng mấy thành công, chỉ là cuộc hôn nhân
bình thường”. Quan niệm của ông về cuộc hôn nhân lý tưởng: “Tốt
nhất là bị ngay tiếng sét ái tình, rồi kết nghĩa vợ chồng đến lúc đầu bạc răng
long, nhưng rất tiếc, đối với tôi đó chỉ là điều mơ ước”.
Mr Hua Sưu tầm.
(copy từ nguoiphuongnam.blogspot.com)
|
Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015
Tình Yêu và Cuộc Đời Kim Dung, Người Viết Tiểu Thuyết Kiếm Hiệp
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam tách khỏi tên lửa, bay vào quỹ đạo hơn một thập kỷ: Đã bay được 53.000 vòng quanh Trái Đất, cung cấp gần 160 nghìn cảnh ảnh
Dù đã quá hạn sử dụng so với thiết kế nhưng hiện vệ tinh này vẫn đang hoạt động tốt trong quỹ đạo. Bước tiến mới của khoa học - công nghệ ...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét