Không 1: Không nên tự định bệnh của mình dựa trên những gì đọc được trên internet.
Bạn đừng bao giờ tự suy diễn, tự làm bác sĩ cho mình và gia đình mình dựa trên những gì mình tìm kiếm trên mạng internet.
Bạn cũng tránh so sánh các triệu chứng bệnh với bạn bè, người quen,
hoặc bạn bè “không chân dung” trên mạng lưới xã hội như Facebook, hay
các phố rùm (forum). Các thông tin trên mạng thuộc đủ loại thượng vàng
hạ cám, loạn cào cào, nếu bạn không đủ kinh nghiệm sẽ không biết thực
hư, thêm lo, vô ích.
Ngay
đến cả những bài viết của BS. Minh cũng phải thường xuyên cập nhật.
Những gì BS. Minh nói năm ngoái, có khi năm nay không còn đúng nữa.
Tự
làm thầy thuốc cho chính bản thân và gia đình mình là điều tuyệt đối
không. Chính bác sĩ được dạy cho phương châm là không tự chữa lấy bệnh
của mình hay người thân của mình vì tình cảm có thể làm lung lay lý trí
và tự hại lấy mình mà thôi. Các bác sĩ đã được đào tạo chính quy một
thời gian dài về bộ máy tinh vi nhất trên đời: cơ thể con người , về
những bình thường và bất thường từ tế bào đến bao nhiêu rối loạn khác về
cả thể chất lẫn tinh thần, nhưng chưa chắc đã biết hết. Thí dụ, bản
thân BS. Minh là bác sĩ về khoa hiếm muộn và thụ thai nhân tạo, tuy có
hiểu biết về bệnh tim mạch, nhưng không thể nào và không bao giờ giỏi
bằng một bác sĩ chuyên khoa về tim mạch cả. Riêng bạn, không có kiến thức căn bản về y khoa, đừng nghĩ Google là bệnh viện hay thậm chí là trường đại học y khoa của bạn trong 10 phút.
Không 2: Không nên thách đố bác sĩ của bạn và không tuân theo lời dặn của bác sĩ.
Khi
đi khám bác sĩ, bạn có thể khai báo với bác sĩ những triệu chứng của
bạn và có thể hỏi bác sĩ về nguyên nhân cũng như phương cách chữa trị.
Tuy nhiên, có nhiều khi, bác sĩ chưa có thể cho bạn biết ngay nguyên
nhân, hay phương cách chữa trị ngay trong kỳ hẹn đầu, không phải bác sĩ
là người…dốt, dỗm, và dở! Khi bác sĩ nói không biết hay chưa biết, người
bác sĩ đó là người thận trọng. Trong trường y khoa ở Mỹ, sinh viên được
huấn luyện phương châm là, không biết thì cứ nhận là không biết và đi
hỏi người biết chỉ cho mình, hay tra cứu thêm sách vở, tài liệu, không
được nói “dông, dài, dở, dóc” để đùa với tính mạng của bệnh nhân!
Không
nên tự cho mình là đọc nhiều và hiểu rộng hơn cả bác sĩ, đem những điều
đọc được qua một vài nghiên cứu mới chưa được kiểm chứng trên mạng, vô
tình hay cố ý, tạo ra sự hiểu lầm như muốn thách đố sự hiểu biết của bác
sĩ.
Hãy
để cho bác sĩ của bạn được làm thầy thuốc cho bạn vì người nào có việc
của người đó. Dĩ nhiên, nếu bạn nhận thấy sau một vài lần, bác sĩ chỉ lo
chữa trị triệu chứng mà không chữa trị căn nguyên nguồn cội của bệnh
tình, thì bạn có quyền tư vấn một bác sĩ khác cho ý kiến thứ nhì. Nhưng,
tuyệt đối, bác sĩ ấy không phải là bác sĩ…Google hay Facebook!
Không 3: Không nên liên lạc với bác sĩ để hỏi về bệnh tình qua mạng Facebook hay nhắn tin text message qua điện thoại cầm tay.
Những
tin nhắn từ bệnh nhân gọi vào phòng mạch đều được lưu trữ trong hồ sơ
của bệnh nhân để sau này có thể truy cập. Khi bệnh nhân nhắn tin qua
điện thoại cầm tay hay trên Facebook thì những thông tin đó không được
bảo mật và không được ghi vào hồ sơ bệnh lý. Nếu cần thì chịu khó làm
hẹn để gặp mặt bác sĩ. Khi những câu hỏi được đặt ra trong không gian
của phòng khám thì vấn đề được xử lý cẩn trọng hơn, ít bị hời hợt hơn là
qua tin nhắn.
Vả
lại, ngoài cương vị là bác sĩ, ngay chính bác sĩ cũng là con người, cần
có đời sống riêng tư. Bác sĩ là một “con người thật” ngoài đời nhưng có
thêm chức năng là thầy thuốc. Hai khía cạnh của cuộc đời cần phải giữ
riêng biệt.
Nói
tóm lại, nên để bác sĩ được làm bác sĩ. Ở trong bối cảnh của một phòng
khám bệnh, quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân phải được tôn trọng. Và, ở
ngoài phòng khám, hay trên mạng xã hội, quan hệ của cả hai bên cũng nên
có những dè dặt để việc chữa trị được hữu hiệu hơn.
Không
4: Không tin những gì quảng cáo trên báo đài, truyền thông, và thế giới
mạng về thuốc, về các loại thức ăn, thức uống bổ, giúp chữa bệnh này
hay bệnh khác.
Ở
Mỹ, các loại quảng cáo về thuốc men và các sản phẫm y khoa trên TV,
báo, đài, nhất là những hệ thống TV lớn như CBS, ABC, NBC, đều phải
tuân theo những quy luật hạn chế của cơ quan FCC (Federal Communications
Commission). Cơ quan FCC ràng buộc những điều quảng cáo đều có thể khả
tín và có bằng chứng, nghiên cứu, bảo đãm sự khả tín của sản phẫm. Hầu
hết các quảng cáo thuốc đều thòng một số câu rào trước đón sau, và kết
luận một câu, “xin tham khảo với bác sĩ”. Vì nếu nói ẩu, người tiêu thụ
có quyền kiện…tới bến.
Thí
dụ gần đây, một số thuốc bổ có chứa glucosamine bán ở Costco đã bị kiện
vì uống thuốc không làm cho bớt đau khớp xương khi so với uống thuốc
giả, như quảng cáo. Nghiên cứu cũng cho thấy hầu hết các loại thuốc bổ đều vô giá…trị!
Tuy nhiên một số quảng cáo trên báo đài địa phương cũng như các quảng cáo trên internet có khi FCC không kiểm soát được hết. Tình trạng bán “dầu rắn” (Snake Oil) chữa bá bệnh có rất nhiều, thiện và tà không đâu mà phân biệt được.
Nên nhớ, con rắn không có dầu, và cũng nên nhớ rằng, không
có một thuốc nào, hay cây thuốc nào gọi là thuốc tiên chữa bá bệnh cả.
Những gì càng bổ, tiêu thụ càng nhiều càng độc, chỉ có nước lạnh thì
không.
Không 5: Không ngồi yên một chỗ vì ngồi nhiều, chết sớm
Công
thức phòng chống bệnh tật trước khi bệnh xảy ra là ăn uống và vận động
đúng cách, có chừng mực. Thức ăn chính là thuốc và sự vận động thể dục
thể thao là thầy thuốc của bạn, mỗi ngày.
Dĩ nhiên là bạn có quyền không tin vào bài viết 5 không này. Không tin như thế là bạn đã hiểu những gì mà tôi muốn nói: KHÔNG!
BS. Hồ Ngọc Minh.
(Từ Cảnh chuyển )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét