Trong khi giới chức tại Washington, Tokyo và Đông Nam Á “đứng ngồi không yên” trước việc Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) chuẩn bị ra phán quyết về vụ kiện mà Philippines đệ trình liên quan các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, thì Trung Quốc lại tỏ ra hờ hững.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu
Minh nói với phóng viên hãng tin Reuters: “Chúng tôi không biết và cũng
không quan tâm khi nào họ ra phán quyết, và bởi quyết định của họ cũng
không có ý nghĩa gì nên chúng tôi cho rằng dù có thế nào, đó cũng là
những phán quyết sai lầm…
Phán quyết đó sẽ không thể ảnh hưởng tới Trung Quốc, tới chủ quyền của Trung Quốc đối với các rạn san hô hay các hòn đảo.
Đó
sẽ là một ví dụ tồi tệ, sai lầm và rất nghiêm trọng. Chúng tôi không
tham gia vụ kiện này song chúng tôi kiên quyết đấu tranh vì chủ quyền
của mình”.
Việc Trung Quốc dự kiến
phủ nhận phán quyết của PCA bị coi là hành động phớt lờ trật tự luật
pháp quốc tế và là thách thức trực tiếp đối với Mỹ.
Theo
các chuyên gia, giới ngoại giao cùng nhiều luật sư, thái độ này của
Trung Quốc còn có thể khiến các tranh cãi leo thang nghiêm trọng.
Cách
thức Mỹ xử lý tình huống sau khi PCA ra phán quyết được nhiều người xem
là phép thử đối với các cam kết của Mỹ tại khu vực - nơi kể từ sau
Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Mỹ đã trở thành lực lượng an ninh chủ
yếu làm đối trọng với một Trung Quốc ngày càng hung hăng.
Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng họ phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chính trị trước sức ép từ phía Mỹ.
Đại sứ Lưu Hiểu Minh nhấn mạnh rằng các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc ở Biển Đông dám thách thức Trung Quốc là bởi họ nghĩ là Mỹ đứng về phía họ.
Ông
nói: “Họ thực sự tin rằng họ có Mỹ chống lưng, và nhờ đó họ có thể dễ
dàng mặc cả với Trung Quốc. Tôi rất nghi ngờ mục đích thực sự của Mỹ”.
Tuy
nhiên, dù một mặt vẫn khăng khăng tuyên bố không quan tâm tới phán
quyết của PCA, song mặt khác Trung Quốc lại nỗ lực thúc đẩy một chiến
dịch tuyên truyền quốc tế về quan điểm của mình.
Trung
Quốc đã tổ chức nhiều cuộc họp với các nhà ngoại giao và báo giới, tích
cực thể hiện và tung ra quan điểm của họ ra khắp thế giới qua hàng
loạt bài viết và xã luận mang tính học thuật.
Trên thực tế, giới ngoại giao châu Á và phương Tây còn cho biết những người đồng cấp Trung Quốc liên tục nhắc đến chủ đề này.
Các
nhà phân tích phương Tây và Trung Quốc cho rằng phán quyết của PCA
không đơn thuần chỉ là về các tuyên bố của Trung Quốc tại Biển Đông mà
nó còn liên quan tới căng thẳng Mỹ - Trung nảy sinh từ sự trỗi dậy của
“con rồng châu Á”.
Chuyên gia về an
ninh Trung Quốc Zhang Baohui tại Đại học Lĩnh Nam ở Hong Kong nhận định
những gì đang diễn ra phản ánh thực tế là sức ảnh hưởng của Mỹ trong khu
vực đang dần suy yếu.
Ông nói: “Trung Quốc giành được ảnh hưởng qua việc thể hiện cho Mỹ thấy rằng Mỹ không thể ra lệnh cho Trung Quốc”.
Trước
thời điểm PCA dự kiến ra phán quyết vào ngày 12/7 tới, Anh, Australia
và Nhật Bản cùng nhiều quốc gia khác đã cùng với Mỹ liên tục nhấn mạnh
tầm quan trọng của việc tôn trọng tự do hàng hải và luật quốc tế.
Giới
chức Mỹ cũng đã nhiều lần hối thúc các quốc gia Đông Nam Á thiết lập
một mặt trận chung để giải quyết vấn đề này, tuy nhiên kết quả đạt được
cho tới nay vẫn rất hạn chế.
Việt
Nam, quốc gia đang có những tranh cãi chủ quyền hết sức căng thẳng với
Trung Quốc trên Biển Đông và cũng không loại trừ khả năng xúc tiến các
vụ kiện tương tự, ngày 1/7 vừa qua đã kêu gọi PCA sớm có một phán quyết
“công bằng và khách quan”.
Việt Nam cũng đã đệ đơn ủng hộ thẩm quyền phân xử của tòa án này trong vụ kiện của Philippines.
Liên
minh châu Âu (EU) và nhóm G7 đều nhấn mạnh việc tôn trọng phán quyết
của PCA là điều cần thiết, dù Trung Quốc có phản đối hay không.
Tuy
nhiên, giới chuyên gia pháp lý cho rằng dù trên lý thuyết, phán quyết
của tòa mang tính ràng buộc, song thực tế là chưa có bất kỳ cơ chế nào
đảm bảo việc thi hành các quy định của Công ước Quốc tế về Luật Biển
(UNCLOS).
Giới chức và quân đội nhiều
nước trong khu vực đang rất lo ngại về nguy cơ bất chấp phán quyết của
PCA, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động quân sự và tăng cường nỗ
lực củng cố những tuyên bố chủ quyền của mình.
Các
quan chức quân sự Mỹ và khu vực cho rằng Trung Quốc có thể triển khai
máy bay chiến đấu hoặc tên lửa tại những cơ sở hạ tầng mới xây dựng ở
quần đảo Trường Sa, thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) hoặc
khởi động chiến dịch xây dựng và cải tạo ở các bãi cạn đang tranh chấp
với Philippines.
theo Báo tin tức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét