Miền đất sinh anh hùng
Nhắc đến Phùng Hưng người đọc nhớ về xứ
Đường Lâm – nơi được mệnh danh là miền đất hai vua chói ngời trong lịch
sử Việt, nay là xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Vốn xuất thân trong một
gia đình dòng dõi cự tộc, cha của ông là một một người hiền tài đức độ –
Phùng Hạp Khanh. Ông là hậu duệ đời thứ 7 của Phùng Tói Cái – người đã
từng vào cung vua Đường Cao Tổ (hiệu Vũ Đức) dự yến tiệc và làm quan
lang ở đất Đường Lâm này. Cho tới ngày nay thông tin ngày sinh – mất của
ông cũng chưa được rõ, chỉ biết rằng cuộc đời ông gắn liền với những
biến cố vào cuối thế kỷ thứ 8.
Đường Lâm – miền quê anh tài
Phùng Hưng là con cả của Phùng Hạp Khanh
với một người vợ họ Sử. Cả 3 người con trai ông bà có được đều khôi ngô
khác thường, lớn lên ai cũng có sức khỏe, mạnh mẽ hơn người, có thể
quật trâu, cưỡi hổ. Nhưng trong 3 anh em họ thì Phùng Hưng là người có
khí chất đặc biệt nhất nên sau này nối nghiệp cha trở thành hào trưởng
đất đường Lâm. Lại là người có sức khỏe phi thường, ông được dân gian ca
tụng lưu truyền ngàn đời trong câu chuyện ông dùng mưu cao giết hổ dữ
mang lại bình yên cho dân làng.
Mưu cao trị hổ
Chuyện kể rằng vùng quê Đường Lâm thời
bấy giờ vẫn là vùng đất gò đồi và rừng cây rậm rạp. Dân làng đang yên ổn
cuộc sống thì bỗng xuất hiện con hổ dữ từ rừng về chuyên bắt gia súc và
người về ăn thịt khiến cả làng đều sợ hãi không làm gì nổi. Đang thời
trai tráng sung sức lại hết sức lo lắng cho dân tình, Phùng Hưng với khí
phách của bậc anh hùng nên không chịu làm ngơ, ông quyết tìm cách trị
hổ cứu người.
Ông cho người làm con bù nhìn bằng rơm,
cho mặc quần áo giống hệt người rồi đặt đúng chỗ mà hổ thường hay xuất
hiện. Con hổ đi qua, nhìn thấy bù nhìn liền tưởng người thật nên lao vào
cắn xé nhưng chỉ là một cọc gỗ độn rơm tả tơi. Vài lần như vậy con hổ
thấy chán chẳng con chú ý đến bù nhìn rơm nữa.
Phùng hưng đánh bại hổ, trừ nạn cho dân. Ảnh minh họa.
Một hôm, trời chập choạng tối, Phùng Hưng
nghĩ kế lạ: người cởi trần, thân đóng khố, trát bùn khắp người đứng thế
vào chỗ hay đặt bù nhìn rơm. Hơi bùn non át hơi người thoang thoảng,
con hổ xuất hiện và lăng lẽ bước đến như mọi lần ghé thăm. Phùng Hưng
bất ngờ xông tới nhảy lên mình hổ, ghì chặt con mãnh thú. Sau một hồi
người hổ vật nhau, hổ đuối sức, Phùng Hưng giáng một cú thôi sơn đập vỡ
sọ nó. Hổ chết, mối họa của dân được trừ bỏ, Phùng Hưng được ngợi ca là
“vua đánh hổ”.
Dựng cờ khởi nghĩa
Sinh trưởng trong một gia đình đời đời
làm hào trưởng đất Đường Lâm, chứng kiến cảnh dân tình chịu lầm than,
chịu khổ nhục trước ách thống trị hà khắc của bọn quan đô hộ dưới thời
thuộc Đường – An Nam đô hộ phủ, Phùng Hưng nghẹn đắng lòng.
Các quan đô hộ nhà Đường ra sức vơ vét
của cải của người dân Việt Nam, bắt người dân Việt phải đóng sưu cao
thuế nặng khiến lòng người ngày càng căm phẫn. Năm 767, Cao Chính Bình,
hiệu úy châu Vũ Định, tức miền Việt Bắc, có công giúp kinh lược sứ An
Nam là Trương Bá Nghi đánh bại được cuộc xâm lược của quân Chà Và nên
được cử làm An Nam đô hộ sứ. Chính Bình ra sức vơ vét của cải của nhân
dân, đánh thuế rất nặng, đối xử tàn ngược với dân chúng làm người người
chịu khổ không biết kêu đâu mà oán thán.
Phùng Hưng quyết định dựng cờ chiêu hiền
đãi sĩ, phát động khởi nghĩa chống lại chính quyền đô hộ đương thời.
Hình thế nổi loạn, lòng dân căm phẫn, khí thế đấu tranh càng dễ lan tỏa
sục sôi. Không bao lâu sau nghĩa quân Đường Lâm tiến lên đánh chiếm được
cả một miền rộng lớn quanh vùng thuộc Phong Châu, xây dựng thành căn cứ
chống giặc.
Khởi nghĩa Phùng Hưng. Ảnh minh họa
Phùng Hưng xưng là Đô Quân, Phùng Hải
xưng là Đô Bảo và Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng, chia quân đi trấn giữ
những nơi hiểm yếu. Cao Chính Bình đem quân đi đàn áp nhưng chưa phân
thắng bại. Tình hình diễn ra như vậy hơn 20 năm, khoảng niên hiệu Đại
Lịch (766-779). Tới tháng 4 năm Tân Mùi (791), Phùng Hưng từ chỗ cầm cự
đã cùng các tướng lĩnh đem quân vây đánh thành Tống Bình.
Được sự trợ giúp của người cùng làng có
nhiều mưu lược là Đỗ Anh Hàn, quân của Phùng Hưng chia làm 5 đạo do các
tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ Anh Hàn, Bồ Phá Cần và chủ tướng Phùng
Hưng tiến công vây thành. Nhưng thấy rằng lực lượng chưa đủ mạnh để đè
bẹp quân địch nên ông đã cùng các tướng tỏa đi xung quanh chiêu mộ thêm
binh lính và sắm thêm vũ khí, còn việc vây thành được giao cho 3 người
cháu gái họ Phùng, gọi Phùng Hưng bằng bác.
Cuộc chiến đấu sau đó diễn ra quyết
liệt, quân Đường chết nhiều, Cao Chính Bình phải vào cố thủ trong thành,
lo sợ cuối cùng bị ốm rồi chết. Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì và vào
phủ Đô hộ, coi chính sự đất nước. Chính sử chép rằng ông cầm quyền cai
trị không lâu sau đó đã qua đời ngay trong năm 791. Các sử gia hiện nay
xác định ông mất khoảng tháng 5 năm 791. Sau khi mất, Phùng Hưng được
nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại Vương.
“Khâm định Việt sử thông giám cương mục”
ghi là: “Dân chúng tôn (Phùng) Hưng làm Bố Cái Đại Vương”. Và việc
Phùng Hưng được dân chúng suy tôn là “Vua Lớn” còn thấy rõ trong câu sử
bút sau đây: “Vương thường hiển linh, dân cho là thần, mới làm đền thờ ở phía tây phủ đô hộ, tuế thời cúng tế”.
Sau khi Phùng Hưng mất, con trai ông là Phùng An lên nối ngôi. An nối
nghiệp được 2 năm thì đất nước lại rơi vào tay giặc. Nền tự chủ vừa mới
xây dựng, chỉ tồn tại vẻn vẹn trên dưới 9 năm thì lại rơi vào tay nhà
Đường cai trị.
Bố cái đại vương hiển linh
Tuy rằng Triều Phùng nhanh chóng qua đi
nhưng cái tên Bố Cái Đại Vương vẫn luôn lưu truyền cho tới nay với những
câu chuyện thần kỳ, huyền thoại.
Khi ấy, dân các làng thường nghe có
tiếng ngựa xe đi lại ầm ầm trên nóc nhà hoặc trên ngọn cây cao, ngẩng
trông thì thấy ẩn hiện trong những đám mây là cờ ngũ sắc và kiệu vàng
rực rỡ, lại có cả tiếng nhạc văng vẳng nữa. Cũng lạ thay, nếu có việc
lành hay dữ sắp xảy ra thì thế nào đêm đến cũng sẽ có dị nhân báo cho
các vị hào trưởng biết để thông tin cho cả làng hay, cho nên, ai cũng
lấy làm lạ, bèn cùng nhau lập đền thờ Vương ở phía Tây của phủ đô hộ.
Phùng Hưng đả hổ
Tới thời Ngô Quyền dựng nước, giặc Nam
Hán sang cướp nước ta. Vua ngày đêm lo nghĩ kế chống đánh. Thế rồi một
đêm, Ngô Quyền nằm mơ thấy có một cụ già áo mũ chỉnh tề, đến nói rõ họ
tên của mình và bảo rằng: “Tôi đã trù tính, sắp sẵn các đội thần binh để giúp sức Nhà vua, xin Nhà vua hãy gấp tiến binh, đừng lo nghĩ gì cả”.
Đến khi Ngô Quyền ra đánh giặc ở sông Bạch Đằng, nghe trên không có
tiếng binh mã ầm ầm. Qủa nhiên trận ấy thắng lớn, chôn vùi quân Nam Hán
xâm lược ở bãi cọc trên sông.
Ngô Quyền lấy làm lạ, liền sai sửa sang
ngôi đền, khiến cho đền rộng rãi và lịch sự hơn xưa. Thời Trần, vào năm
Trùng Hưng thứ nhất (1285), nhà vua sắc phong Bố Cái Đại Vương là Phù
Hựu Đại Vương. Năm Trùng Hưng thứ tư lại gia phong thêm hai chữ Chương
Tín. Năm Hưng Long thứ 20, Vua (Trần Anh Tông) gia phong thêm hai chữ
Sùng Nghĩa nữa. Đến nay, sự linh thiêng vẫn được sùng phụng như xưa”.
Con người xưa kia luôn nung nấu một niềm
tin vào Thần Phật – chính vì lẽ đó mà khi con người đầy ắp lòng thành
kính, tâm hướng thiện, hòa ái thân thiện sẽ được Thần hiển linh che chở
cứu giúp. Những kẻ độc tài tham lam chỉ coi dân là nô lệ mà đàn áp, cướp
bóc thì cuối cùng phải đã nhận hậu quả cay đắng? Quy luật của đời người
vẫn vậy, người xưa vẫn luôn đề cao chữ Chân, cái đúng thì luôn chiến
thắng những điều thị phi, sai trái. Nhân thế vẫn đang xoay vòng chiểu
theo quy luật đó. Người tốt thì được ngợi ca, kính phục, còn người xấu
thì sẽ không thể nào tránh khỏi vòng bi ai.
Phùng Hưng sẽ mãi là niềm tự hào dân
tộc. Câu chuyện trị hổ cứu dân của ông chính là một khúc ca đầy vẻ vang,
còn mãi vang vọng trong lòng hậu thế.
Nguyệt Hà
quá anh hùng
Trả lờiXóa