Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

TẠI SAO NGƯỜI NHẬT MÊ ĐỌC SÁCH

Không có thú vui nào trên thế giới có thể so sánh được với thú vui đọc sách. Khi người ta cảm nhận được sự đàm thoại riêng tư với thế giới người hiền


japan-books
Tác giả: Nguyễn Xuân Xanh

Không có thú vui nào trên thế giới có thể so sánh được với thú vui đọc sách. Khi người ta cảm nhận được sự đàm thoại riêng tư với thế giới người hiền, thì đó là thú vui duy nhất không lệ thuộc vào người khác. – Kaibara Ekken (1630-1714)
Chúng ta có thể nhân bản hơn bằng cách trở thành hoàn vũ hơn. – Okakura Tenshin (1862-1913)
Tóm tắt
Những lý do nào khiến dân tộc Nhật đã có một văn hoá đọc có thể nói vào bậc nhất thế giới? Văn hoá đọc này không phải chỉ bỗng dưng bùng nổ vào thời Minh Trị Duy Tân 1868 khi đất nước được mở cửa, hướng về phương Tây, mà có gốc rễ sâu xa từ thời Tokugawa 1600-1868, từ lúc dân tộc chỉ có văn hoá võ sĩ trên chiến trường, từ lúc thầy tu khoẻ mạnh cũng muốn ra trận để thi thố tài năng đi tìm hạnh phúc. Cách đây 300 năm Nhật Bản đã có những con số “khủng” về giáo dục và văn hoá đọc. Những lý do nào khiến cho một dân tộc võ sĩ lại trở thành mê đọc sách như thế? Và đọc sách để làm gì? Tại sao không phải các dân tộc có truyền thống văn sâu đậm như Trung Hoa hay Việt Nam mà lại một dân tộc có truyền thống võ như Nhật Bản?
Hai trăm sáu mươi năm tự đóng kín cửa như “hến” sau khi đuổi hết người truyền giáo phương Tây khỏi nước(cùng thời với Việt Nam), nhưng tại sao mảnh đất Nhật Bản lại “ngậm” được viên ngọc ‘Tây học’ (Western learning, thông qua ‘Lan học’, Rangaku)hình thành bên trong, từ chất “nọc độc của người man di”, để rồi viên ngọc khai minh đó biến thành quốc sách thời Minh Trị?
Một sự lặp lại kỳ thú của lịch sử: châu Âu đã từng có cuộc dịch thuật vĩ đại thế kỷ 11 và 12 lúc đại học châu Âu ra đời để làm nền tảng phát triển khoa học và văn hoá, thì tương tự, ở phương Đông, Nhật Bản cũng đã có cuộc dịch thuật vĩ đại của mình trong hai thế kỷ thời đóng cửa, giúp chuyển hệ hình tư duy kiểu phong kiến Trung Hoa sang hệ hình khoa học hiện đại phương Tây dù tầng lớp trí thức ở Nhật Bản chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của Khổng giáo, có thể sâu đậm hơn cả giới trí thức Việt Nam cùng thời. Cuộc dịch thuật là khó nhọc và không kém phần nguy hiểm, nhưng trí thức Nhật Bản đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả của mình đối với quốc gia, rằng họ không thể yêu nước trong sự vô minh. Đọc sách là việc làm của lòng yêu nước, không phải chỉ để thưởng ngoạn, mà đểkhai minh và khai sinh một thời đại mới cho đất nước. Đọc sách là thuộc tính của một dân tộc văn hoá có ý thức. Họ không sợ học của kẻ thù, chỉ sợ ngu muội vì không học. Và họ đã thành công.
****
Người ta đã từng nghe nói về sự đọc sách khủng của người Nhật thời Minh Trị Duy Tân, cách chúng ta hôm nay ngót một thế kỷ rưỡi. Thí dụ minh hoạ thường là quyển sách Bàn vềTự do, On Liberty, của John Stuart Mill. Sách được xuất bản ở Anh năm 1859, cùng năm với tác phẩm “Thuyết tiến hoá” của Charles Darwin. Bàn về Tự do là một quyển sách rất có ảnh hưởng ở phương Tây, và ngày nay vẫn còn tiếp tục được đọc. Khi được dịch sang tiếng Nhật quyển sách đã bán trên triệu bản.
Một quyển sách khác, có lẽ ít được biết hơn đối với độc giả Việt Nam, là Tự lo, Self-Help của Samuel Smiles. Quyển sách này là best-seller ở phương Tây, đến cuối thế kỷ 19 bán được số lượng 250.000 ở Anh Mỹ, nhưng khi được Nakamura Masanao, một học giả Khổng giáo từng học bên Anh, dịch sang tiếng Nhật những năm đầu của thời Minh Trị thì quyển sách bán đến một triệu bản! (Nakamura cũng là người dịch quyển Bàn về Tự do) Một con số thật “khủng” nếu ta biết rằng thời đó dân số Nhật Bản chỉ khoảng trên 30 triệu thôi. Self-Help là một trong ba quyển sách được gọi là “Bộ kinh thánh Minh Trị” có sức hút mãnh liệt đối với người Nhật, nhất là giới trẻ, trong giai đoạn đất nước đổi mới của Nhật Bản. Cuốn sách Tự lo thể hiện tinh thần độc lập tự chủ của các cá nhân, và từ đó làm cho quốc gia độc lập và tự chủ. Cuốn sách mượn lời của J.S. Mill ngay trang đầu: “Giá trị của nhà nước, xét lâu dài, là giá trị của các cá nhân cấu thành.” Đó là tín hiệu mà quyển sách muốn truyền đạt: Muốn có một đất nước mạnh, độc lập, phải có những cá nhân mạnh và độc lập, thông qua tự rèn luyện, tự lo. Đó là điều kiện tiên quyết.
Nói chung vào thời mở cửa Minh Trị Duy Tân, dân tộc Nhật lên cơn sốt đọc sách nước ngoài để biết phương Tây đã làm gì và đang làm gì mà “nước giàu quân mạnh” như thế. Họ muốn biết và muốn học, để xây dựng đất nước hùng mạnh như các cường quốc phương Tây. Chỉ có được một nền văn hoá lớn, một xã hội phú cường, khi nào mọi người được học như nhau, khi mọi người có quyền ao ước và có điều kiện vươn lên khỏi chức phận cũ của mình. Tinh thần này, ethos, được diễn tả mạnh mẽ trong tác phẩm “Khuyến học”, Gakumon no susume, của nhà khai minh Fukuzawa Yukichi (1835-1901): “Con người không sinh ra cao quý hay thấp hèn, giàu sang hay nghèo khó. Chính những ai lao động siêng năng ở những công việc tìm tòi của họ, và học nhiều, sẽ trở thành cao quý và giàu có, trong khi những ai biếng nhác sẽ trở thành nghèo khó, thấp hèn.”
Hai sự kiện sau đây ở thế kỷ 20 minh hoạ thêm óc tò mò học hỏi đặc biệt của người Nhật, điều mà các nhà truyền giáo phương Tây đã ghi nhận khi tiếp xúc với những dân tộc này, so sánh với các dân Trung Hoa hay Hàn Quốc mà họ biết trước đó. Năm 1922 khi Einstein thực hiện lời mời sang thăm và diễn thuyết khoa học tại Nhật thì nước Nhật vừa có ngay một tuyển tập Einstein gồm bốn quyển. Lúc đó không đâu ở châu Âu hay ở Mỹ có tuyển tập này. Tương tự, ba năm trước đó, 1919, Nhật Bản cũng là nước đầu tiên xuất bản tuyển tập Các Mác, Ăng-Ghen. Cũng không đâu trên thế giới, kể cả Nga, Đức là những nơi có phong trào xã hội chủ nghĩa mạnh nhất thế giới có tuyển tập này. Người Nhật quả muốn biết hết những nghĩ gì thế giới trước đó.
Công ty ra đời đầu tiên thời Minh Trị Duy Tân kinh doanh gì? Được sách sử ghi lại, đó là công ty nhập khẩu và kinh doanh sách Maruzen của Hayashi Yuteki. Năm 1869 ông Hayashi Yuteki mở công ty đầu tiên tại Yokohama có tên Maruya, và năm sau mở thêm cửa hàng thứ hai tại Nihonbashi, khu phố cổ trung tâm sầm uất và thời trang nhất của Tokyo lúc bấy giờ! Năm 1880 Hayashi chuyển doanh nghiệp chính thức thành công ty TNHH Maruzen. Sách là mặt hàng đi đầu trong “cuộc chấn hưng dân khí”. Phần lớn các học giả và nhà văn đều là khách hàng của Maruzen, trong đó có hai nhà văn lớn Akutagawa Ryunosuke và Natsume Sōseki. Hayashi Yuteki vốn là một thầy thuốc hành nghề rồi sau đó trở thành học trò của nhà khai minh Fukuzawa Yukichi. Ngoài các hiệu sách, Maruzen còn xuất bản một nguyệt san cho giới văn sĩ, học thuật có tên “Ánh sáng của Khoa học”, Gakutō. Một thời gian dài Maruzen là cửa sổ duy nhất nhìn ra phương Tây. [Công ty sách này ngày nay vẫn còn tồn tại, hoạt động rộng rãi, có doanh số năm 1996 hơn một tỉ Euro với 2.100 nhân viên. Khách hàng của họ là nhiều đại học, cơ quan chính quyền và viện nghiên cứu.]
Chúng ta tự hỏi vì đâu mà người Nhật lại có cái đam mê đọc sách cuồng nhiệt và sự đánh giá cao sách vở như thế? Có phải dân tộc này chỉ mê đọc sách thời Minh Trị khi bừng tỉnh sau ‘cơn ngủ đông’ mấy trăm năm trước đó không? Dân tộc Trung Hoa cũng từng ngủ đông dài như thế, và một số dân tộc khác cùng dòng văn hoá Khổng Mạnh, nhưng tại sao không có cái đam mê đọc sách như dân Nhật?
Một truyền thống lâu đời
Thực ra người Nhật đã có truyền thống đọc sách khủng lâu đời, ít ra từ thời Tokugawa 1600-1868. Trong thời đầu của Tokugawa Ieyasu, người thống nhất đất nước và lập nên triều đại Tokugawa hoà bình 265 năm lâu dài nhất lịch sử, thì chuyện một samurai có thể diễn đạt được ý tưởng của mình một cách mạch lạc trên giấy trắng mực đen là điều hi hữu, và tình trạng mù chữ là bình thường. Văn hoá Nhật Bản trước 1600 là văn hoá võ sĩ. Nhưng vào cuối thế kỷ 18, có thể nói một samurai mù chữ là một điều hụt hẫng đáng buồn, và tới giữa thế kỷ 19, tình hình lại khác nhau một trời một vực.
Trong thời Genroku (1688-1704), được xem là thời vàng son của Tokugawa với kinh tế ổn định, nghệ thuật và văn chương phát triển, Nhật Bản đã có một hệ thống xuất bản sách hiện đại đáng ngạc nhiên, đặc trưng bởi sự hiện hữu của nhiều nhà xuất bản lớn, nhiều nhà minh hoạ sách có tiếng và nhiều nhà văn tên tuổi. Sách thường được xuất bản với số lượng đến hơn 10.000 bản! Đây là một con số “khủng” thời đó; Nhật Bản lúc đó chỉ có chừng 20 triệu người, vì thời Minh Trị dân số Nhật Bản khoảng 30 triệu. Năm 1692 Nhật Bản cũng đã từng có những bộ danh mục hàng chục tập về các sách in dành cho công chúng sử dụng. (Hiện nay VN chưa có được những bộ danh mục như thế tại các nhà sách).
Con số phát hành 10.000 bản là rất đáng ghen tị cho những nhà xuất bản và tác giả Việt Nam hiện nay, đất nước với gần 90 triệu dân. Trong gần mười năm qua từ khi loại sách khai trí bắt đầu xuất hiện, có mấy tác giả nào có số ấn bản tương đương như thế? Cho nên số ấn bản 10.000 của người Nhật thời Tokugawa cách đây 300 năm quả là con số “khủng”! [Việt Nam lúc bấy giờ đang trong giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, không hiểu giáo dục và văn hoá đọc sách ra sao.]
Thương mại sách ở Nhật bắt đầu phát triển mạnh từ đầu thế kỷ 17. Giới đọc sách truyền thống như quý tộc, tu sĩ và thượng lưu trong thành phố được mở rộng sang các giới đại chúng. Mặc dù số lượng phát hành cao, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu đọc sách của các tầng lớp dân chúng, văn hoáđọc sách thuê, ra đời trong thời Kan’ei (1624-44), trở nên phổ biến, đặc biệt tại các thành phố lớn như Edo, Kyoto và Nagoya. Các cửa hàng cho thuê sách, kashihonya, đóng vai trò quan trọng ở đây. Cuối thế kỷ 18 các cửa hàng cho thuê sách có mặt khắp nơi ở Edo (tức Tokyo) và các tỉnh. Khách hàng được phục vụ bởi những người đi rong mang thùng sách trên lưng. Sách vở có thể đi đến tận các hải đảo xa xôi. Edo có 650 cửa hàng cho mượn sách năm 1808, nhưng đến 1832 đã có tới 800. Edo có dân số khoảng hơn triệu, và tỉ lệ biết chữ lên đến 70%. Một cửa hàng cho mượn sách ở Nagoya, tên Daisō của Sōhachi, như lịch sử còn ghi, được thành lập năm 1767 và hoạt động 132 năm liền, đến khi chấm dứt hoạt động có một danh mục đến 26.768 quyển sách cho mượn.
Nhật Bản thế kỷ 18 có những thành phố lớn phát triển với dân số tập trung cao như châu Âu. Edo có trên một triệu dân, nhất thế giới, hơn cả Paris. Các thành phố khác như Osaka có con số non một triệu. Nhật Bản có văn hoá thành thị, có cả văn hoá salon (zashiki), đời sống sung túc rõ nét như ở châu Âu thời Trung cổ. Và đó cũng là điểm hấp dẫn đối với giới thương nhân nước ngoài khi họ kêu gọi Nhật Bản mở cửa. [Việt Nam lúc đó chưa được như thế về mặt phát triển kinh tế.]
Chúng ta hỏi: Từ đâu người Nhật có sự đam mê đọc sách như thế? Động lực nào?
Nguồn gốc đọc sách: văn đi trước võ
Sự học tại Nhật Bản trước 1600 là độc quyền của giới quý tộc và tăng lữ, nhưng đến thời Tokugawa trở thành công việc của cả nước. Năm 1615 tướng quân Tokugawa Ieyasu, sau khi đã bình định được gần ba trăm phiên trấn (han), thiết lập nên một thể chế chính trị gần như liên bang, phát đi mệnh lệnh như một ‘big bang’ cho các đại danh, daimyō, chủ phiên trấn và các võ sĩ, samuraiĐiều 1 của mệnh lệnh nói: “bun bên tay trái, bu bên tay phải”. Bun là văn, sự học, là cây bút, trong khi bu là võ, nghệ thuật chiến tranh, từ đó chữ bushi là võ sĩ, bushido là võ sĩ đạo. Như thế Điều 1 nói “quyển sách bên tay trái, thanh gươm bên tay phải”, và văn đi trước võ, để có thể trị nước lâu bền. Các võ sĩ Nhật dần dần trở thành giai cấp cầm quyền có học. Ở Nhật Bản, cầm quyền là việc của giai cấp của samurai, cha truyền con nối, không phải việc của các Khổng nho như ở Trung Hoa hay Việt Nam, Triều Tiên. Khổng nho cao lắm chỉ được làm tư vấn với đồng lương thấp. Nhật Bản cũng có xếp hạng “sĩ, nông, công, thương” (shi, nō, kō, shō) dưới ảnh hưởng của Khống giáo Trung Hoa, nhưng ở đây  không phải là nho sĩ, mà là võ sĩ.
Các daimyō giờ đây phải học văn hoá, các loại khoa học và nghệ thuật quản lý đất nước. Một daimyō có học phải đọc sách hằng ngày. Để phục vụ cho việc học tập của daimyō, và các gia thần, thư viện được thành lập, sách vở được sưu tầm một cách qui mô, và trở thành biểu tượng cho tri thức. Thư viện bao gồm các loại sách về lịch sử Nhật Bản và Trung Hoa, các sách về Khổng giáo, Phật giáo và Thần giáo; sách về nghệ thuật quân sự, chiến lược quân sự, địa lý, thiên văn, kinh tế, toán học, y khoa và vô số sách về văn chương cổ điển. Bản thân tướng quân Ieyasu từng lập thư viện cho mình. Nhật Bản mỗi thời đều có những thư viện nổi tiếng, nhưng vào thời Tokugawa, Nhật Bản có nhiều thư viện nhất chưa bao giờ thấy trước đó. Fukuzawa Yukichi (1835-1901) đã ghi lại trong “Tây dương sự tình” sự quan sát đặc biệt của ông về các thư viện phương Tây khi ông có dịp đi tham quan:
Trong những thành phố lớn của phương Tây đều có các sưu tập sách được gọi là “thư viện”, ở đó tất cả được sưu tầm, từ sách cho nhu cầu hàng ngày đến những loại sách hiếm, và sách trong nước cũng như từ nước ngoài. Người dân đến và có thể đọc quyển sách mình muốn, dù không phải là mỗi ngày. Thư viện Anh có 800.000 quyển, của St. Peterburg 900.000, và của Paris 1,5 triệu. Người Pháp nói rằng, nếu đem tất cả sách xếp nối đuôi nhau, chúng ta sẽ có một chiều dài 7 dặm
.Phát triển giáo dục
Văn hoá đọc sách gắn liền với giáo dục. Tokugawa là thời kỳ của sự bùng nổ giáo dục, hệ thống trường học, phục vụ cho nhiều đối tượng, nhiều đẳng cấp, trường trung ương của shogun, trường phiên của các daimyō, trường tư, cho dân thường và trường hỗn hợp cho cả samurai và dân thường. Vài con số dưới đây sẽ làm chúng ta thêm ngạc nhiên để thấy mối tương quan giữa văn hoá đọc và giáo dục.
Ngoài những trường chính thống dành cho giai cấp samurai của Mạc phủ, như “Hàn lâm Khổng giáo”, Shōheikō, thành lập năm 1630, và trường của các phiên, còn có các loại trường như trường terakoya cho thường dân; trường gōgaku dành cho cả con em samurai lẫn thường dân học chung, được chính thức hỗ trợ từ nhà nước, báo trước loại giáo dục hiện đại phi đẳng cấp sẽ ra đời thời MinhTrị. Ngoài ra có loại trường tư thục, shijuku, privat academies, với khoảng 1.500 trường, từ qui mô nhỏ vài ba chục đến qui mô lớn cả ngàn sinh viên, cạnh tranh với các trường trung ương hay trường phiên, dành cho cả samurai và thường dân mọi tầng lớp.
Tại phiên Chōshū, một trong những phiên quan trọng trong việc lật đổ Mạc phủ để phục hồi thiên hoàng, nhiều samurai nổi loạn và trở thành lãnh đạo của chính phủ Minh Trị đã từng là học trò của nhà yêu nước Yoshida Shōin (1830-1859) tại trường tư thục do ông thành lập. Shijuku thường phục vụ cho giáo dục cao cấp (advanced education), đi vào nghiên cứu, là trường của những người muốn tiến thân vào học thuật. Đó là loại trường “vườn ươm nhân tài”, bất kể từ đâu đến, samurai hay thương gia, thầy tu, tạo nguồn nhân lực quốc gia, jinzai (nhân tài, human resource), điều cũng được các giới chính quyền trung ương và địa phương ủng hộ. Theo tinh thần của jinzai, việc tuyển mộ nhân sự được dựa trên cơ sở tài năng hơn là nguồn gốc thân thế, và tài năng có thể đi từ phiên này sang phiên khác sống. Ngoài ra còn các trường dạy nghề và trường tôn giáo.
Năm 1868 khi Nhật Bản Minh Trị bắt đầu cuộc duy tân, cả nước đã có 17.000 trường đủ mọi loại! Đây cũng là một con số ‘khủng’ nữa. Hàng triệu người đã được học hành. [Việt Nam có được bao nhiêu trường học và học sinh lúc đó? Nam Kỳ lúc đó vừa trở thành thuộc địa Pháp.] Có một ước tính theo đó cuối thời Tokugawa Nhật Bản có khoảng trên 40 phần trăm con trai và 10 phần trăm con gái nhận được giáo dục ngoài gia đình. Nhà nước không sợ sự phát triển giáo dục trong nhân dân, và dân chúng cũng đồng tình để cải thiện vị trí xã hội của mình. Phát triển đất nước cần những người có học. “Việc đầu tiên cần thiết cho sự trị vì một nhà nước là năng lực con người. Mà năng lực con người thì đến từ sự học” như học giả Khống giáoDazai Jun (1686-1747) viết.
Qui mô của trường Nhật cũng không kém phần ngạc nhiên. Trường Shōheikō được xây dựng lại năm 1799 thực tế không phải là một ngôi trường, mà là một campus to lớn, nhiều dãy nhà ngang dọc, nhiều đường phố trong đó, với một đền thờ Khổng tử lớn tại trung tâm, nó là một cái làng học thuật và đào tạo  đúng hơn là một cái trường đơn giản theo quan niệm của chúng ta. Trường Nisshinkan tuy có thể nhỏ hơn nhưng cũng rất lớn. Chúng ta biết rằng tại Hoa Kỳ, các đại học dạng campus hình thành chủ yếu từ Luật giao đất Morrill năm 1862 trước khi cuộc nội chiến chấm dứt. Phải chăng, xét về qui mô, các trường của Nhật Bản thời Tokugawa đã đi trước các đại học campus của Mỹ gần cả trăm năm?
Nước Nhật bước vào hiện đại hoá không phải từ tro tàn của chế độ cũ, mà ngược lại, được xây dựng trên một nền móng văn hoá đã phát triển cao, đa dạng về nội dung học, và vững chắc. Năm 1872 (cũng là năm sinh của cụ Phan Châu Trinh), tức chỉ bốn năm sau khi vua Minh Trị được phục hồi, một chế độ giáo dục cưỡng bách toàn dân được thực hiện trên khắp nước Nhật, một kỳ công. Điều này sẽ khó có thể  được nếu Nhật Bản Tokugawa không có gì cả. Năm 1900 Nhật Bản có tỉ lệ người biết chữ cao hơn tỉ lệ của Anh. Đó là một môi trường văn hoá tốt và thiết yếu cho sự phát triển mạnh của khoa học và kỹ thuật.
Nếu đầu thời kỳ Tokugawa lưỡi gươm là quan trọng, thì vào cuối thời Tokugawa thì quyển sách là quan trọng hơn.
Trước áp lực của nguy cơ nước ngoài sự học cổ điển dần dần được hiện đại hoá bằng các môn học phương Tây. Các môn tri thức quân sự, luyện kim, vẽ bản đồ, y khoa, hoá học…, cũng như các môn học về các thể chế chính trị, kinh tế các quốc gia phương Tây có sức hút mạnh mẽ. Các daimyō biết nhìn xa gửi sinh viên tài năng đi học tại Nagasaki hay tại những trường Lan học tại Edo và Osaka. Và trong những năm 1850, 1860 họ thành lập các trung tâm Tây học tại các phiên của họ. Các nhà lãnh đạo của Minh Trị Duy Tân như Saigō của phiên Satsuma, Kido, Itō và Inoue của Chōshū, Soejima và Okuma của Saga, Gotō, Sakamoto và Sasaki của Tosa, Yuri của Fuki, Mutsu và Katsu của Mạc phủ, tất cả đều đã một lần học tại Nagasaki, trung tâm Lan học hiện đại của cả đất nước.
Sự phát triển giáo dục thời Tokugawa gắn liền với sự phát triển văn hoá Edo. Edo là thời kỳ của nghệ thuật và học thuật. Tokugawa chọn con đường đóng kín không phải để suy tàn, mà ngược lại, để phát triển bản sắc Nhật Bản không bị phá rầy, đưa sức sống của dân tộc lên đỉnh cao văn hoá và nghệ thuật, vun xới đạo đức và bản sắc. Đó là thời kỳ của sự tự tôi luyện, sự quyết tâm tự khẳng định mình, biến đổi miếng đất hoang sơ thành một vườn hoa sặc sỡ, phát triển các hình thái nghệ thuật lên cao nhất, để bản sắc Nhật Bản trở thành nền tảng không lung lay được trong thời mở cửa xáo trộn sau, để tài năng Nhật Bản được tinh luyện làm niềm tin của dân tộc. Khi mở cửa, nghệ thuật Nhật Bản đã chinh phục được các quốc gia phương Tây và quốc gia được nể phục.

Tấm bình phong sơn mài hoa Iris của Ogata Kōrin (1658-1716), bậc thầy tiên phong về hội hoạ thời Edo, là thời đại hưng thịnh của nghệ thuật, để lại dấu ấn mãi mãi trong lịch sử Nhật Bản. Otaga Kōrin là tấm gương lớn của những người trường phái ấn tượng đầu tiên của Pháp. Các cuộc triển lãm tranh nghệ thuật của nghệ sĩ Nhật Bản nửa cuối thế kỷ 19 trong thời mở cửa tại châu Âu cũng như tại Hoa Kỳ đã mang đến cho Nhật Bản một sự công nhận lớn trong lãnh vực nghệ thuật. Không phải chỉ có phương Tây chiếm lĩnh Nhật Bản qua các hiệp định thương mại, mà Nhật Bản đã chiếm lĩnh sân khấu nghệ thuật phương Tây qua nghệ thuật. Van Gogh cũng chịu ảnh hưởng của hội hoạ Nhật Bản. Nhiều người Mỹ thừa nhận tính ưu việt của nghệ thuật Nhật Bản. Một làn sóng lớn, “tsunami”, du lịch từ phương Tây, nhất là từ Hoa Kỳ đã đổ sang Nhật Bản vì sự ngưỡng mộ dân tộc đặc biệt này. Người Nhật cảm thấy tự tin khi bước vào sân chơi của cộng đồng các cường quốc. (Ảnh: nguồn Wikipedia)
Lan học, cuộc dịch thuật vĩ đại
Còn một sự kiện ‘khủng’ khác cần được nói lên ở đây. Đó là cuộc dịch thuật vĩ đại hai thế kỷ của giới trí thức Nhật Bản trong thời Tokugawa tự đóng cửa. Sáu năm sau khi Copernicus qua đời (1543) và tác phẩm cách mạng Về chuyển động quay của các thiên thể xuất bản, Nhật Bản tiếp xúc với những người phương Tây đầu tiên. Nhưng năm mươi năm sau, Nhật Bản, như chúng ta biết, chọn con đường đóng kín cửa, “toả quốc”, sakoku, từ 1640 (Việt Nam từ 1630), khi thấy sự phát triển của Kitô giáo là nguy hiểm cho tinh thần dân tộc và cho quyền lực. Nhật Bản chỉ chừa một cửa thông thương duy nhất với Hà Lan tại Dejima, Nagasaki. Sự đóng kín này kéo dài cho đến hết thời Tokugawa năm 1868. Vậy mà trong điều kiện đó, đây là điều Việt Nam không có, trí thức Nhật Bản đã làm một cuộc dịch thuật vĩ đại sách vở phương Tây. Tuy không quyển sách nào thoát khỏi bàn tay kiểm duyệt nghiêm ngặt của Mạc phủ, tuy giới học giả phải làm việc trong điều kiện khó khăn, đôi khi phải trả giá bằng tính mệnh, nhưng họ đã làm nên mộtcuộc dịch thuật vĩ đại từ cái được gọi là Lan học, rangaku, Dutch learning (“Lan” là gọi tắt của Hà Lan), bắt cầu cho khai trí, khoa học, kỹ thuật để Minh Trị Duy Tân bước tới mạnh mẽ.
Trí thức Nhật, nhất là giới bác sĩ, đặc biệt chú ý đến khoa học kỹ thuật từ châu Âu qua các tác phẩm dịch từ tiếng Hà Lan. Họ nhìn thấy trong đó một nền văn minh mới xuất hiện, và ý thức rằng, nếu một ngàn năm trước Nhật Bản đã từng gửi học giả và tăng lữ sang Trung Hoa để học văn hoá, thì nay, họ cũng đang đứng trước một nền văn minh mới đồ sộ cần phải học hỏi, và họ phải tự học trong sự dè chừng của Mạc phủ. Qua Lan học – hay Tây học qua tiếng Hà Lan – người Nhật học hầu như tất cả các môn khoa học và công nghệ phương Tây: y khoa, sinh học, thiên văn, toán học, vật lý, hoá học, điện, cơ học, máy bơm, đồng hồ, máy hơi nước, kính thiên văn, kính hiển vi, luyện kim, đúc súng, đóng tàu…Họ thường xuyên theo dõi sự tiến bộ khoa học công nghệ châu Âu. Các thương nhân Hà Lan ngay từ đầu được Mạc phủ yêu cầu hàng năm viết báo cáo (fūsetsugaki) cho chính phủ tướng quân về tình hình thế giới, và về cuộc cách mạng công nghệ và khoa học ở châu Âu.
Từ thế kỷ 18, tức khoảng một thế kỷ sau tác phẩm Principia của Newton, các học giả Lan học đã nắm bắt được vật lý Newton, họ đã dịch được các khái niệm như “trọng lực” (jūryoku), “lực hút” (inryoku), “lực ly tâm” (enshinryoku), “khối tâm” (jūten, centre of mass) vẫn còn được sử dụng ngày nay. Các học giả Lan học đã hiểu các hiện tượng điện, tĩnh điện, hiểu nguyên lý ắc-quy của Volta đầu thế kỷ 19, chỉ mấy năm sau khi Volta phát minh ở châu Âu. Họ hiểu hoá học của Lavoisier, có thể chế tạo kính thiên văn không lâu sau Hans Lippershey và Galilei đầu thế kỷ 17; chế tạo đồng hồ, máy bơm, súng hơi, chế tạo những con búp bê cơ khí tự động phục vụ trà. Đặc biệt máy hơi nước được Nhật Bản chế tạo lần đầu tiên năm 1853. Người Nhật đã đóng được tàu chiến chạy hơi nước chỉ hai năm sau cuộc gặp gỡ lịch sử với Commodore Perry 1853. Tất cả cũng chỉ dựa trên bản vẽ. Một quan chức Hà Lan bình luận rằng “Tuy có những sự không hoàn chỉnh về chi tiết, nhưng tôi phải ngã mũ trước dân tộc thiên tài có khả năng chế tạo những thứ này mà họ không hề thấy một chiếc máy thực ngoài đời, chỉ dựa trên các bản vẽ đơn thuần.”
Cuộc dịch thuật diễn ra trong hai thế kỷ với hàng ngàn cuốn sách được xuất bản và truyền bá trong giới học thuật, làm cho người ta nhớ đến cuộc dịch thuật vĩ đại văn minh Hy Lạp cổ đại và Ả rập vào châu Âu hai thế kỷ 11 và 12 đúng lúc đại học châu Âu đang hình thành, làm cho đại học và khoa học châu Âu  phát triển mạnh mẽ. Chỉ có khác một điều: trong khi cuộc dịch thuật ở châu Âu được phần lớn các học giả Ả rập thực hiện thì ở Nhật Bản cuộc dịch thuật được do chính người Nhật thực hiện, những người được đào tạo từ một nền văn hoá rất khác. Phương Đông chưa có cuộc dịch thuật nào như cuộc dịch thuật Nhật Bản phản ảnh trung thực nền khoa học kỹ thuật phương Tây. (Cuộc dịch thuật ở Trung Hoa bởi các nhà truyền giáo bóp méo một phần khoa học vì mục tiêu truyền giáo, và gặp sức ỳ mãnh liệt của sự tự mãn văn hoá Trung Hoa). Đây là một sự lặp lại kỳ thú của lịch sử giữa Tây và Đông. Hai trăm năm dịch thuật ở Nhật Bản Tokugawa cũng là thời gian tại châu Âu diễn ra các cuộc cách mạng khoa học, công nghiệp dữ dội, tạo nên sự mất cân bằng lực lượng nghiêm trọng trên thế giới dẫn tới thay đổi lớn lao chưa từng có trong lịch sử loài người. Người Nhật đã biết tiếp cận các cuộc cách mạng đó từ xa để chuẩn bị mình.
Người Nhật không thể yêu nước trong sự mê muội, vô minh, lại càng không yêu nước bằng những nội dung khuôn sáo không thực chất. “Chúng ta cảm thấy xấu hổ làm sao khi khám phá ra sự ngu dốt của mình” với tư cách là người phục vụ đại danh và đất nước, như một lời tự thú của Siguta Gempaku (1733-1817), một bác sĩ tên tuổi và là người đã tạo cú hích quan trọng cho Lan học cuối thế kỷ 18, sau khi ông chứng kiến rằng cấu trúc của cơ thể con người không giống như sách vở của Trung Hoa hay Nhật Bản bấy lâu nay, mà giống chính xác các bản vẽ cơ thể học của một quyển sách từ phương Tây (Tafel Anatomia), sau đó được Gempaku và các đồng nghiệp dịch ngay sang tiếng Nhật, tạo cú hích mạnh mẽ cho phong trào Lan học.
Kết luận
Nói tóm lại, Nhật Bản là một dân tộc có óc tò mò không bao giờ nguôi, tinh thần khao khát học hỏi cái mới mãnh liệt không bao giờ tắt, và khả năng hiểu biết nhanh chóng, để hoàn thiện mình, để bảo vệ đất nước, để “kiểm soát những người man di bằng tri thức của họ”, và vì thế họ đọc sách dữ dội, và đã thành công dữ dội. Thế kỷ thứ bảy và tám họ đã từng vượt biển trong hiểm nguy để học văn hoá Trung Hoa đem về xây dựng nền tảng văn hoá riêng của họ. Rồi một ngàn năm sau, cũng trong khó khăn và nguy hiểm, giới trí thức đã tiến hành cuộc dịch thuật văn hoá phương Tây hai thế kỷ liền, và từ 1868 trở đi một cách bùng nổ, để có thể nhanh chóng hiện đại hoá đất nước với mục tiêu trở thành ngang bằng với các cường quốc phương Tây. Đó là hai sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử văn hoá nước Nhật. Và họ đã thành công. Họ bỏ lại Trung Hoa từng là trung tâm văn hoá đối với họ, để rồi chính Trung Hoa sau đó phải học lại họ. Nhật Bản đã từng trở thành trung tâm văn hoá mới và niềm hy vọng ở phương Đông, thay thế cho cái trung tâm Trung Hoa cũ đang rệu rã.
Nhật Bản là tấm gương “tổng hợp văn hoá Đông Tây” của thế giới mà không mất đi bản sắc sâu đậm của mình. Họ là một tấm gương tuyệt vời của sự tự-khai trí vươn lên. Họ đóng cửa mà không hư hỏng hay hỗn độn. Ngược lại, họ đóng cửa để phát triển các tố chất dân tộc thành tinh hoa, làm bước chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp vững chắc, không chao đảo khi mở cửa ồ ạt thời Minh Trị. Họ là một dân tộc văn hoá đáng kính phục.
Charles Darwin nói đâu đó trong lá thư gửi cho một người bạn, rằng đối với ông Nhật Bản là một kỳ quan trong những những kỳ quan của thế giới, nếu không muốn nói là kỳ quan lớn nhất.
Chúng ta người Việt Nam nên học văn hoá đọc sách độc đáo của người Nhật, óc tò mò của họ, học để sáng tạo cho đất nước. Nếu chỉ học với mục đích có được một nghề để sống, điều đó quý cho bản thân, gia đình, nhưng dễ dẫn đến sự tự mãn làm cho người ta không đọc sách nữa khi đã đạt được mục đích. Với tinh thần đó, Việt Nam chỉ có cá nhân chứ không có quốc gia. Chỉ có đọc sách với tinh thần người Nhật là muốn hiểu biết thế giới đã, đang nghĩ gì, làm gì để tái tạo tinh hoa thế giới và sáng tạo cái mới làm giàu đất nước Việt Nam, điều đó mới giúp cho chúng ta đọc sách mãi mãi không thôi, đọc cuồng nhiệt trong thế giới tri thức vô tận. Và chỉ trên cơ sở đó, văn hoá đọc mới có thể thăng hoa. Không phải chỉ vài ngàn, mà hàng triệu các bản sách hay mới có thể được đọc giả hâm mộ và háo hức đón nhận. Và cũng chỉ trên cơ sở đó, nhân dân mới nhanh chóng ấm no, đất nước mới phú cường, giang san mới bền vững.

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...