Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Nhiều người không biết mình bị viêm gan C

Việt Hà, phóng viên RFA
Dụng cụ xét nghiệm nhanh viêm gan C, ảnh minh họa chụp tại Paris, Pháp hôm 13/4/2016.
Dụng cụ xét nghiệm nhanh viêm gan C, ảnh minh họa chụp tại Paris, Pháp hôm 13/4/2016.
 AFP
Viêm gan C, căn bệnh có thể dẫn đến ung thư gan vốn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư hiện rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, có quá nhiều người không biết mình bị viêm gan C cho đến khi đã quá muộn.

‘Sát thủ’ thầm lặng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cả thế giới có khoảng 170 triệu người mắc bệnh viêm gan C, trong đó có khoảng 94 triệu người đang sống ở các nước châu Á. Chuyên gia y tế cảnh báo rất nhều người trong số họ không biết mình đang mang virut viêm gan C.
Nói về tình trạng này, bác sĩ Trâm Trần, chuyên gia các bệnh về gan thuộc trung tâm y tế Cedars-Sinai ở California, Hoa Kỳ, cho biết:
Tôi cho rằng đúng là bệnh viêm gan C hiện rất phổ biến trên thế giới. Có khoảng 170 triệu người trên thế giới đang bị nhiễm bệnh viêm gan C. Phần đông các bệnh nhân viêm gan C là ở các nước châu Á, khoảng 94 triệu người. Cho nên viêm gan C ở châu Á từ lâu đã là một vấn đề và điều quan trọng hơn nữa là nhiều người không biết là mình mắc bệnh viêm gan C vì bệnh lúc đầu thường không có triệu chứng gì. Cho nên họ cứ nghĩ là họ vẫn khỏe mạnh và không biết mình đang mang bệnh.
Viêm gan C ở châu Á từ lâu đã là một vấn đề và điều quan trọng hơn nữa là nhiều người không biết là mình mắc bệnh viêm gan C vì bệnh lúc đầu thường không có triệu chứng gì.
-BS Trâm Trần
Theo giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, hai loại virut viêm gan B và C đang phát triển rất mạnh tại Việt Nam, và là những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan ở Việt Nam.
Hiện giờ số liệu chung thì virus B và C đang phát triển nhiều, hai con virus đó chịu trách nhiệm chính về ung thư gan. Ung thư gan ở người đàn ông cùng với ung thư phổi là cao nhất, 40 người trên 100,000 người đàn ông. Con số đó ở phụ nữ chỉ chiếm 1/3.
Thường những người mới bị viêm gan C không có triệu chứng gì rõ rệt vì vậy họ cũng không biết mình đã bị viêm gan C. Những triệu chứng thường thấy của viêm gan C bao gồm vàng da, vàng mắt. Khi người bệnh đã phát hiện những triệu chứng này thì thường là đã muộn vì gan đã bắt đầu bị sẹo hay còn gọi là xơ gan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng gan và có thể dẫn đến ung thư sau này.
Bác sĩ Trâm Trần cho biết, việc xét nghiệm máu để phát hiện viêm gan C rất đơn giản và rẻ tiền nhưng không phải ai cũng cần phải làm xét nghiệm này.
Trong những thăm khám định kỳ hàng năm thông thường, người ta có thể sẽ không phát hiện được là mình bị bệnh viêm gan C. Nhưng đối với những trường hợp có rủi ro viêm gan C cao ví dụ như đã từng truyền máu, tiêm chích, hoặc phơi nhiễm với máu và các dịch cơ thể khác và quan hệ tình dục không an toàn thì họ cần phải được kiểm tra máu để tìm viêm gan C. Ngay cả khi họ không có triệu chứng gì ở những lần thăm khám định kỳ, họ vẫn được khuyên là nên kiểm tra máu để tìm viêm gan C. Thử máu này rất đơn giản và rẻ tiền. Nếu người đó âm tính với virut thì có nghĩa là họ không bị viêm gan và họ không phải kiểm tra thường xuyên hàng năm trừ khi họ tiếp tục bị phơi nhiễm sau đó.
Viêm gan C thường lây lan qua đường máu và các dịch của cơ thể. Tại Việt Nam, phần đông các trường hợp bị nhiễm viêm gan C qua đường truyền máu. Bác sĩ Trâm Trần nói tiếp:
Viêm gan C lây lan chủ yếu qua đường máu. Ở Việt Nam việc lây nhiễm chủ yếu qua tiêm chích, truyền máu mà không được kiểm tra viêm gan C. Ngoài ra người ta cũng có thể nhiễm virut vì dính máu qua những việc thông thường như cạo gió chẳng hạn. Nếu họ tiếp xúc với máu và các dịch cơ thể có nhiễm virut thì họ đều có nguy cơ bị lây nhiễm.

Có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng còn nguy cơ ung thư

067_297616.jpg 
Thuốc điều trị viêm gan C, ảnh minh họa chụp năm 2014. AFP
Bệnh viêm gan C trước kia thường được điều trị bởi dạng thuốc tiêm là interferon. Người bệnh thường được tiêm thuốc mỗi tuần một lần. Bên cạnh đó, người bệnh còn phải uống thêm một dạng thuốc viên gọi là ribarivin. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công, tức chữa khỏi bệnh hoàn toàn chỉ khoảng 50%. Bên cạnh đó, thuốc tiêm cũng gây nhiều tác dụng phụ đến mức có những bệnh nhân không chịu nổi, phải ngưng thuốc.
Trong khoảng 4 năm trở lại đây, thế giới đã tìm ra những loại thuốc kết hợp mới có tỷ lệ thành công cao đến 95%, giảm phản ứng phụ của thuốc. Bác sĩ Trâm Trần cho biết:
Những nghiên cứu lâm sàng đối với phương pháp điều trị mới ở bệnh nhân đã bị sẹo gan cho thấy bệnh nhân có đáp ứng tốt với điều trị. Tỷ lệ thành công vẫn ở mức 90 đến 95%.
Hai loại thuốc mới được dùng chủ yếu trong điều trị viêm gan C là Sofosbuvir và daclatasvir. Những thuốc này khi mới được đưa ra thị trường vào khoảng năm 2014 có giá rất cao. Để điều trị khỏi bệnh viêm gan C với những thuốc này trong thời gian khoảng 12 tuần, người bệnh tại Mỹ phải trả đến 80 ngàn đô la tiền thuốc. Tuy nhiên, gần đây đã có thêm nhiều loại thuốc khác tương tự như hai loại thuốc này được bào chế và bán ở các nước với chi phí thấp hơn rất nhiều. Tại Mỹ, theo bác sĩ Trâm Trần, giá một lần điều trị viêm gan C hiện tại chỉ còn khoảng 40 ngàn đô la. Ở những kém phát triển hơn, thuốc cũng được bán với giá thấp hơn với chi phí một liệu trình điều trị trong vòng 6 đến 12 tuần được ước tính khoảng 48 triệu đồng.
Những người đã điều trị thành công với thuốc mới sẽ không còn virut viêm gan C trong người nhưng vẫn còn những rủi ro với ung thư gan. Bác sĩ Mark Sulkowski, Giám đốc Trung tâm về Viêm gan của đại học John Hopkins cho biết:
Bệnh viêm gan càng được điều trị sớm bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Chúng tôi có thể điều trị được viêm gan C nhưng ung thư gan thì phức tạp hơn nhiều.
-BS Trầm Trần
Loại điều trị này điều trị dứt điểm nên chúng tôi trông đợi là bệnh không quay lại với hai điều kiện. Thứ nhất là người ta vẫn có thể lây nhiễm bệnh trở lại cho nên khi họ điều trị khỏi thì vẫn nên cẩn trọng. Thứ hai là với những người dù đã hết virut nhưng đã có xơ gan tiến triển. Với những bệnh nhân này, chúng ta cần cẩn trọng theo dõi bệnh gan của họ để tránh cho họ bị bệnh gan sau này. Cho nên với người có virut viêm gan C trong máu nhưng được chữa khỏi hoàn toàn thì có thể không cần theo dõi sau đó nhưng với người đã có xơ gan thì cần phải theo dõi những biến chứng sau đó có liên quan đến xơ gan.
Vì vậy, bác sĩ Trầm Trần khuyến cáo người bệnh nên tầm soát bệnh để phát hiện bệnh sớm trước khi để gan bị xơ.Theo bà, dù đến lúc đó bệnh viêm gan C có thể chữa khỏi nhưng nguy cơ ung thư gan vẫn còn cao hơn so với những người không có xơ gan.
Một khi bạn đã sạch virut thì chúng tôi hy vọng là bạn sẽ không còn các triệu chứng vàng da vàng mắt. Nhưng rủi ro ung thư gan dù thấp hơn nhưng vẫn còn cao hơn so với người không bị gan. Cho nên chúng tôi hy vọng là họ phát hiện bệnh trước khi gan bị sẹo thì sẽ giảm nguy cơ rủi ro bị ung thư gan. Cho nên chúng tôi muốn tránh tình trạng bị sẹo gan. Vấn đề ung thư gan hiện cũng là vấn đề đáng ngại ở Việt Nam.  ở khu vực đông nam Á nói chung bệnh này cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Cho nên bệnh viêm gan càng được điều trị sớm bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Chúng tôi có thể điều trị được viêm gan C nhưng ung thư gan thì phức tạp hơn nhiều.
Mặc dù liệu trình điều trị mới của viêm gan C được cho là rất cao, đến khoảng 95%, nhưng vẫn có một số trường hợp nhất định không đáp ứng với thuốc. Theo bác sĩ Trâm Trần, nguyên nhân là những người này đã nhiễm virut có biến đổi gene và loại virut này không có đáp ứng với thuốc. Tuy nhiên, bác sĩ Trâm Trần cho biết, các nhà khoa học Hoa Kỳ đang tiến hành những nghiên cứu để tìm ra cá loại thuốc kết hợp khác mạnh hơn và có thể điều trị được những virut đã biến đổi gene. Bà hy vọng là nghiên cứu mới sẽ có những thành công.
Nói về vaccine cho viêm gan C, bác sĩ Trâm Trần cũng cho biết trong tương lai gần sẽ khó có thể có vaccine đối với loại virut này vì chúng biến đổi rất nhanh. Cách tốt nhất vẫn là phòng bệnh và điều trị bệnh kịp thời. Theo bà, rủi ro về những virut biến đổi gene không thể điều trị được bằng thuốc cũng rất thấp vì con số người mắc những loại virut này cũng không nhiều.
Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa
Việt Hà xin chào tạm biệt và xin hẹn gặp lại vào thứ ba tuần tới.

1 nhận xét:

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...