Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

Quái bệnh thích tự cắt tay chân: Giáo sư, tiến sĩ cũng mắc

Khi người đàn ông cụt chân đến gặp, TS Michael First ở Brooklyn (Mỹ) rất bất ngờ khi biết người này đã tự cắt cụt chân cho dù chúng hoàn toàn bình thường.   

TS First, giáo sư tâm thần học ĐH Columbia quen người đàn ông qua cuộc điều tra về một tình trạng tâm thần kỳ lạ và rất hiếm hoi mà ông gọi là Chứng rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID).
Quái bệnh thích tự cắt tay chân: Giáo sư, tiến sĩ cũng mắc
"Nó vượt ra khỏi mọi quan niệm về hành vi bình thường”, ông ước tính trên thế giới có vài ngàn người mắc bệnh.
Ông nằm trong số nhóm nhỏ các nhà tâm lý học và tâm thần học đang cố xác định sự rối loạn này, tìm hiểu nguồn gốc của nó và cố đưa nó vào bách khoa tâm thần học.
Thông thường, ý tưởng cắt bỏ bộ phận nào đó trên cơ thể chỉ xuất hiện trong những trường hợp muốn chuyển đổi giới tính, phẫu thuật thẩm mỹ…
Nhưng khát khao ước muốn cực đoan tới ám ảnh là phẫu thuật cắt cụt tay chân, dù chúng khỏe mạnh hoàn toàn - thì quả thật là quái bệnh.
Hội chứng BIID khiến người mắc bệnh tự gây thương tích cho mình bằng súng, cưa, hay dao kéo trong một nỗ lực tuyệt vọng là loại bỏ chi trên cơ thể. Có người đàn ông đã chết vì hoại tử sau khi tự cắt cụt chi tại Tijuana, Mexico.
Khát khao được tàn phế
Những người mắc hội chứng kỳ quái này luôn khao khát “được” tàn phế, dù tinh thần rất bình thường. Họ luôn có cảm giác một phần cơ thể của họ, như tay hay chân, là thừa. Họ cảm thấy lạ lẫm và ghê tởm với chính một phần cơ thể của mình, thậm chí có thể khoanh đúng ranh giới của phần cơ thể muốn “xẻo” đi.
Kể từ năm 1977, người ta bắt đầu đặt một số tên gọi cho hội chứng này. Năm 2000, TS Gregg Furth, một nhà tâm lý học ở New York xuất bản cuốn sách nói nói về chứng bệnh mà ông gọi là rối loạn nhận dạng chi.
Đáng nói là, bản thân tiến sĩ Furth từ khi còn nhỏ đã mong muốn có chân phải bị cắt cụt tới gối.
Ông viết cuốn sách với TS Robert Smith, người mà ông gặp sau khi tìm kiếm một bác sĩ phẫu thuật để thực hiện mong muốn cắt chi của mình. Khi Furth tìm ra Smith ở Scotland, thì Smith đã thực hiện 2 cuộc phẫu thuật tương tự. Ông đã đồng ý phẫu thuật cho Furth sau khi tham vấn hai bác sĩ tâm thần. Nhưng vào năm 2000, bệnh viện của Smith ở Glasgow nghiêm cấm việc này.
Do đó, Furth không bao giờ thực hiện được mong muốn của mình.
Quái bệnh thích tự cắt tay chân: Giáo sư, tiến sĩ cũng mắc
Tên mới nhất của chứng bệnh này - hội chứng rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể lần đầu tiên được TS First của Columbia chia sẻ trên tạp chí Y khoa Psychological năm 2004.
Trong bài báo, ông mô tả kết quả điều tra 52 người mắc bệnh, 9 người trong số này đã cắt bỏ chi của mình cho dù chúng hoàn toàn bình thường.
Theo TS First, những người mắc hội chứng BIID thường có khái niệm và mong muốn rõ ràng về số lượng cũng như vị trí tay chân họ muốn cắt bỏ. Phổ biến nhất là chân trái cắt cụt tới đầu gối, ít hơn là cắt 1 ngón tay hay ngón chân. "Một số người biết đích xác nơi họ muốn cắt cụt", ông nói. "Không chỉ ở trên đầu gối, mà là cách đầu gối 4cm”.
Vẫn chưa ai biết chắc chắn điều gì gây ra hội chứng này hay cách điều trị thế nào. Một người đàn ông trong nghiên cứu của TS First luôn ám ảnh nỗi mong muốn cụt cả 2 chân. Sau một tai nạn súng ngắn, ông mất cánh tay trái. Tuy nhiên cánh tay cụt không thể làm giảm bớt mong muốn có đôi chân cụt của người đàn ông này.
3 tuổi đã ám ảnh muốn cắt tay chân
Trong nghiên cứu của First, hơn một nửa số người đã tàn tật khi còn trẻ tuổi.
Một bệnh nhân tham gia nghiên cứu của TS First chia sẻ: “Tôi chỉ cảm thấy đôi chân không có tác dụng gì. Ngay từ khi còn 3-4 tuổi, tôi đã rất thích chơi đùa với chiếc gậy giống như nạng gỗ. Tôi thích thú khi nghĩ rằng giống như mình mất một chân”.
Không ai trong số các đối tượng nghiên cứu của TS First báo cáo đã điều trị tâm lý hay thuốc. Và người mắc chứng bệnh này về cơ bản có cuộc sống khá bình thường. "Họ có gia đình, họ làm mọi công việc từ bác sĩ đến luật sư, thậm chí là cả giáo sư”, ông cho biết.
Tháng 5/2003, bộ phim tài liệu "Whole" của Melody Gilbert phát trên kênh Sundance nói về một người đàn ông ở Florida đã tự bắn vào chân mình, để được phẫu thuật cắt bỏ trong phòng cấp cứu; và một người đến từ Liverpool, Anh đã bó chặt chân mình trong đá khô với lý do tương tự.
TS Smith - bác sĩ phẫu thuật người Scotland đã cắt bỏ chân cho 2 người trước khi bệnh viện ra lệnh cấm - hiện đang cố gắng để chứng bệnh này được cơ quan y tế quốc gia chính thức công nhận.
"Lời thề Hippocrates nói đầu tiên là giúp cho bệnh nhân không bị tổn hại, nhưng nếu từ chối điều trị cho các bệnh nhân có hội chứng này, sẽ khiến họ chịu đựng nỗi đau tinh thần vĩnh viễn. Và họ sẽ hài lòng cũng như sống hạnh phúc nếu bộ phận cơ thể được cắt bỏ", ông cho hay.
TS Furth thì đang cố gắng đưa hội chứng này được xếp hạng trong danh sách các bệnh rối loạn tâm thần, là bệnh lý rõ ràng và được chi trả bảo hiểm y tế.

Thái An(Theo New York Times).

Xem thêm :Rùng mình với lời khai của nhân viên y tế tự cắt chân

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...